Thiết kế hiện đại ngày càng đề cao tính thẩm mỹ và khả năng khơi gợi cảm xúc nơi người xem. Do đó, khái niệm Emotional Design nổi lên như yếu tố bắt buộc trong thiết kế, trở thành phương thức gắn kết người dùng với thương hiệu nhờ khả năng nắm bắt và thấu hiểu vấn đề. Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu định nghĩa cơ bản về Emotional Design và cách thức truyền tải cảm xúc vào trong thiết kế.
Định nghĩa Emotional Design
Emotional Design (Thiết kế cảm xúc) không phải là một phong cách cụ thể như Brutalism (chủ nghĩa thô mộc) hay phong cách Memphis Design – nổi tiếng với việc ứng dụng hoạ tiết hình học và gam màu neon tươi sáng. Đúng hơn, đây là khái niệm nhấn mạnh vào khả năng của thiết kế có thể gợi nên cảm xúc cụ thể nơi người xem.
Ảnh: Akna Marquez
Có thể hiểu, Emotional Design là bất kỳ thiết kế nào cố gắng tạo ra những phản ứng cảm xúc cho người thưởng thức. Đây là nguyên nhân lý giải cho việc hai thiết kế sở hữu phong cách khác nhau vẫn được xếp vào danh sách các tác phẩm Emotional Design.
Mục đích chính của Emotional Design là tạo ra liên kết tích cực đối với sản phẩm. Điều này được thực hiện bằng cách gợi lên cảm xúc tích cực như niềm vui, quyền lực hoặc tạo ra cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, bất mãn. Sau đó, kết thúc bằng lời hứa hẹn rằng sản phẩm sẽ giúp thúc đẩy sự tích cực hoặc giảm bớt sự tiêu cực.
3 cấp độ của Emotional Design
Giám đốc The Design Lab, Đại học California kiêm tác giả quyển sách The Design of Everyday Things – Donald Norman đã tiến hành nhiều nghiên cứu sâu rộng về khái niệm Emotional Design. Thông qua nghiên cứu, Norman xác định ba loại phản ứng nhận thức mà người xem thường có đối với thiết kế của một sản phẩm.
Ảnh: Medium
- Nội tại (Visceral): phân tích tình huống và đưa ra phản ứng tức thì đối với thiết kế.
- Hành vi (Behavioral): không chỉ phân tích tình huống, đưa ra phản ứng tức thì với thiết kế mà còn điều chỉnh hành vi cho phù hợp.
- Phản xạ (Reflective): đánh giá có ý thức của người xem về tính hữu ích và giá trị của thiết kế.
6 cách thức ứng dụng Emotional Design
Để sử dụng Emotional Design một cách hiệu quả, cần ghi nhớ nguyên tắc về 3 cấp độ thiết kế của Donald Norman khi xây dựng bộ nhận diện thương hiệu (Brand Identity). Thiết kế của bạn phải gợi lên phản ứng cảm xúc ngay tức thì từ người xem; đồng thời, cho thấy những lợi ích mà sản phẩm thiết kế có thể cung cấp. Bằng cách này, não bộ của người xem sẽ nắm bắt được cảm xúc và bắt đầu xác định rằng thiết kế đấy liệu có thực sự mang lại giá trị cho họ hay không?
Trong quá trình sáng tạo nên các bản thiết kế Emotional Design, cần lưu ý 6 cách thức sau đây:
1. Thấu hiểu mong muốn cơ bản của khách hàng
Bởi lẽ, tất cả chúng ta đều mong muốn cảm giác an toàn và tiền có thể trở thành phương tiện giúp đảm bảo sự an toàn cho cuộc sống. Do đó, để quảng cáo của một ứng dụng đầu tư đạt được hiệu quả, thương hiệu cần phải nắm bắt chính xác nhu cầu cảm xúc của khách hàng về sự an toàn và ổn định. Đây chính là khả năng mà thiết kế có thể liên kết trực tiếp lợi ích sản phẩm với nhu cầu cơ bản của người dùng.
Trên thực tế, khi ai đó bắt gặp quảng cáo dành cho ứng dụng đầu tư, ngay lập tức họ đã có suy nghĩ về việc phải đầu tư. Tuy nhiên, suy nghĩ này có gốc rễ sâu xa hơn so với hành động tải xuống một ứng dụng.
Thiết kế gắn liền với nhu cầu của khách hàng về thực phẩm thiên nhiên
Ảnh: 99designs, thiết kế bởi Agi Amri
Tương tự, khi thiết kế tài liệu tiếp thị (Marketing Materials) và tài sản thương hiệu (Brand Asset), hãy tập trung vào những gì mà thương hiệu đang thật sự cung cấp. Nếu đó là một nhà hàng, cần ghi nhớ rằng nhà hàng không chỉ sở hữu bảng thực đơn đẹp mắt hay một địa điểm thoáng đãng mà đây là địa chỉ phục vụ các món ăn ngon.
Một quảng cáo thành công cần phải đi sâu vào cốt lõi tinh thần của mỗi người. Trên thực tế, đời sống tinh thần và cảm xúc con người là khái niệm phức tạp. Để hiểu rõ hơn về điều này, chúng ta có thể tìm hiểu ví dụ về quảng cáo xe hơi hạng sang, hầu hết quảng cáo đều khai thác vào khao khát mong muốn địa vị xã hội của mỗi cá nhân. Đây là tâm lý bình thường của con người dựa trên các nghiên cứu khoa học về lý thuyết 3 não.
Theo đó, mặc dù trải qua hành trình tiến hóa bao xa, con người sẽ luôn mang trong mình những cấu trúc não bộ thời tiền sử. Đấy là nền tảng giúp thương hiệu đưa ra phán đoán về cách thức phản ứng của khách hàng với các sản phẩm thiết kế Emotional Design.
2. Sáng tạo linh vật thương hiệu
Đối với việc sáng tạo linh vật thương hiệu, điều này không nhất thiết phải có. Tuy nhiên, linh vật thương hiệu sẽ tạo cho khách hàng sự gần gũi, như thể họ đang tương tác với người thật chứ không phải một công ty vô danh. Bằng cách này, thương hiệu đã tạo ra mối tương tác hai chiều với người dùng – một ai đó quan tâm đến họ và họ phải chăm sóc người đó.
Ảnh: 99designs, thiết kế bởi Vladimir Nikolic
Tham gia vào quá trình thiết kế bằng một nhân vật cụ thể, nghĩa là duy trì sự thấu hiểu tính cách thương hiệu thông qua mọi điểm chạm với khách hàng. Như vậy, bất kỳ phương thức truyền thông nào: website, email, ad, v.v… đều có sự xuất hiện của nhân vật này.
3. Tạo cho khách hàng cảm giác sở hữu
Mọi người thường cảm giác gắn bó với những gì mà bản thân có một phần sở hữu. Do đó, thương hiệu sẽ tìm kiếm cách thức giúp khách hàng cảm nhận rằng họ là một phần của thương hiệu.
- Cung cấp cho khách hàng biệt danh độc đáo, khiến họ trở nên nổi bật giữa đám đông.
- Đáp ứng những dịch vụ cao cấp.
- Tạo cho khách hàng dễ dàng nhận thấy sự tương đồng của bản thân với thương hiệu.
4. Kể chuyện trong thiết kế
Thế nào là một câu chuyện hay? Đó phải là câu chuyện khơi gợi cảm xúc trong lòng người đọc. Trở thành người kể chuyện chuyên nghiệp là một trong những phương pháp góp phần xây dựng phong cách thiết kế Emotional Design cho thương hiệu.
Nổi bật, Airbnb là doanh nghiệp thường xuyên đưa câu chuyện vào mọi hoạt động tuyên truyền. Chiến dịch Belong Anywhere quyên góp hơn 1 triệu USD cho người tị nạn thông qua loạt mẩu chuyện truyền cảm hứng từ cộng đồng Airbnb. Thương hiệu đã tận dụng một trong những tài sản giá trị nhất mà họ sở hữu, đó là trải nghiệm độc đáo và các câu chuyện của cộng đồng Airbnb toàn cầu.
Giao diện tổng quan loạt thiết kế truyền tải câu chuyện thương hiệu của Airbnb toàn cầu
Ảnh: 99designs
Bằng cách sử dụng hình ảnh thiết kế ấm áp với nụ cười làm chủ đạo, nhiều người xuất hiện trong thiết kế từng tham gia vào các chiến dịch sáng tạo hoặc hoạt động giàu ý nghĩa. Thông qua loạt hình ảnh này, Airbnb sử dụng quan điểm thẩm mỹ tối giản mà thương hiệu hướng đến để đảm bảo sự nhất quán và liên kết trong tất cả trang thông tin mà họ sở hữu.
Trong thiết kế, bạn có thể ứng dụng cách kể chuyện tương tự Airbnb. Hãy tự đặt câu hỏi rằng thương hiệu của bạn cung cấp những gì? Bạn cung cấp chúng như thế nào? Đó có thể là câu chuyện đơn giản về công ty thông qua các thiết kế giàu cảm xúc, một trang “Our Mission” với thiết kế độc đáo, sâu sắc về sứ mệnh mà thương hiệu truyền tải hay những thiết kế làm nổi bật dòng feedback từ khách hàng khi trải nghiệm dịch vụ của doanh nghiệp. Những kiểu thiết kế này sẽ định hình cách nhìn nhận của người dùng đối với thương hiệu, cho phép họ trở thành một phần của câu chuyện bằng cách tương tác cùng thương hiệu.
Ngoài ra, câu chuyện trong thiết kế không nhất thiết chỉ được kể dưới dạng tuyến tính, chúng có thể xuất hiện dưới nhiều định dạng như thơ ca, tranh minh họa trừu tượng, hoạt hình, v.v… Infographic (Đồ họa thông tin) là phương án tối ưu nhất giúp câu chuyện mà bạn truyền tải trở nên trực quan hơn.
Thiết kế của Careative
Ảnh: 99designs
Hãy tập trung vào thiết kế của Cacreative, không giống những câu chuyện truyền thống, bản thiết kế trông như một ấn phẩm báo chí. Tuy nhiên, nó đã đạt được hiệu quả khơi gợi phản ứng cảm xúc nơi người xem.
Cần xem kể chuyện trong thiết kế tương tự việc chia sẻ những câu chuyện đời thường nhằm tạo ra cảm xúc và thúc đẩy hành động nào đó. Dù lựa chọn phương thức kể chuyện nào, tất cả đều phụ thuộc vào người thiết kế và thương hiệu.
5. Chú tâm vào chi tiết nhỏ
Lỗi truy vấn trình duyệt 404 không phải là sự việc hiếm gặp trong kỷ nguyên Internet và hầu hết sẽ tạo ra trải nghiệm đáng quên. Tuy nhiên, các thương hiệu hiện nay ngày càng chú trọng vào cách tạo ra các trải nghiệm phong phú, độc đáo cho người dùng thông qua thiết kế. Bằng việc chú ý đến chi tiết của trang thông báo lỗi như màu sắc, hình ảnh, logo doanh nghiệp, phương thức liên hệ, v.v… Thương hiệu sẽ tạo ra những phản ứng tích cực, kết nối gần hơn với khách hàng.
Thiết kế giao diện lỗi 404
Ảnh: 99designs
6. Chia sẻ phần thưởng với khách hàng
Hãy trao tặng người dùng những khoản tiền thưởng hay phần quả nhỏ để họ tương tác tốt hơn với nhãn hàng. Tồn tại nhiều phương thức trao tặng phần thưởng khác nhau, thương hiệu thể hiện sự quan tâm đến khách hàng bằng cách thêm vào đơn đặt hàng một số viên kẹo, nhãn dán hay phần quà nhỏ. Đặc biệt, cần lưu ý rằng đây không chỉ là những phần thưởng với thiết kế mang tính biểu trưng, gợi nhớ về thương hiệu mà còn bao gồm nhiều công dụng và chức năng khác.
Ảnh: 99designs
Cần một hành trình dài để khiến thương hiệu trở nên “nhân bản” hơn, bởi lẽ đây là một cách thức hữu hiệu trong việc tạo ra ngôn ngữ chung, kết nối với người dùng của riêng thương hiệu. Một phần thưởng cho khách hàng thường xuyên có thể là bất kỳ thứ gì mang đến hữu ích cho họ và giúp gợi nhớ về thương hiệu.
Tạm kết
Để trở thành Emotional Designer lành nghề, cần trải qua hành trình học tập và nghiên cứu không ngừng, từng bước nâng cao năng lực chuyên môn cũng như cảm quan nghệ thuật. Nếu bạn mong muốn thiết kế của bản thân kết nối thành công với người dùng, chúng cần phải kết nối với họ trên mọi phương diện. Emotional Designer chuyên nghiệp là người biết cách khai thác cảm xúc cũng như tâm trí khách hàng. Họ thấu hiểu chính xác lý do tại sao sản phẩm bản thân thiết kế là sự lựa chọn tốt nhất đối với người dùng. Đừng quên trau dồi thật nhiều cả về tư duy lẫn cảm xúc, luyện tập hằng ngày các kỹ năng để trở thành một Emotional Designer toàn năng, bạn nhé!
Nguồn tham khảo: 99designs
Dịch và biên soạn tiếng Việt bởi Arena Multimedia