Cùng với đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, Nhà báo – nhà văn Hoàng Anh Tú và anh Đinh Trí Dũng (Brand Manager Arena Multimedia), hơn 100 bạn trẻ đã phần nào giải tỏa được những lắng lo, căng thẳng trong Talkshow Tâm lý nhẹ nhàng trước kỳ thi cuộc đời.
Trước khi chính thức bước vào những kỳ thi, dù là bài thi học kì, kỳ thi đại học hay quá trình hiện thực hóa ước mơ của chính mình, chúng ta đều khó lòng tránh khỏi những cảm xúc lo lắng, căng thẳng. Chính vì vậy, trong khuôn khổ gala Kỳ thi lớn nhất cuộc đời, Arena Multimedia đã tổ chức Talkshow: Tâm lý nhẹ nhàng trước kỳ thi cuộc đời với sự tham gia của tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, nhà báo – nhà văn Hoàng Anh Tú, đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư và anh Đinh Trí Dũng (Brand Manager – Arena Multimedia). Cuộc trò chuyện vừa thân mật, vừa cởi mở với bốn anh chị “trưởng bối”, những người đi trước dày dạn kinh nghiệm đã phần nào giúp tháo gỡ những khúc mắc trong tâm lý của các bạn trẻ trước những kì thi lớn nhỏ phải trải qua trong cuộc đời, từ đó giúp các bạn tự tin đối diện với tất cả, đồng thời tiếp thêm động lực để các bạn mạnh dạn hơn trên hành trình theo đuổi đam mê.
Theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, Kỳ thi lớn nhất cuộc đời được định nghĩa như thế nào?
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A: Nếu đơn thuần hiểu theo nghĩa đen, kỳ thi lớn nhất là kỳ thi có quy mô tổ chức lớn nhất, nhận được nhiều sự quan tâm nhất và có nhiều người tham gia nhất. Đó chính là kỳ thi Trung học Phổ thông hay kỳ thi nghiên cứu sinh để có một học vị nhất định, sau đó lao động nghề nghiệp một cách tử tế. Đây đều là những kỳ thi mang tính định chuẩn của xã hội, được gọi tên cụ thể và mọi người có thể hình dung được.
Tuy nhiên, ở tầng nghĩa bóng, kỳ thi lớn nhất là những nhiệm vụ mà các bạn phải trải qua trên hành trình cuộc đời. Đến thời điểm này, tôi vẫn chưa thể gọi tên được đó là kỳ thi nào. Bởi vì thứ nhất, tôi vẫn đang sống và tin rằng bản thân sẽ tiếp tục phải đối diện với nhiều kỳ thi khác trong tương lai. Thứ hai, vì đó là những kỳ thi nhằm giải quyết các chức phận ở đời, cho nên rất khó để nhận định cái nào quan trọng hơn cái nào. Lý do thứ ba khiến tôi không thể phân định được đâu là kỳ thi lớn nhất cuộc đời nằm ở tính vừa sức của chúng. Ở mỗi giai đoạn khác nhau trên cuộc đời, chúng ta đều trải qua một kỳ thi mà bản thân coi là lớn nhất ở thời điểm đó. Với một đứa bé 2 tuổi rưỡi là việc cầm muỗng múc cơm ăn mà không bị đổ. Ngày các bạn đến trường mà không còn khóc, không bám mẹ và tự tin bước vào các “mối quan hệ xã hội” ở trường mầm non – đó là kỳ thi kết nối xã hội – làm được coi như vẻ vang rồi. Vậy nên, kỳ thi lớn hay không lớn còn phụ thuộc vào tại thời điểm đó, nội lực của chúng ta đến đâu.
Để có thể vượt qua kỳ thi và vui vẻ với kết quả của kỳ thi ấy, điều quan trọng nhất các bạn cần phải làm là trả lời câu hỏi: “Mình đang là ai?”. Khi bạn biết mình là ai, bạn sẽ tự nhận ra tất cả những gì mình trải nghiệm và vượt qua đều là xứng đáng. Cũng đừng bắt bản thân phải làm một bài thi của người khác bởi nội lực của mỗi người không giống nhau. Họ có thể hơn, có thể kém nhưng chắc chắn một điều: Họ không phải là mình.
Do vậy, hãy tập trung vào bài thi của chính mình và cảm nhận sự vẻ vang sau khi “tốt nghiệp” và tránh việc “trù dập” chính bản thân mình.
Hành trình vượt qua những kỳ thi lớn trong cuộc đời của anh/ chị đã diễn ra như thế nào?
Kỳ thi lớn nhất cuộc đời tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A là gì?
Bài thi của tôi lúc đó, thứ nhất là bài thi vượt qua nỗi sợ hãi về việc bị “body shaming”. Nói cách khác, đó là việc tin vào bản thân và không đặt mình vào hệ quy chiếu với những bạn khác để rồi sợ hãi. Bài thi ấy kéo dài suốt những năm tháng dậy thì và kết thúc vào khoảng năm nhất đại học. Ở tuổi đó, nỗi trăn trở về hình thể, về bản thân mình rất khắc nghiệt bởi vì chúng ta chưa có thành tựu, chưa có đóng góp xã hội cụ thể, chúng ta cũng chưa có đủ chiều sâu để thấy giá trị của con người nằm ở phẩm hạnh hoặc ở một dạng năng lực trừu tượng nào đó. Mọi người sẽ so sánh nhau bằng làn da, bằng chiều cao, bằng hình thể và cả những sản phẩm mà họ coi là định vị bản thân như số like, số view trên mạng xã hội. Tất cả những thứ bề nổi đó, một người trưởng thành sẽ cảm thấy thật tào lao. Song đối với chúng ta tại thời điểm đó, chúng lại là một bài tập rất lớn.
Thứ hai, đó là kỳ thi của những năm tháng Trung học Phổ thông. Tôi được tuyển thẳng đại học, vậy nên kỳ thi trước đó – kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông – có sức nặng gấp đôi. Bởi lẽ, muốn được tuyển thẳng đại học, ngoài giải quốc gia thì điều kiện còn lại là phải tốt nghiệp loại khá trở lên, trong đó, không có môn nào dưới điểm liệt. Điều này đặt lên vai tôi một áp lực rất lớn. Tuy nhiên, sau cùng tôi cũng đã vượt qua bằng rất nhiều cố gắng.
Kỳ thi lớn nhất cuộc đời đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư là gì?
Kỳ thi lớn nhất của cuộc đời tôi rất cụ thể, đó là việc phải chấp nhận từ vị trí đứng trên sân khấu lui về sau cánh gà. Từ lúc nhỏ xíu cho tới hết những năm đại học, ước mơ lớn nhất của tôi chính là được đi hát. Tôi rất thích hát. Hết cấp 2, cấp 3 rồi tới đại học, vị trí của tôi luôn ở trên sân khấu và cầm micro. Tôi khi ấy vô cùng hướng ngoại. Tuy nhiên, khi lên Sài Gòn, những tác động xung quanh dần khiến tôi thu mình lại, song đam mê vẫn còn quá lớn nên tôi nhất quyết không chuyển sang ngành khác. Thay vì đứng trên sân khấu, tôi chấp nhận đứng sau cánh gà để khiến sân khấu rực rỡ hơn.
Mới đầu, tôi cũng không biết liệu mình có làm được hay không, không biết liệu mình có tủi thân hay không. Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua những tâm lý thèm sân khấu và tủi thân lúc bấy giờ. Sau khi vượt qua tất cả, tôi học được rất nhiều điều. Vậy nên, đối với tôi, kỳ thi lớn nhất cuộc đời là sau khi vượt qua những sự kiện, biến cố, bản thân mình thu được những bài học cực kỳ quý giá và ý nghĩa.
Kỳ thi lớn nhất cuộc đời của anh Hoàng Anh Tú là gì?
Tôi nghĩ rằng bản thân mình rất giống với đa số các bạn ở đây. Năm 15 tuổi, thậm chí năm 18 tuổi, tôi vẫn không biết mình sẽ là ai và sẽ làm gì. Trong suốt những năm tháng cấp 2, tôi rất thích đọc thơ, rất thích làm thơ. Đến năm lớp 10, tôi gửi tặng thơ cho một cô bạn cùng lớp mà mình rất thích. Bài thơ đó không phải do tôi viết mà là đi chép của một nhà thơ khác. Tôi cứ nghĩ cô bạn sẽ không bao giờ phát hiện ra. Đáng tiếc thay, bài thơ đó đã được phổ nhạc và đối với một người yêu âm nhạc như cô ấy, không thể nào không biết.
Rõ ràng, những năm tháng đó tôi là một người bắt chước. Tôi bắt chước tất cả mọi người. Tôi tìm hiểu xem tại sao bạn mình lại có nhiều người thích trong khi mãi không một ai thích tôi. Tôi nhìn xung quanh và thấy bản thân chẳng có một cái gì và cứ học theo hết người này đến người khác. Và rồi, tôi nhận ra kỳ thi lớn nhất cuộc đời của tất cả những người trẻ chính là việc đi tìm đáp án cho câu hỏi “Mình là ai?”, “Mình làm được gì?”, “Khả năng thực sự của mình là gì?”.
Rõ ràng, bản thân chúng ta đang sống theo những kỳ thi của người khác. Bản thân chúng ta không biết mình là ai. Chúng ta đi thi, để người khác chấm điểm, để người khác ra đề và chúng ta trở thành những kẻ thất bại theo cách đánh giá của người khác. Tôi đồng ý, những kỳ thi đó là chuẩn mực đánh giá năng lực của chúng ta, song nó không thể đánh giá giá trị con người của các bạn. Chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ, đang so sánh mình với những người xung quanh, thậm chí là cố gắng làm bài thi của người khác. Cuối cùng, cuộc đời chúng ta về sau như thế nào, chúng ta không biết rằng mình sẽ là ai và cứ phải sống với kỳ thi của người khác.
Kỳ thi lớn nhất cuộc đời của anh Đinh Trí Dũng là gì?
Kỳ thi lớn nhất của cuộc đời tôi là kỳ thi xác định đâu là nơi mình thuộc về. Năm 1989, tôi tốt nghiệp Trung học Phổ thông, học chuyên Toán. Thời điểm ấy, tôi chỉ biết học, học và học thôi. Mục tiêu duy nhất lúc đó là học thế nào để có thể đỗ học bổng đi nước ngoài. Chỉ có vậy thôi, đi đâu cũng được, học gì cũng được. Đây là chuẩn mực mà xã hội, cha mẹ và cả thế hệ đi trước đã đặt ra rồi. Tôi cũng không biết mình nên học gì. Hồi đấy, mẹ tôi là Kế toán trưởng nên tôi nghe lời mẹ thi ĐH Tài chính Kế toán, bố thì muốn “thoát nghèo” nhanh nên khuyên tôi thi ĐH hàng Hải. Thế là tôi thi và đỗ cả hai nhưng cuối cùng vẫn quyết định chọn trường tài chính vì đủ điểm đi nước ngoài. Tôi sang CHLB Đức học về quản trị kinh doanh, tài chính, về nước thì suôn sẻ làm ngân hàng trong 5 năm.
Hết 5 năm đó, tôi có cơ hội làm trong ngành giáo dục nhưng vẫn giao lưu với các bạn làm tài chính ngân hàng. Lúc ấy, tôi không biết mình thuộc về ngành Giáo dục hay Tài chính Ngân hàng. Cuối cùng, tôi nhận ra mình thích làm việc với con người, mong muốn xây dựng những gì có giá trị lâu dài, nhân văn, bền vững. Tôi không giỏi bon chen, tốc độ nhưng cũng đủ năng động để làm kinh doanh trong ngành Giáo dục và thấy được thành quả tạo ra cho bản thân cũng như xã hội. Tôi nhận ra mình thuộc về thế giới này, thuộc về ngành Giáo dục. Vậy nên, tôi mong rằng các bạn trẻ hãy thực sự hiểu mình là ai và biết bản thân mình muốn gì.
Từ kinh nghiệm của chính bản thân, anh/ chị hãy chia sẻ vài về việc cần chuẩn bị tâm lý như thế nào trước kì thi lớn nhất cuộc đời nhé!
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A: Trước hết, cần phải nhận diện đề thi bởi các bạn sẽ không biết mình phải làm gì nếu như không biết đề thi là gì. Nhìn ở góc độ cả một cuộc đời, sẽ có 2 nhóm đề thi. Nhóm thứ nhất là đề thi bạn buộc phải làm khi sinh ra với tư cách là một con người. Đó có thể là việc trở thành một người không vi phạm pháp luật, cũng có thể là việc không chà đạp lên các tiêu chuẩn đạo đức trong cộng đồng…, những bài thi này trải dài từ khi bạn mới được thai nghén đến tận ngày mà bạn không còn trên cuộc đời nữa.
Nhóm đề thi thứ hai mới chính là thứ giúp chúng ta đi qua giông gió của cuộc đời – đó chính là đề thi mà bạn tự đặt ra cho mình. Khi không có đề thi cho riêng mình, dù bạn thành công hay thất bại thì niềm vui, sự hạnh phúc cũng sẽ không có.
Để có thể vững vàng tâm lý trước mỗi kỳ thi, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ càng bởi nếu không có quá trình chuẩn bị, bạn sẽ không thể bình tĩnh đón nhận đề thi. Và dù cho đó là đề thi cuộc đời đặt ra hay do chính bạn đặt ra, tính vừa sức là điều hết sức quan trọng. Lý do là khi biết chắc bản thân đang làm quá sức, dù các bạn có cố gắng tỏ ra tự tin thì sâu bên trong vẫn là sự mệt mỏi, sợ hãi. Vậy nên, cách để tạo ra những xung động thần kinh tích cực đó chính là nhận diện được đề thi, có sự chuẩn bị và thấu hiểu khả năng của mình.
Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư: Đứng trước bài thi cuộc đời, tâm lý chung của mọi người thường sẽ rất bất an và lo sợ. Tuy nhiên, khi chúng ta xác định rõ ràng mục tiêu và có sự chuẩn bị trước thì nỗi sợ đó cũng không quá nặng nề. Trước những bước ngoặt lớn, tôi thường cố gắng lấy bình tĩnh, hít thở sâu nếu bản thân đang run. Sau đó, tôi sẽ tự trấn an rằng mình không cần cố để quá giỏi hay phải giống người này, giống người kia. Tôi cần phải là chính mình và bình tĩnh vượt qua những sự kiện lớn ấy.
Khi ra mắt phim Bẫy Ngọt Ngào, cảm giác khủng khiếp nhất mà tôi trải qua không phải quá trình làm phim mà chính là buổi ra mắt phim. Tôi không biết nên chia sẻ điều gì, đầu óc tôi lúc đó trống trơn, nói chung là áp lực khủng khiếp và chỉ muốn trốn đi. Thế nhưng, tôi đã nghĩ rằng dù mọi chuyện ra sao cũng được, nhớ lại đây là bộ phim mình tự nguyện làm chứ không ai ép, nó như một đứa con của mình thì tại sao mình lại phải lo sợ khi giới thiệu đứa con của mình cho tất cả mọi người. Nếu tôi không nói hay như mọi người thì tôi cứ là chính mình, tôi nghĩ sao, tôi nói vậy. Cuối cùng,khi bước lên sân khấu, tôi đã trả lời những câu hỏi của phóng viên bằng cả con tim của mình và buổi ra mắt diễn ra tương đối tối đẹp. Tôi đã tự phân tích tâm lý và “chữa” cho bản thân như vậy.
Nhà báo – nhà văn Hoàng Anh Tú: Thất bại trong khâu chuẩn bị là chuẩn bị cho một sự thất bại. Chính vì thế, việc chúng ta có chuẩn bị hay không là điều vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần học cách quản trị cảm xúc. Chính tôi đã từng khiến bản thân mình áp lực do quá phấn khích. Tôi từng trượt bằng lái xe đến 3 lần dù trước đó đã lái xe rất nhiều chỉ vì quá hưng phấn. Vì vậy, nếu không biết cách điều chỉnh cảm xúc, mọi người hoàn toàn có thể thất bại dẫu chuẩn bị kỹ đến đâu chăng nữa.
Một yếu tố quan trọng khác đó chính là tin vào bản thân, tin vào chính khả năng của mình. Đây cũng là cách để bạn hấp dẫn những người xung quan, vượt qua các tác động xấu và yêu lấy bản thân mình.
Có nên liên tiếp làm lại bản thân hay không?
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A: Cuộc đời là một quãng thời gian hữu hạn. Vậy nên theo tôi, hãy giữ lấy những gì bạn đang có niềm tin thay vì bỏ hết tất cả để tìm kiếm những gì vẫn còn mơ hồ. Bạn cần có niềm tin vào chính mình bởi khi niềm tin dần dần bị mai một, bạn sẽ không còn sức để đối diện với khó khăn nữa.
Với những ước muốn nảy sinh bất chợt, có 2 điều tôi muốn nhắn gửi tới các bạn. Thứ nhất, chúng ta đều là con người cho nên sự gia tăng về tham vọng và nhu cầu là liên tục. Nếu chúng ta thuận theo bản năng, cuộc đời sẽ không bao giờ ổn định. Thứ hai, việc nhu cầu tăng lên là tín hiệu về khát vọng được trải nghiệm và chúng ta sẽ thực hiện chúng với mệnh đề “trải nghiệm thêm” chứ không phải “trải nghiệm lại” tại vì thời gian sẽ không quay ngược, các bạn lại càng không có vé khứ hồi trên chuyến tàu thời gian.
Anh/chị hãy chia sẻ kinh nghiệm để có thể chinh phục kỳ thi lớn nhất cuộc đời nhé!
Nhà báo nhà văn Hoàng Anh Tú: Hãy nhớ rằng thành công sinh ra đam mê chứ không phải đam mê giúp chúng ta thành công đâu. Nói cách khác, từ những thành công nho nhỏ, bạn sẽ bắt đầu tìm thấy đam mê. Tôi không thể trở thành Anh Chánh Văn của báo Hoa Học Trò, tôi không thể có nhiều bài viết trên báo Hoa Học Trò nếu tôi không được đăng bài đầu tiên trên báo Hoa Học Trò. Tôi rất mong các bạn có thể tìm thấy thành công đầu tiên của mình.
Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư: Trong quá trình sắp tới, các bạn chắc chắn sẽ phải đối mặt với những kì thi khủng khiếp hơn nữa. Điều quan trọng nhất sau mỗi cuộc thi là chúng ta đã trải qua và nhận ra những gì. Những điều này sẽ trở thành hành trang cho các bạn bước tiếp.
Anh Đinh Trí Dũng: Cuộc sống có rất nhiều sự lựa chọn và chúng ta sẽ luôn ở những ngã rẽ. Tôi thấy các bạn trẻ hay bị overthinking, tức là nghĩ nhiều quá và không chịu bắt tay vào làm. Vậy nên lời khuyên của tôi dành cho những bạn đang quan tâm tới 2 thứ cùng một lúc đó chính là hãy thử tìm hiểu cho tới, làm cho tới và chờ đợi kết quả. Nếu kết quả không như ý chứng tỏ mình không hợp với lựa chọn đó.
Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A: Trước tiên, các bạn hãy cứ coi thi cử là một điều đương nhiên, dù đó là cuộc thi ở trường hay kỳ thi của cuộc đời. Đừng ngần ngại với những thử thách vì cuộc sống buộc phải có thử thách. Đừng quên chuẩn bị kỹ càng trước mỗi cuộc thi. Đối với những đề thi bất ngờ, quá trình chuẩn bị mỗi ngày sẽ trở thành nội lực giúp các bạn hoàn thành tốt nhất bài thi đó. Hãy nhớ ý nghĩa của một cuộc thi mang tính vật lý là khảo thí – định lượng năng lực của người học đến đâu. Vậy nên bạn đừng quá căng thẳng về việc mình phải đứng thứ bao nhiêu so với cộng đồng khi hoàn thành một kì thi.
Cảm ơn anh chị rất nhiều vì những chia sẻ thú vị và bổ ích.
Gala trao giải Kỳ thi lớn nhất cuộc đời 2023 được diễn ra vào ngày 28/05 vừa qua
Cuộc thi “Kỳ thi lớn nhất cuộc đời” với tổng giá trị giải thưởng lên đến hơn 300 triệu đồng do Hệ thống Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia tổ chức nhằm mục đích cổ vũ, khuyến khích các bạn trẻ Gen Z ở độ tuổi từ 15 đến 24 trên toàn quốc dũng cảm theo vượt qua rào cản định kiến để theo đuổi đam mê thực sự của bản thân. Chính thức nhận bài từ ngày 15/04, sau một tháng phát động, Kỳ thi lớn nhất cuộc đời 2023 thu về hơn 600 tác phẩm dự thi ở cả 2 hạng mục Viết và Podcast từ các bạn trẻ trên khắp mọi miền đất nước. Xem Top 30 bài thi xuất sắc của Kỳ thi lớn nhất cuộc đời tại đây |