Giai điệu tuổi trẻ của Thanh Thanh có những nốt thăng xen lẫn những nốt trầm. Tác phẩm có chút ma mị khi kể về những ngày tháng đầu tiên bước chân lên thành phố Hồ Chí Minh, nhưng bù lại, đó là bước ngoặc giúp cô nàng thay đổi nhiều hơn. Câu chuyện cuốn hút đến câu chữ cuối cùng, hãy cùng lắng nghe bản nhạc tuổi trẻ mà Thanh gửi đến mọi người nhé!
Thí sinh: Lê Thị Thanh Thanh
Sinh năm: 1997
Nơi học tập: ĐHKHXHVNV
Tên tác phẩm: Đừng dừng lại khi vẫn còn thở được!
Thể loại: Bài viết
Mô tả:
Tuổi trẻ của tôi là những ngày lạc bước trên Sài Gòn, là những lần tâm hồn khóc nấc vì sợ hãi, là quyết định rẽ lối sang ngang để đi tìm đam mê của chính mình…Tôi vẫn sẽ sống, vẫn sẽ cống hiến, vẫn sẽ viết tiếp tuổi trẻ với nhiều hoài bão, vụng dại và ước mơ. Bởi ai cũng có nỗi buồn trong trăm ngã niềm vui; ai cũng có một vài người bạn thân trong hàng triệu người trên Trái đất; và ai cũng có những giấc mơ cho riêng mình trong cuộc sống bộn bề nhiều lo toan vất vả. Quan trọng là ở bản thân bạn, đừng bao giờ dừng lại, đừng bao giờ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn thở; còn thở là còn sống, còn sống là còn có thể làm tất cả mọi thứ! Câu chuyện tôi kể trên đây là món quà dành tặng cho những ai đang loay hoay với cuộc đời của mình, hy vọng rằng nó sẽ giúp bạn tiếp thêm tinh thần, sức mạnh cho chặng đường phía trước.
Tác phẩm dự thi:
ĐỪNG DỪNG LẠI KHI VẪN CÒN THỞ ĐƯỢC!
(Thư gửi cho những ai đang băn khoăn với cuộc đời!)
“Bạn sẽ làm gì khi đi trên bão cát sa mạc và không có lấy một ngụm nước để uống?”
Tôi đã băn khoăn câu hỏi này suốt một thời gian dài, bởi lẽ dù chưa đi hết tuổi trẻ nhưng những gì xảy đến với tôi giống hệt như cơn bão cát sa mạc…
18 tuổi, sau khi nhận giấy báo nhập học, tôi rời cái đất cát trắng gió Lào thân yêu để vào Sài Gòn học tập; hành trang mang theo là một chiếc vali nhỏ và cả bầu trời tin yêu của ba mẹ. Háo hức lên đường cùng niềm tin rằng mình sẽ được vẫy vùng, được tự do theo đuổi đam mê; rằng Sài Gòn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho cuộc đời. Nào ngờ, ngay ngày đầu tiên chuyển đến chung cư, tôi và người chị họ hàng của mình phải vội vàng chuyển đi gấp. Ám ảnh về một Sài Gòn tươi đẹp nhưng ẩn sau đó là sự đồi bại về nhân cách con người – nạn ấu dâm…
Hai chị em xách vali thơ thẩn đi ra, trước mặt là Đại lộ rộng lớn thênh thang. Đó là ký ức kinh hoàng và tồi tệ nhất mà tôi và chị không bao giờ muốn nhớ lại. Rồi thời gian cũng nguôi ngoai, chị chuyển lên thành phố cho tiện đường đi học, còn tôi gắn bó với làng Đại học Thủ Đức đến bây giờ.
Khác xa với vẻ nhộn nhịp, năng động của các trường Đại học xung quanh, ký túc xá đối với tôi như cơn ác mộng mà mỗi lần vô tình nghe bác Nguyễn Ngọc Ngạn kể chuyện, tôi lại dựng tóc gáy. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu như tôi không phải là người đầu tiên chuyển đến căn phòng đó, nếu như tôi không tự tay hất sợi chỉ đỏ được buông hờ trên cách cửa ra vào…
Đêm đầu tiên ngủ ở ký túc xá, tôi không tài nào chợp mắt được, phải xin xuống ngủ cùng chị gái giường dưới. Trời mùa hè nóng bức, hai chị em đắp chăn kính mít, ôm nhau thở. Đến tầm nửa đêm, khi chị đã ngủ say, gió bắt đầu thổi mạnh, cửa sổ rung lên từng nhịp mạnh, tiếng ai khe khẽ bên tai về những lời ai oán, về sự kết thúc tuổi trẻ bằng cái chết đau thương. Tôi cảm nhận được tóc mình đang chuyển động, tôi cảm nhận được hơi lạnh luồn qua tấm chăn…
Cứ thế, tôi nằm mê man khóc đến sáng hôm sau, chị gái cùng phòng như hiểu ra chuyện, chẳng nói chẳng rằng, ôm tôi rồi an ủi. Chị bảo chị là sinh viên năm hai, chị biết và hiểu chuyện em vừa trải qua, nói rồi chị bỏ vào tay tôi múi tỏi tím. Quá hoảng sợ, tôi gom những đồ đạc cần thiết bỏ vào ba lô rồi bắt xe bus qua khu ký túc xá mới xây dành cho sinh viên năm 2 trở lên, tôi gặp người chị cùng quê đã quen thân từ nhỏ rồi kể hết chuyện cho chị nghe. Chờ tôi bình tĩnh, chị mới kể cho tôi nghe về căn phòng 309 đó, về sự tích chị gái cùng quê với chị em tôi, về nỗi đau bị cưỡng hiếp ở phòng tự học và rồi vì không thể vượt qua, chị đã chọn cho mình cái chết…
Tôi hoảng sợ gọi về ba mẹ, nhưng ngặt nỗi, ba mẹ chẳng bao giờ tin chuyện ma quỷ, chỉ cho rằng lạ chỗ nên tôi mới vậy. Dù mẹ đã an ủi rất nhiều nhưng trong lòng tôi vẫn không thể nào yên, tôi viết đơn xin chuyển qua khu ký túc xá mới. Đầu năm học, văn phòng công tác sinh viên quá tải, lá đơn của tôi trôi tuột đâu cũng không rõ, tôi đành thu dọn đồ qua ở phòng khách trong ký túc xá mới. Tầm khoảng 2 tuần sau tôi mới được ở chính thức theo chế độ phòng dành cho sinh viên và tầm khoảng 3 tuần sau, chị mới ngưng theo tôi để trở về với cõi đất thiêng…
Cuối năm Nhất Đại học, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về một năm vừa qua và tôi nhận ra, mình vẫn chưa làm được gì, vẫn chưa đi đúng con đường đam mê. Tôi sợ cứ tiếp tục, mình sẽ chết dần trong hàng tá suy nghĩ mà vẫn không làm được gì, tôi sợ thành kẻ nghèo như Tỷ phú Jack Ma nói: “Suy nghĩ nhiều hơn cả nhà bác học nhưng làm lại ít hơn cả một người mù!”. Sau nhiều cuộc tự vấn bản thân, tôi quyết định nghỉ ngang Đại học mà không làm đơn bảo lưu để cứu lấy cho mình con đường sống. Thời gian đó, tôi tập trung đọc sách để lảng tránh đi sự soi mói của hàng xóm, để không còn phải nghe những lời trách móc, khuyên răn từ họ hàng. Tôi lập kế hoạch dài hạn cho mình để chinh phục giấc mơ Mỹ. Và việc đầu tiên là tham gia tình nguyện, kiếm được công việc yêu thích để học hỏi kinh nghiệm.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn đang đi trên con đường đó. Chỉ khác là tôi đã không còn sợ hãi; không còn quá bận tâm nhiều về những người tiêu cực, luôn cố nhấn chìm mỗi khi tôi muốn ngóc đầu lên; không còn buồn tủi. Sự ngông cuồng, táo bạo của tuổi trẻ đã thúc đẩy bản thân tôi luôn phải tiến lên phía trước. Tôi biết rằng tôi đã tự đưa mình vào ván bài “được ăn cả ngã về không”, rằng nếu giấc mơ Mỹ không thành, sự nghiệp ở Việt Nam của tôi có thể sẽ tan nhanh như bong bóng xà phòng. Vì thế tôi phải luôn cố gắng, không ngừng cố gắng để mỗi ngày trôi qua là một dấu ấn lớn tươi đẹp trong cuộc đời.
Ai cũng có nỗi buồn trong trăm ngã niềm vui; ai cũng có một vài người bạn thân trong hàng triệu người trên Trái đất; và ai cũng có những giấc mơ cho riêng mình trong cuộc sống bộn bề nhiều lo toan vất vả. Tôi không cổ xúy cho việc nghỉ học, không dám khuyên ai nên ngông cuồng, điên dại cho tuổi trẻ thật khác biệt; chỉ mong rằng, những ai còn trẻ, còn sức khỏe thì hãy một lần đặt tay lên trái tim và đi theo đam mê của chính mình. Đừng bao giờ dừng lại, đừng bao giờ bỏ cuộc khi bạn vẫn còn thở; còn thở là còn sống, còn sống là còn có thể làm tất cả mọi thứ!
“Em ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời”, hai mươi năm đầu không tìm ra đam mê thì 40 năm sau biết làm gì để khẳng định chất riêng của mình?
Cuộc thi CHÚNG TA PHÁ CÁCH: Hãy nói cho cả thế giới biết… BẠN LÀ AI?
Hãy thể hiện bản thân qua bất cứ một sản phẩm nào bằng sáng tạo, sự khéo tay, những kỹ năng trời phú cho riêng bạn. Nó có thể là một bài viết mô tả bản thân, một bức vẽ tự hoạ, một sản phẩm thiết kế, tác phẩm hand-made, bức tượng bằng đất sét, ảnh chụp chân dung bạn, đoạn phim ngắn giới thiệu bản thân… thông qua cuộc thi “CHÚNG TA PHÁ CÁCH” để khẳng định chất riêng và nhận những phần quà vô cùng giá trị.
Mỗi tháng sẽ có 04 Giải Thắng Cuộc cho 4 thể loại khác nhau do BTC lựa chọn & 01 giải Bình Chọn cho tác phẩm có số lượng likes nhiều nhất với những giải thưởng vô cùng hấp dẫn bao gồm:
– Học bổng 15.000.000 VNĐ của Arena Multimedia;
– 1.000.000 VNĐ tiền mặt
– Ba lô Arena đậm chất sáng tạo
► CHI TIẾT CUỘC THI & ĐĂNG KÝ THAM DỰ: www.arena-multimedia.vn/phacach/