Trong bài viết này, Arena Multimedia sẽ giúp bạn tổng hợp 12 phong cách đồ họa Game nổi bật, giúp bạn có cái nhìn tổng quan và lựa chọn phong cách thiết kế phù hợp cho mình.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất và phát triển trò chơi điện tử đang ngày càng phát triển và được quan tâm, các Game Designer và Game Artist đều mong muốn sáng tạo ra các tựa game với đồ họa bắt mắt, thu hút từ ánh nhìn đầu tiên. Cùng lúc, các game thủ cũng đang tìm kiếm những trò chơi có thể đáp ứng cả “phần chơi” lẫn “phần nhìn”. Chính vì vậy, phong cách thiết kế của Game đóng vai trò vô cùng quan trọng góp phần tạo nên thành công của tựa Game đó.
Bài viết này đem đến cho bạn tổng hợp 12 phong cách đồ họa nổi bật trong Game 2D và 3D, mang tới một cái nhìn tổng quan và hệ thống về thị trường đồ họa game hiện nay. Hãy cùng Arena Multimedia tìm hiểu ngay bây giờ nhé!
Phong cách thiết kế đồ họa Game 3D
Giống như tên gọi, nghệ thuật thiết kế đồ họa 3D hay 3D Art là việc tạo ra các hoạt ảnh hay nhân vật trong không gian ba chiều, trong đó toàn bộ đối tượng và các vật thể đều được nhìn thấy từ mọi phía. Các yếu tố đo lường gồm chiều cao, chiều dài và chiều rộng sẽ được cân đối với quy tắc đời thực.
Phong cách thiết kế đồ họa 3D sẽ phù hợp với các Game Artist muốn tạo ra các tựa game có nhân vật và cảnh quan trong game thật sống động. Thông qua 3D Art, người chơi có thể khám phá môi trường trong trò chơi và quan sát các vật thể từ nhiều góc cạnh khác nhau, cho phép họ sắm vai nhân vật và “sống” trong thế giới game một chân thực nhất.
Các phong cách thiết kế đồ họa 3D trong game phổ biến nhất hiện nay có thể kể tới những cái tên dưới đây.
1. Tả thực (Realism)
Ưu thế rõ ràng nhất của phong cách Tả thực chính là độ chân thực của mọi nhân vật và cảnh quan trong game. Với đặc điểm nổi bật này, nó đã trở thành phong cách ưa thích của đại đa số game thủ.
Hầu hết các Game AAA hiện nay đều sử dụng phong cách này để tạo ra đồ họa chân thực, “xịn xò” và nịnh mắt, từ đó khơi dậy được sự khao khát của người chơi về những bản phát hành mới với đồ họa ngày càng được trau chuốt. Với phong cách này, các Game Artist có thể sẽ mất rất nhiều thời gian và nguồn lực để hoàn thành những cảnh quan và nhân vật phức tạp, nhiều chi tiết.
Ví dụ như trong hai tựa game Red Dead Redemption 2 và Uncharted 4: A Thief’s End, nhà phát hành đã tạo ra những cảnh quan ngoạn mục, chân thực, làm mờ đi ranh giới giữa thế giới thực và trò chơi điện tử.
Red Dead Redemption 2.
Nguồn ảnh: Variety
Uncharted 4: A Thief’s End
Nguồn ảnh: Push Square
2. Tả thực theo thiên hướng giả tưởng (Fantasy realism)
Tả thực theo thiên hướng giả tưởng là sự kết hợp giữa vẻ hùng vĩ, diệu kỳ của thế giới huyền bí với vẻ đẹp đầy tính thẩm mỹ của hiện thực. Nói cách khác, các chi tiết, cảnh quan, nhân vật trong phong cách này được khắc họa một cách vô cùng chân thực nhưng lại không thể tồn tại trong hiện thực.
Hình ảnh các hiệp sĩ, những con rồng và các loại sinh vật huyền bí khác nhau được miêu tả một cách tuyệt vời, sống động trong phong cách Tả thực theo thiên hướng giả tưởng. Vẻ đẹp kì thú của phong cách này đã được thể hiện một cách trọn vẹn trong các trò chơi như The Elder Scrolls V: Skyrim, Cyberpunk 2077 và The Witcher 3: Wild Hunt.
The Witcher 3: Wild Hunt
Nguồn ảnh: The Guardian
3. Low Poly
Mặc dù là một nhân tố mới xuất hiện trên thị trường đồ họa 3D vài năm trở lại đây, phong cách thiết kế Low Poly đã sớm thu hút được sự chú ý và yêu thích từ rất nhiều người chơi, trở thành một xu hướng thú vị cho các tựa game 3D.
Thiết kế Low Poly tập trung sử dụng các hình khối với nhiều hình dạng khác nhau, bố trí màu sắc và ánh sáng để bù đắp cho sự thiếu hụt của kết cấu, giúp thể hiện chiều sâu và độ nổi của các vật thể. Việc tạo ra những nhân vật và cảnh quan chỉ bằng những hình khối nghe có vẻ dễ dàng nhưng lại đòi hỏi các Game Artist phải dành rất nhiều thời gian, sự tỉ mỉ và sáng tạo.
Phong cách Low Poly mang lại ấn tượng đầu tiên về sự đơn giản, độc đáo, nó “phù phép” những kết cấu, hình ảnh phức tạp thành những tác phẩm nghệ thuật đa giác đáng yêu. Monument Valley là một trong các tựa game đã ứng dụng rất thành công thiết kế theo phong cách Low Poly.
Nguồn ảnh: GamesRadar
4. Vẽ tay (Hand-painted)
Như tên gọi của mình, mọi chi tiết trong phong cách này đều được vẽ bằng tay. Với đặc trưng sử dụng nhiều màu sắc rực rỡ, mọi họa tiết và cảnh quan kì ảo đều được khắc họa bằng các nét vẽ tay, có thể nói, phong cách này đem tới cho người chơi một bữa tiệc thị giác vô cùng hấp dẫn.
Tựa game Memories Retold là một ví dụ tiêu biểu, nó mang lại cho người chơi cảm giác bình yên nhưng đậm chất nghệ thuật, đem tới trải nghiệm như đang dạo chơi trong một bức tranh sơn dầu cũ.
Nguồn ảnh: TrueAchievements
5. Hoạt hình (Cartoon)
Đồ họa game phong cách Hoạt hình mang lại cảm giác vui nhộn và bắt mắt cho các game thủ. Các nhân vật với tỉ lệ không thực, những màu sắc sặc sỡ và hình ảnh được cường điệu hóa mang lại cho trò chơi cảm giác kỳ lạ và thú vị.
Với phong cách Cartoon, việc thể hiện các chi tiết ra sao để người chơi có thể hiểu được ý nghĩa của bối cảnh, quan hệ và tâm lí của các nhân vật là một thách thức đối với Game Artist, đòi hỏi nhiều sự cân nhắc và tính toán.
Hai tựa game nổi tiếng nhất ứng dụng phong cách Hoạt hình chính là Overwatch và Fortnite.
Nguồn ảnh: CZC
Phong cách thiết kế đồ họa 2D
Nghệ thuật thiết kế đồ họa 2D được sử dụng để diễn tả nhân vật và cảnh quan trong không gian hai chiều, các yếu tố đo lường trong phong cách này gồm có chiều dài và chiều rộng, không có chiều sâu. Không giống như 3D Art, 2D Art bị giới hạn hiển thị trên một mặt phẳng, trong đồ họa game là màn hình gameplay.
Tuy nhiên, điều này không hề khiến cho đồ họa 2D bị “lép vế” so với 3D trong lĩnh vực Game Art. Đồ họa 2D với những yếu tố như màu sắc sặc sỡ, độ tương phản của đường nét và hình ảnh sáng tạo hoàn toàn có thể “bù đắp” cho những điểm yếu về đồ họa. Trên thực tế, trong hầu hết các trò chơi 3D, các Game Artist vẫn ứng dụng đồ họa 2D để tạo menu, tùy chọn, hình nền và thậm chí là cả bối cảnh, môi trường trong game.
Các phong cách đồ họa trong Game 2D phổ biến nhất sẽ được bật mí ngay cho bạn tiếp theo đây.
6. Phẳng (Flat)
Phong cách thiết kế Phẳng ưu tiên sự tối giản và đường nét rõ ràng nhưng vẫn hấp dẫn và bắt mắt. Kết hợp với phong cách thiết kế Phẳng, các trò chơi như Monument Valley đã tạo ra những bối cảnh tráng lệ và các nhân vật đáng yêu, mang lại trải nghiệm đồ họa thú vị và hấp dẫn cho người chơi.
Nguồn ảnh: Medium
Ưu điểm của phong cách thiết kế Phẳng phải kể tới sự đơn giản đến tối giản và vẻ ngoài gọn gàng. Phong cách này cho phép người chơi nắm bắt được các chi tiết, bối cảnh và nội dung trò chơi một cách dễ dàng. Điều này khiến nó trở nên vô cùng lí tưởng cho các Game Artist khi muốn khắc họa rõ ràng “mood” của từng cảnh, từng màn chơi, cũng như các yếu tố tâm lí, tình cảm trong game.
Các Game Artist cần có sự hiểu biết về bố cục, lý thuyết màu sắc và các nguyên lí thiết kế đồ họa để có thể tạo ra các trò chơi ứng dụng nghệ thuật thiết kế Phẳng thật cuốn hút, nịnh mắt mà không hề đơn điệu.
7. Vector
Các hình ảnh được tạo ra với phong cách Vector có các cạnh sắc nét và có thể điều chỉnh kích thước mà không giảm chất lượng do quy trình toán học được sử dụng để tạo ra chúng. Điều này mang lại sự linh hoạt cho Game Artist trong việc sáng tạo tài nguyên game, ứng dụng hiệu quả cho các dự án 2D hoặc trò chơi di động với độ phân giải khác nhau.
Các tựa game từ thời kỳ trò chơi điện tử trên máy Arcade như BattleZone và Asteroids và cả các game hiện đại như The Banner Saga đã ứng dụng phong cách thiết kế này.
Nguồn ảnh: Epic Games
8. Nghệ thuật hình khối (Geometric Art)
Đây là phong cách đơn giản nhất trong số tất cả, nó đã được mô tả qua chính tên gọi của mình. Phong cách này sử dụng các hình khối đơn giản với màu sắc khác nhau để tạo ra các nhân vật và cảnh quan trong game.
Thomas Was Alone là một tựa game sử dụng phong cách nghệ thuật hình khối. Đồ họa của game đem lại cảm giác đơn giản và sang trọng, đồng thời mang đến trải nghiệm mới lạ và hấp dẫn.
Nguồn ảnh: Nintendo
Khi tạo ra một trò chơi với phong cách nghệ thuật hình khối, Game Artist cần phải chính xác trong việc bố trí các vật thể, phân bổ màu sắc và có khả năng đạt được sự cân bằng trong thiết kế giúp trò chơi đơn giản nhưng không hề đơn điệu.
9. Pixel
Nghệ thuật Pixel rất thành công trong việc tạo ra cảm giác hoài cổ cũng như các nét đẹp rất riêng trong đồ họa game. Thiết kế sử dụng nghệ thuật Pixel dễ dàng khơi gợi liên tưởng về những trò chơi cổ điển, nó giữ một vị trí đặc biệt trong thế giới đồ họa game và cả trong lòng người chơi, mang tới cho họ cảm giác “cũ” nhưng không hề “lỗi thời”.
Với cảnh quan và nhân vật được khắc họa đơn giản, sặc sỡ, đậm chất retro, Hotline Miami và Stardew Valley là lựa chọn hoàn hảo cho các “fan cứng” của trò chơi mang đậm phong cách thập niên 80.
Nguồn ảnh: MacRumors
10. Hoạt hình (Cartoon)
Cũng giống như trong đồ họa 3D, phong cách Hoạt hình trong đồ họa 2D mang lại những hình ảnh vui nhộn, bắt mắt nhưng không kém phần sống động.
Các nhà phát hành game đánh giá cao và tích cực sử dụng phong cách Hoạt hình trong các sản phẩm của mình. Tiêu biểu chính là Team Fortress 2, tựa game này mang đến những chi tiết với màu sắc rực rỡ, nhân vật với kích thước không thực và bầu không khí vui tươi, đầy sức sống.
Nguồn ảnh: YouTube
11. Cel Shading
Với phong cách Cel Shading, người chơi như lạc vào một cuốn truyện tranh sống động. Rất nhiều người cho rằng tựa game The Legend of Zelda: The Wind Waker sử dụng phong cách đồ họa Hoạt hình, song trên thực tế, đó là Cel Shading.
Phong cách Cel Shading ưu tiên sử dụng những màu sắc đơn giản, trơn với đường viền sắc nét. Trong Cel Shading, Game Artist sẽ điều chỉnh ánh sáng đổ lên các đối tượng và vật thể, điều này mang lại hiệu ứng đổ bóng giống như vẽ tay thay vì vẽ máy.
Nguồn ảnh: Nintendo Life
12. Đơn sắc (Monochromatic)
Trong thế giới muôn vàn màu sắc, trò chơi đơn sắc vẫn tìm được cho mình một chỗ đứng trong lòng các game thủ. Phong cách nghệ thuật này lựa chọn một màu sắc (thường là đen hoặc trắng) làm màu chủ đạo, sau đó sử dụng các sắc thái khác nhau của nó để tô màu cho các vật thể, nhân vật và cảnh quan. Đôi khi, các màu sắc ngoài đen và trắng cũng được các Game Artist sử dụng trong thiết kế đơn sắc, chẳng hạn như các sắc thái khác nhau của xanh lá cây, cam, đỏ, v.v.
Phong cách đơn sắc mang lại ấn tượng trực quan vô cùng đơn giản, gọn gàng nhưng lại không hề nhàm chán mà thú vị và bí ẩn. Hai tựa game Limbo và Inside là hai ví dụ nổi tiếng nhất khi nhắc tới phong cách này. Đồ họa của hai trò chơi này mang lại cho người chơi trải nghiệm ấn tượng, cảm giác tối tăm, u ám trong bầu không khí mê hoặc kỳ lạ.
Limbo
Nguồn ảnh: Nintendo
Inside
Nguồn ảnh: Outside is Overrated
Kết lại
Các newbie dễ dàng “lạc lối” trong thế giới của vô vàn những phong cách thiết kế đồ họa game, đặc biệt là khi những phong cách này sẽ không ngừng thay đổi, cải tiến theo thị hiếu người chơi. Nếu bạn là một Game Designer, Game Artist, hay là một người đang mong muốn theo đuổi ngành nghề thiết kế đồ họa game, bạn có thể bắt đầu với việc tìm hiểu về 12 phong cách nổi bật đang được sử dụng hiện nay được nêu phía trên để định hình và lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp.
Nguồn: Dreamfarm Studios
Anh Thư
Hệ thống Đào tạo Thiết kế, Kỹ xảo & Game Arena Multimedia sở hữu hai chương trình đào tạo tiên tiến mang tên Graphic Design & Interactive Media (GDIM) và Animation, VFX & Gaming (AVG). Với mục tiêu đào tạo chuyên sâu về Thiết kế Truyền thông (Communication Design) và Sản xuất nội dung giải trí (Entertainment Design), GDIM và AVG có sự rút gọn về thời gian nhưng sẽ có sự tập trung cao hơn, học và rèn luyện học sâu hơn về kiến thức và kỹ năng làm nghề, nhằm chuẩn bị cho một tương lai có nhiều cơ hội nhưng không ít thách thức và đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn từ phía doanh nghiệp tuyển dụng. Chương trình Graphic Design & Interactive Media (GDIM): – Học kỳ 1: Thiết kế hình ảnh truyền thông (Visual Communication Design) – Học kỳ 2: Thiết kế thương hiệu (Branding Design) – Học kỳ 3: Đồ họa chuyển động và xây dựng nội dung video (Motion Graphics & Video content) – Học kỳ 4: Phát triển sản phẩm kỹ thuật số (Digital Product Development) Chương trình Animation, VFX & Gaming (AVG): – Học kỳ 1: Tiền sản xuất Hoạt hình và Games (Pre-Production for Animation & Games) – Học kỳ 2: Thiết kế tạo hình 3D cho Game, VFX và hoạt hình (3D Art and Design for Animation, Games & VFX) – Học kỳ 3: Diễn hoạt 3D trong Hoạt hình, Game và VFX (Advanced 3D for Animation, Games & VFX with Electives & Generative AI) – Học kỳ 4A (lựa chọn): 3D thời gian thực và Thiết kế đồ hoạ Game (Real Time 3D & Game Art) – Học kỳ 4B (lựa chọn): Kỹ xảo trong Hoạt hình, Phim và Game (Visual Effects for Animation, Films & Game) Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |