Logo Redesign (thiết kế lại logo) là vấn đề quan trọng đối với mỗi thương hiệu. Sự thân thuộc, dễ ghi nhớ của phiên bản trước đó trở thành thử thách cho quyết định tái thiết kế. Vì thế, trong bài viết này hãy cùng tìm hiểu những yếu tố cần lưu ý và xem xét kỹ càng trước khi lựa chọn thay thế logo cũ bằng phiên bản hoàn toàn mới.
Logo hàm chứa nhiều thông tin mà thương hiệu mong muốn truyền đạt đến khách hàng, bao gồm tầm nhìn, sứ mệnh, trách nhiệm, v.v. Do đó, quyết định thay đổi bất kỳ yếu tố nào trong thiết kế logo đều phải được xem xét cẩn thận, dựa trên các phương diện khác nhau như quy mô công ty, đối tượng khách hàng mục tiêu, tình hình thị trường, v.v. Trên thực tế, một số doanh nghiệp thành công ngay từ phiên bản đầu tiên của logo như Shell và Nike, một số khác không may mắn như thế. Đặc biệt, điều này càng chính xác đối với những công ty thành lập lâu đời, chắc chắn logo ra đời năm 1974 không thể gây ấn tượng với khách hàng năm 2017. Lúc này, thương hiệu cần nghĩ đến việc tái thiết kế logo (Logo Redesign) để tiếp cận tốt hơn đối với người tiêu dùng thời đại mới.
Ảnh: Baer Performance Marketing
5 yếu tố cần xem xét trước khi thực hiện Logo Redesign
1. Nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh
Doanh nghiệp của bạn đang trong giai đoạn mở rộng kinh doanh khi bước chân vào nhiều lĩnh vực mới, gia tăng số lượng chi nhánh và đội ngũ nhân sự. Hoặc bạn cho rằng logo thương hiệu ở thời điểm hiện tại không phản ánh chính xác quy mô và sự phát triển của công ty. Nếu doanh nghiệp xuất hiện những dấu hiệu như thế, có lẽ đã đến lúc bạn nên cân nhắc về vấn đề tái thiết kế logo (Logo Redesign) để phù hợp hơn cho các mục tiêu dài lâu trong tương lai.
2. Sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh mới
Công ty bạn là người dẫn đầu cuộc chơi, kẻ thống lĩnh thị trường nhưng sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh mới với sự cập nhật mỗi ngày khiến bạn cảm thấy vị trí đang bị đe dọa. Lúc này, Logo Redesign cũng là một trong những phương án đáng được xem xét, bởi lẽ đây là tín hiệu cho thấy doanh nghiệp của bạn đang nỗ lực thích nghi cùng sự biến động của thị trường. Đồng thời, đây là cơ hội giúp công ty cập nhật danh sách khách hàng tiềm năng của riêng mình.
Ảnh: 99designs.com
3. Đổi mới hoặc bổ sung đối tượng khách hàng mục tiêu
Bạn sở hữu một doanh nghiệp tăng trưởng ổn định với lượng khách hàng trung thành. Tuy nhiên, bạn cũng cần liên tục cập nhật diễn biến thị trường, nắm bắt nhanh chóng và kịp thời nhu cầu của đối tượng khách hàng mới. Logo Redesign không chỉ là hình thức xây dựng thương hiệu theo yêu cầu mà còn giúp công ty kết nối với đối tượng khách hàng mới, trong khi vẫn duy trì mối quan hệ ban đầu với lượng người tiêu dùng cũ.
4. Tái định vị thương hiệu
Trong quá trình phát triển, sự thay đổi về mặt định vị thương hiệu dường như là điều tất yếu phải xảy đến. Bởi lẽ, doanh nghiệp không thể duy trì mãi một nhiệm vụ hay sứ mệnh trong tất cả giai đoạn kinh doanh. Tái định vị thương hiệu thường gắn liền với Logo Redesign. Thiết kế mới sẽ ẩn chứa thông điệp về tầm nhìn, sứ mệnh mà doanh nghiệp hướng đến.
5. Logo cũ đã lỗi thời
Nếu logo thương hiệu được tạo ra từ cách đây rất lâu (khoảng những năm 80 thế kỷ XX chẳng hạn), có lẽ đã đến lúc Logo Redesign để phù hợp hơn với kỷ nguyên hiện đại ngày nay. Ngoài ra, logo lỗi thời không chỉ gây khó chịu về phương diện thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến mức độ tương thích khi hiển thị trên một số thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính bảng, v.v.
Ảnh: 99designs.com
Làm mới logo & thiết kế lại toàn bộ logo: Đâu là sự lựa chọn phù hợp?
Sau khi đưa ra quyết định thay đổi logo, bạn cần cân nhắc giữa việc thiết kế logo hoàn toàn mới hay chỉnh sửa một vài yếu tố dựa trên nền tảng ban đầu. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng khi vừa tiếp cận với thương hiệu của bạn.
Theo đó, phương thức làm mới logo (Logo Refresh) được các thương hiệu ứng dụng phổ biến. Đây là thuật ngữ chỉ sự thay đổi về mặt hình thức thể hiện, không làm thay đổi về ý nghĩa và bản chất của logo. Bản cập nhật thiết kế logo năm 2016 của MasterCard là trường hợp điển hình cho quyết định làm mới logo thành công. Công ty nổi tiếng về thẻ tín dụng thống nhất giữ lại cấu trúc vòng tròn và màu sắc đặc trưng dễ nhận biết, vốn đã gắn liền cùng thương hiệu xuyên suốt nhiều năm. Họ chỉ đơn giản thay đổi màu sắc và kiểu chữ, cũng như đưa tên thương hiệu về phía dưới hai vòng tròn.
Ảnh: 99designs.com
Về Logo Redesign, phương pháp này được ví như cuộc “đại trùng tu” của thương hiệu. Khi đưa ra quyết định thiết kế lại một logo hoàn toàn mới, bao gồm việc thay đổi về màu sắc, kích thước hay thậm chí có mối liên hệ mật thiết với sự thay đổi ở định vị thương hiệu, tạo ra một cái tên mới cho thương hiệu (logo của FedEx là ví dụ rõ nét cho trường hợp này). Do đó, trước khi đi đến lựa chọn cuối cùng, bạn cần xem xét bổ sung 3 yếu tố như sau:
1. Điều gì khiến cho logo của tôi không thể sử dụng được nữa?
Ở phương diện này, bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng dựa trên 5 yếu tố vừa được nêu phía trên.
2. Có thể giữ lại những yếu tố nào của logo hiện tại?
Bạn có thể đã sẵn sàng thực hiện cuộc thay đổi toàn bộ về thiết kế logo. Tuy nhiên, trước khi tái cấu trúc hoàn toàn, doanh nghiệp cần cân nhắc cẩn thận các yếu tố trong thiết kế logo hiện tại. Bởi lẽ, đây là những điều quen thuộc với khách hàng, mang nhiệm vụ truyền tải tinh thần thương hiệu xuyên suốt khoảng thời gian lâu dài. Nếu lập tức thay đổi, có thể gây ra cảm giác xa lạ và khó thích nghi với lượng lớn đối tượng người dùng từ trước đến nay. GRAIN – dịch vụ giao đồ ăn nhanh đã duy trì một số yếu tố đặc trưng ở thiết kế cũ như màu sắc, kiểu chữ in hoa, chỉ bổ sung một vài chi tiết để tạo nên cảm giác tươi sáng và linh hoạt hơn trong logo mới.
Ảnh: 99designs.com
3. Logo hiện tại có mối liên hệ chặt chẽ với tệp khách hàng hay chưa?
Như đã đề cập, thách thức lớn nhất của phương thức thiết kế lại logo hoàn toàn mới nằm ở yếu tố khách hàng. Nếu lựa chọn con đường thay đổi này, doanh nghiệp đang phá vỡ tính kết nối trực quan cùng chính đối tượng khách hàng của mình – những người quá quen thuộc với thiết kế logo cũ. Vì thế, cần suy nghĩ nghiêm túc về hậu quả có thể xảy ra, bạn có sẵn sàng đối diện với các rủi ro và thử thách khi lựa chọn tái thiết kế toàn bộ logo hay không?
Lưu ý trong quy trình thực hiện Logo Redesign
Nếu đưa ra lựa chọn sẽ thực hiện Logo Redesign, dưới đây là một số yếu tố bạn cần lưu ý:
- Tránh so sánh trực tiếp giữa logo cũ và logo mới, hạn chế áp đặt quy chuẩn thành công của phiên bản trước đấy vào thiết kế mà bạn sắp ra mắt. Thay vào đó, hãy tập trung vào logo mới, cố gắng truyền tải trọn vẹn tinh thần, sự thay đổi và tính đại diện cho tệp khách hàng mà thương hiệu hướng đến.
- Sự thay đổi luôn luôn mang đến nhiều cảm xúc bất ngờ, dù đó là sự phấn khích hay nỗi lo âu về những điều mới mẻ. Do đó, bạn cần suy ngẫm thật kỹ càng trước khi đưa ra phiên bản thiết kế cuối cùng. Bằng cách này, bạn sẽ đảm bảo mọi quyết định lựa chọn của bản thân đều xuất phát từ lý do chính đáng.
- Một số yếu tố về màu sắc hay phong cách ở phiên bản logo mới hoàn toàn khác biệt so với phiên bản cũ, điều này cũng kéo theo sự thay đổi đối với hệ thống công cụ hỗ trợ tiếp thị khác như danh thiếp, website. Vì thế, nếu bạn chưa sẵn sàng thực hiện cuộc “trùng tu” quy mô lớn thì hãy cân nhắc giữ lại một số yếu tố thiết kế của phiên bản trước đó.
Ảnh: 99designs.com
Tham khảo thêm: Làm thế nào để thiết kế lại những chiếc logo xấu xí
Làm gì với logo đã thiết kế lại?
Để hoàn thành hành trình chuyển đổi từ logo cũ sang logo mới, bạn cần lựa chọn nơi trình làng phiên bản thay đổi này. Đó có thể là ngày được ấn định từ trước, dịp kỷ niệm công ty hay một thông cáo truyền thông chính thức. Dù với bất kỳ hình thức nào, doanh nghiệp cũng cần cập nhật phiên bản logo mới trên tất cả nền tảng và tài liệu như chữ ký email, tiêu đề website, ảnh đại diện nền tảng mạng xã hội Twitter, Facebook, Linkedin, v.v.
Ảnh: printmag.com
Nhìn chung, việc thực hiện Logo Redesign là quyết định vô cùng quan trọng đối với mỗi thương hiệu. Điều này gắn liền với quy mô kinh doanh, định hướng, sự nhận diện, vai trò và vị trí của thương hiệu trong lòng công chúng. Hy vọng gợi ý trong bài viết có thể trở thành tư liệu tham khảo cho doanh nghiệp và Designer trước khi đưa ra lựa chọn cuối cùng.
Nguồn tham khảo: 99designs.com
Diệu Ngô
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học tại : https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |