Nguyễn Sơn Tùng, một chàng trai 9x không còn xa lạ với giới trẻ bởi hình ảnh thanh niên mặc quần đùi, đội nón cối đậm chất Việt Nam vào những năm 80-90 đứng giữa lòng Tokyo. Bộ ảnh hiện đang thu hút cộng đồng mạng như một hiện tượng lạ.
Sơn Tùng bắt đầu làm việc như một nhà thiết kế từ năm 19 tuổi. Cậu bạn có điều kiện từng làm việc với một số họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Quốc Dân, người chuyên vẽ tranh theo trường phái phi lập thể nên cũng có ảnh hưởng ít nhiều. Ngoài ra, Tùng còn là người thiết kế của một số thương hiệu tại Sài Gòn, cũng như ở các quốc gia khác như Mỹ, Úc, Nhật…
Vừa học vừa làm, ngoài thời gian thực hiện dự án của khách hàng, Tùng luôn tạo cho mình luôn bận rộn ở các dự án cá nhân để thỏa mãn cái riêng cũng như tự rèn luyện. Chính niềm đam mê ấy là động lực để Tùng sống với chính mình, là người bạn đồng hành theo chân để chống chọi với những thứ xa lạ đôi lúc khiến bạn cảm thấy cô độc. Cuộc trò chuyện sau sẽ khắc họa một phần về Sơn Tùng – tác giả bộ ảnh “LẠC”, đại diện bộ phận trẻ đang mải mê sống với đam mê, đi tìm con đường chinh phục nấc thang nghề thiết kế.
Nguyễn Sơn Tùng, tác giả bộ ảnh “LẠC” gây xôn xao cộng đồng mạng thời gian qua
Tên đầy đủ: Nguyễn Sơn Tùng Quê quán: Tp. Hồ Chí Minh Ngày sinh: 19-02-1992 Lớp: D1009H tại Arena Multimedia HCM Công việc hiện tại: Graphic Design tự do, đang du học tại Nhật Bản Dự án đang thực hiện: “Ctrl S”, “LẠC”, “TaihenTv” Sở thích: Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Du lịch Câu nói yêu thích: Kẻ về nhì là kẻ thua cuộc Behance: https://www.behance.net/sontungstt |
Chào Tùng, đứng giữa nhiều lựa chọn, vì sao bạn chọn Nhật là nơi học tập, phát triển nghề thiết kế?
Có lẽ một phần do Tùng bị ảnh hưởng bởi văn hoá Manga từ nhỏ nên mình có tình cảm đặc biệt với nước Nhật. Ngoài ra, theo mình thấy với tình hình hiện tại thì thiết kế Việt Nam bị xâm thực bởi thiết kế Âu Mỹ khá nhiều. Trong khi Nhật lại luôn giữ được cái nét văn hoá của đất nước họ trong thiết kế cho dù là cổ điển hay đương đại. Mình cũng muốn làm điều tương tự như vậy với thiết kế của mình, tất nhiên là văn hoá Việt.
Sống tại một đất nước xa lạ, điều gì ảnh hưởng đến tinh thần, phong cách thiết kế của bạn? Có phải bộ ảnh “LẠC” từ đó ra đời?
Chính xác bộ ảnh “LẠC” ra đời trong cảm xúc lạc lõng của Tùng trong thời gian mới qua Nhật. Không người thân bạn bè và quan trọng hơn là những người có thể hiểu được những điều mình đang làm, chí hướng mình đang tìm kiếm.
Nói sơ qua về “LẠC”, đây là một dự án phi lợi nhuận lấy ý tưởng từ hình ảnh người đàn ông Việt Nam của những thập niên 80-90, hiền lành, chất phác, đơn sơ bị lạc lõng giữa những phù phiếm sa hoa nơi đất khách quê người. Cũng từ đó, mình hi vọng đưa hình ảnh anh chàng ngốc nghếch này đi đến từng ngõ ngách của thế giới.
Sau khi tung bộ ảnh “LẠC”, mọi người đón nhận nó như thế nào?
Thực sự, mọi người đón nhận tích cực ngoài sự mong đợi của mình. Tùng khá bất ngờ,vì một số bạn ở Nhật từng khóc trước mặt vì biết mình thực hiện bộ ảnh đó. Do trong hình có một số ẩn dụ mà có lẽ chỉ một số bạn đang ở Nhật với một số “từ lóng” bên này mới có thể hiểu được rõ ràng nhất.
Ngoài dự án “LẠC” ra, Tùng còn thực hiện những dự án nào khác không?
Hiện tại, mình đang ấp ủ dự án “Ctrl S”, làm về gì thì cho mình xin phép giữ bí mật tới ngày công bố nhé. Ngoài ra, Tùng có hỗ trợ dự án “Ao Dai around the world”, “Imvietnam” cho những người bạn sống xa quê giống mình.
“Ao Dai around the world” và “Imvietnam”, những dự án phi lợi nhuận mà Tùng đang hỗ trợ
Được biết trong ngành Mỹ thuật Đa phương tiện có rất nhiều mảng nghề, cơ duyên nào khiến bạn theo đuổi nghề Graphic Design?
Mình bắt đầu cảm thấy thích và xác định làm thiết kế thương hiệu có lẽ sau khi học xong môn Quảng cáo của thầy Bùi Đình Lâm tại trường Arena Multimedia. Lúc đó mình cảm thấy thích những ý tưởng sáng tạo của các hãng, và bắt đầu quá trình tìm hiểu về thương hiệu từ đó rồi nghiện lúc nào không hay
Khi còn đi học, bạn từng làm những công việc gì?
Tùng tham gia nhiều dự án khác nhau, chủ yếu là độc lập. Song song đó có tham gia vào các dự án cá nhân của các anh chị lớn trong nghề Hội hoạ, Nhiếp ảnh, Event với vai trò Designer để làm dày porfolio. Sau thời gian, nhiều người thấy thích cách phối màu của mình nên trực tiếp liên lạc để thực hiện những dự án thiết kế thương hiệu, hay làm Graphic Design cho các công ty về Nội thất, Fashion.
Sản phẩm đầu tay của bạn là gì? Phản hồi của khách hàng ra sao?
Khi bắt đầu cũng như sản phẩm đầu tay thì Tùng không nhớ lắm. Nhưng theo mình, sản phẩm khiến bản thân thực sự bật lên có lẽ là thương hiệu “Insta Salad” ở Australia. Hiện tại mình vẫn đang được tin tưởng là Art Manager của “Insta Salad”. Ngoài ra có một thương hiệu theo Tùng là khá thành công hiện nay mà mình xây dựng được, đó là “Bold Bikini” ở Sài Gòn mình.
Tùng hiện đang giữ vị trí Art Manager của nhãn hàng “Insta Salad” tại Australia
Tiếp xúc với nhiều người và đã lăn lộn nhiều trong nghề, Tùng đã học được từ họ những gì?
Mình học được khá nhiều từ các anh chị lớn hơn, đơn cử kinh nghiệm là điều hiển nhiên, sự năng động biến hoá trong công việc sáng tạo. Ngoài ra có một điều cực kì quan trọng là cảm giác thèm học hỏi, muốn tiếp tục trau dồi, đó cũng là một phần lý do mình bỏ hết để tiếp tục xách vali đi học.
Theo bạn, nghề thiết kế có chỗ đứng trong xã hội không? Thu nhập của nó có đảm bảo cho tương lai sau này không?
Thật sự mà nói để đứng vững ở ngành thiết kế không phải chuyện dễ dàng, thậm chí cá nhân mình bây giờ thấy mình cũng vẫn còn chưa thực sự gọi là vững chãi. Tùng lại thuộc tuýp người thích sự tự do, nên hiện tại không phụ thuộc bất kì một công ty nào. Nhưng nếu tính về thu nhập khi nhận được đều Project, thì mình hoàn toàn có thể sống ổn với chi phí đắt đỏ bên này.
“Khi nhận được đều Project, thì mình hoàn toàn có thể sống ổn với chi phí đắt đỏ bên này” – Tùng chia sẻ
Kế hoạch phát triển sự nghiệp của Tùng như thế nào? Bạn đánh giá bản thân đã đi được bao nhiêu phần trăm đoạn đường ấy rồi?
Trước đây, mình học chính chuyên thiết kế tại Arena Multimedia. Dự định của mình có thể sẽ học và nghiên cứu sâu về Mỹ thuật ở Nhật. Sau đó có thể sẽ tìm kiếm cơ hội cho riêng mình, còn làm việc ở đâu thì anh chưa dám nói trước.
Đoạn đường của một “người mà mình muốn trở thành” còn dài lắm, bây giờ chắc chỉ được 5-10% đoạn đường thôi. Nên phải luôn cố gắng.
Cảm ơn bạn đã có chia sẻ khá chân thật về những trăn trở và sự liều lĩnh của tuổi trẻ khi quyết định theo đuổi đam mê. Quả thật, trong tiềm thức ai cũng có trái đam mê cho riêng mình. Nhưng để biến nó thành trái ngọt thì chính bạn hãy tự tay gọt cho mình những lát sáng tạo, thưởng thức vị thành công bằng những quyết định ngay từ bây giờ.
(Quỳnh Như)