Bạn có mong muốn trở thành Animator hoặc khám phá một công việc phù hợp với bản thân hơn trong ngành công nghiệp hoạt hình? Vậy thì 8 lời khuyên cải thiện portfolio hoạt hình dưới đây sẽ giúp bạn tăng khả năng tìm việc thành công trong tương lai.
Trong thế giới hoạt hình sáng tạo và đầy rẫy sự cạnh tranh, thật khó để trở thành cái tên nổi bật giữa hàng triệu con người tài giỏi. Được biết, những người có portfolio hoạt hình nổi bật đều có cơ hội giành được công việc tốt nhất trong lĩnh vực không biên giới này. Vì thế, để tạo được ấn tượng khó quên trong mắt nhà tuyển dụng, portfolio sẽ là nơi bạn thể hiện thế mạnh và nét độc đáo riêng của mình.
Bài viết dưới đây sẽ mách nước cho bạn một số điểm cần lưu ý và cải thiện để làm tăng sức hút cho portfolio hoạt hình của mình hơn.
Nguồn ảnh: Columbia College Chicago
Portfolio hoạt hình là gì?
Portfolio hoạt hình (hay demo reel) là tập hợp các tác phẩm hoạt hình ấn tượng và phù hợp nhất của bạn được đính kèm cùng với CV/resume để ghi điểm trong mắt các nhà tuyển dụng tiềm năng.
Một portfolio hoạt hình sẽ chứa các đoạn phim ngắn về những tác phẩm mà bạn đã thực hiện, nhằm phô bày toàn bộ kỹ năng, phong cách và tầm nhìn thẩm mỹ của bạn trong đó. Nó có thể chỉ bao gồm video, hoạt ảnh, hoặc cũng có thể là sự kết hợp giữa hình ảnh tĩnh và hoạt ảnh chuyển động. Tuy nhiên, dù được tạo ra dưới bất kỳ hình thức gì đi nữa thì bạn vẫn chỉ nên đưa những tác phẩm mà bản thân cảm thấy tự hào nhất vào trong portfolio của mình.
Nguồn ảnh: Format
Tại sao bạn cần một portfolio hoạt hình ấn tượng?
Portfolio hoạt hình sẽ gần như trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng được nhận việc, thậm chí còn ảnh hưởng hơn cả sơ yếu lý lịch và thư xin việc của bạn. Thay vì quan tâm chi tiết lịch sử công việc của từng ứng viên, hầu hết các nhà tuyển dụng đều chú trọng vào cách bạn thể hiện kỹ năng ngay trong portfolio của mình. Có thể nói, portfolio giúp các hãng phim và studio xác định được trình độ kỹ năng, phong cách hoạt hình, phạm vi sáng tạo và kinh nghiệm/các vai trò trước đây của bạn.
Nếu bạn nhận thấy portfolio hoạt hình của mình mang tính giải trí và độc đáo, cũng như thể hiện đầy đủ dấu ấn cá nhân, ngay cả khi chưa có nhiều kinh nghiệm chuyên môn trước đó, thì nó vẫn sẽ khiến hồ sơ của bạn nổi bật giữa hàng tá ứng cử viên cùng ngành, từ đó trở thành chiếc vé giúp bạn tăng cơ hội nhận việc trong lĩnh vực điện ảnh và trò chơi.
Nguồn ảnh: Format
8 mẹo để tạo một portfolio hoạt hình độc đáo
Dưới đây là 8 mẹo hàng đầu giúp bạn xây dựng một portfolio hoạt hình ấn tượng và ghi điểm với nhà tuyển dụng hơn:
1. Giới thiệu bản thân
Đừng quên giới thiệu bản thân, và thậm chí hãy giới thiệu một cách sáng tạo nhất có thể, để các studio dễ dàng nhận diện bạn cùng với các tác phẩm mà bạn đã làm ra. Đặc biệt, nếu bạn muốn họ chọn bạn hoặc giới thiệu bạn sang một vị trí/đơn vị phù hợp với mình hơn thì hãy tìm cách gây ấn tượng bản thân với họ.
Bên cạnh portfolio thì một lời chào thân thiện, giới thiệu đầy đủ những thông tin cần thiết cùng một tấm danh thiếp chỉn chu sẽ là điểm cộng rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng. Một điều quan trọng khác là hãy bao gồm các chi tiết liên hệ như trang web, số điện thoại hoặc địa chỉ email để bất kỳ ai nhìn thấy portfolio trực tuyến của bạn đều biết cách liên hệ với bạn nhé.
Nguồn ảnh: Notion
2. Đưa các tác phẩm tốt nhất vào trong portfolio
Portfolio hoạt hình không phải là nơi trưng bày mọi thứ bạn từng vẽ hay tập tành diễn hoạt, mà nó chỉ nên thể hiện đúng và đủ các tác phẩm tốt nhất của bạn.
Nếu bạn lần đầu ứng tuyển vào lĩnh vực hoạt hình (dù trong mảng phim ảnh hay trò chơi) thì bạn cũng có thể đem các dự án cá nhân hoặc bài tập đã thực hiện tốt trên lớp vào trong portfolio của mình, miễn là chúng có liên quan đến yêu cầu công việc và được trau chuốt một cách kỹ càng. Ngoài ra, bạn nên ưu tiên bỏ các tác phẩm đã hoàn thiện vào trong portfolio, nhưng nếu chúng vẫn đang được tiến hành thì cũng tạm chấp nhận thôi, miễn đó là tác phẩm tốt nhất của bạn là được.
Trong trường hợp bạn phải trình bày một video có sự tham gia của các cộng tác viên thì hãy nhớ kèm theo ghi chú giải thích phần nào mà bạn đã chịu trách nhiệm trong quá trình thực thi dự án đó.
3. Thể hiện nhân vật của bạn
Nhà tuyển dụng muốn thấy cách mà bạn thổi hồn vào trong một sự vật hoặc nhân vật trên màn hình thông qua các đồ họa, chuyển động, cơ chế và sắc thái, v.v. Do đó, bạn sẽ cần bao gồm cả những ví dụ cho thấy nhân vật của bạn bộc lộ cảm xúc theo cách riêng của họ, ngay cả khi những biểu cảm đó trông cực kỳ tinh tế và rất khó để nhận ra. Tuy nhiên, cứ yên tâm vì không phải mọi nhân vật đều có khả năng thể hiện cảm xúc rõ ràng ra mặt, và bạn hoàn toàn có thể trình bày điều này cho các nhà tuyển dụng của mình.
4. Chất lượng hơn số lượng
Hãy tập trung vào chất lượng công việc và không nhồi nhét quá nhiều vào portfolio.
Khi chọn những tác phẩm hay nhất để cho vào portfolio, bạn sẽ cần phải giới thiệu thế mạnh cũng như một loạt các bộ kỹ năng được mài giũa nhiều nhất của mình. Đối với portfolio nhắm đến một công việc hoặc studio cụ thể, bạn sẽ cần điều chỉnh các đoạn video sao cho phù hợp với phong cách và kỹ năng mà họ yêu cầu trong phần mô tả công việc.
Nếu bạn không thể quyết định được đâu là tác phẩm chất lượng nhất của mình thì hãy tạo ra một danh sách và đưa cho những người có kiến thức chuyên môn và/hoặc góp ý kiến khách quan như bạn bè, đồng nghiệp hoặc cố vấn để xin thêm lời khuyên từ họ.
Nguồn ảnh: Format
5. Tập trung vào điểm độc đáo của bạn
Có nhiều cách để tạo một portfolio hoạt hình hoặc demo reel. Bạn có thể chọn làm theo các template sẵn có trên mạng, nhưng vì chúng thường mang tính đại trà và khuôn khổ, vì thế, nhà tuyển dụng có thể để ý đến điều này và cho rằng bạn đang thiếu sự đầu tư hoặc tính sáng tạo, từ đó hồ sơ của bạn sẽ khó gây ấn tượng với các nhà tuyển dụng hơn.
Hãy suy nghĩ về những gì có thể làm cho phong cách của bạn trở nên độc đáo và sử dụng các kỹ năng để tạo một portfolio đại diện cho tất cả phương diện tuyệt vời của bạn. Chẳng hạn, bạn có thể thực hiện một thử thách hoạt hình cụ thể và tạo ra vài điểm nhấn đặc trưng cho nó, hoặc ghi lại các cảnh quay motion capture để minh họa cho cách bạn xây dựng nhân vật của mình.
6. Trình bày ngắn gọn
Một ngày nhà tuyển dụng sẽ liên tục nhận được rất nhiều hồ sơ để xem xét và bạn thật sự may mắn nếu thu hút được sự chú ý của họ trong 30 giây, vì vậy hãy giữ cho portfolio của mình được súc tích nhất có thể. Đây là lý do tại sao việc đặt các tác phẩm xuất sắc và phù hợp nhất của bạn ngay từ đầu là vô cùng hợp lý và quan trọng.
Trưởng bộ phận Hoạt hình 3D của CG Spectrum – Mark Pullyblank – người tham gia thực hiện các dự án lớn như Avatar, The Adventures of Tintin, The Smurfs và Night at the Museum, đã chia sẻ về những gì mà Supervisor tìm kiếm ở các demo reel/portfolio hoạt hình của ứng viên như sau: “Nhiều người cho rằng cứ sắp xếp các tác phẩm từ tốt nhất đến tệ nhất là được, nhưng tôi thật sự chỉ cần cái tốt nhất và chỉ cái tốt nhất mà thôi. Hoặc là tốt từ đầu đến cuối, hoặc là tệ hẳn luôn để tôi không phải mất thời gian xem từng giai đoạn ‘lên tay’ của các bạn.”
Quan điểm này có thể đúng hoặc không, nhưng thật sự là nhiều nhà tuyển dụng không có dư dả thời gian để xem từng tác phẩm của bạn. Vì thế, hãy giữ cho portfolio của mình dưới 1 phút nếu bạn không có bất kỳ kinh nghiệm làm phim nào, và dưới 2 phút nếu bạn đã dấn thân trong lĩnh vực hoạt hình chuyên nghiệp được vài năm.
7. Đính kèm portfolio phù hợp với vai trò mà bạn ứng tuyển
Nhiều nhà tuyển dụng khuyến khích bạn nên có một số phiên bản portfolio hoạt hình của mình. Trước tiên, hãy tạo một portfolio chung để có thể sử dụng ở khắp mọi nơi, đặc biệt là trên các nền tảng trực tuyến, sau đó tùy chỉnh chúng để ăn khớp với những vị trí cụ thể mà bạn đang ứng tuyển, nhằm thể hiện phong cách phù hợp và kinh nghiệm trong ngành của mình.
Ví dụ: Nếu ứng tuyển vị trí 3D Animator cho một công ty trò chơi điện tử thì bạn sẽ cần giới thiệu nhiều clip trò chơi điện tử hơn là loạt phim hoạt hình 2D mà bạn đã làm trước đó.
8. Lưu trữ portfolio trực tuyến
Dù bạn trình bày portfolio hoạt hình của mình ở bất kỳ định dạng nào (demo reel, hình ảnh tĩnh có chèn link hay là sự kết hợp giữa cả hai) thì hãy tìm một nền tảng trực tuyến đáng tin cậy để lưu trữ toàn bộ nội dung thông tin của bạn. Điều này sẽ giúp bạn dễ dàng chia sẻ với các nhà tuyển dụng trên toàn cầu, cũng như tăng khả năng được mọi người tìm thấy trên Google và mạng xã hội.
Nguồn ảnh: Howard Wimshurst
Thay vì tạo một trang web chuyên biệt, bạn có thể sử dụng bất kỳ nền tảng nào cho phép bạn đăng tải nội dung mà người khác có thể xem, chẳng hạn như Instagram, ArtStation và Vimeo. Còn trong trường hợp bạn đã có sẵn trang web thì hãy đăng tải các video portfolio của bạn lên YouTube hoặc Vimeo, sau đó nhúng chúng vào trong trang web cá nhân của bạn.
Hãy nhớ rằng portfolio trực tuyến (portfolio chung) thường sẽ được xem xét trong lúc không có bạn ở đó để giải thích rõ ràng các tác phẩm của mình. Do vậy, bạn nên cân nhắc bổ sung các văn bản hoặc ngữ cảnh chi tiết cho từng tác phẩm, chẳng hạn như hoạt ảnh của bạn được lấy từ phim nào, bạn đã sử dụng phần mềm nào, bạn chịu trách nhiệm cho khía cạnh nào của đoạn clip, v.v.
Nguồn: CG Spectrum
Tâm Cửu
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |