“Nhà chống lũ” là dự án thiện nguyện quyên góp từ cộng đồng qua các hoạt động online và đấu giá trực tiếp các tác phẩm nghệ thuật, với mục tiêu phần nào hỗ trợ cho người dân vùng lũ xây dựng được chốn an cư. Jang Kều – người khởi xướng dự án – không phải một nhân vật bí ẩn. Chị xuất hiện trong tất cả các sự kiện của “Nhà chống lũ”, lúc nào cũng với nụ cười hồn nhiên và lạc quan, giản dị và truyền cảm hứng như chính tên gọi chị đã chọn cho dự án.
30 và 70
Tôi biết Jang Kều qua Facebook – điều này cũng dễ hiểu trong thế giới mà dù muốn hay không người ta vẫn phải công nhận mạng xã hội là công cụ kết nối con người nhanh và phổ rộng bậc nhất. Jang Kều (tên thật là Phạm Thị Hương Giang) không phải một hot facebooker, mỗi status của chị trung bình có vài chục like, mọi thứ giản dị, không ồn ào. Cuộc nói chuyện của tôi và chị được sắp xếp xen kẽ giữa những cuộc họp, tiếp chuyên gia, đi thực địa liên tục và cả thời gian cho cậu con trai đi ngủ mỗi tối nữa.
“Gặp chị em rất xấu hổ, khi lúc nào cũng lấy lý do “rất bận” để tự bào chữa cho việc chẳng biết sắp xếp thời gian.”
“Miễn là em tìm thấy niềm vui trong mỗi việc em làm, tự em sẽ biết cách sắp xếp cho nó.”
Nhà chống lũ – nó chỉ chiếm của chị khoảng 20-30% thời gian mà thôi.”
30% – có nghĩa là chị vừa thực hiện liên tiếp 2 cuộc triển lãm và đấu giá gây quỹ cho “Nhà chống lũ” tại Hà Nội và TP.HCM. 70% còn lại chia đều cho vài công ty tại Việt Nam và Singapore mà chị sáng lập hoặc đồng sáng lập, cho bạn bè, những chuyến đi, vài chậu hồng ngoài ban công, và cả cậu con trai bé nhỏ.
“Nhà chống lũ” là dự án thiện nguyện đặc biệt, bởi nó không gắn với bất cứ tổ chức, cơ quan, đoàn thể nào. Nó được khởi xướng bởi cá nhân nhưng rồi được gây quỹ, vận hành bởi cộng đồng.
Gặp lại cụ bà Hồ Thị Nga sau nửa năm xây nhà cho cụ
Câu chuyện đưa chúng tôi ngược về mùa hè năm 2009, khi nhiều vùng nông thôn miền trung đã kiệt sức vì lũ. Chị cùng đoàn thiện nguyện năm ấy tiến sâu vào vùng rốn lũ Đại Lộc, Quảng Nam, đi qua những căn nhà chẳng còn dấu tích, xơ xác, những người dân hớt hải đưa nhau tới trạm xá, những tiếng khóc than… Chị bỗng bắt gặp một người đàn ông da đen sạm nhăn nheo, tay cần cán cuốc, đứng giữa nền nhà trống hoác, dưới chân là mấy cái nồi nhọ nhem nằm lăn lóc. Chị cất tiếng gọi, gọi mãi nhưng ông không trả lời. Trả lời ư? Nhưng còn gì để nói vào lúc ấy. Người đàn ông nhăn nheo đứng hóa đá, như một pho tượng vô hồn và thống khổ đến tê dại. Cơn lũ đã tha không cướp đi sinh mạng của ông như hàng chục người đồng hương khác, nhưng nó lấy đi tất cả, nơi để trở về, nơi để người ta tìm thấy động lực sống. Tôi đã xem bức hình một người bạn chị chụp ông trong khoảnh khắc đó. Nó làm tôi nhớ tới hình ảnh một tiểu thương đứng thẫn thờ nhìn toàn bộ tài sản và tương lai của gia đình đang cháy thành tro. Nỗi đau có thể nhấn chìm con người tới tận cùng của sự vô vọng.
Hình ảnh ấy ám ảnh Jang Kều, mang đến một câu hỏi “Làm gì để giữ lại được ngôi nhà – nơi bấu víu tinh thần – cho những người thống khổ này?” Cái đói có thể qua đi, bệnh tật có thể chữa khỏi, nhưng lũ hầu như năm nào cũng quay lại, thảm kịch năm nào cũng lặp lại, ngày càng quái ác. Ngược lại, lũ lụt thiên tai cũng mang tới những sự bất công, tính lười biếng và ỷ lại của chính những nạn nhân. Vì thế, vấn đề đặt ra không chỉ là “làm gì”, mà phải là “làm gì cho hiệu quả”. Câu hỏi quẩn quanh ấy cứ trở đi trở lại cho tới mùa lũ lịch sử năm 2013, khi bằng một duyên cớ kỳ diệu nào đó, Jang Kều tình cờ nhìn thấy bức hình chụp ngôi nhà gỗ trăm tuổi được đặt trên 6 cọc bê tông, kiên cường giữa biển nước. Ấy là công trình mà Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trần Tùng – chuyên gia về vật liệu nhẹ – dành tặng người hàng xóm ở quê Hương Sơn (Hà Tĩnh) của mình. Nó đã tồn tại hơn 10 năm.
Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta
Với các dự án dùng phương thức quyên góp từ đám đông (crowdfunding), có hai yếu tố quan trọng quyết định sự thành công – đó là Lòng tin và Cảm hứng. Chỉ bằng Lòng tin, Tiến sĩ Tống Trần Tùng đã trao toàn bộ thiết kế của mình cho cô gái không quen biết; Chỉ bằng Lòng tin, những người bạn lớn đã xắn tay cùng Jang Kều biến y tưởng “Nhà chống lũ” mới lóe thành hiện thực; Cũng chỉ bằng lòng tin, các nghệ sĩ đã gửi tranh cho Jang đấu giá, nhiều người thậm chí còn không quen trên Facebook đã chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của Jang… Ngay trong chiến dịch đầu tiên mùa lũ 2013 ấy, họ đã quyên góp đủ tiền để xây 5 căn nhà chống lũ. 5 căn nhà đầu tiên ấy được chung tay xây dựng chỉ trong đúng 35 ngày để người dân kịp ăn Tết.
Chung tay và truyền cảm hứng là hai tôn chỉ mà Jang Kều đặt ra cho “Nhà chống lũ”. Bởi dự án này không của riêng Jang hay bạn bè, nó là của cộng đồng – chính cộng đồng giúp đỡ cộng đồng. Bản thân Jang sẽ không thể hiện thực hóa nếu thiếu bàn tay của anh em bạn bè trí thức, các kiến trúc sư. Những người nghệ sĩ tới tham dự lặng lẽ, tình nguyện “được giao việc” bất cứ lúc nào. Những họa sĩ, nhà điêu khắc gửi gắm tác phẩm của mình, để nó được mang nhiều hơn y nghĩa thỏa mãn cái tôi nghệ sĩ đơn thuần – trở thành |nghệ thuật vị nhân sinh” đúng nghĩa. Những bạn trẻ từ khắp nơi cùng tình nguyện thực địa, cung cấp thông tin. Người dân địa phương cùng giúp đỡ, chung tay dựng nhà. Và chính người được xây nhà cũng cần góp ít nhất 50% giá trị căn nhà chống lũ ấy. Jang tin rằng, thay vì cho không, chỉ khi người dân thực sự được thấu hiểu và nói lên nhu cầu của mình, được tham gia vào quá trình tạo nên ngôi nhà cho chính mình, đóng góp cả công sức và tiền bạc, họ mới cảm thấy trân trọng, và quan trọng hơn – cảm thấy mình-thực-sự- thuộc-về-nơi-đó.
Tới nay, cảm hứng đã được lan tỏa trong cộng đồng, góp phần xây được hơn 250 căn nhà chống lũ. “Con số có vẻ khả quan, nhưng để xây lại toàn bộ số nhà đã bị lũ tàn phá tính tới thời điểm này, chúng ta sẽ phải mất khoảng… 500 năm nữa”. Trong khi một tượng đài hay miếu thờ vô bổ nào đó có thể tương đương với… khoảng 1.000 căn nhà.
Nhưng quan trọng hơn những con số, quan trọng hơn 250 căn nhà mới, ấy là những số phận mới, những tư duy mới. Những đứa trẻ kia đã biết bỏ dép ngoài cửa. Người phụ nữ nọ quyết định mở một quán bánh xèo trước cửa. Nó là những biểu tượng giản dị mà đẹp đẽ nhất cho sự trân quý những gì có được và niềm tin vào cuộc sống phía trước. Đó cũng chính là sợi chỉ xuyên suốt cho triển lãm “Chuyện nhà lũ” tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM đầu tháng 12 vừa qua: “Những ngôi nhà đổi khác – Những con người đổi mới”.
Không chỉ những người Được Giúp đổi mới, tôi tin rằng chính những người Giúp cũng đổi mới. Khi người ta hiểu rằng sự giúp đỡ giá trị nhất là phải đặt vào tay đối phương đúng thứ họ cần, chứ không phải thứ-ta-nghĩ-họ-cần. Còn Jang Kều, chị mong đến một lúc nào đó dự án “Nhà chống lũ” hết việc để làm, ví dụ chị có thể trao tặng toàn bộ module thiết kế cho các địa phương, và tất cả cùng nhận thức tầm quan trọng của việc chung tay xây dựng những ngôi nhà chống lũ cho mình và láng giềng. “Bây giờ thì phải cật lực kiếm tiền để vận hành dự án, và cả để… đấu giá tranh nữa. Nếu có bức nào khó bán quá, mình cố gắng mua lại, vừa cho chính mình, mà vừa để tiếp tục nuôi dưỡng niềm cảm hứng cho người sáng tác. Mình tin vào giá trị của nghệ thuật – không phải một sản phẩm vật chất, giá trị của nó sẽ tồn tại với thời gian, trở thành tài sản quý giá, cũng như là chất xúc tác để người sở hữu đến gần hơn với văn hóa.”
Tôi không biết tháng và năm sinh của chị, nhưng tôi cứ tin rằng chị phải là người hành Hỏa, hoặc phải sinh ra dưới sao Thái dương chiếu mệnh. Bên dưới mái tóc ngắn xoăn lên như một chú bé tinh nghịch, dưới ánh mắt lấp lánh và nụ cười hồn nhiên, lúc nào tôi cũng thấy có lửa bên trong ấy. Ánh lửa của lòng nhiệt tình, của thiện lương, của niềm tin, ánh lửa truyền cảm hứng.
“Người ta cứ phàn nàn về xã hội nhiều điều xấu xa, nhưng ngồi với chị hôm nay, thì em chẳng còn nghi ngờ gì nữa, mọi việc xung quanh thật ra đang tốt đẹp dần có phải không?”
“Đúng là mọi việc quanh ta đều đang tốt đẹp lên mà, em hãy tin vào điều đó!”
VÌ SAO LẠI ĐI? VÀ VÌ SAO SẼ LUÔN SẴN SÀNG ĐI TIẾP?
(Trích bài viết của chị Jang Kều về chuyến đi đầu tiên của “Nhà chống lũ”)
Tối ngày 6/12, người anh cả Lương Hùng của team đã lên tàu vào Yên Trung (Đức Thọ, Hà Tĩnh) để vào thống nhất mọi phương án xây dựng, hợp tác với 5 hộ dân tại Sơn Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Cả chính quyền địa phương và các gia đình đều quá bất ngờ, họ vừa mừng, vừa lo, không biết điều này có thật không, tại sao chỉ sau 7 ngày kể từ ngày lựa chọn các hộ, cái nhóm NHÀ CHỐNG LŨ này đã chuẩn bị xong mọi phương án và bây giờ đã sẵn sàng khởi công? Dự án gì mà hôm trước thì có 2 người, lần này có mỗi một người đến? Sáng 9/12, có 2 cô nàng, 1 là tôi từ Sài Gòn ra, 1 là cô nàng Lan Hương bay từ Hà Nội có mặt tại sân bay Vinh. Cô nàng đã xách balo lên dù chồng vừa phẫu thuật đầu gối đang bó nạng, bà giúp việc thì về quê gấp vì nhà có việc, nàng điện thoại nhờ ông bà trông giúp 3 cậu hoàng tử nhỏ. Vẫn đi!!!
Còn tôi thì có hậu phương tương đối hơn, lại được “đồng bọn” trong công ty hết lòng ủng hộ, thế là cũng vác balo, chân máy và lên đường.
(…)
Ngồi trên máy bay “tám” với 2 bác Hà Tĩnh, các bác tò mò hỏi cái áo cháu sao có cái câu lạ thế “Sợ lũ là chuyện xưa cũ!”, rồi giải thích một hồi. Một bác mới bảo “Té ra cháu là sinh viên tình nguyện đi giúp đồng bào lũ lụt à? Trả lời đại “Vâng ạ!”. Một bác mới bảo “Cháu ơi, người dân ở đây bảo là lũ vàng, lũ bạc của các quan địa phương đấy! Được dịp kiếm chác, chứ họ hàng nhà bác phải bơi đi lấy từng gói mì tôm, khổ lắm. Cứu trợ cứu chiếc gì!”. Trả lời “Dạ tụi cháu tự làm từ A đến Z, bác yên tâm, không thoát đi đâu 1 đồng, đi lại công tác như thế này tụi cháu cũng tự trả tiền ạ. Còn tiền bạn bè góp thì tụi cháu dùng 100% để xây NHÀ CHỐNG LŨ cho bà con.” Hai bác hồ hởi nhưng không khỏi e ngại “Ờ ờ, nhưng tụi cháu ít quá, mấy đứa thì làm được gì?”.
(…)
Xuống đến sân bay Vinh, nàng Lan Hương đang ngồi đợi cùng bạn tình nguyện viên Nguyễn Văn Cường. Bạn Cường là sinh viên năm 3 khoa Xây Dựng ĐH Vinh. Và có một người bạn cũ tuyệt vời đã tài trợ toàn bộ kinh phí đi lại của team tại Nghệ An và Hà Tĩnh. Chị ấy thật tốt quá, sau 13 năm chưa hề gặp lại, bạn Jang Kều điện thoại, chị ấy đã tài trợ ngay cho team toàn bộ chi phí đi lại bằng xe ô tô cho chuyến đi này: 1 lái xe và 1 Innova đã chờ sẵn ở sân bay.
(…)
Vào tới nơi, cả team đi thăm lại 5 hộ gia đình đầu tiên được dự án chọn triển khai. Mục tiêu là các hộ phải có nhà mới ở trước Tết! Các hộ đều đã sẵn sàng! Bật khóc trong lòng khi gặp cụ bà 83 tuổi sống một mình trong một căn nhà gỗ sắp sập. Năm 2010, khi còn cụ ông, hai cụ tránh lũ trên gác xép (gọi là gác xép cho nó có tên, chứ nó là cái gì nhỉ, mấy thanh gỗ gác qua để tránh lũ chờ nước rút). Nhưng rồi cụ ông ngã bệnh rồi trút hơi thở cuối cùng ngay trên căn gác đó. Không thể đưa cụ ông đi an táng được giữa trời nước mênh mông thế này, cụ bà đành ôm xác chồng gần 20 ngày… Và đến khi xuống được đất thì mới có thể đưa đi… Biết nói gì nhỉ? Khóc ư, dễ thế!!! Không khóc được đâu… Nuốt nước mắt vào trong và quyết định chọn sẽ cùng làm lễ động thổ với cụ từ 6h sáng hôm sau. Nàng Thể Hà ở nhà thì liên tục nhắn tin, điện thoại chăm sóc cả nhóm, nàng ấy còn đi hỏi rất cẩn thận giờ giấc, cách thức làm lễ động thổ cho yên tâm. Team dặn dò cẩn thận các hộ còn lại để các hộ tự cúng lễ và đợi đến 8:30 sáng nhóm xây dựng và vật liệu sẽ đến. Các hộ mừng vui, hồi hộp chờ đến ngày mai, cả nhóm còn mừng hơn, hồi hộp hơn.
Hiệp Trần – admin của diễn đàn Người Hương Sơn, vừa là Trưởng nhóm tình nguyện Hà Tĩnh đã vất vả bao ngày cùng dự án. Cậu đã ra Hà Nội họp cùng team từ khi khởi động dự án ngày 21/11. Chiếc xe máy mới mua đi hơn 400km chỉ để lo việc cho NHÀ CHỐNG LŨ. Buổi tối, đoàn về Đức Thọ nghỉ để tiện thể đón nàng Mỹ Linh Nguyễn. Nàng ta không đi ngay từ sáng được vì ông xã đi công tác đột xuất nhưng “rình” đúng đêm ông xã về nhà là từ 7:30 tối nàng đã xách balo lên tàu trước. Đây là lần đầu nàng lên tàu một mình, lại đi tàu đêm nữa chứ.
(…)
5h sáng, xe xuất phát, sương mù dày đặc, hầu như chả nhìn thấy gì ngoài những thứ ở trong ánh đèn ô tô. Vào đến nơi chuẩn giờ, cúng cho gia đình cụ bà Hồ Thị Nga, đi một vòng các hộ khác rồi quay đi ăn sáng. Cứ mì tôm là chuẩn nhất, lành! Cả sáng chuẩn bị chốt số lượng nguyên vật liệu, chiều xe chở tới, lao động địa phương thì team đã chuẩn bị sẵn. Khởi công!!! Hơn 2h chiều team đi tiếp sang Sơn Bằng để khảo sát, phỏng vấn nhà dân để chuẩn bị lựa chọn 1 xã khác ngoài Sơn Thịnh.
Khoảng 4h team xuất phát về Vinh. Anh cả Lương Hùng đi ô tô về. Nàng Mỹ Linh Nguyễn thì đi tàu, 2 nàng Lan Hương và Jang Kều ra sân bay Vinh nhưng kẻ Bắc người Nam. Tạm biệt TNV Cường nhé!
Hẹn gặp lại trước Tết khi khánh thành các căn nhà mới! Riêng team nam giới sẽ quay lại kiểm tra tiến độ sớm. Còn có thành viên Hữu là giám đốc một công ty xây dựng ở Hà Tĩnh, anh ấy sẽ cùng nhân viên trực tiếp giám sát team xây dựng ở địa phương cùng với sự hỗ trợ của nhóm TNV.
Ra Tết team lại tiếp tục xây 20 căn tiếp theo!
VÀ CHÚNG MÌNH LUÔN SẴN SÀNG ĐI TIẾP!
(Jang Kều – NCL Team)
Nhà báo Vũ Thủy
(Báo Phụ Nữ)
Và trong chương trình đặc biệt nhân dịp “Quốc tế con gái”, Arena Multimedia vinh được đón tiếp người phụ nữ bản lĩnh, đầy tài năng – Jang Kều (Giang Phạm) đến tham dự talkshow với vai trò diễn giả.
Đây sẽ là dịp để chị chia sẻ nhiều hơn câu chuyện đam mê của mình, tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt cho những con tim đang khát cháy với những điều yêu thích, trăn trở.
Đăng ký tham dự: https://www.arena-multimedia.vn/womanday
Đến và chia sẻ những khoảnh khắc con gái tại:Đặc biệt, trong tuần lễ chào mừng ngày “Quốc tế Con Gái 8/3”, Arena Multimedia dành tặng 20% học phí cho các bạn gái nhập học từ 01/03 – 12/03/2016.
Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia212 – 214 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP HCMĐT: (08) 39 300 824