Xuất hiện trong bộ trang phục chỉnh chu chuẩn phong thái người Nhật, diễn giả Mr. Araki Kiyotoshi (Phó Tổng giám đốc công ty TNHH Sekisho Việt Nam) ghi điểm trong mắt các bạn trẻ tại buổi seminar “Cách viết CV & đối sách phỏng vấn” diễn ra vào ngày 26/6 bởi sự đơn giản, thanh lịch và đầy chuyên nghiệp. Các vấn đề cơ bản dành cho một buổi phỏng vấn hoàn hảo mà anh truyền tải đến các bạn học viên Arena lần này được đúc kết trong 3 từ “mạch lạc, dễ hiểu, dễ làm”.
Mr. Araki Kiyotoshi và những câu chuyện thú vị mở đầu buổi hội thảo
Mr. Araki Kiyotoshi – người thực hiện những nghiệp vụ hỗ trợ hoạt động tìm kiếm việc làm cho người Việt Nam với các hoạt động như giới thiệu nhân sự cho các Doanh nghiệp Nhật Bản, tổ chức nhiều buổi Seminar hỗ trợ tìm việc tại nhiều trường đại học ở Việt Nam… Anh là người thấu hiểu nhà tuyển dụng, luôn đặt mình vào tâm lý của người ứng tuyển, bởi nên không ai phù hợp hơn để nói về chủ đề “Cách viết CV & đối sách phỏng vấn”, không chỉ áp dụng cho công ty Nhật Bản mà còn có thể áp dụng cho những công ty khác.
Tập đoàn SEKISHO nơi anh làm việc, ban đầu là một cửa hiệu nhỏ với tên “Hiệu buôn SEKISHO”- chủ yếu kinh doanh các sản phẩm liên quan đến dầu hỏa. Được sự giúp đỡ nhiệt tình từ người dân địa phương – nơi đặt trụ sở của tập đoàn, SEKISHO đã dần trưởng thành theo thời gian và tiến hành đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh, mở rộng sang các ngành nhà ở, thiết bị sinh hoạt, ô tô và công nghệ thông tin.
Công thức xây dựng CV và những điều cần lưu ý
Đi thẳng vào đề, diễn giả nhấn mạnh hai điểm quan trọng nhất khi viết CV là thông tin cá nhân cần đảm bảo tính chính xác và ảnh chân dung cần trau chuốt. Đối với CV xin việc, cần trình bày một cách rõ ràng, chi tiết và đầy đủ. Bởi CV giống như bộ mặt xinh đẹp của bạn vậy, nhà tuyển dụng sẽ nhìn vào CV để quyết định xem có nên đặt lịch hẹn phỏng vấn bạn hay không. Nếu những thông tin bạn mô tả về bản thân quá chung chung, hời hợt thì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn khá mờ nhạt, cơ hội để vào làm tại công ty dần tuột dốc về con số 0.
Tác phong khi tham gia phỏng vấn lấy điểm tuyệt đối
”Theo các bạn, người đối diện sẽ để ý điều gì nhất ở bạn trong lần đầu tiên gặp mặt?”, một câu hỏi từ Mr. Araki Kiyotoshi dành cho các bạn tại khán phòng. Những tiếng bàn luận to nhỏ bên dưới. Có người nói ánh mắt, có bạn khẳng định nụ cười, vài bạn nghĩ là ngôn ngữ hình thể,… Câu trả lời được chốt lại bởi “chuyên gia” rằng: “Đối với 1 người lần đầu tiên gặp mặt, họ sẽ chỉ mất từ 3 đến 5 giây để đánh giá người đó qua ánh mắt”.
Cụ thể, ánh mắt sẽ chiếm 55%, giọng nói chiếm 38%, cách sử dụng ngôn ngữ chiếm 7% trong 100% cách đánh giá của người khác đối với bạn trong lần đầu tiên gặp mặt. Nếu ấn tượng ban đầu không tốt, bạn sẽ rất khó để thay đổi được định kiến người đối diện về sau.
Vậy nên ánh mắt cần toát lên những ưu điểm, bạn là người chính trực, đáng tin cậy, tập trung vào việc mình đang làm. Cần luyện lại giọng nói nếu tông giọng chóe tay, nói quá nhỏ hoặc quá lớn,… Khắc phục những yếu điểm để trở nên tự tin hơn trước mặt nhà tuyển dụng.
“Nên mặc trang phục gì để đi phỏng vấn?”. Tốt nhất là mặc Vest , hoặc áo sơ mi được là lượt thẳng thớm, quần tây tối màu đối với nam và chân váy với nữ. Nữ nên mang giày màu trầm, nam mang giày da đánh bóng. Thể hiện mình là một người chuyên nghiệp từ vẻ ngoài đến tinh thần làm việc.
Điều quan trọng tiếp theo, khi tham gia phỏng vấn bạn nên mang theo túi xách nhét vừa giấy khổ A4, đừng để hồ sơ bị cong vênh hoặc gấp đôi, kèm bút viết và sổ tay để ghi chép lại những lưu ý của nhà tuyển dụng nếu cần thiết.
Hãy thành thật với nhà tuyển dụng lí do bạn muốn ứng tuyển vào công ty
Trước khi trả lời câu hỏi về lí do mình ứng tuyển vào công ty, bạn hãy xác định đúng 3 điều sau đây.
1. Phân tích bản thân:
Phân tích bản thân nghĩa là tự mình đánh giá một cách khách quan xem bản thân là người như thế nào?
– Đối với bạn, điều gì là quan trọng?
– Bạn đã dành thời gian, đầu tư công sức vào những việc như thế nào? Và bạn đạt được những gì từ việc đó?
– Bản thân mình thích thú, say mê với điều gì?
Hãy thử đi sâu tìm hiểu bản thân mình thông qua trả lời 5W1H (What – when – where – why – who – how)
2. Phân tích ngành nghề
– Đầu tiên, hãy chú ý đến những ngành nghề bạn biết qua các kênh như báo chí, truyền hình, giới thiệu của người thân, người quen
– Từ trong số đó, hãy chọn ra từ 2 đến 3 ngành nghề
– Thu thập các thông tin về ngành nghề đó từ nhiều góc độ như: nguồn gốc thành lập, những thăng trầm, biến cố đã trải qua, tình hình hiện tại, những dự đoán trong tương lai
3. Phân tích doanh nghiệp
Từ 3 yếu tố: Mission, Vision, Value
– Lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó là gì? Mô hình kinh doanh như thế nào?
– Người điều hành doanh nghiệp đó là người như thế nào? Họ đang điều hành doanh nghiệp đó theo triết lý kinh doanh như thế nào?
– Đặc trưng và vị trí của doanh nghiệp đó trong ngành là gì?
– Văn hóa và phong cách của doanh nghiệp?
– Tình hình tài chính của doanh nghiệp đó như thế nào?
– Chế độ nhân sự và định hướng sự nghiệp ra sao?
– Đánh giá của các nhân viên (OB – OG), khách hàng và đối tác?
Những vấn đề mà ứng viên Việt Nam thường gặp khi đi phỏng vấn
PR bản thân quá đà, những câu nói điển hình như “Tôi rất giỏi…; Tôi có nhiều kinh nghiệm, Về mảng này chắc chắn không ai qua tôi;…”. Đối với 1 người đã đi làm 10 năm, việc giới thiệu bản thân như vậy không có vấn đề gì nhưng sinh viên mới ra trường thì là điều không nên. Bạn đang khoác lác, điều này càng làm cho nhà tuyển dụng nghi ngờ khả năng thực tế.
Học thuộc lòng câu trả lời trước, đến lúc được hỏi thêm những vấn đề khác thì không nhanh nhạy để xử lý tình huống
Trả lời quá nhanh, quá chậm lấn lướt hay ù lì trước nhà tuyển dụng cũng là lỗi mà nhiều bạn trẻ mắc phải.
Một buổi “bổ túc” thật nhiều kiến thức thực tế dành cho học viên Arena. Không chỉ là kinh nghiệm cho ai chuẩn bị đi phỏng vấn mà còn củng cố kiến thức cho những bạn từng phỏng vấn không thành. Cùng trang bị cho mình một bản CV chuẩn và tập luyện kỹ năng “lấy lòng” nhà tuyển dụng mà Mr. Araki Kiyotoshi đã chỉ giáo để tìm được công việc như mong đợi các bạn nhé!
Ngọc Chăm