Đó là lời chia sẻ của bạn Khánh Vy – thủ khoa Arena Multimedia 2016 khi nói về chủ đề không thất nghiệp sau tốt nghiệp. Khá khiêm tốn khi nói về danh hiệu thủ khoa, Khánh Vy cho rằng bản thân chỉ là “thủ khoa của chính mình” với tâm niệm luôn làm hết mình trong những công việc hằng ngày.
Nhưng cái Vy chia sẻ không dừng lại ở những việc cỏn con ấy, đó là cả một ngọn lửa nhiệt huyết và đam mê đang cháy không ngừng nghỉ trong người cô gái nhỏ nhắn, tài năng này cũng như lý tưởng nghề nghiệp rõ ràng.
Họ tên: Phan Khánh Vy Năm sinh: 1990 Lớp: A1409H1 Danh hiệu: Thủ khoa Arena Multimedia khóa 2013-20162008-2013 du học ngành “Literature Art and Science” tại “Community Colege of Philadelphia” (Hoa Kỳ) Công việc:– Motobile Bus Interior and Exterior Concept cho công ty ô tô Đô Thành- Trợ lý thiết kế cho nhà thiết kế Nguyễn Công Trí- Start-up “Time Traveller”, kinh doanh đồng hồ cổ- Từng tổ chức truyền thông cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam Định hướng: Phát triển dự án Education Animation cho trẻ em và học thêm cách làm hoạt hình 2D thủ công Portfolio: http://vykhanhphan.weebly.com/ |
Thật dí dỏm khi việc thiết kế như căn nhà nhỏ, Vy xem mình là cô chủ nhỏ đầy tự do và quyền lực trong mớ ý tưởng, suy nghĩ của mình. Sở dĩ nói như vậy vì cô nàng designer này rất khéo, khéo ở cách thể hiện bố cục, từng mảng màu, nét vẽ trong các sản phẩm Multimedia; khéo trong việc lồng ghép sở thích cá nhân và khởi nghiệp kinh doanh đồng hồ cổ; và khéo cả trong cách chọn lựa hướng đi phát triển sự nghiệp rất vững chắc, tỉnh táo khi biết mình là ai, ở đâu trong ngành công nghiệp sáng tạo này. Và trong không gian riêng tư ấy, cách Vy sáng tạo và “điên rồ” không lẫn vào đâu được.
Cơ duyên tái hợp với nghề thiết kế
Nói về danh hiệu thủ khoa, Vy có thể chia sẻ bí quyết làm sao để đạt được điều đó?
Thủ khoa là một chức danh quá lớn mà mình chưa bao giờ mình nghĩ là mình đạt được. Thật sự mình không có bí quyết làm sao để trở thành thủ khoa đâu. Mình chỉ muốn làm người làm hết mình trong những công việc mỗi ngày. Có lẽ đó mới là điều mình hướng tới “thủ khoa của chính mình”.
Du học trời Tây để học thiết kế, về Việt Nam cũng chỉ học và làm thiết kế. Vì sao bạn yêu thích nghề thiết kế đến thế?
Mình coi việc thiết kế như căn nhà nhỏ, nơi mình có thể tự do thỏa mãn những ý tưởng và suy nghĩ của mình. Đó là lý do mình luôn có những cơ duyên để tái hợp với ngành nghề này.
Trong thời gian học tại Arena Multimedia, bài tập nào khiến bạn nhớ nhất?
Các đồ án mỗi học kỳ luôn đưa mình đến những cách giải quyết cũng như sự học hỏi, vỡ lẽ khác nhau. Nên sự ấn tượng mình giành cho khoảng thời gian ở Arena là đồng đều. Điều làm mình nhớ nhất có lẽ là về sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình thực hiện những đồ án hay việc học ở Arena.
Làm một phép so sánh nhỏ giữa cách giảng dạy tại Arena và nơi bạn đã từng học ở Mỹ, giữa chúng có điểm tương đồng hay khác biệt nào không?
Điểm tương đồng ở đây có lẽ là các chương trình thiết kế và sự nhiệt tình của các giảng viên. Còn về khác biệt thì mình nghĩ là có. Như việc một căn nhà cùng được xây giống nhau nhưng nội thất hay cấp độ cuộc sống là tùy vào chủ nhà. Mỗi nơi điều có những cái để mình trải lòng học hỏi.
Còn về công việc có gì khác không?
Về tính chất và môi trường làm việc thì cũng có khác nhau đôi chút. Nhưng một điều mình rút ra được là sự kỷ luật về thời gian và cách tiến hành công việc dứt khoát. Sự trao đổi thông tin trong quá trình làm việc với nhau được san sẻ và truyền đạt, họp mặt, đào sâu mang tính hiệu quả cao. Có lẽ thứ nhất là công nghệ họ có, và thứ hai đó là môi trường đa chủng tộc nên cái nhìn từ nhiều cá nhân nó khác nhau. Tất cả dần tôn lên được sự thảo luận trong công việc.
Môi trường Việt Nam thì thật sự cũng có cơ hội sáng tạo, nhưng đa số là sẽ ép theo khuôn khổ nhất định, ít khi thoát ra vòng an toàn. Nhưng nhờ vậy cái khó ló cái khôn, càng bị ép vào khung thì cũng tìm ra được sự bức phá nhất định vẫn theo quy chuẩn.
Khi về Việt Nam, bạn từng trải qua những công việc gì?
Về đây mình trải qua nhiều việc rồi. Trước mình có làm cho bên công tác tổ chức truyền thông cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam, song song đó làm freelancer. Hiện tại, công việc chính thức mình làm ở công ty một là “Motobile Bus Interior and Exterior Concept” cho công ty ô tô Đô Thành và làm thiết kế cho bên Nguyễn Công Trí.
Vậy công việc thiết kế bên Nguyễn Công Trí là gì?
Lần đầu cộng tác với Nguyễn Công Trí thì lúc đó Vy đảm nhận mảng thiết kế mẫu và mẫu vải cho bên thương hiệu Kin Concept. Lúc đó là thời gian mà họ muốn làm mới lại thương hiệu và hiện thực hoá nó đi theo phong cách trẻ trung hơn.
Luôn bật chế độ sẵn sàng với những điều mới lạ
Lĩnh vực giải trí, sáng tạo có lắm niềm vui và cũng không ít khó khăn. Bạn đã gặp và vượt qua những thử thách ấy như thế nào?
Khi rơi vào những khó khăn hay thử thách, mình lại trở nên không quá thúc ép hay thúc giục bản thân. Chậm lại và nhìn những điều xung quanh đang xảy ra là cách mình tìm lại ý tưởng cũng như lấy lại tinh thần.
Vậy bạn đã hài lòng với công việc hiện tại chưa? Dự án sắp tới sắp ra mắt là gì? Và dự định tương lai của bạn ra sao?
Công việc hiện tại là một niềm yêu thích của mình. Mình vẫn luôn có một dự án lâu dài đó là tự phát triển và học hỏi từ nguồn xung quanh. Tương lai mình suy nghĩ sẽ phát triển làm những dự án thiên về Education Animation, dạng mô hình dẫn dắt câu chuyện để lý giải những điều xung quanh cho trẻ em. Mình muốn đi du học để phát triển tay nghề về làm hoạt hình 2D thủ công.
Ngoài ra thì mình sẽ phát triển công việc kinh doanh đồng hồ cổ “Time Traveller” của mình. Đó cũng là thức ăn cho tâm hồn khi mình có thể thỏa thích khám phá những chất liệu khác của cuộc sống.
Nghe đến đồng hồ cổ khá thú vị, bạn có thể chia sẻ thêm về việc kinh doanh cá nhân này?
Mình thích đồ cổ, đặc biệt là đồng hồ lên cót. Bị mê mẩn bởi những thiết kế của những bộ phận máy và bánh răng, nên mình mới tạo lập page để vừa kể chuyện vừa đưa đc những chiếc đồng hồ đó về lại với mọi người thôi. Trước mắt là đồng hồ, sau này thì dần dà mình sẽ tìm những món đồ thú vị khi có duyên để phát triển thêm.
Bận rộn với công việc như vậy, có bao giờ bạn trải qua thời gian thất nghiệp?
Có chứ, thất nghiệp là hoàn toàn có. Trong thời gian chờ đợi những cơ hội, mình luôn tập thói quen là giao bài tập cho bản thân. Như vậy thì mình có thể trao dồi kỹ năng cũng như sự nhạy bén trong suy nghĩ. Để có đi làm thì không phải quá khập khiễng hay mơ hồ.
Để không thất nghiệp sau tốt nghiệp, bạn có lời khuyên gì gửi đến các bạn trẻ đang theo đuổi nghề thiết kế này?
Mình nghĩ là hãy luôn luôn nuôi dưỡng đam mê. Sự dạn dĩ và không ngại khó sẽ giúp các bạn tìm được một chỗ đứng thích hợp và an bình.
Cảm ơn những chia sẻ đầy ý nghĩa của Vy. Chúc bạn thành công và tạo ra nhiều sản phẩm Multimedia thú vị hơn nữa.
(Quỳnh Như)