Văn hóa truyền thống có lẽ vẫn luôn là đề tài thu hút sự đầu tư và quan tâm của Arenaites. Biết trân trọng quá khứ để phát triển trong hiện tại và tương lai, vậy làm thế nào để yêu văn hoá, yêu nghệ thuật truyền thống nước nhà? Chỉ có người trẻ mới hiểu và biết phải sàng lọc, tiếp thu ra sao để gìn giữ những giá trị truyền thống của cha ông. Nếu như chúng ta từng trầm trồ trước “Bội” – Một bộ nhận diện thương hiệu về triển lãm của bộ môn Nghệ thuật sân khấu mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam hay mãn nhãn với bộ nhận diện đậm chất truyền thống của “Cổ Hoàng”, “Phường Tễu” thì với “Tuồng Việt” chúng ta sẽ được sống trong không khí hào hùng của những vở Tuồng cổ và choáng ngợp trước sự đầu tư công phu, tỉ mỉ của bộ nhận diện này. Cùng tìm hiểu xem “Tuồng Việt “ được ra đời như thế nào nhé!
Thử sức với một đề tài khó
Để bắt tay vào thực hiện một project thì thứ đầu tiên cần có chính là “đề tài”. Với xu hướng hiện nay, các bạn trẻ thường quan tâm tới những thứ hiện đại, mang tính thương mại, gần gũi để làm đồ án. Những đề tài về văn hóa, mang tính truyền thống, dân gian lại ít được cân nhắc với những lý do như khó thực hiện, mất nhiều thời gian nghiên cứu tìm hiểu, tốn nhiều công sức và lo ngại không thể làm tốt. Đi ngược lại với số đông “Tuồng Việt” ra đời trên tinh thần mong muốn gìn giữ và cũng như lan tỏa những tinh hoa văn hóa truyền thống tới thế hệ trẻ, đồng thời thử thách khả năng sáng tạo và năng lực của bản thân ở một đề tài tưởng quen mà lạ.
Bộ nhận diện thương hiệu Tuồng Việt
Khánh Ly – Trưởng nhóm Tuồng Việt chia sẻ: “Đều là những người trẻ có đam mê với những bộ môn nghệ thuật xưa cũ nên khi bắt tay vào thực hiện project chúng mình đã xác định cả nhóm sẽ đi theo đề tài về văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, văn hóa nghệ thuật là một đề tài khó và làm sao để thổi được nét hiện đại nhưng vẫn giữ nét truyền thống lại càng khó hơn. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu khá nhiều về các loại hình nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, nhóm mình quyết định chọn Tuồng – Một giá trị văn hóa độc đáo đang dần bị mai một. Lựa chọn đề tài này cũng chính là chúng mình đang chấp nhận thử thách và mạo hiểm, nhưng người ta nói “liều ăn nhiều” vì nếu làm tốt nhóm mình sẽ có thể gây ấn tượng với hội đồng bảo vệ và đạt được số điểm cao. Và nhóm cũng mong muốn qua đồ án này bày tỏ sự trân trọng và góp một phần nhỏ vào việc truyền thông và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này.”
Bộ ứng dụng mang đậm hơi thở văn hóa Việt Nam
Nói về quá trình chuẩn bị cho đồ án, Quốc Khánh – phụ trách design trong nhóm chia sẻ: “Thử thách lớn nhất của nhóm khi thực hiện đề tài này chính là làm sao để truyền tải được tinh thần và không khí của nghệ thuật Tuồng vào trong từng thiết kế. Chính vì thế trước khi bắt tay thực hiện bất cứ ấn phẩm nào, cả nhóm đã dành thời gian ngồi lại với nhau và tìm hiểu về lịch sử hình thành, màu sắc lễ hội, nét đặc trưng, các vở diễn nổi tiếng, các nhân vật điển hình của Tuồng một cách kĩ càng. Và với phương châm đem nghệ thuật Tuồng kết nối tới các bạn trẻ, nhóm đã chọn cho mình phong cách thiết kế đan xen giữa truyền thống và hiện đại để có góc nhìn mới hơn về loại hình nghệ thuật này. Với màu sắc đặc trưng bắt mắt, họa tiết bổ trợ đơn giản và những ấn phẩm đi kèm như vòng tay, áo phông, túi tote trẻ trung, hợp xu hướng nhưng vẫn mang đậm tính truyền thống giúp cho việc lan tỏa thương hiệu tới các bạn trẻ một cách dễ dàng.”
Chẳng thế mà thầy Nguyễn Hồng Trường – giảng viên phản biện khi đưa ra nhận xét đã nói: “Tôi thấy được sự đầu tư, tỉ mỉ và tâm huyết của nhóm trong bộ sản phẩm. Màu sắc mang tính đồng nhất và tính ứng dụng cao trong từng thiết kế, sản phẩm.”
Trở ngại lớn nhất mang tên Logo
Có thể nói logo chính là “linh hồn” của cả bộ sản phẩm, thông qua logo chúng ta có thể biết được tên, thông điệp và tính cách của thương hiệu. Đó là lý do logo chính là phần khó nhằn nhất trong cả quá trình làm đồ án. Với trình tự thực hiện đồ án thông thường, các nhóm sẽ chốt đề tài, rồi tới triển khai logo và cuối cùng là bộ văn phòng và các ấn phẩm quảng cáo. Tuy nhiên với Tuồng Việt nhóm đã có một quyết định khá táo bạo: “Khi tới logo nhóm mình thực sự gặp khó khăn vì bí ý tưởng, chính vì vậy nhóm quyết định sẽ làm ngược lại, tìm hiểu và hoàn hiện toàn bộ ấn phẩm văn phòng, bộ quảng cáo trước rồi mới dồn sức vào logo vì chúng mình tin khi làm những ấn phẩm đó chúng mình sẽ tìm ra được những gì đặc trưng nhất và cô đọng nó một cách hiệu quả vào logo. Và quyết định này cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận mạo hiểm, chậm deadline và nếu logo hỏng thì toàn bộ bộ sản phẩm coi như…toang. ”
Logo Tuồng Việt
Một cái nhìn đầy đủ và sự tìm hiểu sâu kĩ về đề tài là chính điều kiện tiên quyết để có một project tốt. Đặc biệt là với một loại hình nghệ thuật truyền thống như thế này, rất cần sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng từ nội dung tới phương thức thể hiện.
Ngọc Kiên – chịu trách nhiệm chính trong việc thiết kế logo vẫn bồi hồi khi nhớ lại: “Cho tới buổi bảo vệ thì logo vẫn luôn là phần thiếu tự tin nhất của nhóm mình. Thực sự để thiết kế được logo vừa hiển thị đọc hiểu dễ vừa mang tính đặc trưng của nghệ thuật Tuồng đối với những đứa nghiệp dư như tụi mình là một vấn đề không dễ dàng. Mặc dù đưa ra hàng loạt những bản phác thảo trước đó nhưng không một phương án nào khiến nhóm thỏa mãn. Có những lúc cả nhóm không còn ý tưởng nào cho logo nữa đành phải “dùng tạm” một chiếc logo gọi là ưng ý nhất để chèn vào những ấn phẩm văn phòng và bộ quảng cáo. Chúng mình còn đùa với nhau rằng nếu logo được duyệt nhất định phải đi nhậu một bữa để ăn mừng. Thế rồi sau những buổi lê la hết từ trên trường tới nhà thầy chúng mình cũng thở phào nhẹ nhõm khi nhận được cái gật đầu chấp nhận của thầy với bản phác thảo logo cuối cùng. Tuy rằng đó chưa phải là phiên bản tốt nhất nhưng với tất cả những nỗ lực mà team đã bỏ ra chúng mình rất vui vì những gì đã làm được và nó trở thành kỉ niệm đáng nhớ nhất trong quãng thời gian đắm mình trong đồ án của nhóm.”
Thế mới thấy, chỉ có Arenaites mới dám mạo hiểm tới vậy, sẵn sàng thử thách bản thân, dám đương đầu và triển khai để tạo nên sự khác biệt.
Có thử thách mới có cố gắng
“Vạn sự khởi đầu nan” nhưng có lẽ khó khăn và thử thách đối với Tuồng Việt trải dài trong cả quá trình thực hiện đồ án. Trọng Tiến chia sẻ: “Thử thách là do chính chúng mình lựa chọn và cố gắng vượt qua để trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân. Thử thách đầu tiên của việc làm đồ án chính là làm việc nhóm. Người ta vẫn nói “9 người thì 10 ý” quả không sai, làm việc nhóm không thể tránh khỏi việc xảy ra xung đột, tranh cãi giữa các thành viên và muốn đi tới thành quả cuối cùng bạn phải vượt qua được cái tôi của mình để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các thành viên khác. Đỉnh điểm là việc lựa chọn thiết kế logo đã tốn của chúng mình không biết bao nhiêu thời gian tranh luận. Có những lúc cả nhóm chán nản tới mức muốn buông xuôi quay lại từ đầu để lựa chọn một đề tài dễ làm hơn, nhưng rồi sau một đêm dài suy nghĩ chúng mình vẫn quyết định kiên trì theo đuổi đề tài đã chọn. Vì thế ngay sau đó chúng mình đã đề ra những nguyên tắc làm việc để các thành viên vừa được thể hiện cá tính của mình nhưng cũng vừa đảm bảo tính thống nhất trong tất cả các sản phẩm thiết kế. Công việc được phân bổ theo thế mạnh của từng người nhưng khi sửa và rà soát lỗi nhóm chúng mình luôn ngồi lại với nhau và cùng góp ý và đưa ra phương án tốt nhất.”
Chia sẻ thêm về thử thách, khó khăn đã gặp phải, Trọng Tiến nói: “Bên cạnh đó, việc định hình được phong cách thiết kế riêng cũng là một thách thức đối với nhóm. Trước khi thực hiện đồ án, cả nhóm đã tham khảo từ rất nhiều nguồn như trên các trang web về thiết kế hay những bộ đồ án xuất sắc của các nhóm trước. Và khó khăn xuất hiện khi bạn tham khảo quá nhiều nguồn thì thiết kế của bạn sẽ bị lai tạp và ảnh hưởng từ chính những nguồn đó. Điều đó khiến cho bộ sản phẩm của bạn rất khó có được phong cách và cá tính riêng. Rất may là chúng mình luôn có thầy Lợi – giảng viên hướng dẫn nhiệt tình và kỹ tính nhất. Nhờ đó nhóm đã tìm ra được những điểm riêng biệt và phát triển nó ở mức tối đa trong các thiết kế của mình.”
Cố gắng nào rồi cũng sẽ được đền đáp
Làm đồ án chưa bao giờ là dễ dàng đặc biệt là với kỳ đồ án đầu tiên trên chặng đường bước chân vào ngành công nghiệp thiết kế. Những lời nhận xét của hội đồng phản biện chính là một minh chứng rõ ràng cho mọi nỗ lực mà nhóm đã bỏ ra. Thầy Vũ Quang Chiến – giảng viên phản biện cũng dành những lời khen cho sự đầu tư nghiên cứu kỹ lưỡng của nhóm: “Để làm tốt một đề tài đặc biệt là đề tài về văn hóa truyền thống như thế này đòi hỏi các bạn phải có một sự chuẩn bị, tìm hiểu, nghiên cứu thật tỉ mỉ, toàn diện và tôi nhìn thấy điều đó ở đồ án này. Các ấn phẩm thiết kế có tính đồng bộ cao tuy rằng logo chưa thực sự tối ưu nhưng xét về mặt tổng quát thì đây là một đồ án tốt.”
Nhìn lại quãng thời gian vừa trải qua, Khánh Ly chia sẻ: “Có vất vả, khó khăn, có mồ hôi và cả những giọt nước mắt, thế nhưng quãng thời gian 2 tháng đó có lẽ chính là một hành trình đẹp đẽ, đáng nhớ và để lại cho chúng mình nhiều bài học quý giá nhất. Số điểm 88/100 chưa phải là số điểm quá cao nhưng nó là nguồn động lực to lớn cho cả nhóm, chúng mình như được tiếp thêm niềm tin vào con đường đã chọn. Qua đây mình muốn gửi lời cảm ơn tới thầy Lợi – giảng viên hướng dẫn của lớp đã luôn đồng hành để hỗ trợ, chỉ dạy cho chúng mình trong suốt quá trình làm đồ án. Cảm ơn tất cả các thành viên trong nhóm đã sát cánh cùng nhau và luôn nỗ lực để đem lại một sản phẩm tốt nhất. Không có tốt nhất, chỉ có tốt hơn vì vậy hãy cố gắng để trở thành một phiên bản tốt hơn của bản thân ngày hôm qua. Mọi sự nỗ lực rồi sẽ được đền đáp xứng đáng nếu bạn có niềm tin vào bản thân, vào đồng đội, đầu tư công sức, thời gian và hết tâm vì nó.”
Arena Multimedia luôn cố gắng tạo ra một môi trường thoải mái nhất nơi các bạn học viên có thể tự do thể hiện cá tính của bản thân mình. Tuy nhiên ở đây và đặc biệt là trong kì Graphic Design các bạn không chỉ được dạy cách làm sao để tạo ra một bộ đồ án hoàn chỉnh và chỉn chu, mà còn học được cách lắng nghe, hạ cái tôi của bản thân và làm việc nhóm sao cho hiệu quả. Hãy gia nhập ốc đảo sáng tạo Arena Multimedia để “cảm” qua những đêm dài miệt mài chạy deadline, qua những buổi brainstorm nảy lửa, qua những lần in đi in lại đồ án vì sai màu,… để “vui” với những trải nghiệm thú vị khi bước chân vào con đường thiết kế chuyên nghiệp, với những buổi bonding, những sự kiện ấn tượng và cả những chuyến dã ngoại đáng nhớ,…. rồi để thêm “yêu” những con người, bạn bè, và những kỳ học đầy thú vị nơi đây. Có rất nhiều cách để ghi dấu thanh xuân tươi đẹp này và trải qua các kì đồ án tại Arena cũng chính là một đặc sản thanh xuân của Arenaites. Đừng bỏ lỡ cơ hội để trở thành những gương mặt tiêu biểu và góp tên mình trong những đồ án nổi bật tại Arena Multimedia nhé!
Cùng theo dõi bộ sản phẩm tại đây => https://www.arena-multimedia.vn/gallery/san-pham-hoc-vien/bo-nhan-dien-thuong-hieu-tuong-viet-cua-nhom-hoc-vien-d1909h-arena
Bạn có muốn đến Arena Multimedia để trải nghiệm thử thách và cảm nhận niềm vui khi làm projects, để khám phá những tiềm năng ẩn sâu trong bạn cùng cộng đồng sáng tạo lớn nhất Việt Nam không? Hãy “Make A Move”, chuẩn bị hành trang kỹ năng cho tương lai với sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn của Arena tại: * TP. HCM – 212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3; ĐT: 1800 1525 – 778/10 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận; ĐT: 1800 6325 Email: [email protected] * Hà Nội – 80 Trúc Khê, quận Đống Đa; ĐT: 1800 1542 – D29 Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy; ĐT: 1800 1542 – 110 Trần Phú, quận Hà Đông; ĐT: 1800 1542 Email: [email protected] |
Khánh Hòa