Vào ngày 12.12, Workshop thứ 3 nằm trong chuỗi sự kiện “Nghề thiết kế có phải dành cho tôi?” đã được tổ chức tại cơ sở D29 Phạm Văn Bạch. Thông qua chia sẻ của thầy Lê Quang Khải – Giảng viên học kỳ 3D Game Design của Arena Multimedia, các bạn trẻ tham gia đã có nhiều trải nghiệm thực tế thú vị.
Cùng khách mời là thầy Lê Quang Khải – Giảng viên học kỳ 3D Game Design tại Arena Multimedia, sự kiện bao gồm các hoạt động talkshow, thực hành, thảo luận về các khía cạnh khác nhau của lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh như: Tiềm năng phát triển, thị trường việc làm, cơ hội nghề nghiệp, kỹ năng cần có,…vv
Làm quen với Visual Effect
Mở đầu Talkshow, thầy Lê Quang Khải bước đầu làm rõ khái niệm VFX. Theo đó, nó là viết tắt của Visual Effect – sự tích hợp giữa cảnh quay thực tế và hình ảnh được điều chỉnh nhằm mục đích tạo ra bối cảnh chân thật nhất. Những bối cảnh có sự can thiệp của VFX thường không thể diễn ra trong quá trình quay thực tế (live-action) bởi quá nguy hiểm hoặc đơn giản chỉ vì chúng không hề tồn tại. Vậy nên, các chuyên gia kỹ xảo sẽ sử dụng hình ảnh do máy tính tạo ra (CGI) và phần mềm VFX để hiện thực hóa điều đó.
Trên cương vị của một người có nhiều năm làm việc và trải nghiệm trong thị trường sáng tạo, thầy Lê Quang Khải không chỉ làm rõ các khái niệm chuyên môn về ngành VFX mà còn cung cấp những thông tin đặc biệt hữu ích. Anh cho biết, ứng dụng của kỹ xảo không giới hạn ở các bộ phim, mà được khai thác ở rất nhiều mảng khác nhau như: truyền hình, quảng cáo, MV ca nhạc, game…. đó là lý do, lĩnh vực này đang trở thành mảnh đất phát triển tiềm năng cho người trẻ dấn thân khám phá. “VFX là một ngành tương đối rộng, liên tục cập nhật. Bởi vậy, người làm VFX phải vừa nắm vững kiến thức chuyên môn, lại phải luôn liên tục học hỏi để mang đến các sản phẩm chất lượng. Chính vì thế mà công việc này giúp bạn có nhiều trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, dù sẽ gặp khá khá trở ngại trên hành trình chinh phục nó.”
Tại sự kiện, thông qua chia sẻ của thầy Lê Quang Khải, các bạn trẻ tham gia còn được lắng nghe về thách thức mà một nhân sự VFX phải đối diện. “Đa số VFX Artist sợ nhất là “deadline”. Áp lực lớn, làm việc cường độ cao cộng với sự thúc ép vì tới thời hạn nộp sản phẩm diễn ra liên tục có thể sẽ khiến bạn cảm thấy chán nản và mệt mỏi.” Anh cũng đưa ra lời khuyên: “Hãy đưa ra một kế hoạch cụ thể chắc chắn cộng thêm 20% số ngày backup vào thời gian biểu để tránh tình trạng không xoay xở kịp.”
Học gì để trở thành VFX Artist?
Trên thực tế, trong ngành VFX có rất nhiều người tự học, thông qua sách báo, hay các khóa học trực tuyến trên Internet. Ngay cả các chuyên gia trong nghề cũng trau dồi kiến thức của mình qua nhiều website như Digital Tutors, Video Copilot, Fxphp, Fxguide. Thế nhưng, điều đó không đồng nghĩa với việc phủ nhận ý nghĩa của các trường học đào tạo VFX chuyên nghiệp. Bởi trải nghiệm tại trường học sẽ giúp bạn khám phá ngành này một cách hệ thống. Một số ngành học/môn học trong lĩnh vực VFX có thể kể đến như: Animation, Lighting, Compositing, Coloring, Modeling/Texturing… Bên cạnh đó, những thuật ngữ mà bạn nên tìm hiểu khi mới bắt đầu vào nghề là: VFX, Digital Art, 3D, tutorials, breakdown, motion capture, rendering…
Thầy Lê Quang Khải cũng bổ sung thêm rằng, điều quan trọng khi học VFX là nội dung chứ không phải cấp bậc (Cao đẳng, Đại học, Cao học). Nếu chọn sai nội dung mình muốn học thì dù có học lên cả cao học cũng không để làm gì. Đây là một ngành đặc biệt cần nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm mới có thể làm tốt và phát triển lâu dài.
Những phẩm chất cần có của một VFX Artist
Ở bước đầu tiếp cận với kỹ xảo điện ảnh, thầy Lê Quang Khải đã giúp các khán giả hình dung rõ hơn về các bước thực hiện sản phẩm VFX. Cụ thể, để dựng phim hoặc nhiều cảnh quay nghệ thuật, sẽ phải trải qua hai giai đoạn:
– Giai đoạn tiền kỳ: Người dựng phim cần hiểu được ý đồ của đạo diễn, hiệu ứng CG, tạo mô hình, bối cảnh phục vụ công tác quay phim. Từ đó, họ sẽ truyền tải được nội dung qua từng khung hình. Mỗi cảnh quay, mỗi bối cảnh đều thể hiện hiện thông điệp muốn gửi gắm đến khán giả.
– Giai đoạn hậu kỳ: Nhân sự VFX cần ghi lại một cách chi tiết những quỹ đạo chuyển động của máy quay trong không gian 3 chiều, vẽ nền các cảnh viễn tưởng, cắt đối tượng nhân vật để lồng vào cảnh khác, xử lý đồ họa chuyển động ánh sáng, giả lập không gian xung quanh và ghép nó vào những đoạn phim để tạo thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Nói đến đây, nhiều bạn trẻ lại thắc mắc rằng, cần bao nhiêu kỹ năng để trở thành một nhân sự VFX chuyên nghiệp? Đối với quan điểm của thầy Lê Quang Khải, việc làm quen với VFX tương đối đơn giản, tuy nhiên để trở thành VFX Artist chuyên nghiệp, cần chuẩn bị các kỹ kỹ năng thiết yếu sau:
– Kỹ năng cứng: Bao gồm kiến thức chuyên môn về điện ảnh và hình khối. Kiến thức chuyên môn chính là nền tảng giúp bạn áp dụng vào công việc tương lai.
– Sự sáng tạo: Đây là yếu tố cần thiết để bạn phát triển trong ngành VFX. Sáng tạo nhưng không rập khuôn, không vượt quá giới hạn về văn hóa mà phải đảm bảo làm nên tính hiệu quả, từ đó tạo ra các sản phẩm chất lượng.
– Kỹ năng mềm: Là kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức và sắp xếp công việc logic, kỹ năng giao tiếp, trình bày ý tưởng mạch lạc với khách hàng.
Dành một lời khuyên đến các khán giả tham gia sự kiện, thầy Lê Quang Khải nói: “Hãy thực tế, tự tin vào bản thân, bồi đắp kiến thức, củng cố điều mình biết, nghe và học điều mình thiếu. Ngay tại thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng nhân sự VFX ở các doanh nghiệp rất cao. Vì vậy, bạn càng bắt đầu sớm thì lại nắm bắt được nhiều cơ hội.”
Làm cách nào để trở thành nhân sự trong ngành VFX?
“Vậy làm cách nào để trở thành nhân sự trong ngành VFX?” là câu hỏi chung của đa số bạn trẻ khi tham gia sự kiện lần này. Theo đó, thầy Lê Quang Khải cho biết: “Đối với VFX, cơ hội việc làm vẫn luôn rộng mở, từ điện ảnh, quảng cáo, MV ca nhạc tới hoạt hình. Các bạn có thể bắt đầu bằng vị trí runner ở công ty lớn như cách mà rất nhiều tân sinh viên khác đang đi. Hoặc bạn cũng có thể xin vào công ty nhỏ để trải nghiệm tất cả các vị trí. Động lực làm việc cũng là từ khóa quan trọng quyết định nhà tuyển dụng có chấp nhận bạn hay không.”
Còn từ runner đến senior là một lộ trình dài hơi. Để trở thành senior, bản thân mỗi VFX Artist chắc chắn phải trải qua vô số dự án, học được kha khá bài học khác nhau: “Dần dà, bạn sẽ được sếp tín nhiệm và giao nhiều nhiệm vụ khó hơn nhưng cũng không kém phần thú vị. Để phát triển, hãy tìm đến thử thách lớn bởi việc dễ thì ai chẳng làm được, đúng không?” – Thầy Lê Quang Khải giải thích.
Ngoài ra, vị diễn giả còn bổ sung thêm: “Nghề VFX đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm của bạn. Bạn không nhất thiết phải là thạc sĩ hay tiến sĩ, nhưng cần có demo reel và bản sơ yếu (resume). Khi xin việc, hãy luôn thể hiện điểm mạnh bản thân sao cho hợp lý nhất với vị trí mà bạn ứng tuyển. Chẳng hạn nếu xin làm compositing thì không nên nói nhiều về animations, trừ khi bạn thực sự giỏi về mảng đó, mà dẫu có thế thì cũng chẳng cần sa đà lạc đề. Tốt nhất là hãy cứ tập trung vào công việc compositing.”
Arena Multimedia mong rằng, Workshop “Kỹ xảo Điện ảnh” nói riêng và chuỗi sự kiện “Nghề thiết kế có phải dành cho tôi?” nói chung sẽ phần nào giúp các bạn trẻ yêu thích với Multimedia Design có thêm nhiều cơ sở để vững vàng theo đuổi đam mê. Đừng quên tiếp tục theo dõi và ủng hộ Arena trong các sự kiện tiếp theo.
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
06 TânSố 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074