Họa sĩ Trần Lưu Tuấn đánh giá đồ họa máy tính là một công cụ mới cho các họa sĩ để phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật. Nhờ đó, chính họ có thể làm được nhiều điều mà chỉ với cây bút vẽ thông thường thì rất khó thể hiện thành công.
Không hẹn mà nên, cùng một lúc, họ trình làng những tác phẩm: Nhân bản vô tính (Ngô Bá Hoàng), Làng quê yên ả, Khát vọng tự do (Phạm Bình Chương), Cổ tích hạt gạo (Trần Lưu Tuấn)… Trong cuộc triển lãm nghệ thuật thị giác tại viện Goethe Hà Nội. Tuy từng chi tiết đều tươi nguyên như đời thật nhưng gọi đó là “ảnh” sẽ không còn đúng nữa. Mỗi bức ảnh đã được tái tạo lại cấu trúc nhờ các phần mềm xử lý (chủ yếu là Photoshop).
Phạm Bình Chương, một họa sĩ tham gia triển lãm, nói. “Điều anh tâm đắc trong bức họa Khát vọng tự do là hình ảnh những con cá vàng thoát khỏi không gian chật chội của chiếc túi nylon của người bán cá rong trên đường phố, để tự do bơi ngay giữa không khí. Bức họa Làng quê yên ả khởi đầu từ tấm ảnh đẹp chụp lại một cây rơm đầu hồi nhà. Ý tưởng về một làng quê yên tĩnh, ghìm nén trong đợi chờ và hy vọng đã xui khiến tác giả dựng nên cấu trúc thật kỳ lạ. Độ trong trẻo của mặt nước và những khối hình hư ảo của các cây rơm vào lúc bình minh kia chỉ có thể tạo được nhờ kỹ thuật vi tính.”
Trong một khuôn khổ khá hạn chế do còn chưa được sự hưởng ứng và đón nhận thực sự của chính giới, cuộc triển lãm chỉ quy tụ được bảy họa sĩ: Phạm Bình Chương, Ngô Bá Hoàng, Nguyễn Quang Huy, Lê Quý Tông, Nguyên Yên Trang, Ngô Đức Trí và Trần Lưu Tuấn.
Họa sĩ Trần Lưu Tuấn đánh giá công nghệ thông tin là một công cụ mới cho các họa sĩ để phát huy khả năng sáng tạo nghệ thuật và nhờ đó, chính họ có thê làm được nhiều điều mà chỉ với cây bút vẽ thông thường thì rất khó thể hiện thành công.
Họa sĩ Yên Trang hiện đang công tác tại báo Hà Nội Mới cho biết, sau khi tốt nghiệp khoa đồ họa trường đại học mỹ thuật Hà Nội, do yêu cầu công việc, chị mới bắt đầu làm quen với máy vi tính và may mắn được tham gia ngay vào cuộc triển lãm này. Nhiều ý kiến khác cũng tỏ ra lấy làm tiếc là đến giờ, các chương trình về đồ họa vi tính vẫn chưa được đưa vào giảng dạy chính thức tại nhiều trường đại học và cao đẳng thuộc khối nghệ thuật.
Theo họa sĩ Trần Lương – phó giám đốc trung tâm mỹ thuật đương đại hội mỹ thuật Việt Nam, ngày nay ở các nước công nghiệp phát triển, việc các họa sĩ làm việc trên máy vi tính là chuyện hết sức bình thường và rất nhiều người đã dùng máy tính cho 80% những công việc của họ.
Tuy nhiên theo ông, máy vi tính và các phần mềm đồ họa chỉ là công cụ trợ giúp sáng tạo cho các họa sĩ. Còn nghệ thuật đích thực vẫn phải được thể hiện bằng đôi bàn tay và khối óc của người nghệ sĩ. Ông nhận định, nghệ thuật hiện nay, các nghệ sĩ không thể đứng ngoài sự phát triển và các thành tựu của khoa học kỹ thuật. Bản thân họ phải học hỏi kiến thức về khoa học công nghệ để làm chủ các công nghệ mới, phát huy được những sáng tạo nghệ thuật của mình.