Là phần tiếp theo sau sự kiện “Sẽ ra sao nếu thế giới không có thiết kế?”, Talkshow “Nghề Thiết kế có cần Sáng tạo?” do Arena Multimedia tổ chức vào ngày 21/4 vừa qua đã mang đến cho các bạn trẻ những góc nhìn chân thực về lĩnh vực thiết kế cùng cơ hội phát triển trong môi trường năng động này.
Đi tìm công thức chung của Sáng tạo trong Thiết kế
Trong khán phòng chật kín các bạn trẻ có niềm yêu thích đặc biệt đối với lĩnh vực thiết kế, diễn giả Trần Quốc Lợi đã bắt đầu cuộc nói chuyện của mình bằng những chia sẻ gần gũi và sinh động. Đứng trên cương vị là một giảng viên với nhiều năm đồng hành cùng học sinh trên con đường phát triển sự nghiệp, hơn ai hết, anh hiểu rõ rào cản mà họ thường xuyên gặp phải trong quá trình sáng tạo tác phẩm
Hai vị diễn giả tại buổi Talkshow: Thầy Trần Quốc Lợi và Designer Trần Chí Linh.
Anh cũng đưa đến buổi Talkshow công thức sáng tạo mà “thầy giáo vạn năng” của Arena Multimedia luôn áp dụng trong mỗi tiết dạy để giúp học trò tìm thấy cảm hứng và phong cách cá nhân. Với suy nghĩ: “Sáng tạo là hành động kết nối mọi thứ một cách bất ngờ”, anh cho rằng khi muốn học về sáng tạo thì điều đầu tiên cần rèn luyện chính là quan sát. Quan sát để hiểu, để cảm nhận lẫn tìm phương pháp để thiết kế, cân bằng dòng chảy thị giác tương phản. Từ đó đặt ra giả thuyết: Liệu nó có ứng dụng vào thực tế được hay không? Rồi cuối cùng vạch từng bước thực hiện cụ thể chứ không dựa vào bản năng.
Còn nữa, muốn thăng hoa với một bản thiết kế cần cả cảm hứng lẫn kỷ luật. Kỷ luật là suy nghĩ đến mức ám ảnh về điều chúng ta cần sáng tạo. Cảm hứng như một khối thuốc nổ nhỏ tạo ra sự phun trào của núi lửa ý tưởng. Chúng song hành cùng nhau, bù trừ cho nhau nhưng không bao giờ loại trừ lẫn nhau.
Khán phòng rất đông các bạn trẻ đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau
Tiếp nối câu chuyện, diễn giả Trần Quốc Lợi có đề cập tới một khía cạnh mà rất nhiều các bạn trẻ theo nghề thiết kế ngày nay đang gặp phải: Sáng tạo đi quá giới hạn. Dù không thể phủ nhận được tầm quan trọng hàng đầu của sáng tạo trong ngành Mỹ thuật Đa phương tiện, tuy nhiên đôi khi Designer lại quên mất trọng trách cao cả mình đang gánh trên vai, rằng phải kết hợp hài hòa giữa yếu tố bán hàng kinh doanh và nghệ thuật thẩm mỹ. Anh có quyền sáng tạo, nhưng đừng để “over”, đó chính là sự khác biệt rõ ràng nhất giữa Designer và Nghệ sĩ. “Sáng tạo bằng cách kết hợp những thứ khác nhau để trở nên khác biệt chứ không phải nghĩ ra những thứ chưa từng có”. – Diễn giả Trần Quốc Lợi chia sẻ.
Sáng tạo là hành trình khám phá và đổi mới bản thân
Xuất hiện trong tư cách là vị khách mời thứ 2 của buổi Talkshow, Chí Linh khiến không ít khán giả tò mò về hành trình theo đuổi công việc thiết kế khi vẫn đang còn theo học tại Arena Multimedia.
Con đường “chạm” ngành, theo nghề của Trần Chí Linh không trải đầy hoa hồng, bởi để nhận được sự tín nhiệm từ khách hàng như ngày hôm nay, anh đã vấp ngã không ít lần: “Thời gian đầu học ở Arena Multimedia, mình xin được công việc thiết kế cho một bên giao hàng tiết kiệm nhưng sớm bị đuổi vì thiếu kỹ năng. Sau đấy, mình lại tiếp tục thử sức thiết kế áo đồng phục tuy nhiên vẫn chẳng đâu vào đâu.” Những thất bại cứ nối tiếp nhau khiến Chí Linh chùng bước và khiến cậu bạn lúc ấy chỉ vừa bước sang tuổi 20 luôn tự hỏi: “Tại sao mình cứ thất bại hoài vậy?”. Linh thừa nhận: “Mình thất bại vì học chưa đủ, vì mình cứ tập trung làm tròn việc mà quên mất yếu tố sáng tạo để khẳng định được cái tôi trong mỗi sản phẩm thiết kế”.
Rất nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi cho Trần Chí Linh về cách cân bằng giữa công việc và học tập.
Quan điểm sáng tạo của Chí Linh rất thực tế: Mọi thứ đều phải bắt đầu bằng việc hiểu khách hàng muốn gì và cần gì để tìm ra phương án tối ưu nhất. Trong một lĩnh vực luôn đòi hỏi cái mới như Mỹ thuật Đa phương tiện thì người thắng thế là người vừa biết cân bằng nghệ thuật lẫn lợi ích cho khách hàng chứ không phải chăm chăm đặt cái tôi cá nhân lên hàng đầu. Cùng lúc đảm nhận rất nhiều công việc, Chí Linh chia sẻ: “Thật khó khi buổi sáng học thiết kế in ấn, buổi chiều lại làm kỹ xảo phim. Mình đã từng rất khủng hoảng khi không biết phải sắp xếp mọi thứ như thế nào cho hợp lý. Tuy nhiên sau một thời gian, mình nhận ra chúng đều được nối với nhau bằng một sợi dây liên kết, ví dụ như web và graphic design hay phim và game, chỉ cần chúng ta tìm ra điểm giống nhau thì sẽ dễ hoàn thành”.
Cộng thêm những tương tác sôi nổi với khán giả trong buổi Talkshow, câu hỏi “Nghề Thiết kế có cần Sáng tạo?” tưởng chừng quá rõ ràng lại trở thành một ẩn số thú vị. Những chia sẻ của thầy Trần Quốc Lợi hay câu chuyện của Trần Chí Linh chỉ là một lát cắt nhỏ trong thế giới muôn hình vạn trạng của ngành công nghiệp năng động – nơi đang chờ những nhân tố mới đột phá hơn, phá cách hơn.
Buổi Talkshow để lại dư âm tốt đẹp đối với khán giả.
Giang Hoàng