Cuộc “Trò chuyện Design” thân mật với nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông đã khái quát được toàn cảnh bức tranh về nghề thiết kế tại Việt Nam nói chung và sự khác biệt về thiết kế giữa ba miền nói riêng. Đây thật sự là những chia sẻ, những cảm nhận thú vị của người đi trước truyền lại cho người đi sau.
Qua cuộc trao đổi của Phóng viên (PV), nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh và nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông, ngành thiết kế đang trở thành ngành nghề trọng tâm của xã hội và là ngành được khá nhiều bạn trẻ theo đuổi.
Cuộc “Trò chuyện Design” thân mật với nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông đã khái quát được toàn cảnh bức tranh về ngành thiết kế tại Việt Nam nói chung và sự khác biệt về thiết kế giữa ba miền nói riêng. Đây thật sự là những chia sẻ, những cảm nhận thú vị của người đi trước truyền lại cho người đi sau.
Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi của PV, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh và nhà thiết kế Nguyễn Tri Phương Đông.
* Cảm nhận chung của anh về chuyến đi vừa qua?
Tôi thấy thú vị vì nghề của chúng tôi đang trở nên hấp dẫn các bạn trẻ, giống như nhiều người nghề, trong đó có tôi, hình dung. Cá nhân tôi cho rằng, trong năm năm tới, nghề design này sẽ sôi nổi và thực chất hơn nữa, vì làn sóng các designer du học trở về, vì áp lực của thị trường thiết kế tiếp thị, vì sự chen chân của các trường thiết kế nước ngoài, và hơn cả, vì một cuộc sống chất lượng cao hơn đang đòi hỏi.
Thêm điều nữa, với tôi và không ít bạn, việc kết nối qua blog ảo, đã có hiệu quả nghề nghiệp thực, bắt đầu từ việc chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Các cuộc ở Hà Nội, Huế và TP.HCM chính là gặp gỡ offline của design. Và hình như là đầu tiên ở số lượng này.
* Trở lại VN, anh nhận thấy điều gì mới mẻ từ nghề thiết kế, từ các nhà thiết kế trẻ? Có bất cập gì về văn hóa, hay nghề nghiệp so với thế giới hay không?
Đây là một câu hỏi to.
Sau một thời kỳ “nghiệp dư một cách chuyên nghiệp” (ý của đạo diễn Phạm Hoàng Nam, khi nói về điện ảnh), nghề thiết kế đã đến gần chuyên nghiệp hơn một mức qua việc đáp ứng nhu cầu khổng lồ của thị trường quảng cáo và tiếp thị lớn nhất nước – TP.HCM. Sau đợt sóng đầu của thời trang, giờ đây là lúc của đồ họa ấn phẩm và dịch vụ quảng cáo, và kế đó, là nội thất.
Đáng để ý, là người ta ít thấy được các sáng tạo có chất lượng, các cách tân nhà nghề hay là các khác biệt sinh động trong các sản phẩm thiết kế. Các thông điệp quảng cáo qua truyền thông cho thấy điều đó, mỗi ngày. Tư duy của các công ty quảng cáo nước ngoài tại đây đã được/bị địa phương hóa về chất. Không có nhiều hàm lượng trí tuệ ở lĩnh vực này, trong khi người giỏi kỹ năng nhiều hơn trước.
Thật mừng là chúng ta đang cùng chứng kiến cao điểm bùng phát nhất về nhu cầu designer từ trước đến nay tại Việt nam, nhất là tại TP. Hồ Chí Minh. Nếu lương khởi điểm của một Kiến trúc sư 3 triệu đồng, là không dễ, thì với designer, là không khó (dĩ nhiên, mọi chuyện, không chỉ là con số này).
Nhưng cũng thật đáng lo, về sự thiếu vắng cảm xúc trong các sản phẩm, tác phẩm thiết kế. Cái đẹp được tin cậy, đều là những tín hiệu yên bình, quen, và thuộc. Thỏa mãn được áp lực và tốc độ nhanh của thị trường là đáng mơ ước, nhưng áp lực ấy cũng đang chèn ép tìm tòi, làm cho sáng tạo thực chất trở nên phù phiếm, khó thể thích nghi với kích thước của thẩm mỹ fast food… Ý tưởng hay, rất dễ nhận ra, nhưng thế nào là một ý tưởng, câu trả lời chính tả này, không được hiểu đúng, nhất là lúc mới vào nghề.
Các nhà thiết kế trẻ tự tin thì đang làm thầy của chính mình, đa số bạn khác, thì lấy khách hàng làm thầy của họ, số còn lại thì đang vô hướng, vì họ có quá nhiều hướng?…
Về phương tiện kỹ thuật computer, chúng ta gần như thông thương. Về văn hóa nghề, một bộ phận những người trẻ còn thiếu, mà nhà trường cũng chả dạy. Đấy là chuyện hiểu được của tiến trình mà tôi tạm gọi là dậy thì sớm, trưởng thành muộn.
Một ý cuối, về sự bất cập mà anh hỏi: Đấy là nghề design của chúng tôi chưa có được sinh hoạt nghề nghiệp có tổ chức. Tham luận tôi gởi đến một hội nghị của Bộ văn hóa nhiều năm trước đây từng trình bày rõ ý này. Cuộc gặp gỡ với các blogger ở Hà Nội, rất được khích lệ, bởi sự có mặt của hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Vụ phó vụ mỹ thuật, Ban VHTT Trung ương Đảng. Nên chăng, đã đến lúc Hội mỹ thuật VN cần quan tâm về việc chưa làm được này của họ: tập hợp các nhà thiết kế và tổ chức hoạt động chuyên nghiệp?
Vì sao vậy? Theo hiểu biết của tôi, đến nay, trên thế giới, chỉ còn mươi nước là không có hiệp hội về design, riêng châu Á, chỉ có ta, cùng hai bạn Lào và Campuchia.
* Có gì khác biệt giữa các nhà thiết kế ba miền, tạm cho là như thế, hay không?
Một cách khái quát, designer phía Bắc làm cái gì cũng phải học, phía Nam, làm cái gì cũng phải làm, còn designer miền Trung, làm cái gì cũng cố mộng mơ. Theo dọc trục bắc trung nam, ấy là khí phách, khát vọng và năng động. Mạnh mẽ hơn xưa là cảm giác nổi bật nhất mà tôi có được về họ. Nhất là từ sinh viên design, mọi chuyên ngành.
* Cá tính và phong cách thể hiện mình đã được giới trẻ ngày càng quan tâm hơn trước. Theo anh, các bạn trẻ theo nghề suy nghĩ về thẩm mỹ, hay phong cách design thế nào? Qua gặp gỡ và trao đổi, anh thấy họ quan tâm nhất đến điều gì?
Họ quan tâm mọi thứ trong nghề design: phương pháp học, làm, nghiên cứu, giao dịch với khách hàng, chuẩn mực nghề nghiệp, lý luận phê bình, nghệ thuật chữ, và nhận định nghề nghiệp. Nhất là phương pháp và kỹ năng sáng tạo trong design, đủ hết, vì các bạn xuất thân từ đồ họa, nội thất, tạo dáng, thời trang, quảng cáo, v.v,…
Phong cách và thẩm mỹ, cũng là một câu hỏi to. Tựu trung, là một cơ thể design giờ đây đang dung nạp nhiều thứ, nhưng đang thiếu vắng lý luận cũng như tư duy phân tích, nên trông chờ chính vào “thử và sai” mà thôi. Ở cả ba miền, đều có một lớp sinh viên và designer trẻ thuộc loại “tiền phong”. Họ chịu online, chịu “cày”, mãnh liệt và gai góc đến cực đoan. Bỏ qua chừng 75% những thứ nhảm nhí và cay đắng trong tìm tòi của họ, thì 25% còn lại là xuất sắc. Tôi yêu họ. Và đang dõi theo những việc họ làm.
* Những người tham dự đa số là sinh viên, như thế, việc đào tạo design cũng được đề cập đến?
Đúng vậy! Việc ấy xin tóm lược các trao đổi thế này:
Các nhà đào tạo thiết kế vẫn tiếp tục ổn định theo truyền thống, nghĩa là rất cũ. Giáo trình khung của ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội từng cập nhật, nhưng cũng đã từ năm 1990. Giáo trình của các trường phía Nam là biến thể theo đó. Những gì tôi biết, đấy là không thấy có một nghiên cứu về sinh viên, về đầu vào, và đặc biệt, là thị trường thiết kế – đầu ra. Với một nghề hàm chứa nghệ thuật và tiếp thị, thẩm mỹ có yếu tố thời trang, những bất cập này vẫn đang tích tụ những ung thư của bất ổn hàng ngày.
Một ví dụ nhanh: đa số các sv design có kỹ năng computer và khai thác internet hơn hẳn các GV, và ngoại trừ các GV trẻ, nhiều thầy cô không có sản phẩm, tác phẩm, bài viết,… trên thị trường thiết kế.
Các sinh viên thiết kế quan tâm rộng, nhiều, nhanh, mạnh đến đủ thứ của design, đôi lúc đến độ mất bình tĩnh. Họ là những nhà design đời mới. Nhưng thiếu vắng những người thầy đời mới mà họ trông mong, những người có thể truyền đạt cái cảm, cái nghĩ, cái tinh, lý giải cái hay, phân tích cái cập nhật của nghề cho họ. Trong các ngôi trường thiết kế, các nhà đào tạo chậm nhận ra rằng các giá trị đang đổi thay nhanh hơn họ tưởng, và tương tác rõ với các tín hiệu design. Các sinh viên design đã khác xưa. Vì trước đó, phụ huynh của họ cũng đã khác xưa rồi!
Hiện tại, người ta đang chứng kiến các cuộc sàng lọc nghiệt ngã mà thú vị: kẻ giỏi, có thể giỏi hơn xưa, và ngược lại, người kém, thực sự vô hướng.
Khoa học và nghệ thuật là thành tựu của nhân loại mà chúng ta thừa hưởng và vận dụng cũng đã là việc vô cùng. Chúng ta kéo violon không thể như người phương Tây, và họ gẩy đàn bầu, hay hiểu “Bí mật vườn Lệ Chi” không thể bằng ta, việc ấy bàn bạc chả ứng dụng được gì; còn những người như Đặng Thái Sơn là đôi ba biệt lệ. Khi các nhà design hít thở khí trời với máu Việt luân chuyển trong tim thì đích thị Việt rồi, thêm việc vận dụng giỏi nguyên lý của tiền nhân (Tây, Ta, Tàu,…), thì có thua, thường khi chỉ là thua chính mình.
Với tôi, hiện đại bao nhiêu, thì dân tộc bấy nhiêu, và dân tộc bao nhiêu, thì hiện đại bấy nhiêu, cứ hồn nhiên mà mần design cho tới. Vấn đề trở nên giản dị: phương pháp, và mỹ cảm.
ĐĂNG KÝ TƯ VẤN NGAY!