Kỳ Văn – Bộ phim kinh dị của nhóm học viên lớp D2112M Arena Trúc Khê đã gây ấn tượng mạnh bởi tạo hình ấn tượng, cốt truyện thú vị và kỹ xảo mang lại sự mãn nhãn cho người xem. Vậy những cô gái, chàng trai tài năng này đã làm như thế nào dù họ vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm trong ngành làm phim? Hãy cùng tìm hiểu trong bài phỏng vấn dưới đây nhé!
Cảm ơn tất cả mọi người đã dành chút thời gian có mặt tại buổi phỏng vấn để cùng chia sẻ những kỉ niệm hay câu chuyện thú vị xoay quanh đồ án học kỳ III – Digital Filmmaking “Kỳ Văn”. Câu chuyện của mọi người chính là niềm cảm hứng giúp cho các bạn học viên Arena Multimedia, thậm chí là những bạn trẻ có đam mê với Mỹ thuật Đa phương tiện có thể chạm tới được đỉnh cao ngành Sáng tạo.
Các bạn có thể chia sẻ thêm về bài đồ án “Kỳ Văn” được không?
Thu Hồng: Đồ án mà chúng em mang tới là thể loại phim Kinh dị. Với nội dung chính kể về một nữ nhà văn trẻ đang gặp bế tắc trong quá trình thực hiện cuốn sách của mình. Tình cờ trong lúc dã ngoại với bạn bè, cô tìm được một chiếc bút cổ. Chiếc bút đã giúp cô gái có thêm rất nhiều ý tưởng mới và những con chữ cứ thế mà xuất hiện. Nhưng mọi thứ không dễ dàng đến thế, hàng loạt sự kiện lạ lùng xảy ra khiến cô mất kiểm soát. Em nghĩ rằng mọi người nên thử xem và trải nghiệm đồ án này của chúng tớ để có thể hiểu rõ nguồn gốc của mọi diễn biến!
Tại sao lại là “Kỳ Văn” chứ không phải là một cái tên khác?
Thu Hồng: “Kỳ Văn” có nghĩa là những câu chuyện kỳ lạ xoay quanh những tác phẩm của cô nhà văn trẻ. Cây bút đó đã biến những điều cô gái viết trở thành sự thật và tất cả nhân vật trong bộ phim đã phải gánh chịu
Vậy thông điệp đằng sau bộ phim này các bạn muốn truyền tải là gì?
Mai Liên: Thông điệp ở đây chúng em muốn về quả báo, sự trả giá mà con người đã làm mọi cách để đạt được những điều mà mình mong muốn. Cô nhà văn trẻ đã sử dụng chiếc bút cổ này để mang tới những điều mà cô khao khát. Trong quá trình phát triển tâm lý nhân vật, cô gái đã cho người xem thấy được bản chất thật sự bên trong là gì và cách mà cô ấy đạt được những mục đích của mình.
Theo các bạn, điều gì đã tạo ra một “Kỳ Văn” thành công và trở nên đặc biệt?
Ngọc Tân: Cá nhân em thì em thấy bộ phim trở nên đặc biệt do chúng emđã có sự chuẩn bị kỹ càng về mặt hóa trang, đạo cụ, bối cảnh,… Mục đích chung của cả team đó là mang đến những thước phim chân thật nhất dành cho người xem, khiến mọi người phải cảm nhận được nỗi sợ hay những bài học mà chúng em đã cài cắm trong đó.
Thu Hồng: Ngoài việc lựa chọn kỹ bối cảnh và đầu tư cho các cảnh quay nhiều hơn, bọn em đã sử dụng những kỹ xảo thực tế chứ không dùng qua AI, VFX để đem tới trải nghiệm tốt nhất cho khán giả. Giống như Tân chia sẻ, việc hóa trang nhân vật cũng được cả nhóm quan tâm và để ý tới. Mình nghĩ rằng việc này rất quan trọng và quyết định sự thành công của bộ phim. Có những cảnh mà cả team đã mất gần 15 tiếng ở ngoài trời để quay, make up để đưa ra những shot hình ăn ý nhất. Đó chính là những yếu tố mà Hồng tự cảm nhận và thấy rằng “Kỳ Văn” là điều khác biệt so với những bộ phim đồ án khác.
Vậy ekip đã mất bao lâu từ khâu lên ý tưởng cho tới sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng?
Mai Liên: Bộ phim này chúng em đã mất tổng thời gian là khoảng 3 tháng để hoàn thiện. Trong đó 2 tháng đầu, team đã mất thời gian cho việc chuẩn bị tiền kỳ thật tốt để khi quay không xảy ra thiếu sót nào. Sau đó mất khoảng 1 tháng để triển khai quay và dựng.
Khi thực hiện bộ phim, mọi người thường đưa ra tiêu chuẩn gì để sản phẩm được chỉn chu nhất?
Trường Sơn: Thời gian đầu, bọn em đã mất một thời gian để đi quay thử và khớp với kịch bản. Cần phải có khoảng thời gian này để hiểu rõ team đang có gì và được gì. Để từ đó team sẽ tính toán thật kỹ sao cho thời gian thật chuẩn xác và khớp với từng bối cảnh. Và cả team cũng sẽ ngồi với nhau trước 1 ngày để cùng bàn và đưa ra chiến lược hợp lý để làm sao cảnh quay hôm sau được mượt mà và trơn tru nhất có thể.
Diệu Linh: Em là người phụ trách âm thanh cho bộ phim. Em sẽ tìm kiếm và test thử để nhạc được khớp với mạch của phim, đánh trúng tâm lý người xem.
Tại sao mọi người lại lựa chọn dòng phim kinh dị chứ không phải là một bộ phim tình cảm hay hành động?
Thu Hồng: Em là leader và đã cùng cả team đưa ra quyết định lựa chọn phim kinh dị để thực hiện. Em nghĩ rằng đây cũng là một trong những dòng phim thu hút người xem, gây được ấn tượng mạnh nhất. Nhưng ở một khía cạnh khác thì phim kinh dị cũng rất khó để thực hiện sao cho đúng. Rủi ro ở đây đó là: Làm phim kinh dị mà không cảm thấy sợ thì bộ phim đó không thể thành công được. Vì vậy chúng em luôn phải tự hỏi nhau rằng liệu mình có sợ khi xem bộ phim của mình hay không. Nếu sợ thì đây chính là điều mà cả team hướng tới.
Hà Phương: Chắc do chúng em chưa có nhiều kinh nghiệm trong chuyện yêu đương nên cũng khó để mang tới một bộ phim tình cảm sướt mướt. Hay cũng chưa đủ duyên để mang tới một bộ phim hài hước. Nên em nghĩ phim kinh dị sẽ là đề tài phù hợp nhất với tất cả mọi người trong team
Trong cả quá trình, khâu nào là khâu quan trọng nhất để mang tới một bộ phim thành công?
Mai Liên: Đối với em, bước nào cũng là bước quan trọng. Mỗi một bước đều có chức năng và nhiệm vụ khác nhau để tạo nên một bộ phim hoàn chỉnh. Nhưng em nghĩ rằng, mọi người nên cần để ý nhiều nhất ở khâu Tiền kỳ. Tức là giai đoạn trước khi bấm máy, mình cần phải chuẩn bị thật kỹ càng để tránh mắc phải những sai lầm như về đạo cụ, trang phục, bối cảnh,… Nếu bỏ qua bước này, các bước phía sau sẽ không được tốt và làm ảnh hưởng tới toàn ekip bộ phim. Đó chính là một trong những kinh nghiệm “xương máu” mà em đã tự rút kinh nghiệm qua nhiều lần trải nghiệm.
Xuyên suốt quá trình thực hiện, các bạn cảm thấy bước nào là khó nhằn nhất và bạn đã vượt qua nó như thế nào?
Hà Phương: Em nghĩ rằng quá trình lên ý tưởng và hoàn thiện kịch bản là điều khó khăn nhất và mất nhiều thời gian, trải qua nhiều thay đổi để chốt được kịch bản cuối cùng. Để vượt qua được điều đó thì cả nhóm đã phải lên khá nhiều lịch họp mặt để bàn kịch bản. Tham khảo thêm các ý kiến của thầy cô. Thậm chí, ở lại sau buổi học để cùng đưa ra những ý tưởng. Em nghĩ rằng đó là điều mà bản thân em thấy khó khăn nhất trong quá trình thực hiện đồ án của học kỳ này.
Cảm hứng từ đâu mà các bạn có thể đem đến một nhân vật kẻ ác có hóa trang tuyệt vời đến vậy?
Thu Hồng: Em cũng đã mất khá nhiều thời gian để cùng các bạn tìm hiểu cách tạo hình cho nhân vật sao cho đáng sợ nhất có thể. Chúng em đã thử khá nhiều lần với nhiều phiên bản khác nhau. Phiên bản cuối cùng chúng em lấy ý tưởng từ loại hình văn hóa nghệ thuật của Việt Nam: Tuồng chèo. Nhóm cũng đã đưa thêm những nét khác để tạo thêm tính quỷ dị cho nhân vật. Em nghĩ rằng đây là thành công và là niềm tự hào mà chúng em mang đến trong đồ án “Kỳ Văn”
Một dấu ấn khó phai mà mọi người luôn nhớ mãi khi nhắc về “Kỳ Văn”?
Mai Liên: Nhắc về kỉ niệm thì em cũng có rất nhiều câu chuyện “dở khóc dở cười” đã xảy ra trong quá trình. Đặc biệt là khoảng thời gian 2 tháng đầu chuẩn bị tiền kỳ. Cả team đã phải thử nghiệm khác nhiều kịch bản khác nhau, xin ý kiến từ các thầy cô để làm tốt hơn nhưng chưa thể ưng ý. Có những lúc bọn em đã có ý định bỏ ngang kịch bản này để thực hiện một dòng phim mới nhưng cô Nguyệt đã động viên và ủng hộ tinh thần cả nhóm rất nhiều. Không chỉ vậy, có những cảnh quay ở thảo nguyên cả team đã mất rất nhiều thời gian để có thể hoàn thành. Điển hình như câu chuyện: Mọi người đã chuẩn bị hết mọi thứ nhưng gần tới lúc quay trời bỗng dưng nổi giông bão nên mọi người đã phải delay để chờ quang cảnh được đẹp hơn. Hay là buổi cuối cùng, chúng em gần xong cảnh quay đã gặp phải điềm xấu: Máy quay bị hỏng bất chợt nên phải quay bằng điện thoại. Nên hình ảnh và âm thanh đã không thể đồng nhất với các cảnh quay khác và chúng em cũng khá tiếc về điều này.
Ngọc Tân: Hôm đó chúng em đã bắt đầu quay từ 3h chiều đến tận 2h sáng ngày hôm sau. Và em cũng là nhân vật trong “Kỳ Văn” nên lúc đó em đã phải nằm úp dưới sàn đá hoa hơn 3 tiếng đồng hồ để vừa quay vừa trang điểm.
Mọi người là một team vậy có từng xảy ra mâu thuẫn hay xung đột gì giữa các thành viên không? Mọi người đã giải quyết việc này như thế nào?
Thu Hồng: Tất nhiên trong quá trình quay phim thì ai cũng sẽ có cái tôi cao và luôn mang đến những ý kiến cá nhân riêng. Đấy là việc khó có thể tránh được. Nhưng cuối cùng thì mọi người cũng đã tạm gác lại cái tôi của mình để cùng vì mục đích chung của cả nhóm và hướng đến sản phẩm cuối. Tất nhiên lúc xảy ra chuyện thì tâm lý của mọi người sẽ không được thỏa mái nhưng rất may tất cả đã cùng đồng lòng và thực hiện đến cuối cùng. Ngoài ra, là một trưởng nhóm, em cũng luôn tôn trọng ý kiến của mọi người, gắn kết lại với nhau để tạo ra một team đoàn kết và làm việc có hiệu quả nhất. Nên em nghĩ rằng không có gì là không thể! Quan trọng là mọi người đủ bình tĩnh để xoay sở và giải quyết những rắc rối xung quanh hay không thôi.
Sau những chuỗi ngày kỉ niệm đó, cả nhóm có rút ra được bài học nào cho bản thân hay không?
Thu Hồng: Vì là công việc chung của cả nhóm nên em nghĩ bài học ở đây đó là phân chia công việc thật rõ ràng và chuẩn bị kỹ lưỡng trong cả quá trình. Với mỗi cá nhân đảm nhiệm từng task thì cần có ý thức trong công việc, hoàn thành đúng thời gian được giao.
Mai Liên: Đối với em thì bài học đắt giá nhất đó chính là sự kiên trì. Em biết rằng trong quá trình làm phim có những lúc rất mệt mỏi và nản chí nhưng chỉ cần mọi người luôn nỗ lực không ngừng thì trái ngọt sẽ đến với mọi người.
Vậy các bạn có muốn gửi lời nhắn nhủ gì tới đồng đội của mình không?
Mai Liên: Em chỉ muốn nói rằng: Cảm ơn tất cả mọi người đã trở thành thanh xuân của mình. Đây chính là một phần thanh xuân của Liên. Em vô cùng hài lòng và hạnh phúc khi tất cả đã cùng nhau tạo nên một “Kỳ Văn” đầy sáng giá.
Ngọc Tân: Cảm ơn tất cả mọi người đã trở thành đồng đội của em đồng hành trong chặng đường mang đến “Kỳ Văn”. Mặc dù mỗi người là một mảnh ghép khác nhau, đều mang trong mình một màu sắc, khả năng riêng những tất cả đã cùng ghép lại và tạo ra một team vô cùng thú vị và tài năng. Đây chính là điều mà em cảm thấy may mắn nhất khi học tập tại Arena Multimedia.
Diệu Linh: Mặc dù em là người vào sau cùng so với các bạn nhưng em đã rất vui khi mọi người đã có thể hoàn thành một cách đầy ngoạn mục. Em nghĩ rằng đây là một trong những kỉ niệm khó quên của em.
Thu Hồng: Em chỉ muốn nói rằng các bạn cần cẩn trọng hơn trong công việc, kể cả hiện tại tại Arena Multimedia hay tương lai. Mình không thể làm sơ sài được mặc dù điều đó có quan trọng hay không, bản thân vẫn phải luôn cố gắng làm hết sức mình để đem lại thành công rực rỡ.
Hà Phương: Cảm ơn sự xuất hiện của mọi người vì đã luôn cố gắng cùng nhau hoàn thành bài đồ án này. Tuy có rất nhiều khó khăn và mệt mỏi nhưng được làm việc cùng mọi người nên em cảm thấy rất vui. Từ một cô bé không hay nói chuyện, luôn ẩn mình và sống khép kín với mọi người nhưng sau khi thực hiện cùng thì em đã cởi mở hơn rất nhiều, tích cực hơn và trò chuyện nhiều hơn. Và thêm một điều nữa, em cũng rất xúc động khi mọi người đã phải ở lại đến rất muộn để cố gắng training cho việc diễn xuất của em trở nên tốt hơn.
Trường Sơn: Em không biết nói gì ngoài hai từ cảm ơn gửi gắm tới mọi người.
Một lời động viên gửi gắm tới các bạn trẻ đang quan tâm tới ngành nghề Mỹ thuật Đa phương tiện, đặc biệt là Digital Filmmaking!
Thu Hồng: Giống như các bài đồ án trước, để có thể làm tốt thì mọi người nên cần mở ra những góc nhìn mới, cùng lắng nghe từ đối phương để học hỏi thêm nhiều điều mới. Biết đâu chúng ta có thể trau dồi thêm các kỹ năng thú vị khác mà mình chưa được biết. Hãy cố gắng hết sức khỏe, đừng bỏ cuộc giữa chừng vì biết đâu sản phẩm của mình lại được vinh danh. Và thêm một điều quan trọng khác, hãy nhớ giữ sức khỏe bởi vì kỳ III thật sự khó nhằn và phải gặp nhiều biến cố xảy ra trong cả quá trình.
Ngọc Tân: Em nghĩ rằng mọi người cũng nên cải thiện kỹ năng làm việc nhóm để có thể cùng mọi người làm việc suôn sẻ hơn. Yếu tố này rất quan trọng trong việc làm nên một sản phẩm tốt và thành công.
Arena Multimedia cảm ơn các bạn đã tự tin chia sẻ câu chuyện của mình phía sau kỳ làm phim. Chúc các bạn sẽ ngày càng thành công trên con đường kiếm tìm tri thức và đạt được nhiều dấu ấn khác trong tương lai.
Tùng Dương