Với doanh số hơn 500 triệu USD, gấp 10 lần so với những năm đầu thế kỷ, ngành phần mềm Việt Nam đã tiến được một bước tiến khá dài. Nhưng đó chỉ là so với vạch xuất phát. Nếu so với những mục tiêu lớn, chúng ta mới chỉ bước được những bước rất ngắn. Còn nếu so với thế giới, doanh số ngành phần mềm Việt vẫn thật… chưa thấm vào đâu. Thế nên, định vị vị trí của ngành “công nghiệp phần mềm Việt Nam” trên bản đồ IT thế giới gần như một việc… không tưởng.
Phần mềm Việt Nam bao năm vẫn… “tập đi”
Theo thống kê của Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam Vinasa, năm 2007, doanh thu công nghiệp và dịch vụ phần mềm của cả nước đạt 498 triệu USD, tăng 43% so với năm trước. Trong đó, doanh số xuất khẩu phần mềm và dịch vụ đạt 180 triệu.
Nếu so với những chỉ tiêu này chỉ cách đây vài năm thôi, chẳng hạn như năm 2000 (với 50 triệu USD), 2001 (60 triệu USD), 2002 (với trên 70 triệu USD), 2003 (hơn 100 triệu USD) (số liệu tổng kết của Vinasa)… thì con số 500 triệu USD này thực sự là một con số ấn tượng, thể hiện những bước nhảy vọt, thậm chí là “đại nhảy vọt” trong sản xuất và dịch vụ phần mềm của Việt Nam, dù rằng đây là sự hoàn thành chỉ tiêu của năm.. 2005 – chỉ tiêu của hai năm về trước.
Song đó là những con số, chỉ số mà chính chúng ta nhìn nhận về chúng ta, chính chúng ta đánh giá về chính mình. Còn với mặt bằng thế giới thì sao. Thử nhìn sang Ấn Độ, một trong những anh cả về phần mềm, doanh thu của Ấn Độ năm 2007 là 39 tỷ USD và chỉ riêng một công ty của Ấn Độ như Infosys thôi, cũng có doanh thu tới hơn 1 tỷ, gấp hơn 2 lần doanh thu của cả “ngành phần mềm” Việt Nam.
Còn nước láng giềng của chúng ta, Trung Quốc? Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong vòng hai năm từ 2001 đến 2003, số lượng các doanh nghiệp phần mềm nước này đã tăng từ 4000 lên 8000, và gần 1/4 số doanh nghiệp này có tổng doanh thu đạt mức 1,2 triệu USD/năm!
Công việc mà các kỹ sư phần mềm Việt Nam hiện nay đang đảm nhiệm cũng là một trong những công đoạn tốn nhiều công sức nhất nhưng mang lại ít giá trị nhất: gia công. Cũng giống như những “tá điền cày thuê trên cánh đồng công nghệ” (chữ dùng của ông Trương Đình Anh), các kỹ sư phần mềm của chúng ta hiện mới chỉ thực hiện các công việc lập trình, coding, test sản phẩm và gần đây là cung cấp phần mềm hỗ trợ mà không tham gia được vào những công đoạn cao cấp, có giá trị cao như công tác nghiên cứu phát triển hay thương mại hoá sản phẩm.
Không sai khi nói như ông Lê Anh Đức, giám đốc FPT Software châu Âu, “sau rất nhiều năm phát triển, hiện nay Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu tiên”, chủ yếu tham gia vào những công việc hàm lượng chất xám thấp và đương nhiên, giá trị kinh tế cũng không cao.
Vấn đề không phải người Việt thua về trí tuệ so với mặt bằng thế giới, cũng không phải chúng ta không có khát khao chinh phục công nghệ mới và khát khao khẳng định vị trí của mình. Thực tế phát triển của các công ty trong lĩnh vực này cho cho thấy, nội lực của ngành phần mềm Việt Nam khá mạnh, các doanh nghiệp đều rất quyết tâm và quan tâm đầu tư.
Không ít doanh nghiệp có quy mô hàng ngàn lập trình viên như FPT software, FCG Vietnam, TMA… trong đó tiêu biểu FPT software có khoảng 2.500 lập trình viên, một trong những doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhân lực lớn nhất Đông Nam Á.
Doanh thu của đơn vị này năm 2007 là hơn 1.800 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng gần 40% so với năm trước, lợi nhuận vượt 10 triệu USD, tăng gấp đôi so với năm 2006… Nhưng, lại là chữ nhưng, đó chỉ là những “ngôi sao” cô độc, không phải là bức tranh chung của ngành phần mềm Việt Nam. Ở mọi góc nhìn, vẫn chỉ có thể dùng từ, “ghi danh” chứ chưa thể định vị được vị trí của ngành phần mềm Việt trên bản đồ thế giới. Nguyên nhân do đâu?
Chỗ nào yếu? Nơi nào thiếu?
Điểm mạnh của ngành phần mềm Việt Nam, cũng giống như ở tất cả các ngành khác, đó là nhân lực giá rẻ, đó là môi trường ổn định, là những chính sách ưu tiên đầu tư… Nhưng những điểm mạnh đó không thể xoá đi khoảng cách khá lớn của chúng ta với những “điểm đến IT” khác của thế giới như Ấn Độ, Israel hay thậm chí Trung Quốc khi mà chúng ta còn có khá nhiều những điểm yếu khác, không hề nhỏ. Phần mềm là ngành công nghiệp của nhân sự, của con người.
Thế nhưng nhân sự của Việt Nam hiện nay lại đang rơi vào tình trạng vừa thiếu vừa yếu. Mỏng về nhân sự, đó là kết luận của rất nhiều chuyên gia CNTT về thực trạng của ngành phần mềm Việt Nam hiện nay. Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam hiện có khoảng 26.000 chuyên viên phần mềm, và chỉ tăng khoảng 20%/năm mặc dù mỗi năm có đến 40.000 học sinh vừa tốt nghiệp PTTH đặt chân vào các khoa CNTT tại các trường đại học và cao đẳng.
Đào tạo chính quy không đáp ứng nổi nhu cầu thực tế khi giáo trình quá xa rời thực tiễn đã khiến cho lượng sinh viên CNTT nói chung, nhân lực phần mềm nói riêng ra trường dù rất đông vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Không những thế, ngoài đại học FPT, và những cơ sở trung tâm tự phát của các doanh nghiệp, vẫn chưa hề có một cơ sở đào tạo tư thục nào quy mô đào tạo nhân lực dành riêng cho ngành phần mềm.
Chính vì sự mỏng manh về nhân sự này mà ngay cả khi gặp được những hợp đồng lớn, doanh nghiệp của ta cũng… không dám nhận vì e không đủ nhân sự thực hiện.
Số lượng đã vậy, chất lượng còn đáng bàn hơn khi mà hầu hết những gì cần nhất ở các kỹ sư phần mềm thì lại đang bị… yếu. Không chỉ là những kỹ năng mềm (softskills) phục vụ cho công việc đàm phán, quan hệ với đối tác, làm việc nhóm… chính khả năng ngoại ngữ, mà chủ yếu là tiếng Anh, đã khiến cho các đối tác luôn vấp phải những e ngại nhất định khi làm việc với các công ty phần mềm Việt Nam.
Không chỉ là rào cản ngôn ngữ gây khó khăn cho giao tiếp thông dụng, chính sự yếu kém trong tiếng Anh của các kỹ sư phần mềm Việt Nam đã làm cho các công ty nước ngoài có tâm lý… sợ các kỹ sư phần mềm của ta không có khả năng hiểu và nắm bắt được những vấn đề công nghệ phức tạp. Do đó giải pháp an toàn vẫn luôn là giao cho chúng ta những phần việc có hàm lượng chất xám thấp nhất.
Điểm yếu thứ ba, nằm ngoài ở khả năng nỗ lực của doanh nghiệp là hạ tầng. Dù đã có rất nhiều cải tiến so với một vài năm trước, nhưng hạ tầng của Việt Nam vẫn được đánh giá là còn kém phát triển. Hạ tầng viễn thông còn nhiều bất cập, giao thông đi lại còn chưa thực sự thuận tiện.
Không những thế hệ thống điện lại thiếu ổn định, đường cáp nối ra quốc tế còn “phập phù”… tất cả những lý do này phần nào đã cản trở các đơn hàng đổ về Việt Nam, cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam chưa thể trở thành điểm đến lý tưởng của các công ty đang có nhu cầu làm phần mềm.
Một điểm quan trọng không thể không nhắc đến đó là vấn đề an toàn thông tin và vấn đề sở hữu trí tuệ. Việt Nam lâu nay vẫn được coi là một “điểm đen” về sử dụng phần mềm lậu, về những lỗ hổng trong an toàn thông tin và chưa có được hướng khắc phục. Vì thế, với những đơn đặt hàng lớn, đòi hỏi tính bảo mật cao, sự thiếu an toàn chính là nguyên nhân đầu tiên khiến các đối tác nước ngoài loại Việt Nam và các công ty phần mềm Việt Nam ra khỏi danh sách đặt hàng.
Từ “ghi” đến “khắc”…
Tất nhiên, không vì những con số thống kê được coi là mơ ước của nhiều ngành hay những con số tăng trưởng năm sau cao hơn 40% năm trước mà chúng ta có thể “lạc quan tếu”.
Và ngược lại, không phải vì hàng loạt những điểm yếu không khó để nhìn thấy và đã được “nói rồi, khổ lắm nói mãi” mà chúng ta phải “bi quan hoá” tình hình thực trạng của ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam thời gian tới. Chỉ ra điểm mạnh để chúng ta tự hào. Chỉ ra điểm yếu để chúng ta sớm khắc phục và tạo đột phá – đó là cách nhanh nhất để chúng ta có thể thoát khỏi việc ghi danh mờ nhạt mà “khắc” thành những dấu ấn, những điểm sáng mạnh mẽ của bản đồ IT thế giới.
Cũng từ một xuất phát điểm không hơn chúng ta, thường tự hào vì sở hữu một nguồn nhân công giá rẻ, Trung Quốc đã chuyển mình để làm chủ mình, làm chủ công nghệ để chủ động trở thành một điểm đến lý tưởng của thế giới, một “công xưởng của thế giới” với những trung tâm phần mềm nổi tiếng toàn cầu như Đại Liên, Thượng Hải và buộc Ấn Độ, một đại gia về gia công của thế giới phải chuyển hướng chiến lược để trở thành “văn phòng của thế giới”. Vậy Việt Nam – tại sao không?
Tìm hiểu thêm về các tin tức khác về Multimedia truy cập tại đây!
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGAY!