Vào đầu tháng 8 vừa qua, hơn 100 bạn trẻ có niềm đam mê với phim ảnh đã có cơ hội được học hỏi kiến thức và trau dồi kỹ năng làm phim kinh phí thấp cùng “Đạo diễn trăm tỷ” Võ Thanh Hòa. Hãy theo chân Arena và nhìn lại những phần đắt giá của 3 buổi học Master Class này nhé!
Không chỉ đối với những “newbie” vừa mới chập chững vào nghề mà cả những Nhà sản xuất dày dặn kinh nghiệm cũng không ít lần phải “ngán ngẩm” trước bài toán căng não mang tên: Ngân sách làm phim. Với tinh thần luôn dõi theo nhịp bước và góp phần kiến tạo nền tảng vững chắc cho các học viên Arena nói riêng, các bạn trẻ yêu thích sản xuất phim nói chung, Arena Multimedia cùng Đạo diễn Võ Thanh Hòa hợp tác tổ chức Masterclass với chủ đề “Làm phim 0 đồng”.
“Anh không nghĩ lớp học sẽ đông đúc như thế này…”
Mở đầu chuỗi lớp học, Đạo diễn Võ Thanh Hòa đã có đôi lời bộc bạch: “Lúc đầu, anh nghĩ quy mô lớp học tầm 30-40 bạn thôi nhưng đến ngày đóng form thì anh nhận được thông tin có gần 150 học viên đăng ký tham dự. Hôm nay, trời mưa rất lớn nhưng hội trường lớp học của chúng ta vẫn được lấp đầy. Điều này làm anh cảm thấy rất quý tinh thần ham học hỏi của các bạn”.
Từ đây chúng ta có thể thấy, thực tế có rất nhiều bạn trẻ quan tâm đến việc tháo gỡ “nút thắt” về kinh phí và tìm kiếm một vị chuyên gia để song hành, dẫn lối. Vì vậy, việc tổ chức những khóa học chuyên nghiệp như thế này rất cần thiết và nó mang đến giá trị ứng dụng cho quá trình học tập, thực hành làm phim của các bạn trẻ.
Bản đồ tài nguyên: “Kim chỉ nam” mở lối thành công cho một bộ phim 0 đồng
Ở buổi học đầu tiên, Đạo diễn Võ Thanh Hòa đã trực tiếp đi thẳng vào vấn đề mà các bạn trẻ rất quan tâm, đó là: Nguồn vốn. Chúng ta thường cân đo đong đếm tất cả mọi thứ bằng tiền nhưng đối với một nhà làm phim chuyên nghiệp – anh Võ Thanh Hoà cho rằng: “Vốn không nhất thiết phải là tiền, vốn được hiểu là tất cả các tài nguyên mà bạn đang nắm trong tay”. Hơn hết, anh nhấn mạnh rằng để có thể phân bổ các nguồn lực một cách hợp lý, trước tiên, mỗi nhà sản xuất cần phải vạch ra một “bản đồ tài nguyên”, trong đó tập hợp đầy đủ những nguồn lực sẵn có như: mối quan hệ, các kỹ năng, tiền, thiết bị, địa điểm, đạo cụ, phục trang, thời gian, kịch bản, kỹ thuật số,…
Bàn về cách thức kêu gọi vốn, anh cho rằng chúng ta không nên vội vàng tìm kiếm những nhà đầu tư hoặc nhà tài trợ là các doanh nghiệp có quy mô lớn mà hãy bắt đầu với những mối quan hệ thân quen trước. Đặc biệt, anh Võ Thanh Hòa chia sẻ: “Người lắng nghe bạn trước tiên nên là những người thân – là cha mẹ, anh chị em, bạn bè,… Bạn hãy trình bày thật ngắn gọn về ý tưởng của mình cho họ nghe và xem họ phản ứng như thế nào. Đây giống như một phép thử giúp bạn trưởng thành hơn trước khi mang ý tưởng của mình đi trình bày với các đối tác bên ngoài”. Đồng thời, nói về một yêu cầu khắt khe đối với Đạo diễn, anh Võ Thanh Hòa cho rằng: “Làm được phim hay thì trước tiên, bạn phải là một người kể chuyện tốt. Nếu chỉ mới kể chuyện bằng lời thôi mà đã bị bác bỏ hoặc không ai có hứng thú nghe bạn kể tiếp, thì rất khó để bạn hoàn thành được một bộ phim chất lượng”.
Cấu trúc đoàn phim tinh gọn: Bí quyết tiết kiệm ngân sách phải “nằm lòng”
Nhiều năm về trước, Đạo diễn Võ Thanh Hoà cũng là một trong những nhà sản xuất trẻ có khởi điểm khiêm tốn nhưng giờ đây, anh đã gặt hái được những thành công nhất định và xuất sắc góp mặt vào hàng ngũ “Đạo diễn trăm tỷ”. Bằng nhiều năm tích lũy kinh nghiệm thực chiến, anh chia sẻ với các bạn tại lớp học rằng: “Cấu trúc của một ‘đoàn làm phim 0 đồng’ phải tinh gọn hết mức có thể. Các bạn nên cân nhắc chỉ giữ lại những nhân sự nòng cốt hoặc họ có thể kiêm nhiệm nhiều vị trí trong đoàn”. Với tiêu chí tiết kiệm tối đa và đơn giản hoá từng đầu việc, cấu trúc “đoàn làm phim 0 đồng” được Đạo diễn Võ Thanh Hòa gợi ý nên có 4 bộ phận chính như sau:
- Tổ Đạo diễn gồm: Đạo diễn, Biên kịch, Editor.
- Tổ Quay phim gồm: D.O.P (Đạo diễn hình ảnh), Quay phim, Ánh sáng.
- Tổ Sản xuất gồm: Producer, Catering, PA (Trợ lý sản xuất).
- Tổ Makeup và Phục trang.
Đồng thời, anh cho rằng 4 bộ phận này có thể chỉ là 4 người và họ đảm nhận tất cả các công việc thuộc về bộ phận đó, ví dụ như: “Đạo diễn có thể là Biên kịch, là AD, là Producer, là Editor, thậm chí cũng có thể là Diễn viên!” – anh Võ Thanh Hòa chia sẻ.
Tiếp theo, anh nhấn mạnh chìa khóa quan trọng góp phần làm nên thành công của bộ phim đó là đội ngũ Diễn viên. Anh khá chắc chắn rằng: “Chọn được diễn viên phù hợp là bộ phim đã thành công 60-70% rồi. Hơn nữa, khi tạo ra được những nhân vật có đủ sức hút thì nhân vật đó sẽ sống mãi với thời gian”. Đặc biệt, anh đã thẳng thắn nêu quan điểm cá nhân: “Khi đã quyết định làm phim, các bạn nên gạt bỏ suy nghĩ xem Diễn viên là ngôi sao rồi ‘o bế’ họ. Hãy xem họ là một thành viên của đoàn phim và hướng dẫn họ hoàn thành thật tốt nhiệm vụ của mình là diễn cho tròn vai”.
“Làm phim 0 đồng thì kịch bản phải vừa đơn giản vừa hay!”
Kịch bản vừa sức là một trong những điều Đạo diễn Võ Thanh Hòa đặc biệt mong muốn các bạn trẻ ghi nhớ. Anh hài hước chia sẻ: “Bạn không thể viết kịch bản với cảnh mở đầu đòi hỏi kỹ xảo và nhân sự rất nhiều theo kiểu: ‘Một con quái thú tấn công vào một ngôi làng có 500 người dân…’ được”. Thấu hiểu những khó khăn trong quá trình hình thành ý tưởng và xây dựng kịch bản “làm phim 0 đồng”, anh Võ Thanh Hòa đã mời thêm 2 vị chuyên gia từ 89s Group là Biên kịch Lê Công Sơn và Biên kịch Lê Nguyễn Trọng Hiếu để đến chia sẻ cùng các bạn tại buổi học.
Bên cạnh việc gợi mở cấu trúc kịch bản chuẩn chỉnh và phân tích từng bước cũng như các công việc của một Biên kịch, anh Lê Công Sơn và anh Lê Nguyễn Trọng Hiếu đã tận tình hướng dẫn các bạn cách hoàn thiện một Synopsis (tóm tắt) kịch bản sao cho cuốn hút và ấn tượng nhất. Không đơn thuần là một trang giấy thẳng đờ, Synopsis là nơi hội tụ tất cả tinh hoa của bộ phim. Hơn hết, một tóm tắt phim hoàn hảo sẽ góp phần mở ra những cơ hội được “rót tiền” đầu tư cũng như giúp các bạn kết nối với những đồng đội “hợp cạ”. Bởi lẽ, khi phải trình bày ý tưởng trong một vài phút ngắn ngủi hoặc gửi kịch bản qua email, 100 trang giấy dài lê thê sẽ không thể len lỏi vào trong tâm trí người đọc ngay được. Lúc này, Synopsis là thứ “vũ khí” lợi hại nhất giúp các bạn chiếm cảm tình và gây ấn tượng mạnh với những nhà đầu tư, những chuyên gia,… sẵn sàng biến kịch bản của bạn thành phim.
Theo anh Lê Nguyễn Trọng Hiếu, Synopsis (tóm tắt) kịch bản cần có những yếu tố then chốt gồm:
- Nhân vật của bạn là ai?
- Mục đích của nhân vật là gì?
- Hành trình của nhân vật như thế nào?
- Trải qua quãng đường ấy, nhân vật rút ra được bài học gì?
- Thông điệp chính của bộ phim này ra sao?
Khi làm bất cứ việc gì chúng ta đều hướng đến một giá trị cụ thể và phim ảnh cũng như vậy. Sau cùng, thứ bộ phim đọng lại trong chúng ta không chỉ có những cảnh quay đẹp mắt hay cốt truyện mới lạ mà còn có những bài học, những thông điệp ý nghĩa. Do đó, bàn về yếu tố đắt giá nhất của một bộ phim, anh Lê Công Sơn chia sẻ: “Phim của các bạn có bán được nhiều tiền hay không, có giá trị hay không là nhờ vào thông điệp. Thông điệp càng đắt thì càng khiến người ta dễ ‘xuống tiền’ hơn”.
“Học ‘làm phim 0 đồng’ để không phải ‘làm phim 0 đồng’ nữa!”
Không thể phủ nhận rằng làm phim kinh phí thấp là một xu hướng đáng được cổ vũ. Bởi lẽ, đây là “bước đệm” phù hợp với những nhà sản xuất trẻ có nguồn lực khiêm tốn và mới bước chân vào ngành. Tuy nhiên, khi đã bước đầu chinh phục được những cột mốc nhỏ, chúng ta có quyền mơ ước và đặt một mục tiêu lớn hơn. Vì vậy, Đạo diễn Võ Thanh Hoà đã đưa ra nhận định: “Các bạn học ‘làm phim 0 đồng’ để không phải ‘làm phim 0 đồng’ nữa! Nó chỉ là bước đi đầu tiên để các bạn tiến đến một bộ phim chuyên nghiệp hơn thôi”.
Không một chút lăn tăn hay giấu nghề, anh đã thẳng thắn gợi mở cùng các bạn học viên về những cách thức tìm đầu ra cho bộ phim của mình. Khác với suy nghĩ của nhiều bạn trẻ, làm phim không chỉ lăng xê tại rạp mà còn có những hình thức khác để hái ra tiền như:
- Over the top: Giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet.
- Film fest: Liên hoan phim, Hội chợ phim, tham gia dự giải – giành giải thưởng,…
- Truyền hình: Bán phim cho nhà đài và chiếu trên TV.
- Bản quyền hình ảnh: Bán câu chuyện/nhân vật cho game, truyện tranh,…
- Nhiều góc độ khác như: Quân đội, giáo dục, nhà nước, thiết bị offline,…
Mặc dù chủ đề của Masterclass lần này là “làm phim 0 đồng” nhưng bằng cái tâm của một “anh giáo” và niềm hy vọng đặt ở các nhà làm phim trẻ, anh Võ Thanh Hòa bày tỏ: “Trong tương lai, các bạn hãy hướng đến một bộ phim chuyên nghiệp hơn, chỉn chu hơn và cả đầu tư hơn nữa! Sau này khi ra rạp, anh rất mong nhìn thấy được một bộ phim do chính các bạn sản xuất”. Không dừng lại ở đó, anh còn động viên các bạn trẻ hãy nhanh chóng bắt tay vào hoàn thành thước phim của mình. Bởi lẽ, anh cho rằng: “Chỉ có mình tự làm phim của mình thì mới tiến bộ được chứ bạn chỉ học thôi thì không thể hoàn thành được một bộ phim cho riêng mình”.
Tạm kết
Kết thúc 3 buổi học, không chỉ thu nạp được những kiến thức hữu ích mà các bạn trẻ còn được kết nối với những chuyên gia, những người bạn có cùng chí hướng và đam mê làm phim. Hơn hết, lớp học này góp phần giúp chúng ta hiểu sâu hơn những sự thật về ngành và mở ra những định hướng đúng đắn cho tương lai của các bạn trẻ có niềm yêu thích với bộ môn Nghệ thuật thứ bảy. Xin chân thành cảm ơn Đạo diễn Võ Thanh Hòa, Biên kịch Lê Công Sơn và Biên kịch Lê Nguyễn Trọng Hiếu đã dành thời gian quý báu để đến chia sẻ cùng các học viên Arena nói riêng, các bạn trẻ có niềm đam mê với làm phim nói chung.
Diễm Quỳnh
***
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Hồ Văn Huê
43R/12 Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
* ARENA Lê Tuấn Mậu
136 Lê Tuấn Mậu, Q.6
Tel: 1800 2046
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542