Cuộc sống luôn có những biến cố khó lường nhưng chính điều đó lại là sức mạnh để cho chúng ta bước tiếp. Quan trọng là hãy đứng lên ngay nơi mình ngã và luôn nhắc bản thân rằng: “Nhiều khi con người ta phải trải qua những nỗi đau mới nếm được cái vị ngọt của hạnh phúc”.
Cô bé mười lăm tuổi hồi ấy đã từng muốn chết đi hay ít nhất là trốn tránh thực tại…!
Trước khi viết ra những dòng tâm sự này, tôi đã nghĩ nên giấu tên mình đi vì đây là câu chuyện mà tôi luôn muốn xóa, muốn dứt bỏ và kéo mình ra khỏi thời gian đó. Cái lúc mà một cô bé 15 tuổi phải chịu đựng cảm giác bị rơi xuống vực thẳm, hố sâu của sự tủi hổ, bị mọi người xung quanh ruồng rẫy và mọi thứ sụp đổ ngay trước mắt. Nhưng giờ đây, có lẽ tôi đã đủ can đảm để đối diện với nó và đối diện với cả chính bản thân mình…
“Con người ta chỉ đủ bản lĩnh vượt qua khó khăn khi đã đến bước đường cùng…”
CÔ GÁI MẠNH MẼ VÀ BẢN LĨNH NGÀY ẤY
Hiện tại – Tôi là một cô gái 18 tuổi, đam mê kinh doanh và nghệ thuật. Tôi đang theo học môn thiết kế đồ họa tại Arena Multimedia – ngôi trường mà đã tiếp sức cho đam mê vẽ và nghệ thuật của tôi ngay từ nhỏ. Ngoài học tập, tôi cũng là một “dân kinh tế” dạn dày khi đã tự mở một tiệm làm nail, vẽ henna, make up, dù quy mô xiu xíu thôi nhưng cũng đủ cho mọi người gọi tôi là “cô chủ nhỏ” hay “cô giáo nail”. Mọi thứ khiến tôi khá bận rộn. Ngày thường tôi vừa đi học vừa đi làm, cuối tuần lại bắt xe về nhà tận 70km để dạy nghề nail và đầu tuần sau từ 5 giờ sáng lại lên Hà Nội để kịp guồng quay học tập, làm việc. Hầu hết mọi người nói tôi tham việc nhưng chỉ cần một ngày tôi không làm thì cảm giác cuộc đời trôi đi thật vô nghĩa. Có lẽ nó đã trở thành thói quen lúc nào cũng phải tất bật, bận rộn như chạy show. Nhiều khi cũng mệt nhưng tôi chưa bao giờ nản. Một phần là do đam mê, nhưng cũng một phần là do hoàn cảnh, do cái biến cố ngày đó đã thay đổi hoàn toàn con người tôi.
Nói về công việc, nhiều người ngưỡng mộ tôi vì trẻ mà đã có thu nhập không kém gì những người lớn đã đi làm, nhất là bố mẹ của mấy đứa cùng trang lứa. Tôi có thể làm việc liên tục từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm mà không ngừng nghỉ. Tôi bắt đầu duy trì công việc này từ những ngày học lớp 10, ban đầu chỉ là vì sở thích, về sau là vì trách nhiệm – trách nhiệm giúp đỡ cha mẹ. Ngày mới “khởi nghiệp” hành nghề đơn sơ lắm, đi học đùm dúm theo một giỏ đựng đủ thứ, nào là sơn móng tay, nào thì bút vẽ… để tan học là đến tận nhà người ta, đến chợ hay quán, ai gọi thì làm. Nhiều khi làm ở chợ, vừa tối, vừa nóng nhưng vẫn cố và có những chiều làm được cho tận 8 người liền. Tôi không đi học một lớp dạy nghề nào chính thức. Với chút năng khiếu, tôi chủ yếu tự mày mò, học tập kinh nghiệm của nhiều người, và sự thật là làm hỏng nhiều rồi rút được kinh nghiệm thôi.
Lúc đó, muốn có tiền mua máy móc và các đồ chuyên nghiệp cũng mất tiền triệu. Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn, tôi quyết định kinh doanh quần áo theo đơn đặt hàng. Thời ấy buôn bán qua mạng chưa nở rộ như bây giờ, nên việc kinh doanh của tôi khá thuật lợi. Sau một thời gian ngắn, tôi kiếm được một khoản kha khá đủ để mua đồ nghề mà không phải xin bố mẹ. Sau nhiều năm làm nail, cái đam mê cứ theo đuổi tôi cháy bỏng đến mức mà chỉ còn 3 ngày nữa là thi Đại học, tôi vẫn quyết định tham gia cuộc thi Next Top Nail 2014. Tác phẩm dự thi là một sản phẩm tôi thực sự tâm đắc: 10 danh thắng Việt Nam trên đầu ngón tay. Sản phẩm đó giúp tôi đạt giải Đặc biệt với phần thưởng 10 triệu đồng và nó đã thật sự tạo ra một bước ngoặt lớn trong cuộc sống của tôi. Từ đó người ta biết đến tôi nhiều hơn – một cô bé, một cô giáo làm nail thật sự.
Cùng với nghiệp làm nail, tôi còn “lấn chân” sang make up nhưng chỉ làm vào những thời điểm nhất định như mùa chụp kỷ yếu. Chắc là do cái duyên với vẽ vời mà dù phải có mặt từ 5 giờ sáng để trang điểm cho các nhóm sinh viên hay có khi là cả lớp, tôi vẫn luôn thích thú. Thu nhập của tôi bây giờ cũng ổn định, không quá nhiều nhưng đủ để trang trải mọi chi phí nhà cửa, ăn uống, mua sắm hàng tháng mà không phải xin bố mẹ nữa. Tôi thích mình tự lập, và hơn nữa tôi rất thương bố mẹ.
Từ ngày còn đi học cấp ba đến giờ, tính ra tôi đã làm kha khá nghề, từ bán quần áo, vẽ phòng trà, làm nail, make up, xăm henna và còn một cái khá hay đó chính là thư pháp. Đối với tôi, thư pháp không đơn thuần là một nghề kiếm tiền mà nó còn là điều tạo nên cảm hứng, một thứ nghệ thuật rất hấp dẫn và cuốn hút. Ngày bé tôi hay đi thi chữ đẹp, dần dần phát hiện ra tôi thích vẽ tranh Thủy Mặc rồi vọc vạch tự học thư pháp. Có lúc ham quá, tôi mày mò đến tận sáng để rồi khi nhìn lại thì bất ngờ với cả một phòng bừa bộn toàn giấy và bút. Năm 17 tuổi, lần đầu tiên tôi đi viết chữ ở Hội, chữ xấu còn thua xa các ông Đồ. Lúc đầu tôi cũng run nhưng cứ nghĩ đã mất công tập luyện mà không dám làm thì có phải hèn nhát quá không? Hơn nữa, tôi còn được bố mẹ tới để cổ vũ và ủng hộ thì chẳng lý nào không thử. Thật bất ngờ là ngay khi mở hàng chữ thì mọi người đến xem rất đông và mua cũng nhiều. Có lẽ họ thấy kì lạ và thích thú vì có một “cô Đồ” trẻ tuổi chăng? Cũng nhờ Thư pháp mà tôi đã ủng hộ được 3 triệu đồng cho Quỹ trẻ em ở trường mẹ khi vẽ một bức ngẫu hứng thư dài gần 2 mét để đấu giá. Trong thâm tâm tôi luôn muốn làm những điều tốt để bố mẹ tự hào và thật may mắn là tôi làm được điều đó từ đam mê của mình.
ÁC MỘNG TRONG MỘT THỜI KÍ ỨC
Nếu nói về gia đình thì tôi thực sự là một người may mắn khi được sinh ra trong một gia đình khá giả: bố làm lãnh đạo ở tỉnh, mẹ cũng làm công chức. Bố mẹ đều rất tâm lí và luôn nuông chiều tôi. Nhưng khi mọi thứ quá đong đầy thì con người ta khó làm chủ và bắt đầu lệch hướng. Có những giai đoạn tôi chơi với đám bạn xấu rồi bỏ học liên miên, kết quả học tập thì phải nói là tồi tệ. Tôi vẫn nhớ ngày đó, thay vì đánh mắng thì bố đã viết một bức thư kẹp vào vở của tôi. Nhưng lúc đó, vì quá trẻ, vì bồng bột nên tôi không thể hiểu hết những gì bố nói, càng không suy nghĩ nhiều tới những trăn trở của cha mẹ.
Cho đến quãng ngày khó khăn nhất xảy ra trong cuộc đời tôi, nó như một cái “roi” lớn đánh cho tôi thức tỉnh: Có một vụ kiện tại nơi bố tôi làm việc và đương nhiên bố tôi là người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm. Thời buổi bây giờ kể cả làm kinh doanh hay nhà nước đều như chiến trường. Vụ việc này khiến bố tôi mất 20 năm phấn đấu, từ một người nhà quê, gia đình làm ruộng nghèo khó đi lên từ hai bàn tay trắng, tất cả mất sạch. Gia đình tôi chống chọi với dư luận, như con thuyền nhỏ nhoi giữa biển lớn, rồi bão táp cũng nuốt chửng bao sự phấn đấu của bố tôi. Có những đêm tôi nhìn trộm bố qua cánh cửa phòng khép hờ, thấy bố thức trong đống giấy tờ, thấy những ngày quần áo bố xộc xệch, thấy bố ghi chép sổ sách suốt đêm, thấy bố mình già đi rất nhiều chỉ trong một thời gian ngắn. Bố tôi tiều tụy đến nỗi bước đi không còn vững. Những bài báo viết về bố, bố đọc rồi lại tắt. Những bữa cơm gia đình luôn thiếu vắng khuôn mặt người trụ cột. Có lần mẹ với tôi đọc được trong điện thoại bố, bố muốn đi tu, đến một nơi cho tâm hồn thanh thản và tránh xa áp lực của dư luận. Mẹ đã khóc rất nhiều mặc dù luôn cố giấu. Sự việc chỉ lắng xuống khi gia đình tôi mất tất cả và tôi từ một cô tiểu thư được cưng nựng giờ đây bị bạn bè dè bỉu, cuộc sống chẳng còn là màu hồng.
Nhưng có lẽ vì điều đó mà tôi thay đổi, biết dừng lại những cuộc vui vô bổ và cũng biết thương bố mẹ hơn. Tôi thấy bố ngồi bên máy tính, khuôn mặt gầy với mái tóc rối bù, bố không còn mặc bộ vest và thắt cà vạt nhưng tôi lại thấy yêu bố hơn bao giờ hết. Tôi lại nhớ về những bức thư của bố, nhớ về cái ngày tôi ốm, bố đội mưa đi mua cháo cho con gái biếng ăn để rồi ngã trẹo cả sống lưng, nhớ về những vất vả mà cha mẹ tôi phải chịu đựng. Tôi nhận ra rằng, hình như mình chưa làm được gì cho bố mẹ. Và như có một động lực vô hình, tôi đi đến bên bàn làm việc của bố và nói rằng “Bố à, dù thế nào con vẫn tự hào về bố”. Nhưng chưa nói xong, nước mắt đã trực trào ướt đẫm cả mặt. Bố ôm tôi rồi bố cũng khóc, cái giây phút này khiến lòng tự nhiên nghẹn lại.
Gia đình dần trở nên chật vật và khó khăn hơn trước những biến cố lớn. Đó là nỗi lo về vật chất, còn về tinh thần, tôi càng lo sợ hơn. Tôi trở thành trò đùa trêu chọc, nói xấu, chỉ trỏ, lườm nguýt của nhiều người. Mỗi lần đến trường quả là địa ngục. Nhiều lúc nghĩ, nếu ngày xưa tôi ngoan hơn có lẽ mọi người đã không đối xử với tôi như thế, ác cảm với tôi như vậy. Cú sốc này khiến tôi nhiều lúc muốn chết đi hay ít nhất là chạy trốn. Nhưng cứ nghĩ tới bố mẹ lại cảm thấy thương họ vô cùng. Tôi không muốn tiếp tục tạo cho họ thêm những bận tâm, tôi không muốn nhìn thấy người mà tôi yêu thương phải khóc. Lúc này tôi bắt đầu tự mình kiếm tiền, tôi đã nghĩ chỉ vì đồng tiền mà họ giết lẫn nhau, tôi muốn mình làm được tiền, tôi muốn giúp điều gì đó cho bố mẹ. Và bây giờ, tôi đã tự lập. Mọi người không còn nói về chuyện của bố nữa, mọi người khen tôi. Ai có thể nghĩ cái con bé nghịch ngợm tiểu thư ngày nào giờ đây lại là một cô giáo dạy nail, henna và có một cuộc sống tự lập như thế? Tôi thấy niềm vui trong mắt bố mẹ và bố đã nói với tôi một câu khiến tôi thêm sức mạnh: “Bố chưa mất tất cả”.
Suốt 3 năm cấp III, tôi ôn thi môn vẽ cách nhà 20 km, và chỉ đăng kí thi một trường duy nhất – Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Bố mẹ, thầy cô và mọi người đều đoán tôi gần như nắm chắc trường đại học trong tay… Qua bao ngày ôn mệt nhoài, cuối cùng cũng tới ngày thi. Thế nhưng, ngày quan trọng nhất lại chính là ngày tôi ngã khụy vì ốm, nhưng không thể từ bỏ! Tôi vẫn cố gắng hết sức để làm bài. Có thể do tôi bị áp lực tâm lý nặng nhưng đến bây giờ tôi vẫn nghĩ đó là bài vẽ tốt nhất của mình. Vì trong bài vẽ đó có sự cố gắng suốt bao nhiêu năm học tập của tôi, niềm kì vọng của bố mẹ thầy cô, và đó là tương lai của tôi hằng mơ ước. Nhưng tôi đã “KHÔNG ĐỖ ĐẠI HỌC”. Một lần nữa tuyệt vọng, tôi trách ông trời như phụ công tôi cố gắng. Tôi đã khóc khi bố xem điểm và gọi điện an ủi… “Cuộc sống này có rất nhiều hướng đi để con lựa chọn. Con đã cố gắng hết sức rồi, bố tự hào về con !”
CON ĐƯỜNG KHÔNG MANG TÊN ĐẠI HỌC – đó có thể là quyết định dứt khoát nhất cuộc đời một cô chủ tiệm nail. Tôi không từ bỏ nghệ thuật mà tôi chỉ chọn hướng đi khác, nhanh hơn, thực tế hơn. Tôi đã cố gắng chạm đến nó. Mẹ tôi lo lắng vì mang nặng tư tưởng “ bằng cấp đại học”. Còn với tôi, năng lực mới thể hiện tất cả. Tôi không muốn lãng phí tuổi trẻ để quanh quẩn với các môn lý thuyết, thực hành hời hợt và bó mình trong môi trường của các trường công lập nữa. Tôi muốn sống và học tập ở một nơi mà ngoài việc phải dành thời gian cho hàng giờ lên lớp, tôi vẫn có thời gian cho những đam mê của riêng mình. Và tôi chọn học ở Arena Multimedia. Ở đây tôi tin vào những gì mình làm được và thành quả được ghi nhận bằng sự nỗ lực của bản thân. Ai đó đã nói rằng: “Thời gian không chờ đợi bạn, quyết tâm lựa chọn đam mê, cuộc sống này sẽ vô cùng ý nghĩa.”
Chị gái tôi sau khi đi du học về giờ đây công việc đã ổn định. Còn tôi, tôi vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê nghệ thuật, nhưng trách nhiệm hơn. Và hơn hết tôi không chỉ sống cho những thú vui của riêng mình, tôi phấn đấu còn vì bố mẹ. Chắc hẳn cha mẹ tôi cũng đã an tâm được phần nào về những đứa con bé bỏng của mình: Chúng đã tự lập, đã biết suy nghĩ, đã trưởng thành và đã biết con đường mình phải đi.
Nhiều khi con người ta phải trải qua những nỗi đau mới nếm được cái vị ngọt của hạnh phúc, và phải kiếm được đồng tiền do chính mình làm ra mới biết sự vất vả một đời của mẹ cha… Đam mê chỉ thành công khi chúng ta quyết tâm và không lùi bước!
Câu chuyện của bạn Nguyễn Thị Cẩm Nhung tham dự cuộc thi Chắp canh đam mê (https://www.arena-multimedia.vn/chapcanhdamme/) Sinh ngày: 9/11/1996 Đang theo học: lớp D1410H Trường đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia. |