Hà Nội từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của những người đam mê hoạt động nghệ thuật. Hà Nội chỉ có một nhưng sao người ta lại có thể sáng tạo không ngừng về nó? Chỉ một từ để giải thích thôi, “chất” của Hà Nội – đáp án thỏa mãn cho nhiều câu hỏi.
Đã từng có nhiều cuộc thi tìm hiểu, khai thác về vẻ đẹp Hà Nội nhưng một cuộc thi khám phá những nét tinh tế về Hà Nội trong đúng dịp lễ kỉ niệm 60 năm giải phóng thủ đô thì chắc chỉ có “CHẤT Hà Nội”. Với một đề bài xoay quanh vấn đề “Người và Phố” của “chất” Hà Nội – một khái niệm trừu tượng, một từ khó định hình, khó chạm tới – thì không gian sáng tạo là không ngừng.
Hội tụ những cảm hứng bất tận
Tại “CHẤT Hà Nội” các bạn trẻ có thể thỏa sức phô bày cảm nhận về Hà Nội của mình một cách độc đáo nhất. Chính nhạc sĩ Đỗ Bảo – đại sứ cuộc thi cũng tin rằng “Chất Hà Nội của những tác phẩm dự thi sẽ thể hiện nhiều góc nhìn hay quan điểm sinh động khác nhau, những phát hiện bất ngờ về Người Hà Nội, Phố Hà Nội”.
“Chất” Hà Nội là của riêng Hà Nội, không gì có thể xóa mờ điều đó nhưng khi cái “chất” đó được gột rửa qua góc nhìn sáng tạo của thế hệ trẻ thì nó sẽ mang một hình ảnh khác biệt, một hình ảnh nhuốm đậm màu sắc cá nhân, thật khác biệt.
Nhạc sĩ Đỗ Bảo – Đại sứ cuộc thi
Sáng tạo ở chính bạn
Chất Hà Nội là Hồ Gươm, tháp Rùa, phố cổ, âm thanh đường phố, xe cộ… điều đó đúng nhưng chưa thật sự sáng tạo. Vậy nên các bạn đừng quên rằng “Còn một Hà Nội của chúng ta nữa… Những phát hiện bất ngờ về Người Hà Nội, Phố Hà Nội. Sự sáng tạo cho phép chúng ta cơ hội trải nghiệm suy tư, nhìn ngắm lại cuộc sống quanh mình một lần nữa, nhiều lần nữa, đến độ ta phát hiện ra những khía cạnh lý thú và tự nhiên ta sẽ đưa nó thể hiện trong tác phẩm” – nhạc sĩ Đỗ Bảo tâm sự.
“Chất” Hà Nội xuất hiện ở khắp nơi, tồn tại trong từng góc nhỏ, vấn đề là bạn có tìm được và thể hiện nó trong tác phẩm của mình hay không mà thôi. Đôi khi đơn giản chỉ là một bài hát “Gió mùa về”, một cốc trà chanh, một bức tường nham nhở, một góc phố tối đèn hay những tấm người lam lũ… cũng đủ cho ta thấy hơi hướng của “chất” Hà Nội.
“Người và Phố” chính là chất, làm nên “chất” và duy trì cái “chất” đó và chất thì phải có nét riêng, phải ấp ủ từ một ý tưởng, một dự định chưa chính thức hoàn thiện. Nghệ sĩ Nhân dân Hà Bắc – Trưởng Ban giám khảo (BGK) – khẳng định “tác phẩm chưa làm mới là tác phẩm đẹp nhất”, điều đó khẳng định “cái tôi” của mỗi tác giả khi gửi gắm bản thân vào tác phẩm của mình và gợi mở những hướng đi mới cho các thí sinh khi tìm đến cuộc thi “CHẤT Hà Nội”.
NSND Hà Bắc – Trưởng Ban giám khảo
Đó cũng là lí do mà họa sĩ Trịnh Tuân – giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, đại diện BGK – chia sẻ về cách sáng tác của mình về Hà Nội “Qua những tác phẩm của mình tôi thường gửi gắm, nhắn nhủ chất Hà Nội một cách rất nhẹ, bình thường và giản dị chính vì vậy nên người xem mới cảm nhận được dài hơn, sâu hơn. Vì vậy cuộc thi cũng cần phải có những tác phẩm thật nhẹ nhàng, sâu sắc, có sự kết hợp của yếu tố âm thanh – hình ảnh để Hà Nội được tái hiện toàn diện hơn”.
Họa sĩ Trịnh Tuân – Thành viên BGK
“CHẤT Hà Nội” – sự dung hòa “Nghệ thuật và cuộc sống”
“CHẤT Hà Nội” không đơn thuần chỉ là một cuộc thi sáng tác, một sân chơi sáng tạo mà chúng ta cần có trách nhiệm với sản phẩm mình tạo ra. Cần phải tạo cho những đứa con tinh thần ấy một chỗ đứng vững chắc, biến nó trở nên hữu ích và có ý nghĩa hơn.
Ngay từ khi còn phôi thai ý tưởng, BTC cuộc thi đã khẳng định mục đích chính của cuộc thi là “Sử dụng thiết kế và các công cụ truyền thông đa phương tiện (multimedia) để góp phần giữ gìn, quảng bá văn hóa. Công chúng có thể ý thức, thẩm thấu được giá trị văn hóa nếu điều đó được thể hiện tốt, truyền thông tốt thông qua những thiết kế, bức vẽ, tấm hình hay thước phim ấn tượng, có tính thuyết phục cao.
Cuộc thi sẽ tạo nên một Hà Nội thu nhỏ với đủ tốt, xấu, cũ, mới một cách chắt lọc nhất, nhưng lại đa dạng nhất. Cuộc thi tôn trọng cảm nhận riêng của tác giả. Mọi sự vật, hiện tượng, con người nơi đây sẽ được hiện lên sinh động với cách thể hiện đa dạng: Nhiếp ảnh, Thiết kế Đồ họa, Vẽ, Phim ngắn” – ông Đinh Trí Dũng – Giám đốc trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia.
“Chất” Hà Nội sẽ có cả cái tốt, cái xấu. Tôn vinh được nét đẹp thì người chụp sẽ tự hào và tạo nên được hiệu ứng cỗ vũ mọi người hành động tốt, chỉ ra được điều xấu thì người bị chụp sẽ tự thấy hổ thẹn mà nhìn lại bản thân – đó cũng là một góc chia sẻ của anh Vũ Anh Long – đại diện dự án “Hà Nội đẹp và chưa đẹp” tại buổi họp báo công bố cuộc thi “CHẤT Hà Nội.
Hà Nội qua tranh vẽ – (Ảnh sưu tầm)
“Chất” Hà Nội nếu đã trừu tượng như vậy thì làm sao có thể biến nó trở thành sản phẩm hiện thực có giá trị hữu hình? Điều này sẽ gây tò mò cho nhưng ai quan tâm đến cuộc thi, với những “cái thú” mà cuộc thi đem lại, hi vọng rằng các thí sinh sẽ tạo nên thật nhiều tác phẩm bất ngờ thật ấn tượng với BTC, mang được “chất” Hà Nội vào thực tế để ai ai cũng có cơ hội được chiêm ngưỡng.