Ngập tràn năng lượng, ôm ấp nhiều hoài bão, sở hữu năng lực đa nhiệm xuất sắc, ở cô bạn này bừng bừng một tinh thần rất trẻ và rất táo bạo đại diện cho thế hệ Arenaites Gen Z luôn muốn thử và không ngại thử.
“Muốn thử”, “muốn trải nghiệm” là những cụm từ được Lam Nhi – Arena Face 2022 – nhấn mạnh nhiều lần trong buổi trò chuyện chia sẻ về chặng đường lấp lánh của mình tại Arena Multimedia. Xác định đam mê nghệ thuật từ sớm và ý thức rằng hạt giống đam mê cần được ươm mầm trong môi trường thích hợp, Nhi đến Arena Multimedia với một tinh thần nhiệt huyết và đã miệt mài kiến tạo nên hành trình lấp lánh hạnh phúc của riêng mình.
CƠ DUYÊN NÀO ĐÃ ĐƯA LAM NHI ĐẾN VỚI ARENA MULTIMEDIA?
Mình đến với Arena cũng nhờ sự tình cờ. Khi còn học cấp 3, mình đã được nghe loáng thoáng về trường. Nhưng thật sự nghe thôi thì chưa đủ, sau đó trong quá trình tìm hiểu liệu con đường tiếp theo mình nên đi như thế nào, nên học đại học nào, mình đã tìm thấy Arena Multimedia và có cơ duyên được các chị tư vấn viên nhiệt tình hướng dẫn, từ đó củng cố quyết định vào trường của mình.
CÓ KHOẢNH KHẮC NÀO KHIẾN BẠN NHẬN RA ARENA LÀ “MY DESTINY” CHĂNG?
Khoảnh khắc mình nhận ra ngôi trường này chính là “my destiny” bản thân đang tìm kiếm là lúc mình trực tiếp đến thăm Arena và được dẫn đi tham quan khu đồ án. Cảm xúc khi ấy là “Quao! Sao mọi người có thể thực hiện những sản phẩm ấn tượng đến thế?” Và mình nghĩ, mình cũng muốn thế, mình cũng muốn làm ra được những sản phẩm đẹp như vậy. Có lẽ đó chính là thời điểm đánh dấu bước khởi đầu cho hành trình ở Arena của mình.
ĐỘNG LỰC MẠNH MẼ NHẤT THÔI THÚC NHI THEO ĐUỔI NGÀNH MỸ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN LÀ GÌ?
Bản thân mình vốn rất thích vẽ và những điều liên quan đến vẻ đẹp hay sự sáng tạo, nhưng những vẻ đẹp và sản phẩm sáng tạo ấy chỉ thực hiện và ngắm nhìn một mình thôi là chưa đủ. Nhờ những buổi học thử tại trường và chia sẻ về con đường bản thân đang tìm kiếm mà mình nhận ra rằng, à, đây chính là nơi dành cho sự sáng tạo, là nơi mình được bao quanh bởi sự sáng tạo và có thể học tập để phát triển năng lực sáng tạo cũng như các kỹ năng khác của bản thân.
CÓ KHÔNG ÍT PHỤ HUYNH MONG MUỐN CON EM MÌNH ĐI THEO CÁC NGÀNH NGHỀ TRUYỀN THỐNG BỞI NGÀNH SÁNG TẠO Ở THỜI ĐIỂM NÀY VẪN KHÔNG PHẢI LÀ NGÀNH NGHỀ CÓ ĐỘ PHỔ BIẾN NHẤT ĐỊNH ĐỐI VỚI HỌ? VẬY GIA ĐÌNH ĐÃ NGHĨ NHƯ THẾ NÀO VỀ QUYẾT ĐỊNH THEO ĐUỔI MỸ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN CỦA BẠN?
Quả thật đối với các bậc phụ huynh mà nói, Mỹ thuật Đa phương tiện là một ngành không có nhiều thông tin dễ tiếp cận. Nhiều phụ huynh không rõ con mình học ngành này ra sẽ làm việc ở vị trí nào, tương lai có rộng mở không. Vì thế thời gian đầu, mình đã lập một lời hứa với gia đình rằng sẽ học Đại học và chọn Arena như một ngôi trường để học thêm “nghề tay trái”. Học thứ gì đó yêu thích và học thứ gì đó kiếm ra tiền, như thế vừa có thể phần nào đáp ứng kỳ vọng của gia đình lại vừa giúp mình tiếp tục theo đuổi đam mê của bản thân, đó là cách mình đã thuyết phục gia đình cho phép học ngành này.
VIỆC NHẬN RA ĐƯỢC ĐAM MÊ CỦA MÌNH TỪ SỚM ĐÃ GIÚP ÍCH ĐƯỢC GÌ CHO NHI CŨNG NHƯ ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG THẾ NÀO TRÊN CON ĐƯỜNG BẠN THEO ĐUỔI?
Nhận ra được đam mê từ sớm không có nghĩa là ngồi yên và một ngày nào đó đam mê chợt đến. Thật ra mình cũng đã thử rất nhiều thứ, từ vẽ đến đàn ca múa nhạc, chung lại là những lĩnh vực liên quan đến năng khiếu nghệ thuật. Và may mắn là mình phát hiện bản thân thích vẽ vời, có thể vẽ không quá đẹp nhưng một khi vẽ liền có thể đắm chìm vào nó mà quên cả thời gian, như thể mình có thể làm hoài làm hoài việc ấy. Thế nên mình nghĩ rằng chúng ta phải thử nhiều thứ thì mới biết được đam mê thật sự của bản thân là gì.
TRONG SUỐT THỜI GIAN HỌC TẬP TẠI ARENA, THẦY CÔ VÀ BẠN BÈ ĐÃ GIÚP ĐỠ LAM NHI NHƯ THẾ NÀO? VÀ TRONG THỜI GIAN HỌC TẬP Ở TRƯỜNG BẠN CÓ GẶP BẤT LỢI NÀO KHÔNG?
Sự kết nối mạnh mẽ giữa mình và Arena chính là nhờ bạn bè và thầy cô. Các thầy cô là những người dẫn dắt đầu tiên, dạy dỗ và cho phép bọn mình thoả sức sáng tạo với những ý tưởng bất kể cao xa thế nào đi chăng nữa. “Thoả sức” ở đây không có nghĩa là thực hiện những điều bất khả thi, mà là cố gắng làm những điều vừa khả thi vừa thỏa mãn mong muốn của bản thân. Điều khiến mình yêu quý các giảng viên tại Arena là sự tâm huyết, dù 2 giờ sáng vẫn sẽ sẵn sàng nhắn tin, giảng giải, trả lời các thắc mắc hay khó khăn mà bọn mình gặp phải. Và sự nhiệt huyết ấy chẳng bao giờ suy giảm cả, các thầy cô đã cho mình niềm tin vào một nghề giáo thật tốt đẹp và vĩ đại, khiến mình cũng suy nghĩ nếu sau này có cơ hội và đủ khả năng sẽ quay trở lại Arena làm giảng viên để truyền lửa cho các thế hệ học viên tiếp theo.
LAM NHI CÓ THỂ KỂ THÊM VỀ KỈ NIỆM ĐÁNG NHỚ VỚI NHỮNG NGƯỜI BẠN CỦA MÌNH?
Mình từng nghe nói rằng sau khi lên đại học thì bạn bè chỉ là để xã giao và cùng vui chơi mà thôi, nhưng ở Arena mình tìm được những người bạn rất nghiêm túc, đầy tinh thần học hỏi, cùng nhau đồng lòng vượt qua khó khăn khi thực hiện đồ án và giúp đỡ nhau rất nhiều trong quá trình học tập.
Mọi người hay nói Arena như nhà vậy, tới đây ăn ngủ và ở, mình xin xác nhận là chính xác! Một số bạn ở đây hẳn sẽ nhận ra là mình túc trực ở trường gần như 24/7, từ sáng đến khuya đến khi trường đuổi về vẫn chưa chịu về. Mình cũng không phải ham vui gì đâu, chỉ là không khí ở đây thật sự rất vui, mọi người học với nhau, chơi với nhau, cùng tạo một không gian rất thân thiện và gắn bó.
MỘT ĐIỂM KHÁ ĐẶC BIỆT CỦA LỨA HỌC VIÊN TỐT NGHIỆP NĂM NAY LÀ CÁC BẠN CÓ MỘT KỲ GIÃN CÁCH. VẬY QUÁ TRÌNH HỌC CỦA BẠN TRONG KỲ GIÃN CÁCH ĐÓ NHƯ THẾ NÀO?
Thật ra, việc học của bọn mình trong kỳ giãn cách cơ bản là không dừng lại. Người ta hay bảo xa mặt cách lòng nhưng thực tế kỳ giãn cách lại giúp mối liên kết giữa thầy cô với học viên bọn mình càng trở nên mạnh mẽ. Bọn mình nói chuyện nhiều hơn, hỏi thầy cô nhiều hơn về các vấn đề khó khăn. Sự kết hợp giữa những giờ học online và một số buổi gặp mặt trực tiếp giúp bọn mình không cảm thấy xa trường lớp quá mức, cũng như không quá mất kết nối với mọi người.
4 HỌC KỲ Ở ARENA LÀ KHOẢNG THỜI GIAN KHÔNG DÀI, NHƯNG ĐỦ ĐỂ BẠN TRƯỞNG THÀNH TRONG NHIỀU MẶT. VẬY ĐÂU LÀ KHOẢNG THỜI GIAN LAM NHI CẢM THẤY Ý NGHĨA NHẤT?
Câu hỏi này khó ghê! Mỗi kỳ đối với mình là một điều đặc biệt riêng, không lặp lại. Mỗi một kỳ mình lại trải qua những khó khăn, niềm vui và cột mốc trưởng thành khác nhau, nên không biết kỳ nào mới là đáng nhớ nhất. Nhưng nếu chọn kỳ mình cảm thấy ý nghĩa nhất thì sẽ là học kỳ đầu tiên. Vì kỳ đầu tiên, vừa bước vào trường thì điều gì cũng mới mẻ, bọn mình được tiếp xúc với thế nào là thiết kế, thế nào là nghệ thuật, và làm thế nào để tạo ra một sản phẩm. Những bước đầu tiên đầy ý nghĩa ấy đã đặt nền tảng cho các bước trưởng thành về sau của mình. Từ cách làm việc nhóm đến cách học tập, cách tự rèn luyện để nắm vững các kỹ năng đủ cho việc thực hiện đồ án, cách giao tiếp sao cho hiệu quả, tất cả mình đều được trải nghiệm trong học kỳ đầu tiên này.
NHẮC ĐẾN CÁC HỌC KỲ HẲN NHIÊN KHÔNG THỂ BỎ QUA ĐIỀU-AI-CŨNG-SỢ-LÀ-ĐIỀU-GÌ-ĐẤY, TỨC LÀ ĐỒ ÁN. VIỆC THỰC HIỆN VÀ BẢO VỆ ĐỒ ÁN ĐÃ GIÚP BẠN RÈN LUYỆN NHỮNG KỸ NĂNG NÀO VÀ CÓ KỶ NIỆM NÀO ĐÁNG NHỚ KHÔNG?
Nói đồ án đáng sợ thì cũng đúng, nhưng thật ra với mình đồ án là cơ hội để được học thêm rất nhiều điều. Mỗi lần thực hiện đồ án không chỉ yêu cầu bọn mình phải thể hiện hết toàn bộ kỹ năng thu thập được trong học kỳ đó, mà còn buộc mình học cách giao tiếp với mọi người, cách quản lý thời gian, sắp xếp công việc, và cả quản lý chi tiêu vì mỗi đồ án đều tốn kém nhất định. Đây đều là những kỹ năng không phải lúc nào cũng có cơ hội thực hành, và chính đồ án đã cho bọn mình cơ hội học tất cả mọi thứ để trưởng thành từ nó. Vì thế đây là kỉ niệm rất quý giá với bản thân mình, đến mức nếu có bạn hỏi vì sao mình học trường này, mình sẽ bảo rằng vì mình thích làm đồ án ở đây.
HÀNH TRÌNH CỦA LAM NHI TẠI ARENA CÓ VẺ RẤT “LẤP LÁNH”. KHÔNG BIẾT TRONG SUỐT QUÁ TRÌNH TRẢI NGHIỆM, HỌC TẬP VÀ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN, CÓ LÚC NÀO BẠN CẢM THẤY MỆT MỎI, MẤT PHƯƠNG HƯỚNG KHÔNG? VÀ NẾU CÓ THÌ ĐỘNG LỰC NÀO ĐÃ GIÚP BẠN VƯỢT QUA?
Về vế đầu tiên, thật ra mỗi kỳ đều có những khoảnh khắc mình muốn từ bỏ. Đó là những khi mình nhận ra bản thân cũng yếu kém, cũng thiếu năng lực, thiếu kỹ năng, chẳng đủ giỏi để tiếp tục như các bạn có đam mê lớn hơn mình.
Còn động lực lớn nhất để mình kiên trì cũng đến từ chính những người quanh mình. Bạn bè, thầy cô, họ cho mình một nguồn cảm hứng để vực dậy. Khi nhìn thấy những người bạn của mình vẫn miệt mài theo đuổi đam mê, cần cù làm việc, mình cũng cảm thấy được truyền động lực và lại tiếp tục cố gắng.
ĐƯỢC BIẾT NHI VÀ CÁC ĐỒNG ĐỘI ĐÃ THỰC HIỆN ĐƯỢC 3 ĐỒ ÁN RẤT XUẤT SẮC, BẠN CÓ THỂ CHIA SẺ THÊM VỀ NHỮNG SẢN PHẨM NÀY KHÔNG?
Nhóm mình đã có 3 đồ án nổi bật được đăng web của trường, lần lượt là Bộ nhận diện thương hiệu “Nữ hùng sử Việt” của kỳ 1 – Graphic Design, Thiết kế giao diện app Game “Sử chiến” của kỳ 2 – Digital Product Design và đồ án 3D Game Design “Thần Tích Sơn Thuỷ” cho kỳ 3B.
Mình nghĩ yếu tố lớn nhất đóng góp vào thành công của những đồ án này là quyết tâm không từ bỏ của tụi mình. Mình nhớ hoài thời gian thực hiện đồ án kỳ 3B, ngày nộp sản phẩm đánh dấu 3 ngày liên tục không ngủ của nhóm mình, và động lực lớn nhất lúc đó là mọi người cùng nhau, khích lệ nhau cố gắng đến cuối cùng, làm hết những gì có thể làm. Chúng mình muốn cho đứa con tinh thần ấy một hình hài trọn vẹn. Hẳn nhiên về mặt chuyên môn thì đã có tiêu chuẩn để thầy cô xem xét, nhưng cá nhân mình nghĩ năng lượng trong tác phẩm cũng là một điểm giúp nó được đánh giá cao.
CÁC BẠN ĐÃ TÌM CẢM HỨNG NHƯ THẾ NÀO? CÓ “TRẦY DA TRÓC VẢY” LẮM KHÔNG?
Có một điểm chung thú vị là cả 3 đồ án đều lấy chủ đề lịch sử. Chuyện là nhờ một lần đi hội sách cùng nhau, mình và các bạn nảy ra ý tưởng làm một dự án gì đó lấy Việt Nam làm trung tâm, sao cho thể hiện được văn hoá, nét đẹp, con người đất nước chúng ta, và đi đến quyết định chọn lịch sử Việt Nam làm chủ đề. Vì lịch sử trong mắt mọi người thường là một lĩnh vực khá khô khan, nhưng bọn mình thấy đây là một đề tài rất thú vị và 3 kỳ đồ án liên tục đều chọn chủ đề này để khai thác.
Ban đầu khi nghe đề tài, tụi mình cũng bị phản đối chứ, vì trước giờ đã có không ít người thử sức và “trầy trật” với nó rồi. Nhưng nhóm mình tự tin có thể làm nên một điều gì đó khác biệt, thú vị hơn bằng sáng tạo trong hình ảnh, câu chữ. Để mang đến một sản phẩm có giá trị ứng dụng cao, nhóm tiếp cận chủ đề theo hướng dự án dành cho thiếu nhi. Và vì trẻ em luôn sở hữu góc nhìn rất thơ, rất hồn nhiên nên việc tiếp cận theo hướng này vừa là thách thức, vừa là cơ hội khiến nhóm rất hứng thú.
VIỆC THỰC HIỆN NHỮNG SẢN PHẨM ĐỀ TÀI VĂN HOÁ LỊCH SỬ ĐÒI HỎI SỰ CHUẨN BỊ KỸ LƯỠNG VÀ NGHIÊM NGẶT, CÁC BẠN CÓ GẶP NHIỀU KHÓ KHĂN TRONG QUÁ TRÌNH TÌM HIỂU THÔNG TIN VÀ HIỆN THỰC HÓA Ý TƯỞNG KHÔNG?
Quả thật có không ít khó khăn. Và nhóm cũng luôn nhận được những câu hỏi thế này từ hội đồng giám khảo khi bảo vệ đồ án. Tất nhiên lịch sử không thể bị bẻ cong, chúng mình chỉ cố gắng truyền tải sự kiện một cách ít nặng nề hơn bằng những hình ảnh, màu sắc đa dạng, và cố gắng làm sao để người xem cảm thấy thú vị. Chẳng hạn phần chữ được tiết chế, thay vào đó nhân vật sẽ tự kể chuyện, hình ảnh nhân vật cũng được xây dựng đẹp và thú vị hơn, giúp cho người xem dễ tiếp thu thông tin được truyền tải hơn.
TRONG LÚC LÀM VIỆC NHÓM, HẲN SẼ LUÔN CÓ NHỮNG LÚC XẢY RA BẤT ĐỒNG, LAM NHI VÀ CÁC ĐỒNG ĐỘI CÓ TỪNG LÂM VÀO TÌNH TRẠNG NÀY KHÔNG? BẠN CÓ LỜI KHUYÊN NÀO CHO CÁC HỌC VIÊN THẾ HỆ SAU ĐỂ TRÁNH NHỮNG QUAN ĐIỂM BẤT ĐỒNG KHÔNG ĐÁNG CÓ TRONG QUÁ TRÌNH LÀM VIỆC NHÓM?
Đúng là trong quá trình làm việc không thể nào tránh khỏi có lúc “9 người 10 ý”, nhất là những người làm sáng tạo nghệ thuật lại càng có cái tôi cao và khó dung hoà khi xảy ra mâu thuẫn. Tuy nhiên, may mắn là chúng mình đã tìm được cách hiệu quả: Mỗi người sẽ nêu ra ý kiến của mình, và không bác bỏ lẫn nhau, thay vào đó có thể nhờ đến lời tư vấn của những người có chuyên môn hơn như anh chị hoặc thầy cô. Họ thường hiểu bọn mình muốn gì và gợi ý một hướng đi có thể kết hợp nhiều luồng ý tưởng với nhau, đủ để tất cả đều thấy hài lòng và trong quá trình triển khai bọn mình cũng nói chuyện với nhau rất rất nhiều để hiểu nhau và không bị chệch hướng.
ĐÚNG LÀ LAM NHI CÓ NHỮNG ĐỒNG ĐỘI THẬT TUYỆT VỜI NHỈ?
Đúng thế! Mà thật ra bọn mình cũng đã có những khoảnh khắc cãi nhau, đã trầy trật, thậm chí có lúc tưởng tan rã đến nơi rồi, nhưng may mà nhờ tất cả đều sở hữu một quyết tâm chung nên cuối cùng mọi chuyện đều có thể vượt qua được.
NGHỆ THUẬT LUÔN MANG MÀU SẮC CÁ NHÂN CỦA NGƯỜI SÁNG TẠO, NẾU CÓ THỂ MÔ TẢ BẢN THÂN BẰNG 3 TỪ THÌ BẠN SẼ CHỌN NHỮNG ĐẶC ĐIỂM NÀO? VÀ NHỮNG NÉT TÍNH CÁCH NÀY ĐÃ GIÚP ĐỠ GÌ CHO NHI TRÊN HÀNH TRÌNH THEO ĐUỔI NGÀNH MỸ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN NÓI RIÊNG VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TẠO NÓI CHUNG?
Điểm đầu tiên khi nói về mình, là cứng đầu. Mình tự thấy đây là một ưu điểm cũng như nhược điểm, nhưng phần ưu có vẻ nhiều hơn. Ví như mình có một cái tôi nghệ thuật mạnh mẽ, mình sở hữu những góc nhìn riêng, phản ánh cá tính riêng, không hòa lẫn với người khác và ít nhất cũng không vì một ai đó mà hình thành hay thay đổi. Sự cứng đầu đã tạo nên một cá tính riêng, góc nhìn riêng của mình, đồng thời giúp mình nhìn nhận sự việc theo kiểu vừa phán xét vừa chấp nhận nó, điều gì không thích mình sẽ không làm còn điều gì đã thích thì phải trau dồi học hỏi thêm.
Điểm thứ hai, có phần hơi ngược với điều thứ nhất một chút, là tính cách thoải mái. Cứng đầu không có nghĩa là bảo thủ, mình luôn thoải mái tiếp nhận những kiến thức mới, tư duy mới. Những điều mới, điều hay có thể học hỏi, mình đều muốn tiếp thu để phát triển bản thân tốt hơn.
Và cuối cùng, là tính cầu toàn trong công việc. Thật ra mình vốn không phải một người cầu toàn đâu, thậm chí còn có phần qua loa, nhưng sau khi tiếp xúc với thiết kế và những việc liên quan đến sắp xếp, mình bắt đầu có cảm giác rằng thứ này phải đi với thứ kia, chỗ nọ không được xê xích, và phải đúng trước đã rồi hẵng tính đến chuyện đẹp. Đối với việc thường ngày mình không quá kỹ tính, nhưng với thiết kế nếu nhìn vào thấy có chỗ bị lệch sẽ cảm thấy rất khó chịu.
Ba nét tính cách này đã giúp ích cho mình rất nhiều trên chặng đường theo đuổi ngành sáng tạo. Bởi vì những tính cách này không tự nhiên mà có, chúng được hình thành trong quá trình học tập và rèn luyện phát triển bản thân. Ví như nhờ được học các kiến thức chi tiết về bố cục, sắp xếp, khoảng cách con chữ mà sự kỹ tính trở thành thói quen trong quá trình thực hiện các sản phẩm. Điều này giúp mình mắc sai sót ít hơn khi chính thức đi làm cũng như có mắt nhìn thiết kế, nghệ thuật tốt hơn. Còn tính cứng đầu, giả sử nếu làm ở bộ phận production (sản xuất) chẳng hạn, mình có thể đưa ra những quyết định nhanh, quyết đoán và tức thời, giúp mình cảm thấy bản thân đủ mạnh mẽ để kiểm soát tốt công việc của bản thân.
NHẮC ĐẾN MỸ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN, TA HAY LIÊN TƯỞNG ĐẾN “CÁI ĐẸP”. VẬY LAM NHI ĐỊNH NGHĨA THẾ NÀO VỀ CÁI ĐẸP? NHỮNG TIÊU CHUẨN CỦA BẢN THÂN BẠN VỀ MỘT “THIẾT KẾ ĐẸP” LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Thật ra bản thân mình không có tiêu chuẩn nhất định để đánh giá cái đẹp, vì mỗi sản phẩm được tạo ra đều mang vẻ đẹp của riêng nó. Nhưng nếu phải chọn một tiêu chuẩn, thì mình nghĩ là “đúng trước đẹp sau”. “Đúng” ở đây là đúng với các kiến thức mỹ thuật, với các lý thuyết cơ bản trong sáng tạo nghệ thuật. Từ một sản phẩm đúng, ta mới tô điểm thêm, sáng tạo thêm để biến nó thành một sản phẩm tuyệt vời.
TỪ GÓC NHÌN CỦA BẠN, TỐ CHẤT NÀO LÀ CẦN THIẾT ĐỂ HỌC VIÊN NGÀNH MỸ THUẬT ĐA PHƯƠNG TIỆN NÓI RIÊNG VÀ MẢNG MỸ THUẬT NÓI CHUNG ĐẠT ĐƯỢC THÀNH TÍCH TỐT?
Đầu tiên là phải dám làm. Như các học viên Arena có nhiều người rất táo bạo, làm được rất nhiều thứ và có khả năng hiện thực hóa các ý tưởng. Đã dám làm thì cũng sẽ dễ chấp nhận và đối mặt khi có vấn đề phát sinh hơn. Thứ hai là phải thật sự yêu thích, vì phải thích thì mọi người mới dồn hết sức để theo đuổi nó được, nếu không sẽ rất dễ cảm thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ ngay mỗi lần gặp khó khăn.
VỚI TƯ CÁCH LÀ MỘT BẠN TRẺ GEN Z, THEO NHI ĐIỂM KHÁC BIỆT LỚN GIỮA NGƯỜI LÀM SÁNG TẠO GEN Y VÀ GEN Z LÀ GÌ? VÀ BẠN ĐÃ HỌC TẬP ĐƯỢC GÌ TỪ THẾ HỆ SÁNG TẠO ĐI TRƯỚC ĐỂ ÁP DỤNG VÀO CÔNG VIỆC CỦA MÌNH?
Theo quan điểm của một số người thì Gen Y là những người lớn tuổi, bảo thủ, ít chịu thay đổi. Nhưng với mình khác biệt thế hệ có ý nghĩa về mặt kinh nghiệm và năng lực tích lũy. Mình khá thích được làm việc với các thầy cô và anh chị lớn vì được nhìn thấy những góc nhìn bền vững hơn so với lớp trẻ, học được nhiều về mặt kinh nghiệm cũng như cách làm việc chuyên nghiệp hơn.
ĐI QUA CHẶNG ĐƯỜNG ĐA SẮC TẠI ARENA, CÓ HỌC KỲ NÀO KHIẾN BẠN ẤN TƯỢNG NHẤT VÀ GIÚP BẠN XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU SỰ NGHIỆP CỦA MÌNH KHÔNG?
Nhắc đến điều này thì mình cũng phải tự bất ngờ với bản thân, vì mình muốn theo định hướng làm phim, làm việc liên quan đến mảng sản xuất nhiều hơn. Đây là kỳ mà mình không có một giải thưởng nào cả, điểm số cũng khá thấp và để lại cho mình bài học kinh nghiệm lớn. Tệ nhất, thấp điểm nhất là thế nhưng làm phim lại là mảng khiến mình thấy hứng thú và muốn theo đuổi nhất, bởi mình thích cảm giác “đã” mỗi khi hoàn thành một TVC hay video. Đó là định hướng trong tương lai gần, còn về lâu dài thì mình muốn thử tất! Vì cơ bản mình là kiểu muốn trải nghiệm tất cả mọi thứ trước khi chọn ổn định với một vị trí nào đó.
TỪ HỌC KỲ KHÔNG MẤY “RỰC RỠ” NÀY, NHI ĐÃ RÚT RA ĐƯỢC NHỮNG BÀI HỌC GÌ CHO TƯƠNG LAI?
Trong dự án lần đó vị trí của mình là Producer. Thách thức lớn nhất là việc từ ý tưởng trên giấy đến thành phẩm thật sự như một trời một vực. Mình đã phải học hỏi rất nhiều để có thể quản lý thời gian, quản lý nhân sự, tối ưu chi phí nhất là khi phải thực hiện ngoại cảnh. Một số khó khăn về mặt ngân sách lại càng khiến mình quyết tâm phải hoàn thành cho bằng được sản phẩm ấy. Những cảm xúc như thế khiến mình muốn lại được trải nghiệm con đường làm sản xuất phim.
VẬY CÔNG VIỆC HIỆN TẠI CỦA LAM NHI CÓ PHẢI CŨNG THUỘC MẢNG SẢN XUẤT PHIM?
Chà, thật ra công việc hiện tại của mình hầu như không liên quan đến ngành đã học. Hiện tại mình đang làm trong mảng social media, với nhiệm vụ chính là xây dựng cộng đồng mạng xã hội và giữ nó phát triển bền vững. Nó khá khác với định hướng mình đã chia sẻ.
VẬY VIỆC HỌC Ở ARENA CÓ BỔ TRỢ NHIỀU CHO BẠN TRONG CÔNG VIỆC NÀY KHÔNG?
Tất nhiên là hữu ích về nhiều mặt. Khi học ở Arena mình cảm thấy bản thân được rèn luyện trở thành một con người rất đa nhiệm, có thể làm tất cả mọi thứ. Có thể nói quá trình học tập đã cho mình một vị trí linh hoạt trong thị trường lao động.
Ngoài ra, mình đến với công việc hiện tại nhằm mục đích chính là trải nghiệm. Sau này mình còn muốn thử những lĩnh vực khác nữa. Mỹ thuật Đa phương tiện hiện diện ở khắp nơi trong đời sống, nên cho dù làm về social hay marketing hay thiết kế thì kiến thức học được vẫn sẽ có chỗ hữu dụng.
TRONG TƯƠNG LAI NHI CÓ DỰ ĐỊNH CHUYỂN HƯỚNG KHÔNG HAY SẼ GẮN BÓ VỚI CÔNG VIỆC HIỆN TẠI?
Công việc bây giờ của mình rất thú vị, và mình rất vui vì học được nhiều điều từ nó. Còn như đã chia sẻ trong tương lai nếu có cơ hội mình mong muốn được làm việc ở một production house. Lúc ấy công việc hẳn sẽ trực tiếp liên quan đến ngành học nhiều hơn và bản thân mình đã có kiến thức nền sẵn nên hy vọng sẽ không quá khó khăn để phát triển thêm.
TẠM KẾT
Dẫu không ít người vẫn còn nghi ngại “học một ngành, làm nhiều nghề” là điều bất khả, Hồ Ngọc Lam Nhi chính là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ sáng tạo trẻ đa nhiệm, linh hoạt, sẵn sàng xông pha vào mọi địa hạt để khám phá, chứng tỏ và định hình bản thân. Social media, thiết kế, sản xuất, giảng viên, có quá nhiều thứ Lam Nhi muốn làm và có thể làm. Tin rằng với tinh thần lạc quan và nguồn năng lượng dồi dào, Arena Face 2022 của chúng ta sẽ tiếp tục chinh phục mọi nẻo đường bạn muốn, khám phá mọi ngóc ngách bạn tò mò, và luôn toả sáng trên hành trình thách thức giới hạn bản thân.
Cảm ơn Lam Nhi vì câu chuyện truyền cảm hứng và chúc bạn thật nhiều thành công trong sự nghiệp và cuộc sống.
Bài viết: Thủy Lê – Lưu Ly
Hình ảnh: TMT
Video: Phát Loa Phường – Minh Tân
Thiết kế: olianji
HỆ THỐNG ĐÀO TẠO THIẾT KẾ, KỸ XẢO 3D & GAME - ARENA MULTIMEDIA
TP.HCM
HÀ NỘI