Không chỉ riêng trẻ con thích xem phim hoạt hình, ngay cả người thầy, người bố của 2 đứa con thơ như thầy Phi Vân vẫn mãi chìm đắm với thế giới hoạt họa đầy mê hoặc. Bởi lẽ niềm yêu thích đó đã ngấm sâu vào trái tim nhiệt huyết và đôi tay thiết kế khéo léo. Thiết kế hoạt hình 3D, một đam mê cháy bỏng, một công việc nghiêm túc đã thôi thúc anh dấn thân vào ngành, bỏ quên con đường đại học nhiều người mơ ước. Hãy đến với người Thầy thú vị này qua cuộc trò chuyện sau.
Sơ lược về thầy Nguyễn Phạm Phi Vân:– Giảng viên kỳ 4 – Giảng dạy bộ môn 3D Animation tại Arena Multimedia HCM- Quản lý diễn hoạt 3D tại Digital Works Việt Nam- Director Animation cho 22 tập phim hoạt hình VN cũa nhãn hàng FristiCác sản phẩm từng tham gia: Mickey ‘s Twice Upon a Christmas, Rolie Polie Olie, Igor, Soul Sacrifice, Pupeteer, Fate stay night…
Được biết, Thầy từng tham gia rất nhiều dự án thiết kế phim hoạt hình lớn nhỏ và đã có chỗ đứng nhất định trong ngành 3D hiện nay, Thầy có thể chia sẻ quá trình phát triển nghề nghiệp của mình từ khi theo học ngành đến nay.
Tuổi thơ ai cũng thích xem phim hoạt hình, còn tôi cũng thích xem và lại thích làm. Vào năm 1996, thời điểm ngành 3D mới chớm nở tại Việt Nam, các trường đào tạo chưa có chuyên ngành về thiết kế 3D nên tôi quyết định không học Đại học mà sẽ tìm hướng đi cho riêng mình. Sau khi tham khảo ý kiến gia đình, bạn bè, thầy cô về quyết định này, hầu hết mọi người đều nói đây là một cơ hội tốt để tôi phát triển nghề nghiệp.
Vô tình thấy mẩu tin tuyển dụng của một công ty thiết kế hoạt hình 2D của Hàn Quốc, họ chỉ yêu cầu năng khiếu vẽ nên tôi nộp hồ sơ vào làm. Tại đây, tôi được đào tạo những bước căn bản đầu tiên về vẽ hoạt hình 2D.
Năm 1999, hoạt hình 2D dần thoái trào và 3D lên ngôi. Ở Việt Nam rất ít công ty sản xuất 3D do công nghệ chưa hình thành nhiều, duy chỉ có SPARX có bộ phận thiết kế 3D. Bắt đầu làm việc tại môi trường mới, với kiến thức và kinh nghiệm tích lũy, tôi dần dấn thân vào lĩnh vực thiết kế 3D đầy hứa hẹn và được tham gia vào rất nhiều dự án sản xuất phim hoạt hình của các nước Pháp, Canada, Mỹ…
Mickey ‘s Twice Upon a Christmas – Sản phẩm hoạt hình 3D có sự tham gia thiết kế của Thầy
Tác phẩm Igor đình đám, một trong những dự án thầy cộng tác tại Sparx
Nhận thấy Việt Nam có rất nhiều Artist 3D giỏi và chuyên nghiệp được các hãng phát hành nước ngoài đánh giá cao, tuy nhiên sản phẩm hoạt hình Việt Nam vẫn chưa có sự bứt phá. Thầy nhận định thị trường hoạt hình Việt Nam như thế nào?
Thị trường hoạt hình tại Việt Nam vẫn chưa được khai phá. Đây là điều trăn trở của nhiều chuyên gia trong ngành. Đã từng có những ý tưởng đầy tâm huyết, những dự án chất lượng nhưng vấn đề ở đây là kinh phí đầu tư và tầm nhìn kinh doanh.
Làm phim hoạt hình không thể thử như các thể loại khác được, cần phải có mục đích kinh doanh vì cần rất nhiều đầu tư, kinh phí. Chưa ai dám đầu tư cho một lĩnh vực không an toàn và nhiều rủi ro cả.
Phim hoạt hình được thực hiện hoàn toàn bởi các designer Việt Nam. Trong đó, Thầy nắm vai trò Director Animation.
Làm việc trong môi trường chuyên nghiệp lâu năm, Thầy nhận thấy nhu cầu tuyển dụng của họ như thế nào? Khả năng phát triển nghề nghiệp ở những môi trường lớn ra sao? Thầy học hỏi được gì từ họ?
Trong vòng 3 năm đầu, tôi phải học rất nhiều. Thậm chí đến bây giờ, làm việc tại Digital Works tôi vẫn phải học để theo kịp xu hướng và nắm bắt đúng từng phong cách diễn hoạt đặc trưng của từng nước. Đối với mỗi dự án phim khác nhau, các chuyên gia sẽ được gửi qua đào tạo để đạt được phong cách, kỹ thuật mà họ mong muốn. Ngoài ra, công ty lập ra các hạch training hoặc bản thân người thiết kế phải tự training (bằng cách xem phim chẳng hạn) phân tích phong cách diễn của nhân vật kiểu Mỹ, Nhật khác nhau như thế nào, người thông minh, kẻ thô lỗ sẽ biểu hiện ra sao tùy theo văn hóa đặc trưng của mỗi nước để từ đó tái hiện lại vào trong tác phẩm.
Từng thực hiện các dự án của các nước khác nhau, Thầy nhận thấy yếu tố mỹ thuật của họ khác nhau như thế nào? Điểm nổi bật trong mỹ thuật của họ như thế nào?
Thế giới làm phim hoạt hình thì cơ bản được chia làm 2 trường phái mang phong cách rõ rệt nhất đó là Nhật và Mỹ. Các quốc gia lân cận đều ảnh hưởng phong cách làm phim từ 2 quốc gia này.
Các nhà làm phim Mỹ luôn chọn cho mình phong cách phóng đại, câu chuyện cổ tích, vui vẻ. Còn đối với Nhật, các sản phẩm của họ luôn mang tính nhân văn sâu sắc, hình ảnh thực tế. Chính sự khác nhau ấy, khi bắt đầu thiết kế các sản phẩm tại Digital Works (công ty chuyên chế tác các tựa game, hoạt hình Nhật), tôi phải nghiên cứu lại từ đầu vì khác phong cách.
Chính vì thế, Artist 3D ngoài sử dụng kỹ thuật thành thạo, họ còn phải vận dụng đầu óc phân tích rất nhiều từ màu sắc, cách diễn đạt, cốt truyện, diễn hoạt…
Rolie Polie Olie, phim hoạt hình 3D (nhiều tập) của Walt Disney với lối thiêt kế phóng đại, sống động
Fate Stay Night, tựa game nổi tiếng tại Nhật Bản mang phong cách thực tế cao
Vậy các công việc liên quan đến ngành nghề thiết kế 3D là gì?
Sản phẩm 3D dần ứng dụng trong mọi lĩnh vực giải trí như phim hoạt hình, game, phim điện ảnh, các sản phẩm TVC quảng cáo… Các công ty phát hành thường xuyên “outsource” dự án cho các công ty khác thực thi dựa theo ý tưởng kịch bản ban đầu. Tại các công ty thiết kế, quy trình thiết kế một sản phẩm 3D gồm 4 khâu: Modeling, Layout, Animation và Render & lighting.
Mỗi khâu đòi hỏi designer phải có kỹ năng, yếu tố mỹ học, kiến thức nhất định để chuyên trách. Do vậy, cơ hội làm việc rất rộng mở đối với những ai đam mê nghề thiết kế 3D.
Nếu bạn có năng khiếu vẽ 2D, phát thảo hình ảnh tốt, có con mắt mỹ thuật hay bạn có kỹ năng 3D nhưng không giỏi 2D thì nhà tuyển dụng sẽ xem xét và đào tạo kỹ thuật cho bạn. Bất cứ ai có niềm đam mê với nghề thiết kế này thì đều có cơ hội để phát triển.
Ngành 3D ngày một phát triển, cách nào giúp Thầy theo kịp với mọi thứ xung quanh?
Theo tôi, để giữ vững phong độ chỉ có học hỏi và sáng tạo liên tục. Nếu không sẽ thua lớp trẻ, dễ bị tụt hậu. Điển hình tại Arena Multimedia, các học viên của tôi được học từ những điều căn bản như ý tưởng sáng tạo, ngôn ngữ hình ảnh… đến các vấn đề chuyên sâu như dựng hình, làm chất liệu, ánh sáng, khung xương, chuyển động nhân vật… Ngoài ra, các bạn còn nắm được kỹ thuật quay phim, kịch bản, storyboard… những điều mà thế hệ trước như chúng tôi phải dành thời gian dài để tự lĩnh hội, học hỏi.
Hiện số lượng học viên Arena làm việc tại Digital Works, SPARX khá đông. Điều này chứng tỏ giới trẻ ngày nay được các công ty nước ngoài dòm ngó vì có kiến thức nền vững chắc, phù hợp chương trình đào tạo nâng cao của doanh nghiệp.
Và lời khuyên nào Thầy dành cho các bạn trẻ đam mê ngành nghề này?
Đối với sinh viên, yêu cầu tiên quyết là yêu thích và niềm đam mê. Các bạn phải thường xuyên trau dồi kiến thức, kỹ năng, tìm cho mình môi trường làm việc chuyên nghiệp để được đào tạo, nâng cao cơ hội làm việc với các dự án lớn, quốc tế. Ngoài ra, cần phải hiểu biết rộng và sâu, nắm vững lý thuyết 2D, vẽ tay tốt, luyện ý tưởng, phân tích…
Cảm ơn những lời chia sẻ chân thành của Thầy. Chúc Thầy luôn thành công và có những sản phẩm để đời.
(Quỳnh Như)