Có gì hay để cái tên Nguyễn Như Phong trở thành Arena Face trong lễ tốt nghiệp của Arena Multimedia niên khóa 2019 – 2021? Không chỉ là một học viên tài năng, Phong còn là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng thiết kế mỹ thuật trong nước. Quan trọng hơn, Phong cũng là chân dung đại diện cho lứa thế hệ trẻ đầy triển vọng của Arena, đã để lại nhiều dấu ấn khó quên tại cộng đồng sáng tạo này.

Và từng đó lý do cũng đủ để chúng ta ngồi xuống, lắng nghe Như Phong kể lại câu chuyện của bản thân. Câu chuyện về một người trẻ sinh ra đã trót yêu nghệ thuật nhưng phải rất lâu sau mới tìm thấy “chân ái”. Cậu bắt đầu lại mọi thứ khi trong tay chẳng có gì ngoài sự hồ hởi cùng niềm đam mê mãnh liệt với ngành Multimedia Design. Và biết đâu, bạn cũng sẽ ít nhiều tìm thấy mình trong câu chuyện được chính Như Phong kể lại.

1. Phong nhận ra năng khiếu mỹ thuật của mình là từ bao giờ? Gia đình phản ứng thế nào khi biết Phong có niềm đam mê với nghệ thuật?

Mình đã tự ý thức được khả năng hội họa của bản thân ngay từ thời còn rất nhỏ vì trong lớp tiểu học khi nào mình cũng đạt điểm cao ở môn mỹ thuật. Nhưng gia đình lại có truyền thống theo ngành an ninh, và ba mẹ cũng mong muốn mình theo những nghề thuộc biên chế nhà nước để ổn định, ra trường có việc làm chắc chắn hơn. Lên cấp THPT, khi mình bắt đầu học vẽ được khoảng một năm thì ba mẹ không khuyến khích mình theo con đường hội họa nữa, và yêu cầu mình theo ngành công an của ba mẹ. Thời điểm đó, mình đã thẳng thắn với gia đình rằng bản thân không phù hợp để học ngành An ninh nhưng ba mẹ thì vẫn một mực mong muốn con nối nghiệp gia đình. Dù cho mình có không đậu Đại học Cảnh sát thì cũng vẫn phải “đi nghĩa vụ” để có điểm cộng vào Trung cấp. Tranh luận mãi với gia đình, ba mẹ cũng thôi không ép buộc mình theo ngành công an nữa nhưng việc học vẽ bấy giờ cũng đã dang dở. Mất phương hướng trên con đường định hình sự nghiệp trong thời điểm đó, ngành học Ngôn ngữ Anh trở thành quyết định vội vàng và kém sáng suốt mà mình vẫn luôn hối hận mãi về sau.

2. Từ khi nào Phong biết đến ngành Thiết kế đồ họa và cơ duyên nào đã đưa bạn đến với Arena Multimedia?

Khi biết bản thân có năng khiếu về hội họa, mình nghĩ rằng sau này chỉ có thể học về Kiến trúc hoặc Thiết kế thời trang. Nhưng sau này khi có dịp hỗ trợ bạn bè học ngành Thiết kế Đồ họa bên Đại học Văn Lang, mình mới biết đến sự tồn tại của ngành Thiết kế Đồ họa. Từ đó, mình cũng liên tục tự hỏi rằng vì sao một ngành nghề khiến bản thân hứng thú đến như vậy mà đến bây giờ mình mới biết đến nó. Sau đó, mình bắt đầu tìm hiểu mọi thứ và tìm thấy Arena Multimedia. Lúc bắt đầu học ở Arena Multimedia thì mình đã tốt nghiệp xong Đại học chuyên ngành ngôn ngữ Anh. Khi đó, mình cũng một lần nữa bày tỏ với nguyện vọng với gia đình vì niềm đam mê với nghệ thuật chưa bao giờ tắt đi, và mong muốn được học tại Arena trong một học kỳ để xem mình có thật sự phù hợp với nghề hay không. Thú thật rằng ở thời gian trước đó, mình luôn cảm thấy sai khi học ngành vì những áp lực đè nặng ở mỗi lần thi cử. Vì nếu mình không giỏi thì mình phải cố gắng và nỗ lực hơn người khác gấp nhiều lần. Đây là điều hoàn toàn khác biệt mà bản thân cảm nhận được khi học ở Arena, vì mỗi lần làm đồ án là mỗi lần mình được cháy hết mình với đam mê và bè bạn. 

Sau thành công của đồ án Học kỳ I và học bổng 30% từ chiến thắng ở cuộc thi Show It NOW 2018, mình nghĩ rằng niềm đam mê nghệ thuật đã bắt đầu cảm hóa được quan điểm của ba mẹ về việc chọn nghề cho con, cũng như việc cho ba mẹ thấy được quyết tâm và nỗ lực của mình lớn đến như thế nào trong việc chinh phục sự nghiệp mơ ước. Mình vẫn sẽ đi tiếp ở những học kỳ còn lại cùng Arena Multimedia, thậm chí nếu mình không đạt được học bổng đi chăng nữa. Vì lửa đam mê trong mình ấy mà, nó lớn lắm!

HỌC KỲ I

Cho tới bây giờ, học kỳ I vẫn là khoảng thời gian mình thích nhất trong cả quá trình học về Mỹ thuật Đa phương tiện. Từ Basic Art thủ công cho đến Nhiếp ảnh rồi học về Typography và thiết kế Logo, mình đã học được rất nhiều kiến thức mới bổ ích và thú vị trong học kỳ đầu tiên tại Arena Multimedia.

Với “đứa con tinh thần” mang tên “Bội” ở học kỳ này đã giúp mình nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng. Thú vị là đồ án học kỳ I cũng là lần đầu tiên mà mình tự tay làm mọi thứ từ đầu đến cuối vì mình muốn được trải nghiệm mọi quy trình. Thời điểm đó, “Bội” được mình lấy cảm hứng từ một dự án mà các nghệ sỹ cùng tham gia vẽ về bộ môn nghệ thuật truyền thống Hát Bội. Trong quá trình thực hiện đồ án, thật tình cờ là khi trên đường từ nhà đến Arena Nguyễn Kiệm, mình để ý có chú Bảy làm mặt nạ và đã đặt chú làm riêng với thiết kế của mình. Sau này khi đã có gì đó trong tay, mình mong muốn có thể mở một triển lãm riêng về nghệ thuật Hát Bội để thỏa mãn niềm đam mê với văn hóa và truyền thống của Việt Nam. 

HỌC KỲ II

Trong 4 học kỳ tại Arena Multimedia, học kỳ II khoảng thời gian đem đến cho mình nhiều thử thách nhất. Vì thiết kế Web ngoài việc học về UX/UI, mình phải học thêm về lập trình để có thể phát triển Web một cách tối ưu nhất về mặt hình ảnh và hiển thị.

Về đồ án ở học kỳ II, mình và cả nhóm chọn hình ảnh Sài Gòn trước những năm 75 làm chủ đề khai thác, cũng giống như “Bội”, mình luôn có những ưu tiên và niềm yêu thích nhất định với những gì thuộc về truyền thống, văn hóa và luôn mong muốn được truyền bá những giá trị đẹp đẽ xứng đáng được gìn giữ. Luôn đau đáu về  những giá trị cũ và khoác cho nó chiếc áo mới thay vì chạy theo những điều mới mẻ của thế giới hiện đại là sự khác biệt giữa mình so với lớp trẻ ngày nay. Tựu trung, dù học kỳ II hơi khó nhằn vì phần Code nhưng may mắn là với những nỗ lực không quản ngày đêm của cả nhóm, “Sài Gòn 75” đã trở thành đồ án cao điểm nhất trong cả 4 kỳ học của mình.

HỌC KỲ III

Nếu mình học được nhiều điều nhất ở học kỳ I, học thêm về lĩnh vực khác biệt hoàn toàn ở học kỳ II thì học kỳ III về làm phim kỹ thuật số là học kỳ mà mình được trải nghiệm nhiều nhất. “Ngôi nhà nhỏ của ba” là dự án được team thực hiện  cho thương hiệu Thế giới tí hon. Mô hình nhà gỗ trong phim cũng do Thế giới tí hon tài trợ. Trong khoảng thời gian làm đồ án “Ngôi nhà nhỏ của ba”, mình luôn cố gắng tìm hiểu về quy trình của một đoàn làm phim thực tế bên ngoài. Từ khâu tìm kiếm thương hiệu để làm phim, casting diễn viên, làm việc với diễn viên, tìm kiếm địa điểm quay hay thậm chí là sản xuất, hậu kỳ, mình đều muốn được thử sức.

Trong học kỳ III còn có Thiết kế nhân vật 3D Game, đây là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với mình. Ở đồ án của học kỳ này, nhóm lấy “trung thu” làm chủ đề nhưng khai thác ở một khía cạnh mới và lạ hơn. Với tên gọi “LUNARY”, đây là tựa game thực tế ảo trong tương lai tái hiện lại “Tết Trung Thu Việt Nam” – Một truyền thống gần như đã không còn tồn tại vào thời điểm đó. Nhiệm vụ của người chơi là hóa thân thành một trong ba nhân vật mà nhà phát hành đã tạo sẵn và được sống lại, được trải nghiệm “Tết Trung Thu Việt Nam” sẽ như thế nào.

HỌC KỲ IV

Ở học kỳ IV về Hoạt hình 3D, mình làm cùng một nhóm mới nên thiết kế đơn giản nhất có thể để phù hợp với năng lực chung của tất cả các bạn trong nhóm. Qua ba học kỳ trước đó, mình rút được nhiều bài học và kinh nghiệm trong cách làm việc nhóm, tiết chế bản thân hơn cũng như chia đều sự tỏa sáng một cách đồng đều cho các thành viên trong nhóm. Bên cạnh đó, những kiến thức từ học kỳ 3 về làm phim kỹ thuật số cũng được tận dụng rất nhiều trong đồ án Hoạt hình 3D lần này. Sau mọi cố gắng và nỗ lực, đồ án “Who Do You Want To Become” của tụi mình được đánh giá tốt và nhận được số điểm cao từ thầy cô để trở thành đồ án xuất sắc.

Vì là biên kịch chính nên câu chuyện ở “Who Do You Want To Become” có những tương đồng với câu chuyện ngoài đời thực của chính bản thân mình. Như cậu bé trong đoạn phim hoạt hình, bố mình cũng là một cảnh sát và trước giờ, mọi người luôn cảm thấy sự khác biệt ở mình so với những bạn bè đồng trang lứa khác. Mình có chút gì đó mềm mại và nhẹ nhàng hơn một người con trai bình thường nhưng bố thì chưa bao giờ đặt câu hỏi tại sao, hay bắt mình phải trở nên nam tính hơn. Bố chỉ đơn giản đặt hạnh phúc của mình lên trên hết và không quan tâm đến những vấn đề còn lại. Ý tưởng của “Who Do You Want To Become” được ra đời trong sự may mắn vì có một gia đình hiểu và yêu thương mình đến như thế.

3. Những người thân thiết đi cùng Phong trong quá trình học tại Arena Multimedia là?

Càng về những học kỳ sau, độ khó sẽ càng đi lên. Trong nhóm làm đồ án, thường mỗi bạn chỉ mạnh ở một lĩnh vực. Có bạn giỏi về layout, góc máy, có bạn modelling tốt, còn có bạn thì giỏi về diễn họa nhân vật. Nếu chỉ có một mình thì không thể nào làm hết được những khâu đó nên bản thân mình hiểu rõ tầm quan trọng của việc làm teamwork. Điểm mạnh của từng người sẽ bù đắp cho nhau để đồ án được hoàn thiện một cách tốt nhất. Sự ăn ý của các thành viên trong nhóm sẽ tỉ lệ thuận với độ hoàn hảo của sản phẩm cuối cùng. 

Anh Chung và Hoàng Minh là hai người bạn đồng hành cùng mình trong tất cả các lần thực hiện đồ án. Mỗi người một điểm mạnh và luôn bổ trợ cho những khiếm khuyết của nhau. Mình có thể sẽ mạnh về mặt ý tưởng nhưng về kỹ thuật thì Anh Chung và Hoàng Minh lại rất vững. Cảm ơn hai bạn vì đã đi cùng mình trong hành trình tại Arena Multimedia và mong rằng chúng ta có thể tiếp tục hỗ trợ nhau trên con đường sự nghiệp Design.

Về thầy cô, mình luôn có sự ấn tượng đặc biệt với thầy Phan Nhật Trung, thầy dạy mình khá nhiều môn trong quá trình học tập và là người hướng dẫn mình làm đồ án Bội. Trong kỳ bảo vệ đồ án đó, thầy để tâm đến từng chi tiết và nhận xét một cách tỉ mỉ về Bội. Đối với mình, được học với thầy Trung là khoảng thời gian tuyệt vời và tràn đầy niềm vui tại Arena Multimedia.

“Sự cầu toàn là điều mà em học được trong quá trình làm việc cùng anh Phong. Đó là tính cách nổi bật cũng như là tính cách chung của hai anh em. Một khi đã làm việc gì mà có em và anh Phong thì chắc chắn project đó sẽ được bàn luận và tính toán chu toàn nhất có thể, nhiều khi quên cả ăn uống. Nhưng nhờ thế mà những project chung của hai anh em tham gia đều thành công tốt đẹp.” – Anh Chung, học  viên Arena Nguyễn Kiệm, bạn cùng nhóm thực hiện đồ án với Như Phong.

“Trong mắt mình, anh Phong là người vô cùng chỉn chu, luôn lập kế hoạch và sắp xếp thứ tự công việc, deadline rõ ràng. Anh cũng cầu toàn ở một mức độ nhất định, đủ để thúc đẩy bản thân hoặc thành viên nhóm hoàn thành tốt công việc được giao. Và cuối cùng đối với mình, anh Phong bản lĩnh ở cả hành động và lời nói, điển hình như việc làm đồ án một mình hay một khi đã nói gì đó thì nhất định sẽ làm, không chỉ nói cho vui.” – Hoàng Minh, học viên Arena Nguyễn Kiệm, bạn cùng nhóm thực hiện đồ án với Như Phong.

 “Trong quá trình học tập, Phong luôn hòa đồng với bạn bè và có khả năng teamwork tốt. Phong cũng có khả năng tiếp thu tốt, nhìn nhận vấn đề một cách khả quan và luôn nắm bắt được xu hướng thiết kế. Và quan trọng nhất, Phong luôn có tâm và tỉ mỉ trong những sản phẩm do mình làm ra. Thầy tin rằng với khả năng và ý chí hiện tại, Phong sẽ còn tiến xa trên con đường Sáng tạo.” – Thầy Phan Nhật Trung, Giảng viên kỳ Graphic Design @ Arena Multimedia.

4. Đối với Như Phong, ngành sáng tạo là?

Là một nơi không có chỗ dành cho những trái tim sợ hãi. Bước chân vào ngành công nghiệp sáng tạo, mình luôn nhắc nhở bản thân phải nỗ lực cố gắng, bởi chung quy chỉ có hai sự lựa chọn, hoặc là chủ động nắm bắt cơ hội, hoặc là đứng yên tại chỗ chờ ngày bị đào thải. Từ lúc tiếp cận với Mỹ thuật Đa phương tiện, Phong đã bị choáng ngợp trước tốc độ cập nhật của ngành học này, nhiều kiến thức chưa kịp tiếp cận đã đổi mới, đi kèm với hàng tá phần mềm được nâng cấp, cải tiến từng ngày. Từ cộng đồng Arena Multimedia, mình chập chững bước vào một cộng đồng lớn hơn, nơi đã có hàng trăm tên tuổi thành công ghi dấu vào bản đồ ngành sáng tạo Việt, mình biết hành trình tìm kiếm một chỗ đứng cho bản thân tại đây còn rất gian nan, nhưng nếu không thay đổi thì làm sao bắt nhịp với dòng chảy của nghề? Bởi vậy, đối với Phong, ngành sáng tạo là nơi rất đáng để mơ, để thử, để dẫu thất bại hay thành công vẫn khiến bản thân không phải hối tiếc khi nghĩ lại.

5. Như vậy có nghĩa chỉ cần quyết tâm thì ngành sáng tạo sẽ mở cửa với bất kỳ ai?

Đúng vậy, nhưng ngần ấy vẫn chưa đủ đâu!

Thực ra, làm bất kỳ chuyện gì mà chẳng cần có sự nỗ lực để thành công, ngành sáng tạo cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, ngoài “sức mạnh” tinh thần đó ra, chúng ta còn phải trang bị cho mình cả kiến thức chuyên sâu lẫn kỹ năng thực chiến để đáp ứng các yêu cầu khắt khe đến từ nhà tuyển dụng nữa. Như mình đã nói ở trên, đặc thù của thị trường ngành sáng tạo là liên tục thay đổi, các doanh nghiệp giờ đây ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của đội ngũ Multimedia Designer đối với sự phát triển của thương hiệu, nhưng sự khuyết thiếu của nhân sự được đào tạo bài bản trở thành bài toán nan giải của rất nhiều doanh nghiệp. Bởi vậy, mình nghĩ rằng trong cuộc cạnh tranh nghề nghiệp đang ngày càng khắc nghiệt hơn, đặc biệt là ở một ngành nghề đang có chỗ đứng nhất định như Mỹ thuật Đa phương tiện, bản thân mỗi người càng phải vững vàng kỹ năng mới có thể đi cùng và phát triển với nghề.

Giống như đa số bạn trẻ khác vừa dấn thân vào ngành công nghiệp sáng tạo, mình cũng đang phân vân trước nhiều ngã rẽ, chưa biết lĩnh vực nào sẽ phù hợp nhất với bản thân. Không phải vì thiếu “đất dụng võ”, mà là bởi ngành Multimedia đưa đến quá nhiều cơ hội phát triển. Mình có thể làm phim, làm hoạt hình, thiết kế 3D Game, thiết kế đồ họa, UX/UI… Vì vậy, mình vẫn đang thử sức ở đa dạng ngành nghề để tìm thấy câu trả lời chính xác nhất. 

6. Phong có “idol” nào trong giới sáng tạo không?

Đó là anh Maxk Nguyễn – Graphic Designer đứng sau rất nhiều project ý nghĩa về Việt Nam như “Sài Gòn 3 mét vuông”, “Sài Gòn có mưa”… Anh cũng là Creative Director của Loài Plastic – một dự án phi lợi nhuận nhằm đánh thức ý thức của con người về việc bảo vệ môi trường sống. Đa số các dự án của anh Maxk Nguyễn đều phản ánh một khía cạnh nào đó của xã hội, thể hiện theo những cách đặc biệt, tạo cảm xúc cho người xem. Nói tóm lại thì Maxk Nguyễn là cái tên truyền cho Phong rất nhiều cảm hứng. Ở tương lai, mình cũng muốn được như anh ấy, cũng có thể tạo ra nhiều sản phẩm đi vào lòng người.

Phong từng giành giải nhất cuộc thi Loài Plastic Creative Contest với bộ ba poster "SWITCHED".

7. Trước và sau khi học Mỹ thuật Đa phương tiện, quan điểm thẩm mỹ của Như Phong đã thay đổi ra sao? Bạn định hình phong cách cá nhân như thế nào?

Quan điểm thẩm mỹ của mình đã thay đổi rất nhiều. 

Trước đây mình vẽ theo cảm tính, không dựa trên bất kỳ nguyên tắc nào cả. Sau này khi học về bố cục, màu sắc, hình ảnh, ánh sáng,… mình mới trở nên kỹ tính hơn với những tác phẩm của bản thân, vì mình đã ý thức được sự khác nhau giữa sáng tạo nghiêm túc với làm cho vui. Phong không muốn tác phẩm của mình chỉ dừng lại ở sự thỏa mãn cá nhân, mà còn phải được những người có chuyên môn về mỹ thuật công nhận. Vì vậy, mình hay tìm tòi học hỏi, để ý từng cách người ta lên màu, dựng bố cục để rút kinh nghiệm cho bản thân. 

Còn về câu chuyện xây dựng phong cách cá nhân, mình đã nỗ lực tìm kiếm nó trong suốt rất nhiều năm, bằng cách thử sức ở các khía cạnh khác nhau nhưng vẫn chưa thực sự tìm thấy! Thật ra, mình nghĩ phong cách cá nhân có thể là một món quà, cũng có thể là một lời nguyền đấy. Mình từng nghe một nhà thiết kế nói rằng: “Tôi rất vui vì tôi không có personal style, vì tôi sẽ không quan tâm bất kỳ thứ gì khác ngoài mục tiêu khách hàng của tôi”. Đôi khi, việc quá phụ thuộc vào phong cách cá nhân lại khiến mình khó gác nó sang một bên để tạo ra sản phẩm tốt nhất theo ý khách hàng. Vì vậy, mình nghĩ chưa có phong cách cá nhân lại là điều hay, mình được thử nhiều style, luôn luôn biến hóa đa dạng, mình thoải mái chiều lòng khách hàng đúng với những gì họ mong muốn nhất mà không bị bó buộc.

8. Nếu được dùng 3 từ để miêu tả bản thân dưới profile Behance của Phong, đó sẽ là?

Mình sẽ chọn Passion, Intelligence và Positive. Có đam mê mà thiếu hiểu biết thì làm sao định hướng đúng cho bản thân được. Ngoài ra, mọi người xung quanh vẫn hay nhận xét mình là người sống tích cực, biết bản thân nắm được gì và làm được gì.

9. Bạn đã bao giờ rơi vào trạng thái cạn kiệt ý tưởng chưa?

Tất nhiên là có rồi!

Đơn cử là từ lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát cho tới tận bây giờ, mình gần như không có sản phẩm nào đột phá. Một phần vì môi trường sống thay đổi, nó tạo ra những tác động tâm lý khiến mình chưa thể hòa nhập và tìm thấy nguồn cảm hứng tại nơi đây. Thành thật mà nói, so với chỗ ở cũ ồn ào và xô bồ thì chỗ ở mới của mình khá yên tĩnh. Tự dưng mình lại nhớ tiếng phố xá tấp nập ngày xưa, khó chịu đấy, bực bội đấy nhưng nó lại chính là chất xúc tác giúp mình tạo ra rất nhiều tác phẩm tốt. 

Trước đây, Phong hay dành thời gian đi du lịch một mình, lái xe máy vượt đèo, đặt chân tới vùng đất mới và cho mình những trải nghiệm mới. Vậy mà thời gian giãn cách xã hội chỉ được quanh quẩn trong nhà khiến mình rất bí bách. Phong áp lực vì đã quá lâu không có sản phẩm mới mà chỉ ngồi xem lại các đồ án cũ. Rồi mình nhận ra nếu cứ mãi như vậy cũng không phải điều tốt. Nghĩ theo hướng tích cực, đây có thể sẽ là khoảng thời gian lý tưởng để “reset” bản thân, học cách thả lỏng cơ thể và để mọi thứ đến tự nhiên. Một Như Phong đột phá hơn chắc chắn sẽ sớm trở lại, mình tin là như vậy. 

10. Có thể nói Phong là thế hệ cuối Gen Y, đầu Gen Z, vậy bạn nghĩ những tính cách nào của mình thuộc Gen Y và những tính cách nào thuộc gen Z?

Sống giữa thế giới phẳng, khi những kết nối ảo phá vỡ các đường biên về mặt địa lý, thế hệ của những công dân như mình trở nên tỉnh táo hơn, nhạy bén hơn để mạnh dạn thể hiện bản thân và không để bị ai “dắt mũi”. Bên cạnh đó, cùng với xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ, thế hệ mình cũng rất cởi mở với các vấn đề về sự đa dạng chủng tộc, tôn giáo hay giới tính. 

Có một cái mà Phong thấy bản thân vẫn giữ sự rõ nét của Gen Y đó là không thể một lúc làm quá nhiều việc. Mình phải tập trung hoàn toàn vào một thứ, hoàn thành xong mới qua cái khác được. Phong cũng là tuýp người hướng về gia đình, bởi dù có thế nào thì đó vẫn là nơi quan trọng nhất, cần được quan tâm và vun vén nhất. Cho nên nhiều lúc mình sẵn sàng gạt mọi thứ qua một bên để về với gia đình thôi. 

Phong thấy bản thân mình thuộc Gen Z là luôn thích cập nhật những công nghệ và xu hướng mới trong thiết kế lẫn trong cuộc sống. Nói cách khác là nỗ lực không ngừng để đạt đến sự đột phá. Bản thân mình cũng thích ứng nhanh khi làm việc cá nhân hay theo nhóm để mang lại thành tích tốt nhất. Một phần Gen Z trong mình chẳng ngại “đơn phương độc mã”, một phần Gen Y lại rất đề cao ý thức teamwork với công việc. Đôi lúc ở vài trường hợp, Phong vô cùng thực tế đúng kiểu Gen Z nhưng nhiều khi lại khá mơ mộng theo kiểu Gen Y. 

11. Là người giao thoa giữa hai thế hệ, bạn nghĩ mình sở hữu những tư duy và suy nghĩ khác biệt như thế nào so với một bạn trẻ thuần Gen Y hay một bạn trẻ thuần Gen Z?

Phong có thể sửa đổi những tư duy cũ từ thế hệ trước làm hạn chế sự phát triển của Gen Y, đồng thời tiếp thu những cái mới đúng đắn của Gen Z để tạo ra cá tính riêng cho mình. Chung quy thì, Phong muốn là một người trẻ hiện đại nhưng vẫn lưu giữ được những giá trị bản sắc độc đáo xưa cũ. 

12. Cuối cùng, Phong có muốn nhắn nhủ điều gì đến các bạn trẻ trước khi kết thúc trò chuyện không?

Trong mắt Phong, các bạn trẻ bây giờ là một thế hệ dám nghĩ, dám hành động, họ dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để làm nhiều điều mới mẻ. Vượt thoát khỏi các định kiến, họ mạnh dạn cất lên tiếng nói của mình thông qua những bộ phim ý nghĩa hay những thiết kế ấn tượng để hướng tới các giá trị tốt đẹp và bền vững. 

Vậy nên, nếu có thể nhắn nhủ điều gì đến các bạn trẻ giống như Phong, thì đó sẽ là một lời động viên: Hy vọng các bạn sẽ kiên trì theo đuổi đam mê tới cùng. Cứ theo đuổi đam mê, rồi thành công sẽ theo đuổi bạn. Đây là phiên bản dịch “dịu dàng” của một câu tiếng Anh mà mình thích: “Follow your passion. Money will follow you”.

Và vì ngành công nghiệp sáng tạo luôn rộng cửa chào đón những tân binh có hoài bão, vậy nên đừng sợ bất kỳ điều gì, hãy thử sức, làm hết mình để sau này không phải hối tiếc vì sự rụt rè trong quá khứ. Phong cũng từng chọn sai ngành, cũng bắt đầu lại từ vạch xuất phát, điều đó khiến Phong nhận ra mình không còn nhiều thời gian để lơ là nữa, đã đến lúc phải nghiêm túc hơn, quyết tâm hơn để thực hiện hóa những dự định còn dang dở rồi. Nếu ai đó đang đọc bài phỏng vấn này, hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ phần nào tiếp thêm động lực để mạnh dạn tiến về phía trước.

Ở Như Phong, có một niềm tin lớn lao kể từ khi cậu bắt đầu hành trình tiến vào ngành công nghiệp sáng tạo – “địa hạt” dành cho những người trẻ muốn khám phá bản thân và định hình cái tôi cá tính. Phong tin vào tinh thần tích cực mà mình hướng đến, từ ngày mọi thứ chỉ mới nằm trong giấc mơ, để giờ đây, cậu đang tiến những bước chắc chắn trên đà biến giấc mơ ấy thành hiện thực. 

Nhìn lại hành trình truyền cảm hứng dài bất tận, Arena Multimedia đã giới thiệu không ít những nhân vật tìm thấy tình yêu với ngành Mỹ thuật Đa phương tiện sau rất nhiều lần lạc hướng. Thế nhưng, Nguyễn Như Phong lại kể một câu chuyện rất khác. Đó không chỉ là câu chuyện về một cá nhân thành công, về các giải thưởng lớn, về bao sản phẩm đồ án nổi bật, mà còn là câu chuyện về tư duy hiện đại và sự đột phá của một lớp học viên trẻ tại cộng đồng sáng tạo này. Cách Như Phong tìm kiếm câu trả lời cho giấc mơ của mình, mang tới những thông điệp giá trị và luôn tìm tòi hoàn thiện bản thân – Chính là câu chuyện mang đầy hơi thở của thế hệ Arenaites mới – một thế hệ đang nỗ lực tạo ra chỗ đứng cho riêng mình. Gần hai thập kỷ trôi qua, Arena Multimedia gắn liền với những tên tuổi được săn đón hàng đầu làng sáng tạo Việt. Đó là Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh, Đạo diễn Trần Đức Viễn, Content Creator Nguyễn Sơn Tùng, Art Director Nguyễn Minh Nhật, Biên kịch Minh Châu, Creative Director Võ Hoàng Hiếu, Film Editor Duy Joseph, Stylist Trần Đạt, Đạo diễn Cao Phi, Animation Director Trần Thanh Tuấn, v.v… Có chăng, đã tới lúc lịch sử của cộng đồng này được viết tiếp, với những cái tên mới? Họ trẻ nhưng không hề non nớt mà tràn đầy nhiệt huyết cùng sự cứng cỏi. Và ắt hẳn, họ đã sẵn sàng để trở thành những người kế nhiệm tiếp theo trên hành trình phát triển của Arena Multimedia.

Cảm ơn Như Phong về buổi trò chuyện này và chúc bạn hoàn thành được mọi ước mơ của mình. 

Phỏng vấn: BM Đinh Trí Dũng

Bài viết & Video: PR Team

Thiết kế: Như Phong