“Vẽ và Nhiếp ảnh – Hơi thở cuộc sống” – Workshop Skill Up đầu tiên nằm trong khuôn khổ cuộc thi Show It NOW 2022 đã được lên sóng vào ngày 10.9 vừa qua với sự góp mặt của bộ ba khách mời: Thạc sĩ Vũ Anh Đức – Giám đốc Đào tạo Arena Multimedia, Họa sĩ Phạm Rồng – Giám khảo hạng mục Vẽ và Nhiếp ảnh gia Khánh Phan – Giám khảo hạng mục Nhiếp ảnh
Với mục tiêu giúp các bạn trẻ yêu thích nghệ thuật nói chung và các thí sinh tham gia cuộc thi Show It NOW nói riêng có thêm kiến thức lẫn kỹ năng để tự tin hơn trong quá trình sáng tạo, Workshop này là một chuỗi chia sẻ bổ ích của ba vị khách mời về cách đưa chất liệu cuộc sống vào tác phẩm để truyền tải thông điệp đến người xem hiệu quả. Trong lúc chờ đợi Workshop Skill Up thứ hai nằm trong khuôn khổ Show It NOW được diễn ra, ta hãy cùng điểm lại những khoảnh khắc đáng nhớ của Workshop Skill Up thứ nhất.
Mối tương quan của nghệ thuật và đời sống
Nghệ thuật và cuộc sống vốn có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu cuộc sống là kho tàng chất liệu vô hạn cho các nghệ sĩ sáng tạo thì sản phẩm nghệ thuật lại giống như tấm gương phản chiếu sinh động nhịp sống đó. Giống như Thạc sĩ Vũ Anh Đức – Trưởng ban Giám khảo cuộc thi Show It Now đã chia sẻ trong buổi Workshop: “Tất cả tác phẩm nghệ thuật thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào bản sắc dân tộc. Nếu tác phẩm của bạn vừa đẹp, lại vừa ẩn chứa thông điệp ý nghĩa thì nó sẽ càng lan tỏa và làm rung động trái tim người xem. Đó mới là một tác phẩm hay và giá trị.”
Đồng tình với quan điểm trên, nhiếp ảnh gia Khánh Phan – Giám khảo hạng mục Nhiếp Ảnh cũng cho biết thêm: “Việt Nam là một trong những quốc gia Châu Á có chất liệu văn hóa đa sắc màu. Chúng ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc mang đến những sắc màu rất riêng, sự khác biệt vùng miền đó chính là chất liệu tuyệt vời.” Sau nhiều năm cầm máy rong ruổi khắp mọi miền trên giải đất hình chữ S, theo chị, thành công của nhiếp ảnh là mang những khoảnh khắc đời thường vào tác phẩm để phục vụ cuộc sống: “Nhiếp ảnh là mọi hoạt động thường ngày. Siêu phẩm không ở đâu xa, nó ở ngay bên cạnh bạn, quan trọng là bạn có nhìn ra hay không.”
Vốn nổi tiếng với những bộ tranh minh họa mang đậm hơi thở văn hóa, Họa sĩ Phạm Rồng – Giám khảo hạng mục Vẽ cho biết: “Một trong những ưu điểm khi sáng tạo tác phẩm từ văn hóa Việt Nam chính là chúng ta hiểu về nó nên sẽ có những góc nhìn rất riêng biệt. Chính những điều gần gũi, giản đơn đó lại chính là điểm nhấn khiến bạn bè quốc tế trầm trồ, mỗi người có một câu chuyện văn hóa khác nhau, lúc đó bản sắc của chúng ta sẽ thực sự tỏa sáng.”
Làm cách nào để săn tìm những khoảnh khắc đắt giá?
Khoảnh khắc giống như một cái chớp mắt, trôi qua nhanh chóng và hiếm khi lặp lại nhưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với tất cả các loại hình nghệ thuật. Đối với nhiếp ảnh gia Khánh Phan: “Khoảnh khắc là cái giá trị nhất trong một bức ảnh, tự bức ảnh thể hiện khoảnh khắc, đưa lại cho người xem những cảm xúc nhất định thì đó là một tác phẩm thành công.” Vậy làm sao để bắt được khoảnh khắc? Vị giám khảo khuyên các bạn trẻ thay vì hình dung quá to tát về nó thì hãy sống chậm hơn để có thời gian nhìn ngắm, lắng nghe, cảm nhận và suy nghĩ bởi khoảnh khắc hiện diện hằng ngày xung quanh các bạn. Tuy nhiên, để bắt được khoảnh khắc đắt giá, các bạn phải chú ý đến ba yếu tố: Ánh sáng, bố cục, màu sắc.
“Một bức ảnh có bố cục đẹp sẽ tạo nhiều cảm hứng cho khán giả. Đôi khi màu sắc chưa tốt hoặc ánh sáng chưa đẹp nhưng bố cục chuẩn, lạ, thu hút thì cũng có thể xem là đã thành công. Ngược lại, ánh sáng được xem như linh hồn bức ảnh. Đôi khi các bức ảnh mất bố cục nhưng ánh sáng hài hòa vẫn có thể mang đến nhiều trải nghiệm cảm xúc cho người xem. Dĩ nhiên nếu bạn dung hòa được cả ba yếu tố trên thì bức ảnh của bạn sẽ tiến rất xa.” Cô cũng bật mí rằng, bản thân thường bị thu hút bởi những tác phẩm dựa trên chất liệu đời sống để tạo ra một concept trong studio sử dụng ánh sáng, bố cục, màu sắc mang hơi thở của Việt Nam, đó là điều hết sức tuyệt vời mà không phải ai cũng làm được.
Bằng những câu chuyện rất thực tế, họa sĩ Phạm Rồng lại giúp các bạn trẻ hình dung rõ hơn về cách mà anh vẫn săn tìm khoảnh khắc vô giá khi ký họa tại chỗ: “Đi qua nơi nào đó hay ho, thay vì chụp hình, mình thường nấn ná lại không gian ấy lâu một chút, vài tiếng đồng hồ hoặc có thể là cả ngày để chờ đợi từng giây phút tuyệt vời nhất.” Anh kết luận, khoảnh khắc càng đắt giá, góc nhìn của người sáng tạo ra nó càng quan trọng. “Tôi nghĩ điều quyết định không phải nằm ở yếu tố bên ngoài, mà nó cần đến từ bên trong của người sáng tác, cách bạn quan sát đối tượng đó và cảm xúc mà bạn có được từ nó là gì. Một bức tranh chân thực bao giờ cũng tác động mạnh mẽ đến người xem.”
Đồng hành và hướng dẫn cho rất nhiều thế hệ Arena Multimedia thành công gia nhập ngành công nghiệp sáng tạo, Thạc sĩ Vũ Anh Đức cũng bày tỏ quan điểm về việc làm sao để thể hiện tốt những khoảnh khắc trong tác phẩm: “Trong quá trình đào tạo, chúng tôi luôn hướng các học viên làm dày tri thức sống – nền tảng cốt lõi của tất cả mọi hoạt động sáng tạo. Các bạn phải có những trải nghiệm cụ thể, thì mới có chất liệu, cảm hứng để sáng tạo ra một tác phẩm chạm đến người thưởng thức.”
Lời khuyên của ba vị chuyên gia trong quá trình sáng tạo nghệ thuật
Khuyến khích các bạn trẻ đưa văn hóa vào tác phẩm sáng tạo, nhiếp ảnh gia Khánh Phan cũng không quên lưu ý: “Văn hóa là cội nguồn gốc rễ, vì vậy chúng ta không được phép làm sai hay xuyên tạc nó. Bạn muốn chụp cái gì thì phải trò chuyện, hiểu về truyền thống, tập tục, ý nghĩa đằng sau đó. Muốn đi vào chiều sâu văn hóa cần rất nhiều thời gian để tìm hiểu kiến thức và kiên trì cảm nhận. Cảm nhận để thấy rõ tình yêu của người làm văn hóa, sau đó là khám phá lịch sử chất liệu, luôn tự đặt ra câu hỏi: Văn hóa lịch sử bắt đầu từ đâu? Tóm lại, muốn sáng tạo bất kể cái gì từ văn hóa thì phải làm cho đúng, chỉ khi đó, những tác phẩm nghệ thuật mới có giá trị đích thực.”
Họa sĩ Phạm Rồng lại đưa ra lời khuyên thiết thực về cách tìm kiếm nguồn cảm hứng sáng tạo: “Thông thường, tôi sẽ tìm kiếm những bản ký họa cũ, lang thang hàng giờ trên internet hoặc đi ra ngoài nhìn ngắm phố phường để tìm kiếm một chủ đề cho bản thân. Sau khi đã có được ý tưởng thô, hãy đào sâu suy nghĩ để biến nó thành cảm nhận mang màu sắc cá nhân. Từ đó phác thảo thật nhiều, bạn đừng sợ nếu ban đầu bản phác thảo của mình giống những tác phẩm đã tham khảo, vì từ lần thứ năm, thứ sáu trở đi, Rồng tin rằng nó sẽ mang màu sắc của riêng bạn. Càng làm nhiều, chúng ta sẽ càng có những góc nhìn mới.”
Trưởng ban giám khảo Show It NOW 2022 – Thạc sĩ Vũ Anh Đức thẳng thắn đưa ra lời khuyên với những thí sinh muốn tham gia cuộc thi nói riêng và các bạn trẻ mong muốn theo đuổi ngành Multimedia Design nói chung: “Quan trọng nhất trong sáng tạo và tư duy thẩm mỹ là các bạn phải biết giới hạn. Đôi lúc sử dụng màu quá tươi hoặc quá tối cũng có thể làm hỏng bức ảnh. Vì vậy, bạn cần phải hiểu rõ bạn cần gì, muốn gì thì mới thổi hồn vào tác phẩm được.
Kết
Nghệ thuật và cuộc sống có một mối quan hệ đặc biệt mà phải tự mình trải nghiệm bạn mới có thể tìm thấy sợi dây liên kết giữa chúng. Nhưng trước khi có câu trả lời cho điều này, đội ngũ chuyên gia đến từ Show It NOW 2022 cho rằng: Hãy luôn sáng tạo và làm nghệ thuật với một tâm hồn rộng mở, một trái tim thành thật. Đúng với tinh thần mang đến nhiều trải nghiệm mới mẻ, chúng tôi tích cực tin rằng các bạn trẻ đã thu thập được nhiều kiến thức hay ho trên hành trình tạo ra những tác phẩm mang giá trị nhân văn.
Show It NOW là cuộc thi sáng tạo nghệ thuật thường niên do Arena Multimedia tổ chức. Nơi đây ghi nhận những tài năng trẻ không chuyên cùng tranh tài ở bốn hạng mục: Vẽ – Nhiếp ảnh – Thiết kế và Video để từ đó phát hiện, bồi dưỡng và giúp những hạt giống tiềm năng của ngành Multimedia Design phát triển. Mang theo uy tín cùng những thông điệp tích cực được lan tỏa qua từng năm, Show It NOW 2022 đã quay trở lại cùng chủ đề “Việt Nam: Hương – Vị – Sắc”. Với tổng giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng, cơ hội đang chia đều cho tất cả các thí sinh. Nếu bạn muốn khẳng định tài năng và mang vẻ đẹp Việt Nam giới thiệu rộng rãi đến công chúng, thì hãy cùng chúng tôi Show It NOW ngay hôm nay! Gửi tác phẩm dự thi TẠI ĐÂY |