Cuộc trò chuyện với anh Võ Hoàng Hiếu đã giúp các bạn trẻ có cái nhìn tổng quan về ngành Sáng tạo, đồng thời được truyền cảm hứng theo đuổi địa hạt rộng lớn này theo những cách riêng.
Sự nhộn nhịp của mảnh đất Sáng tạo màu mỡ đã và đang thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ tiến vào khám phá. Tuy nhiên, từ khoảnh khắc “bắt lửa” đam mê cho đến khi thực sự cảm thấy bản thân đã chọn đúng con đường sự nghiệp là cả một hành trình dài với nhiều trăn trở. Vì lẽ đó, với mong muốn mang đến góc nhìn cụ thể hơn cho các bạn trẻ đang có ý định theo đuổi ngành sáng tạo hoặc các tân binh trong ngành, Arena Multimedia đã có cuộc trò chuyện với anh Võ Hoàng Hiếu, cựu học viên Arena, hiện đảm nhận vị trí Head of Creative Department @ Biz-Eyes và còn được mệnh danh là “ông trùm” poster phim Việt.
Cuộc gặp gỡ với anh Võ Hoàng Hiếu đồng thời là dịp nhìn lại chặng đường hơn một thập kỷ miệt mài trong ngành sáng tạo của anh, với nhiều lời khuyên và bí quyết được đúc kết từ thực tế. Hy vọng qua cuộc trò chuyện này, các bạn sẽ hiểu thêm về ngành Sáng tạo và được truyền cảm hứng để dấn thân vào con đường theo đuổi đam mê theo những cách riêng của mình.
Hành trình làm nghề hơn một thập kỷ sáng tạo của “ông trùm poster phim Việt”
Không biết cơ duyên nào đưa anh Hiếu đến với ngành Sáng tạo?
Anh nghĩ bản thân cũng tự nhìn ra một chút tố chất của mình, nhưng người nhận rõ nó và nói thẳng với anh chính là mẹ. Thời còn học Mỹ Thuật Công nghiệp, mẹ bảo lý do mẹ phải vượt nhiều khó khăn để ủng hộ anh theo con đường là vì cảm thấy anh sẽ không thể làm gì khác được. Anh rất tệ tính toán, cũng không giỏi lao động dùng nhiều thể lực, còn không thích dậy sớm nữa cơ (cười). Thời đi học ngoài chuyện nghĩ ra chuyện này chuyện kia cho phong trào thì học hành bình thường. Tóm lại, anh là người không giỏi gì cả ngoài sáng tạo.
Thế, có thể nói cuộc đời sẽ cho bạn một vài dấu hiệu, một vài dữ liệu mà bạn phải nắm thời cơ chớp lấy. Mình không giỏi các môn tự nhiên, thế mình có gì hơn người khác? À, mình vẽ tốt hơn. Hay khả năng nắm bắt con chữ tốt hơn, viết một đoạn văn mô tả đặc sắc hơn người khác? Hay sự nhạy bén về màu sắc, hình ảnh, câu chuyện? Nắm bắt được những “dấu hiệu” ấy sẽ giúp ta biết bản thân có thể đi con đường nào.
Được người thân nhìn thấy tiềm năng và ủng hộ thật là may mắn. Còn với cá nhân anh, thời điểm mới bắt đầu, anh có tự tin về con đường mình đã chọn không?
Như anh đã nói, cuộc sống sẽ đưa cho mình một số dữ liệu. Nhưng hẳn nhiên anh không phải thiên tài, anh cũng có những băn khoăn. Ngày xưa, anh chỉ xác định được là mình sẽ không làm được gì khác ngoài việc này, chưa thể chắc chắn là việc này mình sẽ làm tốt. Lúc đấy anh cũng chỉ cắp cặp đi học, nào lý thuyết rồi vẽ, có những lúc chán nữa. Nhưng tất cả những điều đó góp phần tạo nên nền tảng cho chúng ta. Giống như bạn đã biết đi xe đạp rồi thì sẽ chẳng bao giờ quên cách đi vậy, nền tảng vẫn luôn ở đó, tạo tiền đề để các bạn xây dựng những thứ sau này. Hẳn nhiên, có nền tảng không có nghĩa là sẽ giỏi, có nền tảng là một chuyện, còn xây được ngôi nhà hay trồng được cái cây phải dựa vào chính bạn rồi. Anh nghĩ có 2 điều cần quan tâm: Điều gì bạn đã có sẵn và điều gì cần trau dồi. Xác định được năng khiếu rồi thì phải đào sâu, tìm hiểu rằng cần học thêm điều gì để tối ưu hóa tiềm năng của năng khiếu ấy.
Anh có thể chia sẻ thêm một chút về hành trình từ khoảnh khắc nhận ra “À, mình cũng có năng khiếu sáng tạo” đến cột mốc đầu tiên khiến anh tin rằng mình đã lựa chọn đúng hướng?
Chà, cũng phải 15 năm rồi nhỉ. Anh thuộc kiểu người học qua công việc, qua những va chạm thực tế, nên thời đại học anh vừa học vừa làm. Vừa vào năm nhất anh đã làm thêm việc bán thiệp Noel. Rồi thì công ty đúng nghĩa đầu tiên anh bén duyên là vào khoảng năm thứ hai, một công ty may túi xách. Công việc cũng nhàm chán, chỉ lên mạng tải hình ảnh về để in lên túi xách. Thế mà lúc đấy cũng nghĩ mình đang làm sáng tạo rồi đấy. Sửa hình này một chút, chỉnh tay chỗ kia một chút. Rồi thì đi làm việc cắt hộp đèn mica, sẽ vẽ chữ khách đặt hàng để đưa cho máy cắt. May sao sau đó anh được giới thiệu làm thiết kế cho một agency chuyên sản xuất gameshow, chương trình ca nhạc. Từ đó trở đi, anh bắt đầu con đường làm sáng tạo chuyên nghiệp.
Điểm sáng đầu tiên trong chặng đường dài ấy là thành công ở cuộc thi Vietnam Young Lion lúc anh đang học Arena. Thời điểm đó đây là cuộc thi nổi tiếng với rất nhiều agency quốc tế tham gia. Lần thi đầu bị loại, lần thi thứ hai được vào vòng trại sáng tác, giành giải và sau đó đại diện Việt Nam tham gia Liên hoan Quảng cáo Quốc tế Cannes Lions 2011 ở Cannes (Pháp).
Rồi thì cách đây ít năm, anh hứng thú và tìm hiểu lĩnh vực phim ảnh, sau đó tạo một số artwork cho phim. Sau thời gian rất dài làm agency, anh đã đóng góp chút công sức cho phần mỹ thuật của hơn chục bộ phim, cũng được tính là điểm sáng.
Trên hành trình theo đuổi đam mê hẳn cũng gặp không ít thách thức, anh có thể chia sẻ đến các bạn về những thời điểm khó khăn và cách anh vượt qua chúng?
Thật ra thử thách và khủng hoảng là điều bất cứ ai cũng phải đối mặt. Gen Z hiện nay nhiều bạn nếu cảm thấy quá áp lực thì sẽ suy nghĩ đến chuyện đổi định hướng khác, còn thế hệ của anh thì có phần sợ bị bỏ lại phía sau, nếu có mệt thì nghỉ ngơi một chút rồi lại lao về phía trước. Ý của anh là tuỳ thế hệ, tuỳ người mà có những cách giải quyết khác nhau. Có thể hiện tại mình vẫn đang ở trong khủng hoảng đấy, nhưng mình biết rằng mỗi khó khăn đều có cách giải quyết. Khi bị giao một bài toán khó, một đề tài bị cho là nhàm chán, thay vì trốn tránh thì ta cần nghĩ phải học thêm gì để giải quyết thử thách ấy.
Với các bạn Gen Z, anh mạn phép giả định rằng thử thách chung của một phần lớn các bạn là được bao quanh bởi quá nhiều phương tiện, dẫn đến dễ bị nhiễu loạn thông tin. Quá nhiều định hướng, quá nhiều dự định tương lai. Anh sẽ không bảo các bạn hãy cứ lao vùn vụt về phía trước như các anh ngày xưa. Mỗi thế hệ lại có những nỗi lo khác nhau, và anh nghĩ rằng có lẽ điều quan trọng là hãy xác định điều quan trọng nhất với mình ở hiện tại là gì, và mỗi người đều có quyền lựa chọn của riêng mình. Chỉ là anh nghĩ không nên trốn tránh thử thách mà hãy dũng cảm đối diện.
Ngành sáng tạo và lộ trình phát triển
Theo góc nhìn cá nhân của anh, Sáng tạo là như thế nào?
Sáng tạo với anh không có một định nghĩa cụ thể, chỉ đơn giản là bạn tạo ra giá trị hay một điều gì đó mới, có ích cho một nhóm đối tượng cụ thể nào đó. Sáng tạo hiện diện trong đời sống thường nhật của các bạn, khi đi làm hay đến trường, khi các bạn nghĩ ra một cách giải quyết khác biệt, đó đều là sáng tạo. Vì thế khái niệm sáng tạo rất rộng, chỉ cần có yếu tố tư duy, đổi mới trong cách làm đều là sáng tạo.
Đa phần các bạn ở đây đều là những tân binh mới bắt đầu tìm hiểu về ngành Sáng tạo nên hẳn sẽ rất tò mò về những công việc trong ngành. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn địa hạt sáng tạo hiện nay có những vị trí phổ biến nào không?
Để dễ hiểu thì anh sẽ lấy ví dụ mô hình trong chính công ty mình nhé. Hiện tại anh là trưởng bộ phận Sáng tạo, trong bộ phận thì có 3 team: concept (ý tưởng), art (mỹ thuật) và production (sản xuất). Nhắc đến sáng tạo, hẳn nhiều bạn sẽ nhanh chóng liên tưởng đến màu sắc, thiết kế, làm việc liên quan đến mỹ thuật đúng không? Quả thật các bạn designer của team Art sẽ là những người tạo ra các visual, hình ảnh. Tuy nhiên, để các bạn có câu chuyện, ý tưởng để bám theo mà tạo ra hình ảnh thì cần có concept. Chính vì thế hầu như các công ty đều có bộ phận concept, và công việc của các bạn thiên về con chữ, câu chuyện nhiều hơn, đôi khi đòi hỏi sự sáng tạo nhiều tầng lớp hơn cả các bạn art vì sẽ phải quyết định cả phương tiện để kể câu chuyện của mình: TVC, video, billboard, print ad, mô hình, các sản phẩm tương tác với người dùng v.v. Và cuối cùng team Production sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra địa điểm, báo giá, những việc giúp hiện thực hóa ý tưởng đề ra.
Các nhân sự ngành sáng tạo sẽ có lộ trình thăng tiến như thế nào, anh có thể tóm tắt giúp các bạn được không?
Đầu tiên, nhân sự phải vững về cả hai mặt là skill set (bộ kỹ năng) và mindset (tư duy). Công việc ngay sau tốt nghiệp đòi hỏi bạn phải thành thạo bộ kỹ năng, ít nhất là thích mảng nào thì phải làm tốt được mảng đó. Chẳng hạn nếu làm Designer thì phải nắm trọn các công cụ thiết kế, người mạnh ý tưởng nhưng không giỏi kỹ thuật thì ý tưởng, art direction phải thật sự xuất sắc.
Sau bước thành thạo kỹ năng thì phải phát triển mindset. Sau vài ba năm bạn có thể tiến lên vị trí cao hơn như Senior Designer hoặc Art Director. Càng lên cao, năng lực quản lý và lãnh đạo càng phải mạnh hơn thì mới thăng tiến được. Giả sử ở vị trí Creative Director, việc nào nên được giao cho nhân sự nào, các bạn trong team ai sẽ mạnh mảng nào, ra sản phẩm rồi thì có điểm nào cần cải thiện, tất cả những điều đó đòi hỏi ở người cấp quản lý phải có một “ma trận” trong đầu trước khi chỉ đạo một dự án.
Cũng có không ít người lo ngại rằng tuổi tác sẽ trở thành rào cản trong ngành, rằng càng lớn tuổi thì sức sáng tạo giảm, dễ đi theo lối mòn. Không biết anh nghĩ thế nào về mối lo ngại này?
Ở mỗi một giai đoạn khác nhau ta phải làm được những thứ khác nhau. Giai đoạn đầu nghề thì phải thành thạo kỹ năng, rồi phát triển về gu thẩm mỹ. Đến một lúc nhất định thì phát triển năng lực quản lý, học thêm về thị trường, xu hướng để phát triển. Dạo gần đây, AI trở thành một chủ đề nóng. Thật sự thì một tương lai AI có thể thay thế Designer, anh nghĩ là có khả năng. Nhưng hỏi anh có sợ không, thì hiện anh chưa sợ. Vì AI chưa thay thế được anh. AI như một người thành thạo về công nghệ, nhưng vẫn cần người nhập lệnh vào, còn anh không cần ai nhập lệnh cả. Thế đấy, hãy trở thành người không thể thay thế được, khi đó thì độ tuổi không còn quan trọng nữa. Chỉ cần có tư duy, có tìm tòi thì tuổi nào ta cũng sáng tạo được cả.
Lời khuyên dành cho các bạn trẻ đang có ý định theo đuổi sự nghiệp Sáng tạo
Được biết anh Hiếu cũng là cựu học viên Arena Multimedia, không biết anh có thể chia sẻ đến các bạn một số kỉ niệm đáng nhớ trong thời gian ở đây?
À thì cũng như bao học viên khác, thời đi học ở Arena anh cũng có một học tốt môn học tệ. Cơ mà có một “điểm sáng” là… rất lâu mới lấy được bằng (cười). Nhưng điều tích cực là có nghĩa mình đi làm không cần bằng, chỉ cần giỏi là được.
Còn câu chuyện đi học, sau nhiều năm thì anh chỉ có một lời khuyên rằng mỗi người đều có môn sở trưởng và môn sở đoản, cứ học hết sức là được, học với tinh thần quyết tâm thu hoạch kiến thức để bản thân sẽ được nâng cấp sau thời gian ở đây. Không nhất thiết phải quá áp lực được bao nhiêu điểm, mà mình học được gì và trưởng thành hơn như thế nào sau mỗi trải nghiệm mới là điều quan trọng. Cứ làm hết sức, nhiều khi ta sẽ phải kinh ngạc với điều bản thân có thể làm.
Để tạo ra một sản phẩm độc đáo thì không thể thiếu những buổi brainstorm thảo luận sôi nổi. Theo kinh nghiệm của anh, làm thế nào để một buổi brainstorm hiệu quả?
Chúng ta không nên bước vào một buổi brainstorm mà thiếu sự chuẩn bị. Cần bước vào buổi thảo luận với một flow (dòng chảy) suy nghĩ nhất định. Ví dụ nhiệm vụ của mình là phải bán một gói mì không chiên, ta sẽ liên tưởng đến nước sôi, đến tôm, rồi đến sinh viên, rồi từ sinh viên sẽ nảy ra ý tưởng gì nữa? Bí quyết để brainstorm chính là ít nhất phải có một flow như thế để những con người với những ý tưởng khác nhau cùng bước vào thảo luận. Những ý tưởng chúng ta đưa ra chỉ như những viên gạch được thêm vào khung sườn có sẵn của căn nhà.
Làm việc nhóm cũng là một phần không thể thiếu trong công cuộc sáng tạo, không biết anh có lời khuyên gì để giúp các bạn có quá trình teamwork suôn sẻ hơn?
Nói về teamwork, đây là việc sớm muộn các bạn đều phải làm. Ở môi trường học đường là nhóm trưởng, ở công ty là sếp, đây là vị trí cần phải kết nối các thành viên cùng nhóm, quản lý thời gian và đảm bảo sản phẩm thực hiện có chất lượng đồng đều. Chính vì thế, việc chọn được nhóm trưởng phù hợp rất quan trọng. Để việc nhóm suôn sẻ, phải có nhóm trưởng, có phân chia công việc hợp lý, có thoả thuận từ đầu rằng sẽ xảy ra việc không đồng thuận thì ai sẽ là người có tiếng nói cuối cùng. Các thành viên khi làm việc cũng hãy có tinh thần thân thiện, tích cực đóng góp ý kiến.
Khi bị xuống tinh thần, áp lực đồng trang lứa, không biết có cách nào để các bạn trẻ vượt qua và tiếp tục theo đuổi con đường sáng tạo?
Chà, với anh thì bị xuống tinh thần giống như “món quà” cho người làm sáng tạo vậy, vì mỗi sáng thức dậy anh cũng thường cảm thấy thế. Mình đành phải thoả thuận và đối mặt với cảm xúc ấy thôi. “Không có hứng thì không làm được” là một luận điệu mà anh không thích. Anh nghĩ rằng kiểu áp lực sẽ thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước là điều nên có. Đó là áp lực phải làm ra sản phẩm khiến bản thân hài lòng. Những suy nghĩ như “tại sao mình lại mất cảm hứng vào lúc quan trọng này” sẽ đè nén bản thân, thay vào đó hãy nghĩ “mình muốn làm ra sản phẩm tốt hơn, mình có thể làm gì để nó tốt hơn đây? Mình có đi sai hướng chăng?” Hãy tự đặt cho mình một tiêu chuẩn, và cố gắng thực hiện công việc sao cho không bao giờ dưới tiêu chuẩn đó, đảm bảo sản phẩm được giao luôn ở tiêu chuẩn bản thân chấp nhận được, đó cũng là một cách để giữ mình tiếp tục với sáng tạo.
Cảm ơn anh rất nhiều vì những chia sẻ bổ ích!
Buổi Talkshow diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội OPEN DAY: CẢM HỨNG DÂN GIAN TRONG SÁNG TẠO vào ngày 09/04 vừa qua thu hút hàng trăm bạn trẻ tham dự. Qua những chia sẻ thân tình của anh Võ Hoàng Hiếu, tin rằng mỗi bạn đều đã góp nhặt được những điều hữu ích cho riêng mình. Arena Multimedia hẹn gặp lại các bạn trong những sự kiện thú vị tiếp theo.
Xem thêm hình ảnh về ngày hội Arena Open Day: Cảm Hứng Dân Gian Trong Sáng Tạo: Tại Đây