Bằng tình yêu đối với con trẻ, chàng Designer Đinh Chí Trung đã ấp ủ cho riêng mình dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam”, với mong muốn được chia sẻ câu chuyện về cuộc sống, tâm tư, tình cảm của các em qua những câu chuyện ảnh (photo stories). Dựa vào chính nguồn lực của bản thân, không một đơn vị tài trợ, Trung tự mình đi khắp mọi miền đất nước để thực hiện những bộ ảnh phi lợi nhuận.
Để hiểu rõ hơn về quá trình hiện thực dự án ý nghĩa này của Trung, phóng viên Arena đã có một buổi trò chuyện thú vị cùng với anh:
Đi làm đã được một thời gian, sau đó bắt đầu đi học lại mà còn là một chuyên ngành mới, Trung cảm thấy như thế nào?
Trước khi tốt nghiệp ở trường Đại học Nông Lâm, mình đã có công việc làm ổn định từ những ngày còn là sinh viên. Nhưng thời điểm đó mình rất thích học thiết kế đồ họa, nên đã có một quyết định táo bạo và mạo hiểm khi tạm dừng công việc Kỹ sư Nông nghiệp để trở thành tân sinh viên ngành thiết kế sáng tạo, chấp nhận từ bỏ sự nghiệp đang trên đà phát triển với mức thu nhập ổn định của mình.
Đi làm đã được một thời gian, xong rồi bắt đầu đi học lạiđối với mình lúc đầu khá khó khăn. Tuy nhiên mình rất thích môi trường học tập năng động, sáng tạo ở Arena Multimedia, và việc trở thành một Designer giúp mình có thể thỏa sức thể hiện bản thân hơn.
Trung đã làm gì để lấy lại cân bằng và tiếp tục theo đuổi đam mê của mình?
Thời điểm khó khăn nhất đó chính là việc phải đối diện với cái “tôi” của chính mình. Mình từ bỏ công việc ổn định, rời quê nhà Bình Phước xuống Sài Gòn để theo học Thiết kế. Trong khi bạn bè cùng trang lứa nhiều đứa đã gặt hái thành công thì mình bắt đầu làm lại từ con số 0. Khi đó, chính thức trở thành tân sinh viên, nguồn tài chính thì bất ổn, nhà trọ ở thì tạm bợ nên có phần tự ti so với bạn bè và đồng nghiệp cũ. Đâu ai có thể nghĩ đến, từ một đứa đang có công ăn việc làm ổn định lại có thể rơi vào hoàn cảnh khó khăn như vậy.
Nhưng không vì điều đó mà chùn bước, mình vẫn cảm thấy hạnh phúc và tin tưởng vào quyết định của bản thân. Biết xuất phát điểm của mình chậm hơn các bạn, nên thay vì học 3 buổi một tuần, mình đã xin học dự thính thêm các lớp còn lại. Vì Arena vốn tạo điều kiện cho học viên, nên việc học “ké” lớp khác cũng không gặp trở ngại gì. Học nhiều thì nắm chắc kiến thức hơn, nên chỉ sau kỳ học đầu tiên mình đã có thể bắt đầu xin đi làm ở các công ty có tuyển dụng Designer.
Cơ duyên nào đưa bạn từ người làm thiết kế chuyển sang làm Nhiếp ảnh gia?
Trước khi nghỉ làm ở công ty cũ, mình có tích góp được một ít, sau này học môn Nhiếp ảnh Thương mại và Photoshop của thầy Nguyễn Thứ Tính thấy thích quá nên quyết định đầu tư hết tiền để mua máy ảnh.Lúc đầu mình chỉ tập tành chụp linh tinh, rồi tham gia các cuộc thi của Canon, chứ chưa có ý định theo nghề Nhiếp ảnh đâu. Nhưng càng về sau này, mình thấy phù hợp với công việc Nhiếp ảnh hơn, đặc biệt là chụp ảnh về trẻ em nên quyết tâm theo nghề luôn
Trung chia sẻ: “Vô tình anh thư ký tòa soạn Báo Sài Gòn Times nhìn thấy những tấm ảnh này từ một người quen, nên đã liên hệ mình cho đăng bộ ảnh này lên báo giấy”.
Năm 2014, đến học kỳ cuối ở Arena mình quyết định bảo lưu để về quê mở 1 tiệm chụp hình nhỏ dành cho trẻ em, sau khi tiệm đi vào hoạt động ổn định thì mình quay lại trường. Ngày thường mình vừa đi học vừa đi làm Freelancer thiết kế, cuối tuần chạy về Bình Phước để chụp hình.
Đến cuối năm 2017 mình mới chính thức ngưng các công việc còn lại để chuyên tâm về làm Nhiếp ảnh. Đó cũng là thời gian mình bắt đầu chuẩn bị cho dự án cá nhân “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam”.
Ý tưởng dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” xuất phát từ đâu?
Ý tưởng dự án xuất phát từ một người đồng nghiệp, cũng là người bạn tốt của mình. Một phần cũng vì nó phù hợp với định hướng phát triển lâu dài về nhiếp ảnh cho trẻ em. Trước đây mình rất ngại bắt chuyện với trẻ con, nhưng từ khi anh chị mình có bé đâm ra bị nghiện lũ trẻ. Lý giải về điều này, mình nghĩ một phần là do thường xuyên tiếp xúc, chơi đùa và lắng nghe câu chuyện của tụi nhỏ nên đã kiên nhẫn và hiểu chúng hơn. Thế rồi mình lân la chụp ảnh các bé và cảm thấy thích thú vô cùng.
Ban đầu hình dung đến việc đi khắp Việt Nam để thực hiện các bộ ảnh phi lợi nhuận, không có đơn vị tài trợ là một điều không tưởng. Nhưng qua những bộ ảnh đầu tiên, mình càng có niềm tin có thể làm được dựa vào nguồn lực của chính bản thân.
Vì sao Trung lại chọn chủ đề “Chuyện kể của con” trong dự án cá nhân mà không phải là một chủ đề nào khác?
Như ở trên có nói, sở trường và định hướng phát triển lâu dài của mình là nhiếp ảnh cho trẻ em. Nên trong dự án này, việc chọn chủ đề “Chuyện kể của con” là một điều tất yếu.
Mình sẽ đi tìm, làm quen và chia sẻ lại câu chuyện về cuộc sống lẫn tâm tư của các em qua những tấm ảnh, từ đó để người xem có cái nhìn sâu sắc hơn về nhân vật, hiểu hơn về nếp nhà và nếp nghĩ của mỗi gia đình trên khắp đất nước. Ở đây mỗi bộ ảnh là một câu chuyện, nó không giống như những tấm hình đơn lẻ chụp trẻ con bình thường. Chúng ta chỉ có thể thấy chúng đáng yêu, vui, buồn hoặc cảm động nhưng ngoài những cảm xúc đó ra thì có rất ít thông tin về đứa trẻ. Mình muốn nhìn xã hội, đất nước mình qua những câu chuyện về trẻ em.
Đến thời điểm hiện tại, Trung đã thực hiện được 7/100 câu chuyện trẻ em Việt Nam trong dự án của mình. Bạn nghĩ sao về chặng đường còn rất dài phía trước?
Thường mình thực hiện một chuyến đi kéo dài 5 ngày để chụp một bộ ảnh, trung bình mỗi tháng đi từ một đến 3 chuyến như vậy. Đôi lúc cũng cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc khi nhìn về chặng đường còn rất dài phía trước với muôn vàn những khó khăn. Có những chuyến đi nhiều ngày nhưng phải trở về tay trắng vì không tìm được nhân vật phù hợp. Ngoài ra kinh phí thực hiện dự án cũng là một vấn đề, hiện tại mình đang dùng tất cả số tiền kiếm được hàng tháng từ tiệm ảnh để thực hiện dự án này.
Mỗi lúc như vậy, nghĩ về những người thân yêu, những người luôn tin tưởng và dõi theo dự án của mình và ngoài kia có biết bao đứa trẻ đang cần mình thì bản thân như được tiếp thêm động lực để tiếp tục hành trình này. Cứ làm theo cách mình bắt đầu, làm vì sở thích và không ép buộc bản thân thì sẽ vui và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Dự định hướng đi sắp tới trong tương lai của Trung là gì?
Chắc chắn mình sẽ tiếp tục thực hiện và phát triển dự án hơn để giúp đỡ được nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Vì dự án là một cách bày tỏ yêu thương và tôn trọng thế giới của các em, giúp các em có được tuổi thơ xứng đáng và cuộc đời tươi đẹp hơn. Vào ngày 17.09.2018 này, mình sẽ đi Quảng Nam để chụp bộ ảnh tiếp theo trong dự án và hy vọng sẽ tìm được nhân vật phù hợp.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị từ Trung, tin chắc rằng câu chuyện thiết thực về dự án “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” của bạn sẽ truyền cảm hứng, thu hút nhiều bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh tham gia ủng hộ để dự án ngày một phát triển và giúp đỡ được nhiều trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Hiện dự án ảnh “100 câu chuyện trẻ em Việt Nam” đang được đăng tải tại website Arena Multimedia, các bạn có thể xem thêm tại đây hoặc vào trang Facebook của Đinh Chí Trung nhé! |
(Tống An)