Hãy cùng gặp gỡ cô Molly Phương Nguyễn – Giảng viên kỳ 3 về Làm phim kỹ thuật số tại Arena Multimedia để nghe cô kể về hành trình cùng các bạn học viên thực hiện bộ phim tài liệu gây được tiếng vang gần đây trong cộng đồng Arenaites.
“Nghề vớt xác” là đồ án được thực hiện bởi nhóm học viên lớp D2110G1 của Arena Hồ Văn Huê và được hướng dẫn bởi cô Molly Phương Nguyễn. Nếu bạn chưa biết, cô Molly là giảng viên hướng dẫn của rất nhiều đồ án xuất sắc tại Kỳ 3 về Làm phim Kỹ thuật số của Arena Multimedia. Và lần này, cô là người giúp nhóm học viên làm nên một sản phẩm đậm tính nhân văn,tình người và vô cùng ấn tượng – “Nghề vớt xác”.
Hãy cùng đến với cuộc trò chuyện giữa cô Molly Phương Nguyễn và Arena Multimedia để chúng ta hiểu thêm về hành trình tạo nên đồ án “Nghề Vớt Xác”, cũng như có những góc nhìn khác từ phía một giảng viên trong quá trình hướng dẫn đồ án cho học viên tại Arena.
Đầu tiên, cô Molly hãy chia sẻ về cơ duyên đến với nghề phim cũng như Arena Multimedia để các độc giả được biết nhé!
Đến với nghề phim là quyết định rẽ ngang sang một ngành hoàn toàn mới. Trước đây, mình theo học quản trị kinh doanh rồi sau đó đi làm văn phòng trong 4 năm. Trong khoảng thời gian đó, mình cũng yêu thích nhiếp ảnh và làm phim. Người ta hay nói rằng 25 tuổi là cột mốc mà chúng ta sẽ rất dễ mông lung giữa sự nghiệp và đam mê. Và thế là trong một ngày đẹp trời của năm 25, mình quyết định nghỉ việc và chính thức theo đuổi ngành làm phim. Từ khoảnh khoắc đó cho đến bây giờ, mình vẫn đang gắn bó với đam mê này. Dù không biết quyết định rẽ ngành có trễ hay không nhưng với mình, đó vẫn là một quyết định vô cùng đúng đắn mà mình từng ước đã phải làm sớm hơn.
Trải qua nhiều công việc khác nhau trong ngành, mình cảm thấy bản thân phù hợp và yêu thích công việc đạo diễn nhất. Để bổ sung kiến thức và nghiệp vụ cho mảng này, mình đã đi học tại trường cao đẳng phát thanh truyền hình VOV cũng như tự học song song ở nhà. Rồi từ đó, mình tiếp tục phát triển kỹ năng bản thân qua các công việc sản xuất, đạo diễn cho các dự án lớn, production house cũng như có những sản phẩm cá nhân của riêng mình.
Còn cơ duyên đến với Arena Multimedia thì cũng tình cờ thôi *cười*. Cách đây 2, 3 năm, một người anh trong ngành nhờ mình dạy thay một lớp sản xuất rồi từ đó, mình mới bén duyên cùng Arena Multimedia, dạy cho đến bây giờ và hướng dẫn cho rất nhiều nhóm học viên.
Cảm giác của cô Molly khi làm việc cùng các học viên Arena Multimedia như thế nào?
Ban đầu đến với Arena thì cũng chỉ là sự tình cờ mà thôi. Thật sự mình nghĩ rằng nếu mình chỉ đảm nhiệm dạy các môn thôi thì sẽ không có sự gắn bó cùng Arena cho đến bây giờ. Nhưng đến khi bắt đầu hướng dẫn các bạn làm đồ án và mỗi lần tiếp xúc cùng các bạn trẻ là một lần lửa đam mê với nghề lại bùng lên. Nhìn các bạn miệt mài, mình lại nhớ đến bản thân hồi xưa, cũng đã từng tự học và tự bước đi như thế nào. Sau này khi đã dấn thân sâu hơn vào ngành, có sự trải nghiệm nhất định thì đam mê của mình cũng sẽ phần nào vơi đi, nhưng được làm việc cùng các bạn học viên của Arena Multimedia đã giúp mình thắp lại ngọn lửa đam mê đó.
Bộ phim đầu tay sẽ luôn là tác phẩm tâm huyết nhất của bất kỳ một ai đang theo đuổi ngành này. Đó là phim của mình mà, mình sẽ được làm tất cả những điều mà mình muốn. Và được nhìn thấy các bạn trẻ nhiệt huyết với “đứa con tinh thần” là điều mà mình thích nhất khi hướng dẫn đồ án tại Arena.
“Nghề Vớt Xác?” là một bộ phim tài liệu rất có cảm xúc, giàu tính nhân văn và khắc họa rõ nét chân dung của chú Ba Chúc – người làm nghề vớt xác. Cô Molly có thể chia sẻ sâu hơn ở quá trình đầu tiên, vì sao các bạn học viên lại đề xuất với cô về đề tài này?
Đầu tiên chúng ta sẽ nói về chủ đề “Người vớt xác” trước. Với thể loại phim tài liệu, các bạn cần chọn một đề tài nào có sức hấp dẫn một chút. Thật ra đề tài này mình cũng đã từng gợi ý cho một số nhóm trước đó rồi nhưng không có nhóm nào nhận làm cả. Tới nhóm này thì các bạn quyết định thực hiện. Xong rồi cả cô và trò phải “clear” trước với nhau nhiều thứ về mặt tinh thần. Vì sẽ có rất nhiều thứ mà chúng ta phải đối mặt trong quá trình làm đồ án, đặc biệt là về mặt tâm linh.
Khi xem phim, bạn có để ý rằng dấu chấm hỏi được đặt sau cụm “nghề vớt xác”? Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ được giải đáp ở những khung cuối cùng của bộ phim. Chúng ta cứ gọi nó là “nghề vớt xác” nhưng liệu vớt xác có phải là một cái nghề hay không? Mình nghĩ rằng khi xem hết bộ phim, bạn cũng sẽ có chính câu trả lời của riêng mình.
Sau khi chọn chủ đề, cả nhóm bắt tay vào tìm thông tin. Khi nói về nghề vớt xác, thường mọi người sẽ nghĩ về khu vực miền Tây nhiều hơn, bản thân mình và cả nhóm đều không nghĩ rằng ở Sài Gòn có một người làm nghề như vậy cho đến khi thấy các thông tin trên mạng. Nhưng ban đầu, cả nhóm dự định sẽ không làm phim tài liệu về chú đâu, vì trước đó cũng đã có rất nhiều bạn trẻ đến và làm phim tài liệu về chú rồi. Nếu tìm kiếm cụm từ “chú Ba Chúc”, “người vớt xác” trên Google hay Youtube, bạn sẽ thấy rất nhiều video liên quan. Khi đó, cả nhóm định hướng sẽ xuống miền Tây để tìm một nhân vật mới lạ hơn cho đề tài này. Nhưng tìm mãi không thấy và cũng không quen thuộc với khu vực dưới đó, nhóm mới quay lại liên hệ với chú Ba Chúc.
Đến hôm lần đầu tiên nói chuyện với chú Ba Chúc, được nghe chú kể chuyện, mình mới nhận thấy rằng “À hóa ra vẫn còn rất nhiều điều hay ho về cuộc đời của chú mà không phải ai cũng khai thác được.” “Vớt xác” không phải là nghề chính của chú hay chú tình cờ cứu người trên sông mà công việc này gắn bó với chú từ lúc còn nhỏ khi ba chú cũng là một người vớt xác. Với những video trên Youtube, các bạn chỉ khai thác được ở những khía cạnh bên ngoài như việc chú ở nhánh sông đó hay chú vô tình thấy người chết trên sông và vớt họ lên. Vì thế, những câu chuyện khác rất hay về cuộc đời của chú vẫn chưa được thể hiện rõ ràng và gây ấn tượng cho người xem.
Đến cuối cùng khi bộ phim đã được hoàn thành, được gặp gỡ với nhân vật này đó không chỉ là cái duyên mà còn đem đến nhiều bất ngờ dành cho mình và cả các bạn học viên.
Cô Molly hãy chia sẻ thêm về cuộc đời của chú Ba Chúc nhé!
Đây là câu chuyện về một công việc mà người trước để lại cho người sau. Trong bộ phim, chúng ta thấy được hồi xưa, chú Ba Chúc đi cùng ba như thế nào. Ba vớt ở trên còn chú là người chèo ở dưới. Sau đó, chú là người vớt còn các anh của chú là người chèo. Còn bây giờ, chú là người vớt còn vợ chú là người chèo. Công việc này cứ thế cứ thế mà tiếp diễn…
Chú có 5 người con. Mỗi khi vợ chú mang bầu, cô đều mong muốn và khuyên chú hãy bỏ công việc này vì sợ rằng con sẽ bị bệnh. Đến khi những người con lớn lên, họ mong cha mình bỏ nghề vì sợ cha bị bệnh. Đó là tính nhân và cũng là tình con người mà phải xem bộ phim, bạn mới có thể cảm nhận được tất cả. Mình đánh giá khá cao khi các bạn học viên có thể khai thác được khía cạnh này trong bộ phim về chú Ba Chúc.
Được biết, trong bộ phim, các bạn học viên đã quay được một cảnh vớt xác thực tế, cô hãy nói thêm về phân cảnh này được không?
Có thể nói, bộ phim được quay suôn sẻ và nhóm cũng “may mắn” có được những cảnh quay rất thật. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không gọi đó là “may mắn” vì đó là nỗi đau và là nỗi buồn của người khác. Chúng ta có thể xem đó là cái duyên của mình khi làm bộ phim này. Có những người đến làm phim về chú, ở tại khu vực sông cả tháng trời nhưng họ không có cái “duyên” để quay được những cảnh thực tế đó.
Quá trình làm phim về chú Ba Chúc, cả nhóm giống như được Tổ Nghề phù hộ vậy! Bởi vì tất cả nội dung mà mình muốn quay đều xuất hiện trong một ngày hôm đó. Từ câu chuyện chú đi phóng sanh, chở cá cho người khác và cuối cùng là vớt xác, nhóm đều có đủ footage. Thật sự, đối với một bộ phim tài liệu mà nói, đây là cái duyên mà mình không thể nào tưởng tượng được.
Trước đó khi mới bắt đầu chuẩn bị, mình cũng đã làm rõ tinh thần với các em, rằng một bộ phim tài liệu để có đủ tư liệu mà chúng ta cần là điều không hề dễ dàng. Thậm chí chúng ta sẽ phải ở đó 1, 2 tuần nữa vì mình sẽ không biết được ngày đó mình sẽ quay được cảnh nào hay không. Nhưng không ngờ, chỉ trong một ngày quay thôi mà cả nhóm đã có được tất cả những diễn biến mà mình mong muốn.
Cô Molly và các bạn học viên đã chuẩn bị những gì trước khi bấm máy?
Quá trình quay có thể suôn sẻ nhưng khâu chuẩn bị quay lại không được như vậy. Documentary không giống như những thể loại phim khác, chúng ta không thể chuẩn bị sẵn được các khâu như tìm bối cảnh, setup hay tìm diễn viên. Ở đây, các bạn học viên sẽ phải tự tìm nhân vật, câu chuyện và đến tận nơi xem có quay được hay không. Ban đầu khi lựa chọn chủ đề về nghề vớt xác, chú Ba Chúc không phải người mà nhóm nghĩ đến đầu tiên, vì báo đài và các phương tiện đại chúng đã khai thác về chú rất nhiều rồi. Và khi bàn về những vấn đề tâm linh xoay quanh nghề vớt xác, miền Tây có lẽ sẽ là khu vực phù hợp để tìm những người làm công việc này. Tuy nhiên, đâu phải ai cũng dám vớt những người chết trôi sông và nếu có trường hợp đó, người ta sẽ kêu đúng người đó đến vớt. Do không thể tìm thấy nhân vật như dự kiến, nhóm dự định sẽ chuyển sang đề tài về người gác mộ.
Vậy là cả nhóm lại tiếp tục tìm đến các nghĩa trang trong thành phố rồi về tới tận Bình Dương nhưng cũng không tìm được câu chuyện phù hợp. Sau đó, nhóm quyết định đổi nhân vật khai thác là những người làm ở lò thiêu hay thậm chí là các anh lính phòng cháy chữa cháy. Nói chung là nhóm học viên này rất đặc biệt, các bạn nhất quyết muốn làm một bộ phim với chủ đề thật lạ và khác biệt thì mới chịu được. Khi cả nhóm tìm hiểu về chủ đề lò thiêu thì có rất nhiều câu chuyện hay để khai thác nhưng đáng tiếc là không xin phép được để thực hiện.
Sau rất nhiều gian nan trong khâu đi tìm đề tài và nhân vật, mình có hỏi các bạn rằng: “Giờ cực quá rồi, mấy đứa có muốn suy nghĩ lại không? Về làm một bộ phim bình thường thôi”. Và mình nhận được câu trả lời chắc nịch rằng: “Dạ không. Tụi em nhất quyết sẽ làm thể loại này.” Vậy là chú Ba Chúc từ last option trở thành best option. Từ đó, cả nhóm bắt đầu hành trình đi tìm chú, hỏi han khắp nơi từ trên mạng cho đến tận mé sông nơi chú ở. Phải nói hành trình từ việc chọn được chủ đề, nhân vật cho đến lúc hoàn thành bộ phim tài liệu này phải nói là trần ai lắm chứ không hề dễ dàng gì đâu.
Có thể nói đây là một bộ phim chỉn chu. Dù các bạn làm phim tài liệu nhưng vẫn coi trọng những khía cạnh nghệ thuật. Cô Molly đã hướng dẫn các bạn thế nào để nhóm có thể làm ra được thành phẩm ấn tượng như vậy?
Đối với mỗi nhóm và thể loại phim mà các bạn lựa chọn, mình đều hỏi mong muốn của nhóm ở bộ phim này là gì? Định hướng hình ảnh mà các bạn dành cho nó là như thế nào? Đối với nhóm này, các bạn hi vọng có thể làm ra một bộ phim tài liệu đậm chất điện ảnh. Vì thế, trước khi bấm máy, các bạn đã tham khảo rất nhiều từ những bộ phim tài liệu của nước ngoài. Khác với những bộ phim theo thể loại bình thường, tài liệu kiểu phim mà có những cảnh chúng ta sẽ phải sáng tác ngay tại hiện trường. Để làm được điều đó, ngay từ ban đầu, bạn đạo diễn đã phải tìm hiểu rất kỹ lưỡng và trong đầu của bạn đã định hình được những mong muốn của mình về mặt hình ảnh dành cho phim. Từ góc cận cho đến góc đặc tả, bạn đều hướng dẫn cho quay phim để có thể lấy được trọn vẹn những gì mình muốn. Đó là điều mà mình thấy được ở nhóm học viên này, các bạn biết rõ ràng mình muốn gì ngay từ ban đầu và nhiệm vụ của mình – một giảng viên là chỉ cần giúp các bạn đi đúng hướng.
Làm phim thì chúng ta không thể không kể đến những khó khăn và trắc trở. Cô Molly có thể chia sẻ sâu hơn về những thách thức của nhóm trong bộ phim này và các bạn đã cùng nhau vượt qua như thế nào?
Như mình đã nói trước đó rồi, quá trình chuẩn bị của nhóm chính là phần gian nan nhất trong cả quá trình làm đồ án. Nhưng nhờ đó mình mới thấy được sự đoàn kết của cả nhóm. Các bạn đồng lòng từ đầu cho đến cuối, khó khăn thế nào cũng không bỏ mà chỉ muốn tập trung vào mục tiêu, chất lượng và những mong muốn của mình. Đến khi vào quá trình quay thì mọi thứ suôn sẻ hơn. Các bạn làm việc với nhau rất vui, tận hưởng điều mình đang làm, đến nỗi khi nhìn nhóm thực hiện đồ án này, mình có cảm giác rằng các bạn đang đi chơi chứ không phải là đang làm đồ án nữa. Đó cũng là điểm đặc biệt của thể loại phim tài liệu, chúng ta phải cùng sống, cùng ăn, cùng ở và phải làm bạn với nhân vật. Có thể nói một khi đã vào việc rồi, nhóm sẽ làm với một tinh thần và quyết tâm cao nhất.
Bên cạnh đó, phần hậu kỳ có lẽ cũng đã đem đến những thử thách nhất định. Sau khi quay xong và đem về “một núi” footage và khi đó, chúng ta cần phải có sự sắp xếp cũng như làm việc một cách hợp lý để không bỏ lỡ những cảnh quay đắt giá nhất. Lúc này, nhóm bắt đầu có lỗ hổng vì chưa sắp xếp nhiệm vụ cụ thể cho từng người, hoặc người này làm xong thì người kia không ưng, dẫn đến mâu thuẫn nội bộ và thậm chí là có người còn muốn bỏ đồ án.
Theo góc nhìn của mình khi hướng dẫn đồ án cho không biết bao nhiêu đồ án tại Arena Multimedia, mâu thuẫn trong nhóm thường sẽ đến từ cái tôi của các thành viên. Ở người làm nghệ thuật – sáng tạo, cái tôi của các bạn rất lớn. Và khi cái tôi của mỗi người quá lớn, chúng ta sẽ khó có thể tiếp tục làm việc với nhau. Đó là lý do chính dẫn đến những cãi vã. Sự mâu thuẫn trong nội bộ của nhóm lớn đến nỗi một bạn đã đến gặp mình và nói rằng bạn không thể nào tiếp tục được nữa, chỉ có thể bỏ đồ án này và làm đồ án sau. Khi đó, mình đã gom các bạn lại rồi phân tích cho nhóm từng thứ, nó không chỉ liên quan đến đồ án mà trên hết, nó còn mang ý nghĩa về mặt tình bạn. Cuối cùng khi cả nhóm cùng thẳng thắn, nói ra hết những gì mình nghĩ và giữ trong lòng, từ đó mà đồng lòng hơn để hoàn thiện khâu cuối cùng của bộ phim này.
Cảm ơn cô Molly Phương Nguyễn vì những chia sẻ vô cùng thú vị. Hi vọng rằng trên hành trình “trồng người” của mình tại Arena Multimedia, có sẽ có thêm thật nhiều nhóm học viên tài năng và đồ án xuất sắc hơn nữa!
HỆ THỐNG ĐÀO TẠO MỸ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN ARENA MULTIMEDIA
TP.HCM
HÀ NỘI