Mãn nhãn trước những pha trình diễn công nghệ 3D Mapping trên các tòa nhà lớn vào dịp cuối năm, cộng thêm cảm xúc phấn khởi khi biết thành viên Arena – chàng trai Nguyễn Hoàng Khôi góp phần thực hiện, còn gì tuyệt vời hơn khi nghe người trong cuộc kể về ngón nghề mới này nhỉ!
3D Mapping – Cuộc chơi giữa thực và ảo
Toà nhà Bộ Công Thương – Hà Nội lột xác với màn biểu diễn 3D Mapping chào năm mới 2018 (Visual effects: Motix)
Điểm qua một chút về ngành, trong những năm gần đây, khi nhắc đến các chương trình giải trí ngoài trời tầm cỡ như countdown, festival hay giao lưu các nước thì sẽ nhớ ngay đến những màn trình chiếu hoành tráng trên các công trình kiến trúc hay còn gọi là nghệ thuật trình diễn 3D Mapping.
Hiểu một cách khái quát, trình diễn 3D Mapping chính là sản phẩm của Multimedia Design, là sự kết hợp giữa 3D và công nghệ làm phim. Chính kỹ xảo hình ảnh trùm kín lên từng chi tiết nhỏ của vật thể chiếu với kích thước thật 100%, cộng thêm những hiệu ứng độc đáo và kích thước khổng lồ, 3D Mapping đẩy cảm xúc người xem đến nghẹt thở bởi sự kỳ diệu trước mắt.
Màn trình diễn hoành trán tại dạ tiệc “Khám phá Kiệt tác vượt thời gian” đánh dấu sự ra mắt chính thức công trình D’. Palais Louis (Cầu Giấy, Hà Nội)
Được biết, trên thế giới, nghệ thuật này đã được áp dụng khá lâu, nhưng ở Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây nó mới thực sự đột phá, trở thành một tiết mục độc lập chứ không đơn thuần làm bức bình phong thông thường.
Ở mỗi sự kiện, mỗi vật thể xuất hiện đều cần những sáng tạo riêng với mức độ phức tạp khác nhau. Điều đó đòi hỏi những Multimedia Designer phải có tay nghề vững và cái đầu lạnh để sẵn sàng đáp ứng tiến độ công việc với mật độ dày đặc.
Để hiểu rõ hơn về công việc này, bạn Nguyễn Hoàng Khôi (cựu học viên Arena Multimedia) hiện là 3D Artist tại công ty Motix sẽ mang đến những góc nhìn thú vị của người làm nghề cũng như về bản thân người làm design.
Chân dung chàng 3D Artist – Nguyễn Hoàng Khôi
Chào Khôi, bạn có thể mô tả ngắn gọn công việc của mình?
Trong team, mình phụ trách đồ họa 3D bên cạnh các bạn dựng phim, kỹ xảo, vẽ storyboard… Nếu nói riêng về công việc người làm 3D trong 3D Mapping, nó không khác với các công ty dạng production house, làm việc theo đơn đặt hàng của các khách hàng lớn. Chỉ khác là bên mình chuyên thực hiện video dùng để trình chiếu (bằng màn chiếu, màn hình LED và đặc biệt là 3D Mapping).
Các dự án gần đây nhất mà bạn đã tham gia thực hiện là gì?
Gần đây nhất có thể kể đến là chương trình Countdown 2018 tại Toà nhà Bộ Công thương (Hà Nội), Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2017, Lễ khai mạc Tháng Du lịch An Giang 2017, chương trình kỉ niệm 50 năm thành lập ASEAN, Countdown 2017 tại Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Fashionology Festival 2017,Chương trình “Xuân Yêu Thương” tại Dinh Độc lập,…
Những bức tượng được dựng bằng 3D trông như thật
Vì sao bạn đam mê công việc này?
Vì sản phẩm của mình làm ra được chiếu ra ngoài đời thực, khoác lên các công trình kiến trúc một lớp áo mới, sinh động với nhiều hiệu ứng, tạo nên cảm giác mới mẻ. Nói chung nhìn đã lắm!
Ví dụ như buổi trình diễn tại tòa nhà Bộ Công thương Hà Nội, buổi sáng trông nó vẫn bình thường, nhưng đến khi chương trình diễn ra, nó như được trang điểm lộng lẫy nhìn rất sống động.
Suốt thời gian làm việc, bạn tâm đắc nhất dự án nào?
Gắn bó với Motix chỉ mới 1 năm, nhưng công việc đã mang đến cho mình những cảm xúc vô cùng đặc biệt. Có những lúc chạy dự án, mình đã thức trắng mấy đêm liền để làm kịp tiến độ. Chưa kể phải chỉnh sửa cho sản phẩm trình chiếu hoàn hảo hơn ở những “phút 89”; có khi ngồi sau sân khấu chỉnh sửa, xuất file, rồi đưa đạo diễn chiếu ngay đêm đó. Những lúc ấy cực kỳ căng thẳng, nhưng khi thấy đứa con tinh thần xuất hiện một cách hoành tráng, được mọi người hò reo thì quên hết mệt mỏi.
Hình ảnh trong lúc dựng 3D
Hình ảnh khi được chiếu 3D Mapping
Với áp lực công việc như thế, làm cách nào để bạn vượt qua?
Thật ra, áp lực thấy rõ nhất là lúc mình render (xuất file). Vì file phức tạp, cần nhiều thời gian.
Bước vào công việc này, nếu ai không rèn được áp lực thì rất dễ từ bỏ. Riêng mình thì đã quen với việc ấy rồi, vì trước đây mình từng là lính tên lửa và được trui rèn từ môi trường quân đội.
Profile khá thú vị, bạn có thể thêm về bản thân và lý do chọn nghề thiết kế không?
Trước đây mình học chuyên ngành thiết kế sân vườn tại ĐH Nông Lâm. Trong thời gian học, cảm thấy bản thân yêu thích màu sắc, bố cục và 3D nên muốn tìm hiểu ngành Mỹ thuật Đa phương tiện tại Arena Multimedia song song với học đại học. Sau 1 năm, mình đi nghĩa vụ quân sự. Đến 2015, mình tiếp tục học và tốt nghiệp Arena vào tháng 9/2017 vừa rồi.
Người làm 3D Mapping luôn sáng tạo trong từng chuyển động, tạo nên những phút giây giải trí tuyệt vời cho người xem
Tạm dừng việc học một khoảng thời gian, bạn có cảm thấy tiếc không?
Khi đi, mình trải nghiệm nhiều thứ hay ho mà chưa chắc bên ngoài có được. Chẳng hạn như rèn được tính kiên trì, bền bỉ – thứ mà designer luôn cần để làm việc tốt hơn với khách hàng.
Nói về điều này, mình nhớ nhất chuỗi chương trình tại Lễ hội bắn pháo hoa các nước tại Đà Nẵng, với mật độ công việc dày đặc lên đến mỗi tuần 1 sự kiện, mình phải lao vào công việc quên cả ăn uống để có file đúng hạn.
Còn cái duyên đến với ngành 3D của bạn bắt đầu từ đâu?
Thật ra mình đã quen với hình khối chuyển động của cơ khí đã lâu. Vì ngày xưa, mình có phụ mẹ làm mấy cái hình chiếu môn công nghệ nên biết đến 3D. Rồi sau này biết đến sketchup, Cinema 4D rồi thích lúc nào không hay.
Đặc biệt, mình thích làm đồ họa 3D mô tả thật theo phong cách Realistic. Ví dụ như cái lon nước ngọt phải làm như thật. Nên khi làm 3D Mapping, làm trên một bề mặt kiến trúc thật, cảm giác “rất đã” khi thấy sản phẩm trình chiếu.
Khi rảnh rỗi, Khôi thường tự giao bài tập cho mình
Quay lại chủ đề chính, người làm 3D Mapping cần có những kỹ năng gì?
Nếu vật thể không có sẵn, đòi hỏi designer dựng lại bằng mô hình 3D, thì bạn cần nắm rõ các phần mềm chủ đạo, ví dụ như: Cinema 4D, Sketchup, Maya,… Còn nếu có sẵn file scan của vật thể, thì chỉ cần dùng đến 3D max. Ngoài ra, biết thêm phần mềm Adobe After Effect để tạo hiệu ứng sẽ mang lại lợi thế.
Sự khác biệt nào giữa 3D Mapping so với các sản phẩm Multimedia Design khác?
Theo mình nó khác ở nơi chiếu và cách chiếu. Vì sản phẩm sẽ được chiếu trên kiến trúc cụ thể, và được chiếu bằng máy chiếu có công suất lớn.
Đối với phần mô phỏng kiến trúc, trước tiên designer phải model cho khớp với tòa nhà. Sau đó mới nghĩ đến chuyển động sao cho khi chiếu không bị đứt. Ví dụ ở ngoài đời thực, bề mặt tòa nhà bị gồ ghề thì nên hạn chế họa tiết chỗ đó để tránh bị gián đoạn.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị từ Khôi. Hy vọng sẽ được chiêm ngưỡng những dự án của bạn trong dịp Tết Nguyên Đán 2018.
Quỳnh Như
Ảnh do nhân vật cung cấp