Trở lại Arena Multimedia sau 5 năm, cô nàng thủ khoa 2018 Dương Thị Quỳnh Giang đã mang đến trải lòng chân thành về hành trình chinh phục ước mơ của những năm tháng đôi mươi, cũng như niềm tự hào và sự thay đổi trong nhận thức lẫn tư duy nghệ thuật qua nhiều năm làm nghề.
Khởi đầu bằng hoài nghi của gia đình và bạn bè xung quanh khi quyết định từ bỏ ngành học Kinh tế để lựa chọn con đường Mỹ thuật đa phương tiện. Quỳnh Giang đã chứng minh quyết định của mình là đúng đắn với thành tích tốt nghiệp thủ khoa Arena Multimedia năm 2018. Hãy cùng Arena lắng nghe cuộc trò chuyện đầy chân thật nhưng cũng không kém phần sâu sắc đến từ cô bạn dũng cảm này nhé!
Chào Quỳnh Giang, cảm xúc của bạn hiện tại thế nào sau nhiều năm qua trở về Arena?
Em thấy cơ sở vật chất khác trước rất nhiều. Về cảm xúc thì vẫn giống ngày xưa, vẫn tương tự thời mình còn đi học nhưng giờ đã có thêm một chút thành tựu. Ngày đó, mình không rõ về lĩnh vực này nhưng hiện tại bản thân đã làm việc và hiểu nhiều hơn về ngành nên cảm giác có chút bồi hồi.
Khoảnh khắc khiến Giang nhận ra bản thân không phù hợp với ngành học trước đó?
Trước đây mình học ngành Quản lý Kinh tế, mỗi lần vào lớp toàn ngồi cuối chơi game, ngủ và không tập trung vào chuyên ngành. Những khoảnh khắc này làm mình nhận ra tại sao bản thân phải phí thời gian cho các việc như vậy, tại sao cuộc đời mình lại như thế. Mình chỉ mất khoảng một học kỳ để đưa ra quyết định thôi học vì bản thân không muốn cứ lặp đi lặp lại một việc nhàm chán, không mang đến kiến thức hay kinh nghiệm gì mới mà chỉ đến lớp ngủ rồi chơi. Do đó, mình đã quyết định nghỉ học và chuyển sang ngành yêu thích.
Giữa muôn vàn sự lựa chọn, tại sao Quỳnh Giang quyết định chọn Arena Multimedia làm nơi gửi gắm đam mê?
Thật ra khi mình học lớp 12, Arena Multimedia có đến trường cấp 3 của mình và lúc đấy Giang đã lấy bộ hồ sơ của Trường về xem. Mình cảm thấy vô cùng thích Arena cũng như mong muốn được theo học tại đây. Nhưng tiếc là thời điểm đó mình nghe theo nguyện vọng của ba mẹ nên đã bỏ qua Arena.
Vậy thì trong quá trình rẽ hướng theo đuổi đam mê Giang đã gặp phải những khó khăn gì? Gia đình có ủng hộ bạn với quyết định này hay không?
Bây giờ nhìn lại những gì đã qua thì thấy rất dễ dàng nhưng đối với mình thời điểm đó vô cùng khó khăn. Bởi lẽ, khi bỏ học Đại học ba mẹ không đồng ý, bạn bè nghĩ đây chỉ là tuổi trẻ bồng bột mà thôi nên cũng cố gắng khuyên nhủ. Tuy nhiên, mình là kiểu người khi đưa ra quyết định làm điều gì đó thì bản thân phải suy nghĩ rất nhiều.
Lúc đấy, luồng thông tin tiêu cực đến từ nhiều phía. Đặc biệt có người bảo mình “bỏ Đại học rồi thì coi như cuộc đời chấm dứt.” Cho đến sau này khi theo học tại Arena và đạt được một ít thành tựu, được làm chính công việc bản thân yêu thích thì mình tin rằng người đó đã sai. Hiện tại khi nói về những điều này, tất cả đều đã qua nhưng thực sự với mình lúc đó khá khó khăn.
Giang phát hiện năng khiếu Mỹ thuật thuật đa phương tiện của mình từ bao giờ?
Mình thích vẽ từ khi còn bé và được ba thường xuyên dẫn đi tô tượng mỗi tuần một lần. Mình có thói quen vẽ bậy lên tường, lên tủ hay các vật dụng trong gia đình. Giang cũng từng xin phép mẹ đi học vẽ nhưng đối với các thế hệ phụ huynh trước đây, việc học năng khiếu không phải điều cần thiết và không được chú trọng. Do đó, hầu hết mình tự tập vẽ, mọi thứ đều thuộc về bản năng chứ không được học hành bài bản.
Sau này khi đi học trên trường, quyển sổ vẽ cấp 1 của Giang được thầy cô giữ lại cho đàn em lớp sau. Đến cấp 2 thì cô giáo đăng ký cho mình tham gia cuộc thi vẽ cấp tỉnh và mình đạt giải nhất. Mình cảm thấy bản thân khá có duyên với lĩnh vực này nên mong muốn tìm hiểu để theo nghề nhưng gia đình không đồng ý.
Sau khi vào học tại Arena, những hình dung của Giang về Mỹ thuật đa phương tiện có giống với trước đó hay không?
Khi nhìn thấy bộ hồ sơ của Arena vào năm cấp 3 thì mình thấy tất cả những gì có trong đó đều được dạy nên mình nghĩ nó giống với hình dung của mình về Mỹ thuật đa phương tiện, cũng như đáp ứng đầy đủ yêu cầu của mình.
Sau nhiều năm đi làm, Mỹ thuật đa phương tiện trong suy nghĩ của Giang có gì khác nhiều so với kiến thức đã được học?
Cho đến bây giờ, mình vẫn thường tâm sự với mọi người rằng kiến thức ở Arena chỉ cho bản thân hành trang cơ bản về nghề mà thôi. Chúng ta đều cần phải dựa vào những cái cơ bản như vậy để học thêm, bởi vì nếu không có nền tảng cơ bản thì sẽ dễ đi lạc hướng nên đối với Giang, Arena cung cấp cho mình một cơ sở để tự học tập và trau dồi thêm, phát triển hơn nữa. Tất nhiên, khi đi làm thì đây vốn là chuyên môn của mình nên chắc chắn phải cần đào sâu. Và điều này mình hoàn toàn có thể tự bổ sung nhưng quan trọng vẫn là nền tảng ban đầu.
Chẳng hạn, khi làm việc chúng ta chỉ phụ trách chuyên môn ở một bộ phận. Nhưng khi được học tại Arena thì mình sẽ tiếp cận với kiến thức về ánh sáng, hội họa, nhiếp ảnh, v.v. Tất cả những yếu tố này đều bổ trợ và cần thiết cho chuyên môn 3D của Giang, đây cũng chính là lợi ích lớn nhất mà mình nhận ra trong chương trình học của Arena.
Trong khoảng thời gian gắn bó với Arena, kỳ học nào “khoai” nhất với Giang và kỳ nào bạn cảm thấy yêu thích nhất?
Mình thích nhất học kỳ 3D và đây cũng là kỳ học khó khăn nhất đối với Giang. Ban đầu mình định trở thành Designer nhưng khi gặp thầy hướng dẫn thì bản thân đã có sự thay đổi cũng như quyết tâm lớn để theo ngành 3D. Lúc làm đồ án rất cực nhưng cũng rất vui, cả nhóm phải có mặt tại cơ sở Nguyễn Kiệm lúc 8h sáng và trở về lúc 11h đêm, liên tục 1 tháng như vậy không ngừng nghỉ ngày nào kể cả ngày lễ chỉ để hoàn thành đồ án 3D. Đối với Giang, đây là khoảng thời gian vất vả nhưng cũng đáng nhớ nhất, tất cả thành viên đều tự hào về thành quả đạt được.
Vậy Giang có thể chia sẻ thêm về quá trình cho ra đời đồ án được không? Bao gồm cả khâu lên ý tưởng, phân chia nhiệm vụ cho từng thành viên.
Quy trình làm đồ án khá thú vị vì mình là người viết ý tưởng kịch bản. Giang sẽ phân chia nhiệm vụ từng phần theo thế mạnh của mỗi người, thành viên mạnh nhất điều gì sẽ phụ trách mảng đấy. Ví dụ mình mạnh nhất về viết kịch bản thì cần một bạn lên Concept, Trúc là người chịu trách nhiệm cho phần này. Bạn Nhi làm Designer, chị Ngân làm Rigging, những bạn còn lại thì chỉ phụ mà thôi. Điều này đồng nghĩa rằng mọi người đều có thể đóng góp ý kiến nhưng ai phụ trách chính phần nào sẽ có quyền quyết định phần đó, giúp đồ án đi theo một phong cách thống nhất. Ngày xưa, mọi người trong nhóm hay bảo đây là “đồ án 50k” vì ai đi trễ phải nộp 50 nghìn, tiền này sẽ được cộng vào tiền thực hiện đồ án.
Làm sao để mọi người tránh việc bất đồng quan điểm trong khi làm việc nhóm? Giang có thể tiết lộ bí quyết với những đàn em phía sau được không?
Khi làm việc, trong nhóm phải có một thành viên đứng ra thống nhất mọi thứ. Chẳng hạn, mình làm Leader thì sẽ là người quyết định mọi việc cuối cùng. Những chuyện khác trong quá trình làm việc thì mọi người có thể bàn bạc hay tự quyết định nhưng người chốt phải là Leader. Nếu có một người chịu trách nhiệm toàn bộ thì dự án đó mới có thể suôn sẻ và thống nhất theo một phong cách, bởi lẽ mỗi người một ý tưởng thì đồ án không thể trôi chảy, hoàn thiện được.
Tiếp tục câu chuyện học tập tại Arena nhé, bên cạnh đồ án 3D thì Giang còn mẩu chuyện vui hay kỷ niệm đáng nhớ nào khác hay không?
Chắc vì lúc làm đồ án 3D vừa vui, vừa cực mà còn ý nghĩa nữa nên bây giờ đọng lại nhiều nhất trong mình vẫn là những kỷ niệm liên quan đến lúc thực hiện đồ án cùng các bạn. Thực ra quá trình làm việc cũng xảy ra “nội bộ lục đục”, mọi người hiểu lúc làm đồ án thì người khác cũng đi làm công ty. Tại công ty thì có Lead nên mình nghe Lead, còn với đồ án thì công ty đâu có trả tiền nên mình cũng đâu nhất thiết phải nghe theo Leader. Do đó, mình phải dành thời gian nói chuyện để thuyết phục mọi người nhiều lắm, không phải bảo cái gì thì người ta chịu làm cái đó đâu.
Ngoài ra, Giang cũng rút kinh nghiệm từ những người đi trước nếu bạn nào không làm thì mình sẽ cắt ra khỏi nhóm luôn. Tại vì ngay từ ban đầu, mình đã xác định khi vô nhóm này thì phải nỗ lực hết công suất, nếu không làm mà hưởng thành quả của người khác thì mình thấy không công bằng. Đồng thời, cách sống và làm việc của những bạn như thế cũng ảnh hưởng đến cả nhóm nên mình quyết định không cho tham gia vào nhóm nữa, đây là cách giải quyết của Giang.
Cho đến cuối cùng, bài học quý giá nhất mà bạn nhận ra khi hoàn thành đồ án – đứa con tinh thần của cả nhóm là gì?
Mình nghĩ rằng bài học lớn nhất là sự cố gắng hết mình. Bởi lẽ, chỉ cần nỗ lực hết sức tại thời điểm đó dù cho kết quả như thế nào thì sau này khi nhìn lại mình vẫn sẽ luôn cảm thấy tự hào về những gì bản thân đã làm, đã cố gắng.
Chuyển qua chủ đề về thầy cô nhé! Giang cảm nhận thế nào về giảng viên tại Arena Multimedia? Ai là người để lại cho bạn ấn tượng đậm nét nhất?
Người giảng viên để lại ấn tượng lớn nhất trong mình và đến tận bây giờ Giang vẫn còn làm việc với thầy, đó là thầy Xuân Minh. Mặc dù hiện tại không còn giảng dạy tại Arena nhưng trước đó thầy đã truyền cảm hứng rất lớn cho mình, khiến Giang cảm thấy yêu thích nghề này. Đồng thời, thầy Minh cũng là người đầu tiên dạy cho mình về phần mềm ZBrush – phần mềm yêu thích và mình vẫn thường xuyên sử dụng đến tận hôm nay. Đối với Giang, thầy Xuân Minh đã hỗ trợ, giúp đỡ mình rất nhiều và bản thân cảm thấy rất biết ơn thầy.
Quay lại thời điểm 2018, cảm xúc của Giang thế nào khi biết tin bản thân trở thành thủ khoa Arena Multimedia?
Thời điểm đó, mình đang về Đà Lạt cùng ba mẹ và tự nhiên nghe tin trở thành thủ khoa của Arena. Đầu tiên, mình cảm thấy ba mẹ rất vui và hạnh phúc vì khi để mình chuyển trường sang đây học thì gia đình cũng có sự kỳ vọng nhất định. Thật sự mình cũng hơi bỡ ngỡ, mặc dù khi đi học thì bản thân luôn cố gắng hết sức để đạt điểm cao nhất ở các môn nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ được thủ khoa. Do đó, Giang cho rằng bên cạnh nỗ lực thì còn cả sự may mắn nữa. Và mình vẫn còn nhớ cảm giác ngày hôm đó rất rõ vì bản thân đã rất vui.
Sau nhiều năm học tập và làm nghề, phong cách nghệ thuật mà bạn theo đuổi là gì?
Phong cách nghệ thuật mà mình theo đuổi là stylized và semi-realistic. Semi-real không giống Realistic toàn bộ mà chỉ hơi giả tưởng một xíu. Chẳng hạn, đó sẽ là nhân vật với mắt to hơn bình thường, mũi nhỏ hơn bình thường và tỷ lệ dài hơn người bình thường. Mình rất thích phong cách này và hầu hết dự án cá nhân của Giang đều theo đuổi phong cách semi-real.
Vậy tính cách và gu thẩm mỹ thiên bẩm của Giang hướng bạn đến phong cách nghệ thuật này hay do bạn được truyền cảm hứng từ ai đó? Bạn có thần tượng ai trong ngành hay không?
Trong lĩnh vực này có rất nhiều Artist giỏi nhưng mình thì không có một người cụ thể để định hướng theo phong cách của họ. Mình tìm ra phong cách nghệ thuật của bản thân khi ngồi tập vẽ Digital Painting. Ban đầu, mình vẽ con người Real nhưng dần dần sang hơi hướng semi-real. Đồng thời, Giang cũng thích những dạng người như vậy nên đây là phong cách mà bản thân muốn theo đuổi. Tất cả được định hình từ lúc mình ngồi tập vẽ mà thôi.
Bạn định nghĩa thế nào về một tác phẩm hoàn chỉnh?
Mình từng dành nhiều thời gian suy nghĩ về vấn đề này. Tuy nhiên, Giang nhớ có lần được nghe chia sẻ từ anh Artist rất giỏi trong nghề, anh bảo: “Không phải cứ hoàn thành, up ảnh lên thì đó là file cuối cùng đâu. Thực ra thời điểm đó Artist đã không muốn vẽ nữa, cố gắng hết sức rồi chứ thực tế thì Artist không có file nào được gọi là file cuối cùng, hoàn chỉnh cả.”
Mình ngẫm nghĩ và nhận thấy quả thật rất đúng, bởi vì mỗi khi làm dự án cá nhân thì mình có suy nghĩ rằng file này tới đây là ổn rồi, đáp ứng yêu cầu rồi thì up lên thôi. Nếu muốn cầu toàn mọi thứ thì mất rất nhiều thời gian, làm cho đến một thời điểm mình muốn up lên thì sẽ hoàn tất chứ chẳng bao giờ có bản cuối cùng hay hoàn chỉnh nhất cả. Tức là khi mình thấy bản thân đã làm hết sức thì đó là thời điểm “final”.
Giang chính thức vào nghề đến bây giờ khoảng 5-6 năm, sẽ có những lúc bạn cảm thấy khó khăn và mệt mỏi. Vậy thì bạn đã làm thế nào để khắc phục và sống hết mình cùng công việc?
Mình nghĩ mọi người sẽ gặp khó khăn cũng như mệt mỏi nhất ở thời điểm mới đi làm, tại vì từ môi trường học tập sang môi trường làm việc có rất nhiều điểm khác biệt. Ngoài thời gian đi làm nhiều hơn thì mình cảm nhận khối lượng công việc cũng không nhiều so với thời mình làm đồ án 3D, lúc đấy làm xuyên suốt mà không nghỉ ngày nào cả.
Tuy nhiên, về áp lực công việc thì mình phải tự nhìn nhận lại chính bản thân trong một môi trường toàn người giỏi. Bạn có thể giỏi trong môi trường này nhưng khi sang nơi khác thì cũng chỉ là người bình thường mà thôi, vì chắc chắn sẽ có người giỏi hơn bạn. Thậm chí, đôi lúc mình còn cảm thấy tự ti về những gì bản thân từng đạt được chỉ vì câu nói của người khác “Thủ khoa Arena thì có gì đâu mà tự hào.” Lúc đấy, mình cũng mất hẳn sự tự tin, cho rằng không nên quá tự hào, không nên thể hiện ra nhiều như vậy với mọi người.
Nhưng khi đã trải qua nhiều thứ, mình cho rằng những câu nói đó chỉ là vấn đề của chính người nói chứ không nằm ở bản thân mình. Hiện tại khi nghĩ về điều đó, Giang vẫn cho rằng “Thủ khoa Arena vẫn rất tự hào”, đây là thành tích vốn dĩ không dễ dàng đạt được và bản thân mình có quyền được tự hào mà đúng không.
Bạn có lời khuyên gì để giúp các bạn trẻ tránh khỏi “cú sốc” như vậy?
Đầu tiên, mọi người đừng xem bản thân là số 1. Mình nên giữ tâm thế học hỏi khi bước vào một môi trường mới và sẽ học tập từ tất cả những người làm chung với mình. Đừng suy nghĩ bản thân là giỏi nhất, không cần học từ ai, đây là suy nghĩ khá sai ở một số bạn.
Tiếp theo, mình cũng cần duy trì niềm tự hào về thành quả, sự cố gắng của bản thân. Dù có ai chê bai hay công kích thì vẫn nên tự tin vào những điều đó. Tuy nhiên, tự hào hay tự tin không đồng nghĩa với tự kiêu, cũng đừng nghĩ bản thân là số 1.
Không tự kiêu mà tự hào về những cố gắng của bản thân, đây có phải yếu tố giúp bạn giữ vững đam mê với thiết kế sáng tạo trong suốt hành trình đã qua hay không?
Mình nghĩ đam mê khó nói lắm, chỉ vì bản thân thích thì làm thôi cho nên cũng không có một bí quyết cụ thể nào. Mình nghĩ bản thân thật sự thích ngành này, cứ làm và cảm thấy hạnh phúc chứ đôi khi không biết cụ thể tại sao hay vì sao lại đam mê.
Từ quan điểm của cá nhân bạn, Quỳnh Giang nghĩ yếu tố hay phẩm chất nào làm nên thành công của một người theo đuổi Mỹ thuật đa phương tiện?
Đầu tiên, mình nghĩ phần lớn phải đến từ sự nỗ lực của bản thân mỗi người. Tiếp theo đó là năng khiếu, bởi lẽ những người có năng khiếu sẽ đi nhanh hơn so với một người chỉ có sự cố gắng. Tuy nhiên, năng khiếu mà không song hành cùng sự kiên trì nỗ lực thì chắc chắn bị bỏ lại phía sau. Do đó, để thành công với nghề, các bạn nên sở hữu cả 2 yếu tố này vì chúng rất quan trọng.
Cuối cùng, với tư cách “bậc tiền bối” tại Arena Multimedia, Giang hãy gửi đến một vài lời khuyên dành cho các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề!
Điều này mình từng nói rất nhiều lần với mọi người, đến bây giờ vẫn không thay đổi. Mình nghĩ mọi người nên xác định điều bản thân yêu thích nhất và nỗ lực, kiên trì để theo đuổi nó đến cùng.
Nếu chẳng may điều mình thích nhất nhưng lại không có khả năng thì mọi người phải nghĩ đến cái gì mà bản thân giỏi nhất. Cái giỏi nhất sẽ khiến mọi người kiếm ra tiền và lấy tiền đó để nuôi đam mê. Bởi lẽ, khi theo đuổi điều mình thích nhất nhưng không có khả năng thì quả thật cũng khá “fail”.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn cùng Arena Multimedia. Chúc Quỳnh Giang sớm hoàn thành mong muốn của bản thân nhé!
Phỏng vấn: Lưu Ly
Bài viết: Diệu Ngô
Thiết kế: Olianji
HỆ THỐNG ĐÀO TẠO MỸ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN ARENA MULTIMEDIA
TP.HCM
HÀ NỘI