Sáng tạo banner quảng cáo không đơn thuần chỉ là sắp xếp nội dung, hình ảnh một cách đúng đắn mà trong đó, bạn cần phải xem xét rất nhiều yếu tố liên quan. Trong bài viết này, hãy cùng Arena Multimedia điểm qua những điều mà bạn cần phải “nằm lòng” nếu muốn thiết kế một chiếc banner ads đầy ấn tượng.
Trong thời đại ngày nay, khi cuộc sống hiện đại ngập tràn thông tin, việc tạo ra hình ảnh quảng cáo độc đáo và ấn tượng là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của chiến lược Marketing. Tuy nhiên, để sáng tạo hình ảnh quảng cáo hiệu quả không chỉ là việc chọn lựa một số hình ảnh và nội dung hấp dẫn. Đằng sau mỗi hình ảnh ấy là những yếu tố tinh tế, từ màu sắc đến cấu trúc, đều đòi hỏi sự chú ý đặc biệt từ các Designer đảm nhiệm dự án.
Hãy cùng Arena Multimedia điểm qua các những điều mà bạn cần chú ý cũng như các tip cần nằm lòng để có thể thiết kế một banner ads nhìn vào là chỉ muốn click ngay nhé!
Nguồn ảnh: Superside
Những điều cần làm trước khi thiết kế banner ads
Bước 1: Xác định mục tiêu
Mục tiêu là điều quan trọng nhất khi bạn thực hiện một điều gì đó dù là nhỏ nhất. Bởi vì nó sẽ quyết định cả nội dung và lời kêu gọi hành động được hiển thị trên banner của bạn. Thành thật mà nói thì banner ads sẽ rất dễ “lạc quẻ”, không đúng ý của chúng ta nếu như đội ngũ thiết kế và những người marketer không hiểu ý nhau. Vì thế, hãy luôn đảm bảo mọi người hiểu ý của nhau để các sản phẩm làm ra luôn đi đúng hướng.
Khi đã xác định được mục tiêu rồi, bạn mới biết mình cần làm gì, sau đó, set timeline cho từng hạng mục công việc để dự án được hoàn thành đúng thời hạn. Hãy nhớ rằng, nếu đội ngũ in-house không thể “cân” hết mọi việc, bạn cần cân nhắc đến việc thuê các Freelancer bên ngoài hỗ trợ để dự án có thể “chạy” đúng như kế hoạch.
Hầu hết các banner ads khi được làm ra đều sẽ có các mục tiêu như sau:
- Thu lượng khách hàng tiềm năng
- Tăng trưởng traffic
- Tăng độ nhận diện thương hiệu
Bước 2: Xác định tệp khách hàng mục tiêu
Năm 2012, Levi’s, thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ đã ra mắt chiến dịch Marketing cho dòng quần jeans mới dành cho phụ nữ với khẩu hiệu “Hotness Comes in All Shapes and Sizes” (Sự nóng bỏng đến từ mọi hình dáng và kích cỡ). Quảng cáo nhằm ý chỉ rằng quần jeans Levi’s trông đẹp trên mọi phụ nữ, không phụ thuộc vào hình thể. Vấn đề là gì? Những người mẫu trong banner đều có vóc dáng mảnh mai hơn so với phụ nữ trung bình ở Mỹ. Tất nhiên, chiến dịch này đã gặp phải nhiều phản đối mạnh mẽ vì hình ảnh và nội dung không nhất quán cũng như không bám sát thực tế. Tuy nhiên, đây là một ví dụ điển hình về những gì có thể xảy ra khi bạn tạo ra một chiến dịch quảng cáo mà không thực sự hiểu rõ đối tượng mục tiêu của mình.
Nguồn ảnh: small-bizsense
Việc nghiên cứu tệp khách hàng mục tiêu một cách kỹ lưỡng và chi tiết sẽ mang lại những thông tin vô cùng giá trị, đóng vai trò quan trọng và mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho chiến lược quảng cáo. Dưới đây là một số lý do vì sao việc này cực kỳ quan trọng:
- Tăng hiệu quả tiếp cận: Xác định rõ ràng tệp khách hàng mục tiêu giúp banner ads tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu một cách hiệu quả.
- Tối ưu hóa tương tác: Đối với mục tiêu quảng cáo là tương tác, việc xác định tệp khách hàng giúp tăng cường khả năng tương tác từ phía đối tượng mục tiêu.
- Giảm chi phí quảng cáo: Bằng cách xác định tệp khách hàng mục tiêu, bạn có thể giảm chi phí quảng cáo cho những người không phải là đối tượng quan trọng.
- Tăng cường độ nhận diện thương hiệu: Khi quảng cáo được định tới đúng đối tượng, khách hàng sẽ cảm thấy mọi thông điệp và hình ảnh đều liên quan đến họ, điều này có thể tăng cường ấn tượng và kết nối thương hiệu giữa khách hàng và bạn.
- Tùy chỉnh nội dung phù hợp: Xác định được tệp khách hàng mục tiêu sẽ cung cấp thông tin quan trọng để bạn tạo nên nội dung quảng cáo tùy chỉnh. Bạn có thể chú trọng vào nhu cầu, mong muốn cụ thể của khách hàng mục tiêu, từ đó làm tăng khả năng tương tác.
Bước 3: Lựa chọn nền tảng hiển thị
Lựa chọn nền tảng hiển thị là điều bắt buộc phải làm từ sớm trước khi bắt tay vào thiết kế banner. Khi đã chọn được nền tảng quảng cáo, hãy thiết kế banner sao cho phù hợp với các yêu cầu và đề xuất bắt buộc của nền tảng. Khi đó, quảng cáo của bạn sẽ hoạt động tối ưu và bạn có thể tránh lãng phí tài nguyên cho việc gửi đi, thu hồi và sửa chữa một banner không phù hợp.
Mỗi nền tảng sẽ có những yêu cầu về hình ảnh khác nhau. Ví dụ, banner trên Facebook không được có kích thước tệp lớn hơn 30MB, trong khi kích thước tệp tối đa cho quảng cáo banner LinkedIn là 5MB. Nếu bạn đưa banner của mình lên nhiều nền tảng, hãy tối ưu hóa nó để đáp ứng những yêu cầu khác nhau thay vì cố gắng thiết kế một kích thước phù hợp cho tất cả.
Nguồn ảnh: webflow
Quy tắc quan trọng nhất khi chọn nền tảng quảng cáo đó là hãy xem khách hàng của bạn đang tập trung ở đâu nhiều nhất. Quảng cáo hiển thị trên LinkedIn là một lựa chọn tuyệt vời nếu bạn đang nhắm đến các chuyên gia cấp cao. Nếu bạn đang nhắm đến thế hệ Z, nền tảng lý tưởng của bạn có thể là TikTok hoặc Instagram. Bạn cũng nên xem xét các yếu tố như ngân sách và mức độ cá nhân hóa và tùy chỉnh mà nền tảng đang hỗ trợ.
Những yếu tố cần xem xét trước khi thiết kế banner ads
1. Thứ tự nội dung trong banner
Bố cục (hierarchy) có nghĩa là sắp xếp các yếu tố khác nhau trong thiết kế banner một cách có thứ bậc, nhằm thu hút sự chú ý vào thông tin quan trọng nhất. Được hiểu đơn giản, bố cục giúp người xem nhanh chóng nhận biết và tập trung vào thông điệp chính của bạn. Điều này thường được đạt được thông qua việc sắp xếp kích thước, màu sắc, và vị trí của các yếu tố như tiêu đề, hình ảnh, và văn bản. Một bố cục rõ ràng giúp tạo ra trải nghiệm hấp dẫn và dễ hiểu, nâng cao khả năng giao tiếp của banner và tăng cơ hội tương tác từ đối tượng mục tiêu.
Nguồn ảnh: Superside
Ở hình ảnh trên, văn bản in đậm và được căn giữa sẽ thu hút sự chú ý của người đọc đầu tiên, trong khi văn bản ở phía trên banner được đọc cuối cùng vì vị trí không nổi bật. Vì vậy, bạn cần xem xét chặt chẽ các vị trí đặt để logo, lợi ích của khách hàng cũng như lời kêu gọi hành động để không chỉ đạt kết quả tốt nhất về mặt visual, mà còn thu hút tương tác từ phía khách hàng.
2. Vị trí đặt logo
Logo của bạn nên được hiển thị một cách rõ ràng để khách hàng có thể dễ dàng nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, nó không nên là yếu tố quan trọng nhất trên banner. Bạn có thể tham khảo hình ảnh dưới đây, logo thể hiện sự hiện diện của chúng, nhưng không làm mất đi thông điệp chung của quảng cáo.
Nguồn ảnh: Superside
3. Lợi ích của khách hàng
Các đề xuất về giá trị (value proposition) là lợi ích mà khách hàng của bạn sẽ nhận được khi tương tác với quảng cáo của bạn. Đề xuất giá trị lợi ích nên là nội dung đặc sắc và rõ ràng, chiếm diện tích lớn nhất trên banner, để khách hàng mục tiêu của bạn có thể chú ý ngay từ cái nhìn đầu tiên. Bạn có thể tham khảo hình ảnh dưới đây từ thương hiệu Mitto. Trong đó, giá trị lợi ích được thể hiện một cách rõ ràng và khách hàng có thể ngay lập tức hiểu được những gì Mitto có thể cung cấp.
Nguồn ảnh: Superside
Bạn có thể tạo lợi ích cho khách hàng đơn giản với 4 bước như sau:
- Liệt kê tất cả các lợi ích của sản phẩm hoặc dịch vụ: Xác định và liệt kê mọi ưu điểm hoặc kết quả tích cực mà sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn mang lại. Ví dụ khi làm banner cho một công ty vận chuyển, lợi ích có thể là giao hàng trong ngày hoặc giao hàng nhanh trong 30 phút.
- Liên kết nỗi đau khách hàng với lợi ích mà bạn đem lại: Kết nối mỗi lợi ích với một nỗi đau cụ thể mà khách hàng của bạn có thể đã trải qua. Tiếp tục sử dụng ví dụ về công ty vận chuyển, nỗi đau có thể là việc giao hàng bị trễ, tài xế đến chậm.
- Tạo nội dung ngắn gọn, hòa hợp giữa nỗi đau khách hàng và lợi ích: Sáng tạo nội dung ngắn gọn, trực tiếp nói đến nỗi đau mà khách hàng đang gặp phải và nhấn mạnh đến lợi ích tương ứng. Ví dụ: “Mua sắm những sản phẩm yêu thích từ bất kỳ cửa hàng nào và nhận chúng tận cửa trong vòng 24 giờ.”
- Chọn nội dung phù hợp nhất với mục tiêu quảng cáo và mục tiêu kinh doanh của bạn: Đánh giá từng câu trong danh sách được đề xuất và chọn câu có tương tác mạnh mẽ nhất với mục tiêu quảng cáo của bạn và mục tiêu kinh doanh tổng thể. Hãy đảm bảo nội dung trên banner có thể mô tả một cách hiệu quả giá trị độc đáo mà sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn mang lại cho khách hàng.
4. Kêu gọi hành động (CTA)
Hãy sử dụng các cụm từ hành động trực tiếp như “tải ngay”, và “đăng ký”, để khách hàng biết chính xác điều gì sẽ xảy ra khi họ nhấp vào nút đó. Dưới đây là 3 cách kêu gọi hành động hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:
- Nút kêu gọi hành động nên có màu sắc khác biệt so với các yếu tố quảng cáo khác.
- Văn bản trên nút cần phải rõ ràng trên nền của nút. Ví dụ, nếu nút có màu xanh, thì nền nút nên là màu trắng.
- Đặt nút kêu gọi ngay sau nội dung quảng cáo của bạn, thường gần phía dưới của banner.
Nguồn ảnh: turbify
Những điều cần chú ý khi thiết kế banner ads
1. Chữ
Hãy nhớ rằng kiểu chữ sẽ xác định phong cách và tổng thể của văn bản trên banner của bạn. Bạn nên chú ý đến các yếu tố quan trọng dưới đây nếu muốn banner sáng tạo của mình trở nên rõ ràng, dễ đọc và thu hút mắt người đọc.
Phông chữ (The font)
Chọn các phông chữ đậm như Serif và San Serif như Arial, Calibri và Times New Roman để văn bản trên banner của bạn rõ ràng và dễ đọc. Serif fonts có những “chân” nhỏ ở đỉnh và đáy của các chữ cái, trong khi San Serif không có các đặc điểm này, tạo ra một vẻ đơn giản và hiện đại. Lựa chọn giữa Serif và San Serif phụ thuộc vào phong cách và cảm nhận mà bạn muốn truyền đạt.
Tránh sử dụng phông chữ viết tay và phông chữ script như Pacifico và Lobster, vì chúng thường được thiết kế để tăng tính thẩm mỹ, nhưng khó đọc, đặc biệt là khi xuất hiện trên một banner với kích thước nhỏ. Việc này có thể làm giảm khả năng truyền đạt thông điệp của bạn và tăng khả năng nhầm lẫn từ phía độc giả. Và một khi bạn đã chọn một kiểu chữ, hãy giữ nguyên nó trong toàn bộ banner.
Cuối cùng, hãy ổn định một phông chữ trên toàn bộ banner. Sau khi bạn đã chọn một phông chữ phù hợp, điều quan trọng là bạn duy trì sự ổn định này trong toàn bộ banner. Việc này giúp tạo ra sự nhất quán và chuyên nghiệp, tránh sự phân tán và khó chịu khi người xem nhìn thấy banner của bạn.
Nguồn ảnh: Superside
Màu chữ và nền
Đảm bảo màu chữ và màu nền tạo ra sự tương phản đủ để nội dung trên ảnh trở nên dễ đọc. Nếu bạn sử dụng một màu chữ tối, hãy chọn một màu nền nhạt và ngược lại. Điều này giúp ngăn chặn vấn đề khiến người xem khó khăn trong việc đọc hiểu nội dung.
Khoảng cách chữ và dòng
Khoảng cách giữa các dòng (Line Spacing) cũng là vấn đề mà bạn cần phải lưu tâm. Trong đó, hãy đảm bảo khoảng cách giữa các dòng chữ đủ lớn để không làm mất mát nội dung và làm cho văn bản trở nên dễ đọc hơn. Bên cạnh đó, đừng quên canh lề và canh giữa, bởi vì việc điều chỉnh canh lề và canh giữa văn bản sẽ tạo ra sự cân đối cho hình ảnh, cũng như giúp bạn thể hiện sự chuyên nghiệp trong thiết kế. Cuối cùng, hãy chú ý đến việc tạo ra không gian trống xung quanh văn bản để tránh sự chật chội và cảm giác lộn xộn cho khách hàng.
Size chữ
Kích thước tối thiểu mà bạn cần nhớ là 12pt. Việc chọn kích thước phông chữ không dưới 12pt để đảm bảo rằng văn bản trên banner của bạn có thể đọc được một cách dễ dàng. Với tiêu đề, hãy chọn kích thước ít nhất là 16pt và định dạng chúng bằng chữ in đậm để làm nổi bật. Tiêu đề là phần quan trọng nhất của banner và cần phải thu hút sự chú ý. Do đó, kích thước 16pt giúp đảm bảo độ lớn đủ để làm nổi bật, đồng thời còn đảm bảo tính đồng đều và đẹp mắt trên banner.
Kích thước phông chữ cũng cần phải được kiểm tra để đảm bảo rằng nó hiển thị đồng đều trên mọi loại thiết bị, từ máy tính đến điện thoại di động. Một kích thước phông chữ phù hợp sẽ giúp tăng cường trải nghiệm người xem và đảm bảo rằng banner của bạn có sức ảnh hưởng đồng đều trên mọi nền tảng.
Nguồn ảnh: Amazonaws
2. Hình ảnh và hình họa
Để tạo ra một banner hấp dẫn mắt không chỉ bằng cách sử dụng kiểu chữ, nội dung và màu sắc đúng đắn, mà trên banner đó còn phải có một hình ảnh hoặc minh họa đơn giản để góp phần truyền tải thông điệp chính của bạn. Theo đó, hình ảnh và minh họa mà bạn chọn nên có sự tương ứng nhất định với thông điệp cốt lõi của bạn. Điều này giúp tạo ra sự nhất quán và thú vị trong trải nghiệm của người xem. Tuy nhiên, bạn cần sắp xếp hình ảnh một cách hợp lý để không làm mất tập trung của khách hàng khỏi thông điệp chính và hành động mà bạn muốn họ thực hiện.
Nguồn ảnh: Superside
3. Màu sắc
Màu sắc đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra quảng cáo sáng tạo hiệu quả, và ba yếu tố chính mà bạn cần xem xét và nắm rõ khi chọn màu sắc chính là: Cảm xúc, quy chuẩn thương hiệu và vị trí banner trên nền tảng.
Cảm xúc: Hãy chọn màu sắc phản ánh phản ánh đúng cảm xúc mà bạn muốn gửi đến khách hàng của mình. Mỗi màu sắc thường được đại diện cho một ý nghĩa cụ thể. Ví dụ, màu xanh lá thường liên quan đến nông nghiệp và sự phát triển, trong khi vàng thường được liên kết với vị vua hoặc quý tộc.
Tuân theo quy chuẩn thương hiệu: Trước khi thiết kế, hãy xem lại brand guideline để đảm bảo rằng bạn đang tuân theo các quy chuẩn thiết của thương hiệu. Điều này sẽ giúp bạn tăng cường sự nhận biết thương hiệu trong mắt khách hàng, cũng như thể hiện tính nhất quán của thương hiệu khi xuất hiện trên các nền tảng khác nhau.
Vị trí đặt banner: Đừng quên đảm bảo màu sắc của banner tương phản với nền của nền tảng mà quảng cáo sẽ đặt. Điều này giúp banner nổi bật hơn thay vì bị hòa mình vào nền. Ví dụ, nếu trang web có nền màu xanh đậm, bạn có thể sử dụng màu trắng hoặc màu vàng để tạo sự nổi bật.
Nguồn ảnh: Pinterest
Sau khi banner ads đã “lên sóng”, cần làm gì tiếp theo?
1. Theo dõi hiệu suất quảng cáo
Đảm bảo rằng banner của bạn đang tiếp cận đúng đối tượng mục tiêu và rằng đối tượng mục tiêu đang thực hiện các hành động cần thiết. Theo dõi hiệu suất quảng cáo giúp bạn hiểu rõ hơn về sự tương tác của khán giả và điều chỉnh chiến lược của bạn nếu cần thiết.
2. Làm mới banner quảng cáo
Nếu được, hãy đổi quảng cáo của bạn mỗi hai tuần để giữ cho nội dung luôn mới mẻ và hấp dẫn. Sự đổi mới này không chỉ giữ người xem quan tâm, mà còn làm cho chiến dịch quảng cáo của bạn trở nên linh hoạt hơn theo thời thế.
3. Thực hiện các tuyến nội dung bổ trợ
Tất nhiên, một chiến dịch Marketing sẽ không thể thành công nếu chỉ phụ thuộc vào các banner ads. Để đạt được lượng tương tác mong muốn, bạn có thể vạch ra các tuyến nội dung liên quan đến chủ đề chung để đăng bổ trợ trên các kênh mạng xã hội. Điều đó không chỉ giúp khách hàng có thêm lượng thông tin cần thiết, củng cố niềm tin của họ khi mua hàng mà còn giúp bạn tăng cường hiệu quả của banner ads một cách toàn diện.
Nguồn ảnh: psd-design
Tạm kết
Hẳn bạn cũng thấy rằng trong kinh doanh ngày nay, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, và sự sáng tạo trong quảng cáo đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sự chú ý và tương tác của khách hàng. Việc tạo ra một banner quảng cáo hiệu quả không chỉ đòi hỏi kiến thức vững về thiết kế mà còn đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về đối tượng mục tiêu và môi trường truyền thông.
Bằng cách tập trung vào các yếu tố như hình ảnh, kiểu chữ, màu sắc, và cảm xúc, bạn có thể xây dựng một chiến dịch quảng cáo độc đáo và ấn tượng. Cùng với đó, việc theo dõi và tối ưu hóa hiệu suất của banner sau khi triển khai là quan trọng để đảm bảo nó đạt được mục tiêu kinh doanh của bạn.
Nhớ rằng, sự sáng tạo không chỉ là về việc tạo ra điều mới mẻ mà còn về việc kết nối một cách sâu sắc với cảm xúc và mong muốn của khách hàng mục tiêu. Vì thế, nếu tập trung và đầu tư một cách đúng đắn, banner quảng cáo của bạn có thể là công cụ mạnh mẽ để xây dựng hình ảnh thương hiệu, tăng cường nhận thức, và thúc đẩy sự tương tác từ khách hàng. Quan trọng nhất, hãy luôn nỗ lực để duy trì sự sáng tạo và linh hoạt, đồng thời chủ động điều chỉnh chiến lược dựa trên phản hồi và thị trường biến động liên tục.
Nguồn tham khảo: Superside
Win Win
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |