Đôi khi các màu sắc mang nhiều ý nghĩa hơn những gì bạn đang nghĩ, đặc biệt tại các vùng miền hay trong các nền văn hóa, mỗi màu sắc đều mang những biểu trưng riêng biệt. Chính vì thế, việc am hiểu ý nghĩa các màu sắc là điều mà bất kỳ designer nào cũng phải nằm lòng để các sản phẩm thiết kế có thể truyền tải ý nghĩa một cách tốt nhất qua phần màu sắc chủ đạo.
Trong phần 1 của ý nghĩa và nghệ thuật sử dụng màu sắc thiết kế, chúng ta đã được tìm hiểu về nguồn gốc của màu sắc, cũng như ý nghĩa của các màu sắc như đỏ, vàng, cam, xanh lá, xanh dương, v.v. Tiếp theo, trong phần này, chúng ta sẽ tiếp tục học về các màu sắc phổ biến còn lại trong bánh xe màu sắc hay thậm chí là các màu sắc kim loại.
Tím – Sang trọng và bí ẩn
Tím là màu sắc được kết hợp từ đỏ và xanh dương, đem đến nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, nó có thể là sự vui nhộn đối với sắc tím sáng nhưng sẽ cực kỳ sang trọng và bí ẩn khi sử dụng sắc tím thẫm. Trong sự phát triển của nhân loại, màu tím từ lâu đã là màu sắc đại diện cho hoàng gia và giáo sĩ. Đây cũng là một ý nghĩa thú vị mà bạn có thể áp dụng cho các thiết kế trong tương lai. Không giống như trắng và đen thường gắn liền với phong cách tối giản, màu tím khiến người ta cảm thấy giàu có và sang chảnh khi tiếp cận.
Sử dụng màu tím trong thiết kế
Tím là màu sắc có ý nghĩa phát triển theo thời gian. Dù xanh dương là màu sắc được nhiều thương hiệu về tài chính và ngân hàng tin dùng nhưng gần đây, tím lại được ưa chuộng hơn cả, đặc biệt là trong mảng crypto và công nghệ. Chúng ta có thể lý giải cho điều này rằng là vì các thương hiệu đang muốn phá vỡ truyền thống với màu xanh dương, hoặc đơn giản hơn là họ hướng đến sự sang trọng trong sản phẩm của mình, đem đến những trải nghiệm đẳng cấp dành cho khách hàng.
Nguồn ảnh: Gio Tondini
Nguồn ảnh: Neatlines
Hồng – Vui nhộn, tươi trẻ
Màu hồng dù có mang tông chói rực rỡ thì dường như nó vẫn đem lại cảm giác dịu êm hơn cho người xem so với màu đỏ. Có thể nói, hồng là màu sắc mà khi nhìn vào đó, người ta vẫn ít nhiều cảm nhận được sắc đỏ. Với tính chất màu sắc của mình, màu hồng đại diện cho sự sôi nổi và mang hơi hướm tương lai.
Đối với các thương hiệu muốn thu hút tệp khách hàng trẻ trung và bình dân, màu hồng là sự lựa chọn không tồi. Nó cũng là sự lựa chọn số một của các thương hiệu về kẹo, bánh ngọt hay các sản phẩm lấy sự ngọt ngào làm vũ khí chinh phục khách hàng. Ngoài ra, tính “ngọt” và tính “nữ” của hồng đã giúp màu sắc này trở thành màu sắc chủ đạo của các thương hiệu với các dòng sản phẩm dành riêng cho phụ nữ như hoa, nội y, v.v.
Sử dụng màu hồng trong thiết kế
Sử dụng màu hồng trong các thiết kế cũng là khi bạn mong muốn đem đến sự nhẹ nhàng, tươi trẻ hay thậm chí là sự lãng mạn cho thương hiệu của mình. Đặc biệt, màu hồng pastel cũng khá phổ biến trong lĩnh vực đồ dùng cho trẻ sơ sinh. Bên cạnh hồng nhạt được khá nhiều người lựa chọn thì cũng có không ít các thương hiệu thể hiện sự khác biệt, hướng đến sự mạnh mẽ, táo bạo khi sử dụng màu hồng đậm hay hồng neon.
Nguồn ảnh: goopanic
Nguồn ảnh: LPG
Nâu – Sự lành mạnh, ấm áp và trung thực
Nâu được xem là màu sắc của tự nhiên, gắn liền với đất đai và vì thế, nó mang đến cảm giác ổn định và vững chãi. Mang màu của đất, nâu còn gợi đến cảm giác của các sản phẩm thiên về nông nghiệp, trồng trọt hay các hoạt động ngoài trời.
Nâu cũng là một màu sắc khiến người xem có cảm tình, thiết thực và đáng tin cậy. Ngoài ra, nâu cũng đại diện cho sự cổ điển và bền vững. Đó là lý do một số thương hiệu mang tính lâu đời, thủ công thường sử dụng màu nâu trong các thiết kế hình ảnh của họ.
Sử dụng màu nâu trong thiết kế
Màu nâu có thể được dùng để truyền tải nhiều thông điệp trong các ấn phẩm thiết kế, có thể kể đến như các hoạt động bền vững, sống xanh hoặc bảo vệ môi trường, tạo sự gần gũi, ấm áp và quen thuộc. Chưa hết, nếu bạn muốn đem đến cảm giác lâu đời và vững vàng cho thương hiệu của mình, nâu chắc chắn là sự lựa chọn không thể bỏ qua.
Nguồn ảnh: subtropica
Nguồn ảnh: Henning Bo
Trắng – Đơn giản và tối giản
Mặc dù ánh sáng trắng chứa đựng tất cả màu sắc nhưng mắt chúng ta vẫn không thể nhìn thấy đủ đầy. Vì thế, màu trắng khiến người xem có cảm giác trống trải, cô đơn nhưng cũng tràn đầy sự mới mẻ và đầy tiềm năng. Trong thiết kế thương hiệu, màu trắng có thể được dùng để thể hiện nghệ thuật tối giản. Nhắc đến màu sắc này, chúng ta có thể nghĩ ngay đến sự đơn giản, sạch sẽ và hiện đại.
Sử dụng màu trắng trong thiết kế
Trắng là màu sắc phổ biến khi thương hiệu muốn thể hiện sự sạch sẽ, ngăn nắp và tối giản. Vì gắn liền với chủ nghĩa tối giản, trắng sẽ tạo ra phong cách tinh tế cho các sản phẩm thiết kế, đặc biệt là khi chúng kết hợp cùng với màu đen hoặc các màu sắc kim loại.
Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng không gian âm (negative space) để sử dụng tối đa hiệu năng của màu trắng. Đó có thể là phần không gian xung quanh hoặc đôi khi nằm trong chính logo của bạn. Luôn để ý đến không gian khi thiết kế bất kì một sản phẩm nào là một chiến lược mà khi đó, bạn có thể thêm thắt các hình khác vào một hình ảnh logo đơn giản và đôi khi, sự lồng ghép có chủ đích nhưng đầy tinh tế đó sẽ khiến người xem ngạc xem khi nhìn thấy thiết kế của bạn.
Nguồn ảnh: Boja
Nguồn ảnh: ultrastjarna
Đen – Quyền lực, sang trọng và tinh tế
Đen là một màu sắc linh hoạt và là màu sắc được các nhà thiết kế “cưng” nhất khi có thể nói, họ sử dụng chúng thường xuyên nhất trong công việc. Nói đến xây dựng thương hiệu và marketing, màu đen tượng trưng cho độc quyền, quyền lực và sang trọng. Vì sự mạnh mẽ, táo bạo và bí ẩn, các thương hiệu hiện đại thường ưa chuộng màu đen trong các ấn phẩm truyền thông, thiết kế.
Mang trong mình sự sang trọng, đen thường là sự lựa chọn của các nhãn hàng cao cấp. Trong đó, các thương hiệu sẽ kết hợp màu đen cùng các màu sắc của kim loại để đem đến sự tinh tế cho sản phẩm. Nếu thương hiệu của bạn hướng đến phong cách này nhưng màu trắng lại không phù hợp, nếu vậy màu đen hẳn sẽ là màu sắc mà bạn nên cân nhắc để làm bật lên sản phẩm.
Sử dụng màu đen trong thiết kế
Như đã đề cập ở trên, đen là màu sắc quyền lực và giúp thương hiệu toát lên vẻ sang trọng, đặc biệt là khi chúng là màu sắc chủ đạo cho cả một chiến dịch marketing hay thậm chí là cả thương hiệu đó. Nhưng đen cũng là một màu trung tính và có thể bổ trợ cho các màu sắc khác trong một ấn phẩm. Ngoài ra, nếu sản phẩm của bạn có hướng gothic, punk hay bí ẩn, đen nghiễm nhiên là sự lựa chọn hàng đầu.
Nguồn ảnh: Advant7
Nguồn ảnh: Wintrygrey
Xám – Chuyên nghiệp và trang trọng
Xám thường được xem là màu đen nhưng nhạt đi một chút hay có thể nói, chúng là màu sắc ở giữa trắng và đen. Đó là lí do vì sao xám còn biểu tượng cho sự cân bằng. Ngoài ra, xám là màu sắc khá hữu dụng khi bạn cần một màu để hỗ trợ cho các mảng màu sáng hơn trong thiết kế.
Màu xám đôi khi được gắn với sự trưởng thành và trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng cũng có những ý nghĩa khá tiêu cực như bảo thủ, truyền thống và thiếu cảm xúc. Nhìn chung, xám đem lại thương hiệu cái nhìn an toàn, đơn giản nhưng không kém phần trang trọng. Vì thế, các nhãn hàng chọn xám làm màu sắc chủ đạo trong thiết kế vì muốn đem đến cho khách hàng cảm giác an toàn và tin cậy.
Sử dụng màu xám trong thiết kế
Tương tự những màu khác, xám cũng có nhiều sắc độ và mỗi sắc độ sẽ đem đến những cảm giác khác nhau. Ví dụ như khi sử dụng tông xám trung bình, bạn có thể tạo nên cảm giác chuyên nghiệp và tin tưởng cho khách hàng. Và khi sử dụng màu xám với mục đích như thế, chỉ cần màu xám là đủ. Việc kết hợp màu xám cùng những màu sắc khác đôi khi là sự lựa chọn không tồi nhưng cũng sẽ khá kén chọn để có được bộ đôi màu sắc hoàn hảo nhất.
Nguồn ảnh: Maleficentdesigns
Nguồn ảnh: Kondes
Vàng, bạc, đồng và các màu kim loại khác – Sự giàu có, tài sản và thành công
Màu kim loại cũng là sự lựa chọn khá yêu thích của designer khi thiết kế khi họ muốn đề cao một giá trị nào đó hay muốn khơi gợi cảm xúc của người xem. Khác với những màu sắc khác, màu kim loại không có trên bánh xe (color wheel), nhưng chúng ta đều xem chúng là màu sắc riêng biệt. Bởi vì, màu gold khác với màu vàng và màu bạc sẽ khác với màu xám. Chính sự khác biệt đó đã giúp designer truyền tải được những ý nghĩa khác nhau khi họ chủ đích dùng màu kim loại thay vì dùng những màu tương tự có trên bánh xe màu sắc.
Sử dụng màu kim loại trong thiết kế
Thông thường, designer sẽ dùng màu kim loại để thể hiện sự hiếm có hoặc đắt đỏ của các sản phẩm. Thật ra ý nghĩa này đã được thể hiện rất rõ ràng ngay trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta khi vàng, bạc đều là những thứ vô cùng giá trị trong hàng ngàn năm qua. Bên cạnh đó, những tông màu này còn được dùng để nói đến sự sang trọng và đẳng cấp, đặc biệt khi chúng kết hợp với màu đen, hiệu ứng sang trọng sẽ còn bùng nổ hơn nữa trên các thiết kế của bạn.
Nguồn ảnh: aleT
Tạm kết
Am hiểu tường tận các ý nghĩa của từng màu sắc sẽ đem đến cho các designer những lợi ích rất lớn trong quá trình làm việc. Điều đó không chỉ đưa bạn trở thành một nhà thiết kế có kiến thức rộng trong mắt khách hàng mà còn có thể giúp bạn tránh những lỗi sai về màu sắc. Bởi vì nếu sử dụng sai màu sắc ngay từ ban đầu, bạn có thể sẽ phải “đập đi xây lại” và tốn công làm lại tất cả mọi thứ. Chính vì thế, khi đã quyết định gắn bó dài lâu cùng lĩnh vực Mỹ thuật Đa phương tiện, hãy xây dựng nền móng kiến thức thật vững chắc về màu sắc trước khi bắt đầu nhận “jobs” bạn nhé!
Nguồn tham khảo: 99designs
Win Win
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |