Không nhiều người biết rằng, các tuần lễ thời trang chuyên nghiệp, lộng lẫy của thế giới đã có sự góp mặt của các Photographer Việt. Huy Nguyễn là một trong số ít những Photographer xuất sắc đó.
Nhưng điểm thú vị nhất của Huy lại không phải là đích đến, mà là con đường. Trước đây, Huy từng học kế toán, sau đó, vì không tìm thấy tình yêu mà một mình vào Nam lập nghiệp, bắt đầu bằng việc trở thành Arenaites và quyết tâm theo đuổi nghề Nhiếp ảnh.
Trong 4 năm, Huy đã đi từ con số 0 đến một Photographer được Malay Fashion Week trực tiếp gửi lời mời làm nhiếp ảnh, được gặp gỡ, trò chuyện và viết bài về Jimmy Choo – linh hồn thời trang Châu Á. Bốn năm cho hành trình từ một Photographer vô danh đến thợ chụp ảnh chuyên nghiệp được nhiều người mẫu nổi tiếng tin tưởng: Niky Khánh Ngọc, Trang Khiếu, Khả Ngân, Angela Phương Trinh, Minh Hằng, Băng Di,…
Cũng trong bốn năm đó, có hơn một năm rưỡi Huy chụp bằng máy ảnh đi mượn, hai năm xài máy ảnh cùi bắp, và cách đây gần một năm mới sở hữu chiếc máy-ảnh-chất-lượng đầu tiên của riêng mình.
Họ tên đầy đủ: Nguyễn Quốc Huy Năm sinh: 1987 Lớp: D1109K2 Arena Multimedia Nguyễn Đình Chiểu Công việc hiện tại: Photographer Sở thích: Đọc truyện, đi du lịch, café ngắm phố, săn vé máy bay giá rẻ *cười* Dấu mốc tiêu biểu: – Tháng 10/2015, là nhiếp ảnh gia duy nhất của VN được mời tham dự tuần lễ thời trang Malaysia tại Kuala LumpurKể từ năm 2016, trở thành KOL (Key Opinion Leaders) của tạp chí thời trang L’officiel VN – Tháng 4/2016, là nhiếp ảnh chính thức chụp Streetstyle cho BTC Tuần lễ thời trang quốc tế VN (VN International Fashion Week) – Tháng 5/2016, là nhiếp ảnh chính thức chụp Streetstyle cho BTC Tuần lễ nhà thiết kế thời trang VN (VN Designer Fashion Week )Tháng 6/2016, là nhiếp ảnh cộng sự đồng hành cùng chương trình thời trang Countryside by DMC của nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường Nhân vật yêu thích: nhiếp ảnh gia Scott Schuman Câu nói yêu thích: quan trọng không phải là máy ảnh của bạn bao nhiêu pixel mà quan trọng là cái đầu của bạn bao nhiêu pixel Dự định tương lai: trở thành một nhiếp ảnh gia có “số má” ở thị trường Đông Nam Á |
PHẦN 1: HUY NGUYỄN, MÁY ẢNH ĐI MƯỢN VÀ MALAYSIA FASHION WEEK
Cơ duyên nào đưa anh đến với nhiếp ảnh đường phố? Điểm đặc biệt của nhiếp ảnh đường phố khiến anh “say” là gì?
Nhiếp ảnh đường phố chia ra làm 2 dạng là streetlife (ảnh chụp những cảnh đời thường mang ý nghĩa nào đó trên đường phố) và streetstyle (ảnh chụp thời trang trên đường phố). Bản thân mình đang theo đuổi mảng streetstyle vì mình luôn bị hấp dẫn bởi những bộ quần áo đẹp được tung bay trên đường phố.
Mình đến với nhiếp ảnh đường phố cách đây đã 4 năm. Hồi đó nhiếp ảnh đường phố ở Việt Nam mới chỉ manh nha bắt đầu qua việc chụp những bạn teen mà tự mình cảm thấy ăn mặc chất chất. Báo đầu tiên mà mình cộng tác về ảnh streetstyle là Kenh14, Yeah1, sau này có thêm Tiin.vn. Hồi đó bạn bè hay nói đùa là mình bán sỉ hình streetsyle cho các báo, thậm chí mình còn làm hẳn một blog riêng post hình những bạn mặc đẹp mình chụp được hằng ngày. *cười*
Tuy nhiên hồi đó ảnh streetstyle không được các nghệ sĩ và giới thời trang chú tâm cũng như ưa chuộng như bây giờ nên mình đành phải từ giã để chuyển sang chụp ảnh sự kiện nhằm trang trải chi phí cho cuộc sống.
Mãi tới 2 năm trở lại đây khi cơn sốt OOTD (outfit of the day) bùng lên tại Việt Nam, các nghệ sĩ, nhà thiết kế cũng như giới thời trang chú trọng hơn thì mình mới lại bắt đầu quay lại chụp streetstyle. Tuy nhiên khá khó khăn vì mình phải bắt đầu lại từ đầu cũng như định dạng lại thương hiệu cá nhân vì thời điểm đó hầu như mọi ng chỉ nghĩ tới mình là chỉ chụp event.
Cái khó nhất của một nhiếp ảnh đường phố là gì, theo anh?
Phải bắt được những khoảnh khắc thật tự nhiên sao cho nhìn vào hình có thể thấy được dù là bất cứ ai đi nữa, nhân viên văn phòng hay vận động viên thì họ cũng đang là model by themselves và con đường họ đang đi là một sàn catwalk. Ngoài ra phải biết cách nhìn ánh sáng mặt trời để phối hợp vào trong khung hình của mình vì ảnh đường phố chú trọng ánh sáng tự nhiên, hầu hết là không được sử dụng đèn flash để đảm bảo tính tự nhiên của bức hình.
Rất nhiều nhiếp ảnh ở Việt Nam mong nhận được lời mời từ các Tuần lễ thời trang thế giới, đó thực sự là một sự công nhận cho nhiếp ảnh gia. Để đến được cái dấu mốc to to đó, anh đã phấn đấu ra sao?
Thực ra đó là cái duyên vì lúc đó giới thời trang Việt mọi người bắt đầu đổ đi tham tuần lễ thời trang thế giới đặc biệt là Pháp khá nhiều khiến mình cũng rất háo hức muốn đi. Tuy nhiên điều kiện kinh tế lại không cho phép vì chi phí đi Châu Âu rất là tốn kém. Nên mình đành tìm kiếm các cơ hội ở Đông Nam Á và cuối cùng thì mình nhận được lời mời từ Malaysia.
Có bí quyết riêng nào cho chiếc vé mời đặc biệt đó không?
Trước hết bạn phải tự mình tìm hiểu trên các website chính thức của họ. Sau đó phải chuẩn bị cho mình một profile cá nhân thật ấn tượng với những tác phẩm mà bạn ưng ý nhất. Cuối cùng thì đừng ngại ngần gì cả, hãy gửi đi tất cả mọi nơi, biết đâu profile của bạn sẽ phù hợp với một nơi nào đó và lời mời sẽ được gửi tới còn nếu không được thì cũng đừng buồn, mình lại có thêm một năm nữa để chuẩn bị cho profile tốt hơn.
Điều thú vị nhất anh có được tại Malay Fashion Week là gì?
Mình đã học hỏi thêm được rất nhiều kĩ năng về nhiếp ảnh từ các nhiếp ảnh gia đến từ nhiều nước khác nhau.
Nghe nói, trong tuần lễ này, anh còn gặp và có một bài phỏng vấn nho nhỏ với Jimmy Choo, điều đó thực sự rất đáng ghen tị. Anh có thể chia sẻ nhiều hơn về điều này được không?
Ngày đầu tiên khai mạc Tuần lễ thời trang Malaysia, mình cũng các nhiếp ảnh khác được gặp mặt bộ trưởng thương mại của Malaysia và nhà thiết kế Jimmy Choo. Đó quả thật là một niềm vinh dự và vô cùng hạnh phúc với 1 người làm việc trong lĩnh vực thời trang như mình. Jimmy là một người vô cùng giản dị, thân thiện và dễ gần, ông chia sẻ mọi kinh nghiệm về thời trang cũng như trong cuộc sống. Sau đó thì mình cũng có một bài viết nho nhỏ về ông nữa.
Có người nói rằng, phải đến năm thứ 3 theo đuổi nghề nhiếp ảnh, anh mới thực sự sở hữu chiếc máy ảnh ưng ý đầu tiên cho mình, điều đó có thật không thế?
Thực ra lúc mới học nhiếp ảnh mình đã có một chiếc máy ảnh cho riêng mình nhưng chỉ khoảng 5 tháng sau đó do áp lực từ cuộc sống mình buộc phải bán đi để lấy tiền trang trải sinh hoạt.
Nếu thường xuyên phải mượn máy ảnh, thì ở những năm đầu đó, làm sao anh có thể giỏi lên được? Chẳng phải máy ảnh nên là vật bất ly thân của nhiếp ảnh gia sao?
Thật may mắn vì mình có những người bạn cũng yêu nhiếp ảnh và cảm thông cho mình nên thường xuyên cho mình mượn mỗi khi cần hay có công việc. Thực ra muốn giỏi nhiếp ảnh không nhất thiết phải luôn có máy ảnh bên mình. Có đôi lúc cảm thấy mình không tiến bộ hay dậm chân tại chỗ, mình thường nghỉ chụp một khoảng thời gian ngắn, đi lang thang mọi ngóc ngách trong thành phố, quan sát mọi thứ xung quanh và chụp lại bằng mắt của mình, tưởng tượng từng khung ảnh. Ngoài ra mình còn học thêm các góc chụp bằng cách lên mạng xem các hình ảnh của các nhiếp ảnh gia nước ngoài rồi làm theo mỗi khi có cơ hội cầm máy. Mình vẫn luôn tâm đắc với câu nói “quan trọng không phải máy ảnh của bạn bao nhiêu MPX (megapixel) mà là cái đầu của bạn có bao nhiêu MPX”
Tốt nghiệp Arena Multimedia, trường chuyên về thiết kế đồ họa nhưng chưa đủ chuyên về nhiếp ảnh, có bao giờ anh Huy cảm thấy mình kém hơn so với nhiếp ảnh gia đến từ trường khác?
Mình không cảm thấy mình có gì thua kém họ cả. Trường học chỉ là nơi dẫn dắt bạn những bước đi đầu tiên, những kiến thức cơ bản nhất, còn có giỏi và phát triển được hay không phải do chính bản thân bạn tự tìm tòi và trau dồi thêm kĩ năng cho mình hàng ngày.
PHẦN 2: HUY NGUYỄN VÀ ĐƯỜNG ĐẾN STREETSTYLE PHOTOGRAPHER
Vừa lên xe hoa cách đây không lâu, cảm giác của anh thế nào? Có thêm năng lượng tràn trể không thế?
Tất nhiên là có rồi. Khi có gia đình, bạn phải học cách sống có trách nhiệm hơn. Động lực để đi làm mỗi ngày cũng mạnh mẽ hơn và cảm xúc trong mỗi bức hình cũng khác.
Lịch một ngày làm việc của anh hiện nay là như thế nào? Thời gian Photographer dành ra cho chăm sóc cho gia đình có gì giống hay khác với công nhân viên chức bình thường không?
Trước đây khi còn làm báo thì lịch làm việc của mình khá thất thường, lúc nào biên tập viên gọi là phải xách máy chạy đi liền. Đa phần là làm việc về khuya và cuối tuần do mình làm phóng viên ảnh trong mảng văn hoá giải trí. Những ngày mọi người nghỉ ngơi thì mình phải làm việc rất nhiều còn những ngày mọi người làm việc thì mình lại rảnh rang, thường là 12h trưa mới ngủ dậy rồi bắt đầu làm việc tới 1-2h sáng. Hôm nào nhiều hình có khi phải thức làm tới 3-4h sáng vì làm tin tức báo mạng yêu cầu phải có hình để xuất bản bài ngay trong đêm hoặc sáng hôm sau
Hiện tại thì mình chuyển sang làm tự do, lại là mảng thời trang nên đa phần thời gian làm việc là vào ban ngày. Thời gian chăm sóc cho gia đình tuy không nhiều hơn vì mọi người yêu quý nên cũng book chụp khá nhiều nhưng cũng đủ để sắp xếp đưa đón vợ đi làm hằng ngày. (Cười)
Thích máy ảnh, thích chụp ảnh đẹp, chăm chỉ học hỏi là có thể trở thành người chụp ảnh đẹp, điều đó có đúng không anh? Hay cần tố chất thiên bẩm gì nữa?
Đúng, chỉ cần thế vì ngay bản thân mình cũng không hề có năng khiếu về nhiếp ảnh. Có rất nhiều bạn không qua học hành cũng có thể chụp đẹp hơn mình lúc mình mới bắt đầu nhưng quan trọng là mình ham học hỏi và luôn kiên trì trau dồi kĩ năng cho bản thân.
Nếu Nhiếp ảnh thực sự đòi hỏi tố chất, vậy những đặc điểm gì sẽ cho thấy là mình có tố chất?
Có thể nhìn thấy được cái đẹp ở những điều bình thường nhất vì nếu ở một nơi đẹp sẵn rồi thì ai cũng có thể chụp đẹp được.
Từng tốt nghiệp đại học rồi mới bẻ lái, hồi đó tại sao anh lại mạnh dạn “liều” như vậy?
Có thể do mình thuộc cung nhân mã chăng! (cười lớn) Thực ra do mình cảm thấy công việc văn phòng không phù hợp, mình thích một công việc gì đó năng động và di chuyển liên tục nên sau khi kết thúc môn học nhiếp ảnh cơ bản ở Arena Multimedia, mình cảm thấy yêu thích và đam mê nên đã quyết định theo tới cùng.
Khởi đầu muộn tại Arena có làm anh gặp bất lợi gì không? Kỷ niệm anh nhớ nhất tại Arena là gì?
Mình không cảm thấy bất lợi gì lắm vì học hành chẳng bao giờ là trễ cả. Hơn nữa những ngành học ở Arena gần như là vừa học vừa giải trí lại có thể kết hợp đi làm ngay từ khi kết thúc học kì I nếu chịu khó chăm học và sáng tạo.
Hồi còn học tại Arena, mình sợ nhất là môn vẽ tay, gần như là bế tắc tới mức không biết sao để qua được môn này vì mình vẽ rất tệ, gần như là một giai đoạn khủng hoảng stress vô cùng. (cười)
Khá ngạc nhiên là những kiến thức cơ bản của vẽ tay về sau này lại giúp mình khá nhiều. Thậm chí là vô cùng quan trọng khi sau này mình theo nhiếp ảnh phải chỉnh sửa model sao cho vừa đẹp lại vừa không bị sai tỉ lệ cơ thể người (ví dụ như bóp mặt sao cho đúng, kéo chân sao cho vừa phải).
Anh Huy của 4 năm trước (trước khi theo đuổi Multimedia Design) có bao giờ nghĩ rằng, 4 năm sau, mình sẽ trở thành Huy Nguyễn của ngày hôm nay, người thường chụp ảnh cho Niky Khánh Ngọc, Hoàng Thuỳ Linh , Khánh My….và nhiều nhân vật có tiếng khác?
Đúng là mình chưa bao giờ nghĩ tới điều này. Trước khi theo đuổi Multimedia Design mình học tài chính ngân hàng và luôn nghĩ mình sẽ thành một chàng trai văn phòng gây sóng cho các chị em (cười lớn). Ngay cả khi mới bước chân theo đuổi Multimedia Design mình cũng nghĩ mình sẽ trở thành một người thiết kế logo hay làm phim hoạt hình cơ. (cười)
Nhìn lại những lựa chọn của mình, anh hài lòng chứ?
Mình rất hài lòng <3
Cảm ơn anh Huy về những chia sẻ này. Chúc anh không chỉ thành công mà còn hạnh phúc với lựa chọn của mình 😉
Có câu nói: “Quan trọng không phải bạn sống bao lâu, mà là bạn sống “sâu” đến đâu”, chàng trai năm ấy bỏ nhà để đến với niềm đam mê, nay đã được sống với niềm đam mê của mình, được học những gì mình thích và thích những thứ mình làm. Và chàng trai ấy đã thực sự hạnh phúc.
Còn bạn, bạn muốn sống cuộc đời này ra sao?
*Một số sản phẩm tiêu biếu của Huy Nguyễn:
(Phương Dung)