Đi qua tuổi thơ bằng những nét vẽ ngô nghê, tôi lớn lên trong sự khó nhọc của gia đình và tình yêu của mẹ. Từ khi biết cầm bút, mẹ đã cho tôi nét chữ đầu đời bằng những cái khẽ tay thật đau. Và điều tưởng chừng như đơn giản ấy lại trở thành một bài học, theo tôi suốt con đường theo đuổi đam mê.
Mơ ước của một thằng bé thích vẽ là được vẽ. Ngày ấy, tôi được mọi người biết đến là một nhành cọ non. Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày gắn bó với cọ màu và chì sáp. Tôi quan sát cuộc sống bằng đôi mắt ngây thơ và rất đổi hồn nhiên. Tôi vẽ cánh diều với những mơ ước được chấp cánh bay xa. Tôi vẽ cánh đồng vì nơi đó có màu xanh của lúa và sắc vàng của ngày hè oi ả…Tôi vẽ quê hương tôi vì tôi yêu nó… Dường như những bức tranh đầy màu sắc khi ấy cũng là kí ức tâm hồn trong tôi, đẹp và thanh bình.
Cầm bút đã lâu, tôi chỉ vẽ, đã bao giờ tôi biết viết. Năm vào lớp một, tôi bắt đầu làm quen với con chữ, câu chuyện đặc biệt của tôi cũng bắt đầu từ đó. Cô – người mẹ thứ 2 – xuất hiện như một nhân vật huyền thoại trong những câu chuyện thần tiên. Bài học đầu tiên tôi học là bài học cầm bút. Cô đến cầm tay từng bé ân cần và nhẫn nại. Đến lượt tôi, trong khi bạn bè học rất nhanh và cầm bút rất đúng thì nó lại là điều quá sức xa xỉ đối với tôi. Cô bảo thế nào, cầm tay tôi bao lâu thì tôi vẫn không thể cầm đúng cách. Vì đơn giản là tôi đã quen cách cầm bút khi vẽ từ trước đó rất lâu rồi.
Lúc đầu cô dịu , dụ ngọt tôi:
“Này con ngoan, cầm bút đúng sẽ được thưởng như các bạn”
Sau đó cô lại nhẫn nại với tôi:
“Con cầm bút như thế là không đúng, viết chữ sẽ không đẹp và chậm, sẽ không theo kịp các bạn”
Nhưng mọi thứ dường như không thay đổi được gì. Rồi cô cũng tỏ ra khó chịu với tôi:
“ Con không cầm bút đúng cô sẽ phạt và báo cho phụ huynh”
Tôi sợ, muốn khóc, cũng muốn thay đổi lắm nhưng cô đâu biết điều đó với tôi gần như là không thể.
Rồi thế là câu chuyện cầm bút cũng đến tai mẹ tôi.
Những ngày sau đó là chuỗi ngày bế tắc. Mẹ dạy tôi cách cầm bút trở lại, đương nhiên là nghiêm khắc hơn cô. Những giờ xem hoạt hình bị cắt bỏ, thay vào đó là những giờ tập viết. Mỗi lần cầm bút sai đồng nghĩa với một cái khẽ thật đau vào tay. Kí ức tuổi thơ đau đớn của tôi là đây. Tôi đã cố gắng để sửa nhưng chỉ cần cầm theo cách mà cô dạy thì tay tôi sẽ không có sức và chữ sẽ nguệch ngoạc như gà bới. Khi đó còn bị khẽ tay nhiều hơn…Mẹ thì lúc cứng lúc mềm với tôi. Trong một lần mẹ bảo tôi:
“Con à! Nét chữ Nết người, cầm bút đúng và viết chữ đẹp con sẽ là người trưởng thành sau này. Mọi người sẽ đánh giá con người qua nét chữ của con”. Câu nói ấy in sâu trong đầu tôi cho đến bây giờ.
Với nỗ lực thay đổi, cùng với sự động viên của mẹ và cô sau bao nhiêu ngày tháng, thì cuối cùng tôi vẫn không thể thay đổi được cách cầm bút. Nhưng thay vào đó tôi lại viết chữ đẹp hơn rất nhiều, bằng cách cầm bút của riêng tôi. Mẹ và cô cũng đành chịu thua…
Nhiều năm sau đó, cô đã không còn dạy tôi nữa, và giờ cô cũng đã về hưu, khi gặp lại tôi, cô vẫn không quên nhắc lại câu chuyện đặc biệt của cậu học trò đặc biệt của cô như tôi. Sau này, tôi đoạt khá nhiều giải thưởng nhờ vào nét chữ và nét vẽ của mình. Đó là thành quả của đam mê, mà lớn nhất là tình yêu và nỗi trăn trở của người lớn về tương lai của con từ những điều tưởng chừng như nhỏ bé và đơn giản nhất. Nếu ngày ấy cô và mẹ không dạy tôi biết sự quan trọng của nét chữ thì chắc tôi sẽ không được như ngày hôm nay.
Hiện tại, tôi sắp bước vào con đường lập nghiệp. Con đường một kiến trúc sư đang đi, luôn mang lại cái đẹp cho người khác. Bài học về “nét chữ – nết người”, tôi luôn đặt một góc rất cao quí trong tim như một lời nhắc nhở về cái tâm đối với nghề và với cuộc sống. Nhà thiết kế có đam mê, có trăn trở với tác phẩm của mình thì mới nhận được nụ cười thiện cảm từ khách hàng. Và đó mới là thành công. Mới xứng đáng là người trưởng thành mà mẹ tôi luôn mong mỏi… Tôi yêu mẹ của tôi.
————————-Câu chuyện của bạn Trịnh Hiếu Hiền tham dự cuộc thi Chắp cánh Đam mê (www.arena-multimedia.vn/chapcanhdamme/)Sinh ngày 4/7/1992Sinh viên Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh