Khi tìm hiểu về Quang Hưng, tôi đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác, những điều thú vị của anh chàng này cứ kéo dài mãi không dứt: Hưng từ bỏ suất vào thẳng đại học công lập danh giá; dân chuyên Sinh đạt giải quốc gia mà lại đi theo ngành Công nghệ thông tin; từ một anh chàng mù tịt ngoại ngữ giờ thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Nhật; chỉ học Arena Multimedia một năm và hiện tại đang làm thiết kế chuyên nghiệp tại Đức; trở thành công dân toàn cầu phượt khắp châu Âu; nấu ăn, chơi guitar, chụp ảnh, cộng tác viên báo Vnexpress…
Thời gian ở Đức và Việt Nam lệch nhau, Hưng làm việc ở công ty nhiều, nên chúng tôi chỉ có thể trao đổi phỏng vấn qua lại bằng email. Nhưng ngay cả cái cách Hưng trả lời email chỉn chu, mạch lạc và đầy nhiệt huyết cũng khiến tôi thấy đam mê trong mỗi công việc Hưng làm, quyết tâm rèn luyện bản thân, nỗ lực học hỏi của Hưng.
Đó cũng là lý do tại sao Hưng có thể làm nhiều việc cùng một lúc, vượt qua nhiều thử thách, gian nan, thử sức với muôn vàn công việc khác nhau và ngày càng trưởng thành, trở thành công dân quốc tế, hòa mình vào biển lớn.
Nhận lời chia sẻ với Arena Multimedia, Quang Hưng mong rằng những kinh nghiệm mình đã trải qua, những gì bạn chia sẻ có thể giúp các bạn học viên tự tin và có những lựa chọn đúng đắn, biến đam mê thành thành công nghề nghiệp, để đam mê từ thế hệ này lan tỏa qua các thế hệ kế tiếp
Tên đầy đủ | : Đoàn Quang Hưng |
Quê quán | : TP Hải Phòng |
Ngày sinh | : 20/03/1990 |
Học viên lớp | : D1210M Arena Multimedia |
Công việc hiện tại | : Web & Graphic Designer tại Công ty Naue GmbH, CHLB Đức |
Công việc trước đây | : Designer tại Time Universal Software Developer tại 3si.vn Software Developer tại FPT Corp |
Sở thích | : Nhiếp ảnh, Guitar, Nấu ăn |
Câu nói yêu thích | : The only way to do great work is to love what you do. (Steve Jobs) |
Thần tượng Flick | : Steve Jobs: https://www.flickr.com/photos/hungdqdesign/ |
“NHIẾP ẢNH ĐÃ MANG TÔI ĐẾN ARENA MULTIMEDIA”
Chào Hưng, trước đây bạn định hướng chọn ngành học, trường đại học như thế nào? Bạn là người chủ động, hay do gia đình định dướng, tiêu chí bạn chọn ngành nghề như thế nào?
Hồi cấp 3 mình học chuyên Sinh trường Năng khiếu Trần Phú (Hải Phòng). Suốt những năm cấp 3 mình vẫn nghĩ sẽ trở thành một bác sĩ hoặc một nhà nghiên cứu chuyên về Công nghệ Sinh học. Đã từng đạt giải Quốc gia môn Sinh học, rồi được tuyển thẳng vào Đại học, nhưng rồi mình quyết định chọn trường Đại học FPT, ngành học Kĩ sư phần mềm bởi 2 lý do chính: Thứ nhất: mình chán cách học sách vở, lý thuyết lắm rồi. Mình muốn học theo phương pháp mới, môi trường đào tạo kiểu mới. Mình còn trẻ, còn có cơ hội thì phải nắm bắt ngay; Thứ hai: Tại thời điểm tốt nghiệp cấp 3, mình quá kém tiếng Anh. Khả năng tiếng Anh của mình gần như bằng 0, và nếu cứ mãi không có một biến chuyển gì đột phá, mình sẽ mù tiếng Anh đến hết đời. Trước khi ra đời đi làm, mình chỉ còn một cơ hội được học tử tế tiếng Anh lại từ đầu, và đó là ở Đại học FPT.
“Từ những ngày mới vào Đại học, mình đã đặt ra một kế hoạch để cuộc đời phấn đấu theo, đó là: là một người sinh ra tại Việt Nam, mình muốn được học tập tại Nhật, thực tập tại châu Âu, làm việc tại Mỹ, trước khi trở về gây dựng sự nghiệp tại chính quê nhà”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bao nhiêu lâu sau thì bạn học Arena Multimedia? Tại sao bạn lại lựa chọn học ngôi trường này?
Trước khi tốt nghiệp Đại học một năm, mình đã đăng ký học Arena lớp buổi tối. Suốt quãng thời gian đó, mình đã theo học song song hai trường, đồng thời có đi làm thêm tại một công ty phần mềm, vừa có thêm kinh nghiệm trong lĩnh vực lập trình phần mềm, vừa trang trải phần nào học phí tại Arena, ngoài ra mình còn học thêm một lớp buổi tối về “nghiệp vụ ảnh” tại một ảnh viện áo cưới ở Hà Nội nữa
Quang Hưng mơ ước trở thành một giảng viên tại Arena Multimedia
Tại Arena Multimedia, bạn hứng thú, say mê nhất môn học nào? Thầy cô nào là người có ảnh hưởng, chắp cánh đam mê cho bạn?
Với chương trình của Arena, mình tập trung nhất phần Photography và Photoshop, đây là mảng mình thích nhất, chính nó mang mình tới Arena, mình muốn trau dồi càng nhiều càng tốt kiến thức về nhiếp ảnh, từ đó mình phát huy óc thẩm mĩ và phục vụ trực tiếp cho công việc thiết kế.
Song hành với việc học trên trường, mình mở dịch vụ chụp ảnh cưới cùng với một người bạn. Nếm trải đủ mồ hôi nước mắt của nghề, mình càng thấm thía hơn giá trị sức lao động và may mắn của một người được đi học.
Ngoài ra, mình còn tích cực tham gia các triển lãm ảnh của các nhiếp ảnh gia trong nước, đặc biệt của Nhiếp ảnh gia Trần Nhân Quyền, cũng là thầy giáo dạy lớp mình tại Arena. Tình yêu nghề mình có được ngày hôm nay, chịu ảnh hưởng rất lớn từ thầy Trần Nhân Quyền. Trái tim mình dành chọn tình yêu cho nhiếp ảnh nghệ thuật, đặc biệt là ảnh nghệ thuật đen trắng về đời sống con người (Street life). Một bức ảnh nghệ thuật Street life không chỉ đòi hỏi quan sát tinh tế và góc nhìn sáng tạo của người chụp, mà hơn cả, phải cảm nhận sâu sắc được hơi thở cuộc sống và trải nghiệm nhiều mảng đời khác nhau, chứ không thể theo cách “phụ thuộc vào ăn may” hay cố ý dàn dựng để có ảnh đẹp.
Xem thêm những bức ảnh của Quang Hưng tại đây
Quang Hưng bên bạn bè cùng lớp và thầy Trần Nhân Quyền (đứng bên trái Hưng)
Một bức ảnh về Mưa Hà Nội của Hưng được khách hàng mua lại
Trong quá trình học thiết kế tại Arena, đối với bạn đâu là thuận lợi lớn nhất?
Điều mình thấy thuận lợi nhất khi học tại Arena đó là được học trong một tập thể mà tất cả mọi người đều có đam mê với nghề thiết kế. Mình nói điều này thuận lợi bởi vì, trong khi một số trường lớp Đại học mà ở đó sinh viên đi học chỉ để lấy cái bằng, hoặc đi học vì nghĩa vụ, vì gia đình muốn… thì ở Arena tất cả mọi người đi học chỉ bởi yêu nghề thiết kế. Trong lớp mình có hơn một nửa là đã và đang đi làm ngành nghề khác, ban ngày họ có thể là nhân viên kế toán, lập trình viên, thậm chí chụp ảnh, makeup, nhưng tối đến vẫn chịu khó cắp sách học chung lớp với với các em học sinh khác, có thể kém tới 10 tuổi.
Bạn tự nhận mình không có năng khiếu vẽ tay, vậy thì bạn học ở Arena thế nào?
Đúng vậy, chính xác là mình không biết vẽ. Buổi học vẽ đầu tiên ở Arena cũng là lần đầu mình biết đến bảng vẽ và các khái niệm đo tỉ lệ bằng que, đánh bóng chì…
Quả thực, để trở thành một Designer đẳng cấp thì rất cần tới vẽ tay, nó sẽ tăng độ thẩm mĩ của các bản thiết kế lên rất nhiều. Còn mình hoàn toàn không có hoa tay, không có chút năng khiếu vẽ nào, đó là một thực tế mình phải chấp nhận.
Tuy nhiên, vẽ không phải yếu tố duy nhất quyết định đến sự thành công của Designer, theo mình còn có sự tham gia của rất nhiều mảng khác như: óc thẩm mĩ, khả năng quan sát đánh giá, khả năng phối màu và tư duy bố cục, khả năng sử phần mềm đồ họa, sức sáng tạo và lòng đam mê. Nếu vẽ là một yếu tố mang tính năng khiếu bẩm sinh, thì những yếu tố mình vừa kể trên, mình khẳng định hoàn toàn có được do luyện tập chăm chỉ. Bản thân tuy không có khả năng vẽ, nhưng mình rất tự tin vào con mắt thẩm mĩ của mình. Đó là một quá trình dài, tích lũy từ vô vàn sách báo tạp chí. Mình rất thích đọc các tạp chí thời trang và điện ảnh, cũng như sở thích chụp ảnh hỗ trợ trực tiếp cho mình khâu này. Nhờ vậy mình có thể đánh giá chính xác, nhìn nhanh, nhận xét đúng điểm mạnh yếu của một thiết kế, từ đó đưa ra các giải pháp thiết kế vừa đẹp mắt vừa tiện dụng.
Quang Hưng từ những ngày đầu tập vẽ
Tại sao bạn lại thích thú với website, lĩnh vực khá “khoai” đối với học viên Arena?
Xuất phát điểm là dân lập trình Web, khi sang học thiết kế Web mình cảm thấy mở mang đầu óc rất nhiều. Web với mình bây giờ không chỉ còn là các dòng code, các chức năng, mà còn là sự thiết kế thông minh, tiện dụng và vô vàn sáng tạo. Tiếp xúc nhiều hơn với các thiết kế Web nước ngoài, mình thấy như đã bỏ qua một kho tàng sáng tạo trong thiết kế bấy lâu nay. Giờ mình có thể làm một trang Web từ đầu tới cuối, trang Web có đẹp hay không, có hiệu quả hay không đều do mình quyết định, và mình thích điều này. Khi đi làm mình cũng chọn Web là mảng chính để tập trung phát triển.
Là người lớn tuổi hơn các bạn học viên khác trong lớp, trong trường, bạn thấy nhược điểm mà các bạn học viên mắc phải trong quá trình học là gì?
Trong lớp mình có đến gần nửa là các em sinh viên sinh năm từ 94 cho đến 96, đều là sinh viên năm đầu các trường Đại Học khác. Vì vậy, nhược điểm đầu tiên mình nhận thấy các em mắc phải đó là chưa có nhiều kinh nghiệm đi làm để va vấp cuộc sống, cho nên khi đi học vẫn hơi ham chơi. Vì chưa chịu nhiều sức ép về thời gian và tiền bạc, ý thức về tầm quan trọng của sự nghiệp chưa thật rõ, nên việc bùng học hay lười làm bài tập thi thoảng cũng xảy ra.
Nhiều bạn học mà chưa có định hướng, sở thích rõ ràng, bạn có suy nghĩ sao về vấn đề này? Bạn có kinh nghiệm gì để khắc phục?
Thực tế mình đã trải qua giai đoạn học tập chưa có định hướng rõ ràng, mình vẫn muốn hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin nhưng cho đến khi gần tốt nghiệp ĐH FPT vẫn chưa có xác định rõ vị trí muốn làm là gì. Mình quyết định bảo lưu một năm học, cho mình thật nhiều thời gian vừa để suy nghĩ, thử sức mình với nhiều ngành nghề khác nhau, thậm chí là không liên quan tới chuyên ngành. Đôi khi vì những nguyên nhân khách quan, trường học cũng chưa đủ để giúp bạn đưa ra định hướng sự nghiệp, lúc đó chỉ có bản thân là có thể, vì vậy cần có thời gian và trải nghiệm thực tế.
QUANG HƯNG VÀ CON ĐƯỜNG BƯỚC RA THẾ GIỚI
Bạn bắt đầu sự nghiệp của mình với những công việc như thế nào?
Ngày chưa ra trường, mình làm lập trình viên cho một công ty phần mềm. Toàn thời gian là lập trình phần mềm và lập trình web. Công việc này đem lại cho mình tác phong nghiêm túc của môi trường làm với khách hàng Nhật Bản, tiền lương đủ để mình chi trả học phí tại Arena Multimedia. Tuy nhiên cái được lớn nhất là mối quan hệ với một anh Designer. Chính anh ấy đã cởi bỏ những thắc mắc về nghề Design cho mình. Chỉ sau một buổi trà đá với anh ấy, mình đã đăng ký ngay lập tức khoá học thiết kế tại Arena mà không chút do dự nào.
Đối với mọi người trong công ty lúc đó, anh ấy chỉ là một nhân viên bình thường, nhưng đó lại là người thay đổi cuộc đời mình, mình biết ơn anh ấy rất nhiều, sau này hai anh em vẫn là bạn thân thiết mặc dù cả mình và anh ấy đều không làm việc tại công ty cũ nữa.
Sau khi tốt nghiệp Arena, mình vào làm Web Designer tại một Agency ở Hà Nội là Times Universal,và mình vẫn luôn tự hào vì đã từng được gắn bó, học hỏi và làm việc tại đây. Ngày đầu bước chân vào thế giới Design còn nhiều bỡ ngỡ và khó khăn, nhờ sự cọ xát với các dự án giá trị lớn, làm chung với các designer giàu kinh nghiệm mà mình ít nhiều cũng thu nhận được bài học cho bản thân. Tiếc là làm tại đây được một thời gian chưa lâu thì mình được nhận vào làm Designer cho một công ty bên Đức, nơi mà mình đã ứng tuyển cách đó rất lâu, mãi sau này họ mới báo tin.
Đồng thời, suốt từ khi còn là sinh viên những năm cuối cho đến trước khi đi Đức, mình làm chung với một vài người bạn mở dịch vụ chụp ảnh: ảnh kỷ yếu, ảnh cưới, ảnh em bé. Chúng mình đã thực sự gây dựng một Studio ảnh cưới bằng hai bàn tay trắng, trắng cả về tài chính lẫn kiến thức. Khởi đầu chúng mình không có máy móc, phải đi thuê với giá khá cao, trả tiền theo ngày. Rồi bọn mình cũng phải đi học nghiệp vụ ảnh tại một studio ảnh cưới có tiếng ở Hà Nội, vì xác định làm chuyên nghiệp chứ không chơi bời dăm ba bữa cho nên bọn mình chấp nhận đầu tư, không có tiền nên toàn phải vay, bạn bè, người thân, kể cả người lạ,…danh sách người cho vay đầy mấy trang sau của một quyển sổ. Mấy anh em mình lúc khổ nhất chỉ biết chia nhau hai gói mì tôm, đi chụp cả ngày mệt mỏi nhưng vì phải trả tiền thuê máy móc và địa điểm, nên còn lại chẳng bao nhiêu.
Những công việc đó đem lại cho bạn điều gì?
Những công việc mình trải qua đều có một điểm chung, đấy là thu nhập chưa cao, vị trí dành cho một sinh viên mới ra trường. Cho nên ngoài chút ít kinh nghiệm làm việc, cái đọng lại lớn nhất trong mình luôn là cách ứng nhân xử thế, cách đối xử giữa con người trong một tập thể với nhau. Mình đã luôn trân trọng mọi người trong công ty, nhờ đó mình nhận ra được điểm mạnh, yếu và hiểu được ai có thể thực sự là bạn tốt. Những người quan trọng nhất đối với mình không phải những giám đốc hay trưởng phòng, mà lại là những anh chụp ảnh dạo cùng mình, là những em makeup cùng chịu nắng mưa, là những anh designer vẻ ngoài trông cù lần nhưng rất tốt bụng. Đi với họ mình hiểu thêm về cuộc sống lao động khổ cực, những thứ phải làm lên bằng tay chân chứ không bằng lời nói. Nếu không có những con người giản dị mà chịu khó đó, cuộc đời mình chắc chắn đã rẽ theo một hướng khác, chưa chắc đã tốt đẹp như bây giờ. Mình trân và muốn cám ơn tất cả!
Công việc hiện tại của bạn ở Công ty Naue GmbH (CHLB Đức) như thế nào? Bạn có thể mô tả về môi trường làm việc ở đây không?
Hiện tại mình đang làm Designer cho một công ty của Đức, công việc hằng ngày với một cường độ cao, nhưng ở một trình độ rất chuyên nghiệp. Cùng làm việc với mình là những con người rất tài giỏi, họ đến từ nhiều quốc gia chứ không chỉ mỗi tại Đức. Một số bạn bè anh chị cũng chạc tuổi mình thôi, nhưng kĩ năng và độ chuyên nghiệp của họ thì tuyệt vời, phải dành từ “talent” cho những con người này là chính xác nhất.
Quang Hưng và các đồng nghiệp quốc tế tại Công ty Naue GmbH, CHLB Đức, Hưng là người Việt Nam, cũng là người châu Á duy nhất trong công ty
Làm việc trong môi trường đa quốc gia, đa văn hoá, là một Designer mình phải có một thẩm mĩ rất cao, chuyên môn cứng và một tác phong làm việc chuyên nghiệp nhất có thể, nếu muốn bám trụ lại với môi trường cạnh tranh này. Mình vẫn phải đọc, học, cập nhật kiến thức hàng ngày qua sách vở và mạng, không dám ngừng học nếu không muốn tụt hậu so với các designer khác trong công ty. Họ làm việc rất chăm chỉ và tập trung, không phải bởi thu nhập, mà bởi làm như vậy sẽ ra một sản phẩm hiệu quả cao. Dễ hiểu vì sao có những ngành công nghiệp mà người Đức nắm vị trí số 1 thế giới, Mỹ cũng không thể vượt qua.
Bạn đã đến với công việc hiện tại như thế nào? Tại sao bạn lại có ý định làm ở nước ngoài, tại sao bạn lại chọn Đức?
Mình theo đuổi dự định tới châu Âu từ rất lâu, kể từ ngày gửi những đơn ứng tuyển đầu tiên cho đến khi đỗ, mất khoảng 2 năm. 2 năm trời với số lượng đơn lên đến hàng nghìn, mình cứ tìm trên mạng chỗ nào có tin đăng là nộp. Từ Đức, Áo, Hungary, Hà Lan, Phần Lan, Bỉ… thậm chí đến chương trình thực tập của tập đoàn dầu khí BP (Anh) mình cũng đã thử.
Nhiều lúc cũng nản và bỏ bẵng một vài tháng không nộp đơn, nhưng rồi nghĩ nếu không làm vậy thì cũng chẳng còn cách nào khác để ra biển lớn. Điểm phẩy mình không cao nên chẳng mong tới ngày xin được học bổng du học, còn gia đình cũng chẳng có điều kiện cho đi học nước ngoài, cách duy nhất là tự thân vận động. Chẳng ai giúp được mình ngoài chính bản thân, mình được tôi rèn ý chí đó qua những ngày ròng mưa dãi nắng chụp ảnh dạo với các anh em, và mình đã thành công.
Mình apply cả ngành IT và Design, một số đề nghị mình nhận được đến từ các công ty lớn bên Ấn Độ và Nhật Bản, họ có trụ sở tại Mumbai, Tokyo, Osaka, Kyoto, một số có cả công ty con tại Việt Nam. Công việc mình được chấp thuận thường là Designer hoặc Web Developer tại các công ty phần mềm, các trường Đại học hoặc một số ít đến từ các Studio chụp ảnh. Vì mình cũng có đam mê với nhiếp ảnh nên đã apply cả vị trí photographer cho một Studio bên Ấn Độ. Nếu không có tin trúng tuyển bên Đức, có khi giờ này mình đang cầm máy ảnh lang thang các con phố tại Mumbai cũng nên.
Khi mới quyết định bước chân vào ngành, bạn nghĩ như thế nào về thiết kế? Sau một thời gian làm việc và bám trụ với nghề, những suy nghĩ ấy đã có những thay đổi gì không?
Ngày đầu bước chân vào nghề thiết kế, design là tất cả với mình. Ăn design, ngủ design, sáng mở mắt đã bật photoshop, ngày này qua ngày khác như vậy. Ròng rã suốt hơn một năm kể từ ngày đầu biết dùng photoshop, mình mới bắt đầu kiếm được công việc thiết kế đầu tiên. Ngoài kiến thức học được tại Arena, kỹ năng thiết kế của mình được rèn rũa đáng kể bởi mình còn có một tình yêu mãnh liệt với nhiếp ảnh – photography. Mình có thể ngồi cả ngày chỉnh sửa ảnh, cho đến khi hài lòng thực sự với sản phẩm là một bức ảnh thật đẹp, mang lại sự hài lòng cho khách hàng, đôi khi còn là sự hạnh phúc nếu đó là những album ảnh cưới. Mỗi lần thiết kế album cưới cho khách, mình luôn cố gắng dành trọn vẹn tình cảm vào bộ album đó, như thể đó chính là album cưới của mình vậy.
Theo bạn những yếu tố nào là cần thiết để theo đuổi, gắn bó và đạt được thành công trong nghề thiết kế? Làm thế nào để trở thành một nhà thiết kế giỏi?
Sau này, khi đã làm nhiều dự án lớn nhỏ khác nhau, mình nhận thấy ngoài đam mê, cần có cả một lập trường, một quan điểm mỹ thuật cao và vững chắc. Thiết kế là một thứ không có chuẩn để đánh giá, phụ thuộc vào con mắt nhìn nhận, mà trăm người thì trăm kiểu nhìn khác nhau. Nếu không có lập trường thì sẽ rất dễ bị “đẽo cày giữa đường”. Quan điểm của mình là: người duy nhất có thể ý kiến về thiết kế của mình là designer, nếu ai đó trong công ty mà không có chuyên môn thiết kế thì mình bỏ ngoài tai ý kiến của họ, mình không quan tâm. Kể cả ông có là trưởng phòng hay giám đốc, nhưng ông không phải designer, ý kiến của ông không giá trị. Nói thế không có nghĩa là mình không nên tiếp thu ý kiến, nhưng nên hạn chế, và phải tự trau dồi cho mình một nền tảng thẩm mĩ cao, để không bị lung lay bởi các ý kiến ngoài lề lặt vặt.
Rất nhiều Designer tay nghề cao, nhưng do bị lép vế và không biết cách phản kháng lại ý kiến của mọi người trong công ty, mà sau này cho ra những sản phẩm không được đẹp đúng khả năng của mình, cuối cùng bị mất việc mà chẳng thể giải thích tại sao. Mình muốn nhấn mạnh tới “lập trường cá nhân” trong ngành thiết kế.
Từ kinh nghiệm của bản thân và đồng nghiệp, bạn nhận xét thế nào về mức thu nhập cũng như cơ hội mà ngành thiết kế mang lại? Liệu đây có phải một ngành nghề dễ kiếm sống hay không, cả về thu nhập cũng như cơ hội việc làm lẫn mức độ cạnh tranh?
Theo mình để theo đuổi được nghề cần có cả đam mê và năng lực thực sự. Năng lực ở đây không phải năng khiếu mỹ thuật, vì như mình cũng làm gì có tí năng khiếu nào. Năng lực này được đúc kết từ kiến thức trong sách vở, kinh nghiệm thực tế, con mắt thẩm mĩ rèn rũa mỗi ngày, cả từ những công việc thu nhập thấp nữa. Mình con nhớ, thu nhập đầu tiên của mình khi đi làm designer bằng đúng 1/4 so với thu nhập mình có thể nhận được từ công việc của một lập trình viên, nhưng mình vẫn chấp nhận, đổi lại là sự cọ xát và vốn kinh nghiệm.
Ngoài ra, một designer còn có thể làm freelance, rất nhiều dự án ngoài cần thiết kế, có thể kiếm thêm thu nhập ngồi ngay tại nhà chứ không cần đi xa. Kể cả có cạnh tranh mấy đi nữa, mình vẫn đánh giá những công việc như thiết kế hay lập trình còn rất nhiều đất, còn tốt chán so với những việc lao động chân tay mình đã từng làm, bụi nhất là lần đứng bán hoa tết ở chợ, những công việc đó bụi bặm mà thu nhập còn thấp hơn nhiều, vậy mà rất nhiều người đang sống được ngoài kia, tại sao mình được ăn học tử tế mà lại không sống được. Một khi tốt nghiệp trường học với đầy đủ kiến thức và kĩ năng cần thiết, nếu không tìm được việc thu nhập đủ sống, thì đó là lỗi tại bạn, chứ không phải tại nghề.
Đã từng làm việc tại Việt Nam và nước ngoài như Nhật và Đức, bạn nhận thấy điều gì mà nhân viên người Việt đang thua kém so với nhân viên nước ngoài?
Đầu tiên, đó là ngoại ngữ. Mình đã làm việc trong các công ty có sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau, từ tiếng Anh, Nhật và tiếng Đức. Ở những nơi này, ngoại ngữ là một thứ phải giỏi, chứ không đơn giản là biết qua loa.
Thứ hai, là mức độ nghiêm túc với công việc. Công ty bên này là không trà đá, không tiệc tùng, không bày vẽ màu mè tặng quà các ngày lễ. Trong giờ hành chính là chỉ có công việc, những thứ khác để cuối tuần, nghỉ giữa giờ cũng là lúc nghỉ ngơi chứ không ai tranh thủ làm gì thêm.
Cuối cùng, mọi người rất tôn trọng sự riêng tư của nhau. Có lẽ đây là điều mình thích nhất khi làm với người nước ngoài. Tính mình thích độc lập, người khác có quan tâm thì cũng vừa vừa thôi. Làm ở Việt Nam rất hay bị săm soi, đánh giá những thứ không phải chuyên môn, nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi vì những việc ngoài lề, khó tập trung công việc. Mình nghĩ điều này sẽ rất khó thay đổi ở Việt Nam, bởi nó ăn sâu vào tiềm thức đùm bọc lẫn nhau, quan tâm thái quá nhưng sẽ biện hộ là sự hỏi thăm.
Góc làm việc đơn giản, gọn gàng của Hưng
Bạn có lời khuyên cho các bạn trẻ như thế nào? Đặc biệt với những bạn đang theo đuổi ngành lập trình – thiết kế web?
Đó là tìm cho mình một thần tượng, một mẫu người thành công để bản thân luôn muốn vươn tới. Nhưng cũng cần tìm ra được giá trị thực sự quan trọng với mình trong cuộc sống để những lúc khó khăn có cớ động viên bản thân. Đối với mình, đó là gia đình. Trải nghiệm nhiều môi trường khác nhau, du lịch rất nhiều nơi khác nhau, mình nhận thấy có một điểm là: người Việt Nam nói riêng, người châu Á nói chung, có một sức mạnh to lớn đó là hai chữ gia đình. Người châu Âu cũng rất quý trọng gia đình, nhưng cuộc sống của họ tự lập từ sớm, khó có thể dài và sâu đậm như người mình. Những người châu Á sang bên này đều mang trong mình một trọng trách to lớn với gia đình, sang đây với hai bàn tay trắng không gì ngoài sức mạnh và tình cảm gia đình, nếu không có sức mạnh đó thì làm sao vượt qua được khó khăn đất khách quê người.
Công việc hiện tại đã là điểm dừng chân lý tưởng dành cho bạn chưa, hay bạn đang hướng đến một mục tiêu khác? Bạn có dự định, kế hoạch cụ thể như thế nào trong thời gian tới?
Từ những ngày mới vào Đại học, mình đã đặt ra một kế hoạch để cuộc đời phấn đấu theo, đó là: là một người sinh ra tại Việt Nam, mình muốn được học tập tại Nhật, thực tập tại châu Âu, làm việc tại Mỹ, trước khi trở về gây dựng sự nghiệp tại chính quê nhà! Bây giờ mình đã thực hiện được một nửa rồi, mình dự định sẽ tiếp tục ở lại Đức vài năm nữa để trau dồi cho chuyên môn thật giỏi trước khi tới Mỹ, nơi mình thực sự muốn phát triển sự nghiệp và cuộc đời tại đó. Đối với mình, nước Mỹ là số 1, mình sẽ đến đó! Đi năm châu bốn bể học hỏi mới thấy mình hạn hẹp, nhỏ bé làm sao.
“CON NGƯỜI MÌNH TRƯỞNG THÀNH NHIỀU TỪ NHỮNG CHUYẾN PHƯỢT CHỨ KHÔNG PHẢI CHỈ MỖI TRƯỜNG LỚP, CÔNG VIỆC. CHẮC CHẮN LÀ VẬY!”
Quay trở lại với đời sông cá nhân bạn, trước đây tại Việt Nam, có phải bạn đã là người hay “đi”, bạn đã đặt chân đến những đâu? Những chuyến đi đem lại cho bạn những trải nghiệm, cảm xúc gì?
Tiếc nuối lớn nhất thời sinh viên của mình đó là không đi phượt sớm hơn. Trước khi đi phượt ở Việt Nam, mình học một thời gian tại Nhật và quá trình này thay đổi quan điểm của mình về du lịch hoàn toàn. Du lịch dù bụi hay theo tour đều rất đáng trả giá, thậm chí trả nhiều hơn cũng đáng. Nếu không đi đây đó thường xuyên, chắc mình không thể biết cái mức độ “Ếch ngồi đáy giếng” của mình nó đến mức nào.
Mình đã dành toàn bộ thời gian và cơ hội có thể của hai năm cuối Đại Học để đi phượt, phượt được hầu hết phía Bắc Việt Nam rồi, trước khi mình dừng hẳn phượt do công việc sau này, nhưng quãng thời gian đó thật tuyệt vời. Con người mình trưởng thành được nhiều từ những chuyến đi chứ không phải chỉ có mỗi trường lớp và công việc. Chắc chắn là vậy!
Áo – Quốc gia thứ 9 (không tính ở Việt Nam) Quang Hưng đặt chân đến sau: Nhật, Đức, Hà Lan, Pháp, Cezh, Tây Ban Nha, Italy, Vatican
Ngoài chụp ảnh, hình như bạn còn có sở thích nấu ăn và chơi guitar, bạn đã học từ bao giờ, tại sao lại thích chúng?
Khi sống ở nước ngoài một mình, có lẽ khó khăn ban đầu lớn nhất đó là nhớ nhà, là sự cô đơn và tủi thân. Vì vậy mình tập trung nấu ăn để không bị nhớ đồ ăn ở nhà, bớt đi thời gian rảnh, giảm thời gian phân tâm vì mấy chuyện nhớ nhung đó, mình sẽ làm việc hiệu quả hơn, tự tạo cho mình ý chí mỗi ngày. Nhớ nhà quá sẽ cảm thấy yếu đuối, sang đây chẳng làm được gì cả, thế có phải phí phạm thời gian không.
Hơn nữa, việc quen với nấu các món cầu kỳ, phức tạp sẽ giúp mình chia sẻ được công việc nhà với gia đình. Mình tin là rất nhiều người đàn ông vẫn suy nghĩ nấu nướng đơn giản, nhưng thực tế họ không thể ăn những món tạm bợ mãi được. Họ vẫn có thể nghĩ vậy vì đơn giản bên cạnh vẫn còn có những người mẹ, người vợ, vẫn nhiều hàng quán bán đồ ăn vừa ngon vừa rẻ. Nhưng ở nước ngoài thì không có những thứ đó, thậm chí nguyên liệu cũng không có đủ. Biết nấu ăn, biết chế biến và hiểu cách thay thế nguyên liệu, khi sống ở nước ngoài sẽ không cảm giác thiếu thốn, xa lạ nữa, cảm giác vẫn như ở nhà, bây giờ thay vì ra ngõ ăn bát phở thì bây giờ tự ninh xương và nấu tại bếp nhà.
Điều thú vị nữa, đó là nhờ thích nấu ăn, nên mình có thể học được các món ăn Đức, nhờ vậy mình thấy quá trình sống ở Đức có giá trị hơn, không chỉ có công việc hay du lịch, ẩn sau mỗi món ăn truyền thống là cả một nét văn hoá đẹp, cũng có những lý giải rất khoa học cho mỗi cách chế biến, hay các kiểu gọt hoa quả khác nhau giữa người Việt Nam, người Nhật, người Đức đều khiến mình thú vị. Mặt khác, đồ ăn Việt Nam rất nổi tiếng trên thế giới, số lượng cửa hàng ăn của người Việt bên này chắc chắn nhiều hơn số công ty mà người Việt có thể thành lập ở nước ngoài, vậy nếu không biết nấu ăn, nấu các món truyền thống thì rất thua kém rồi.
KẾT
“Công việc sẽ lấp đầy một phần lớn cuộc đời của bạn, cách duy nhất để thực sự thỏa mãn là làm thứ bạn tin rằng nó sẽ tuyệt vời. Và cách duy nhất để làm thứ gì tuyệt vời là yêu cái bạn làm”. Nếu như vậy thì Quang Hưng là một người hạnh phúc bởi Hưng đang bay bổng với đôi cánh đam mê, cậu yêu những công việc mình làm, từng giây từng phút với chàng trai này đều thật sự ý nghĩa.
“Stay hungry, stay foolish – Hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ” (Steve Jobs). Hãy cứ dấn thân để hiện thực hóa đam mê của mình, đó là những gì Hưng đã làm, còn bạn thì sao?