Với sự chia sẻ của Đạo diễn Võ Thanh Hòa và Nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc của 89s Group, 3 buổi học Master Class: BÁN PHIM TRĂM TỶ diễn ra vào tháng 11 vừa qua đã thật sự mang đến những kiến thức và kinh nghiệm marketing phim quý giá cho các bạn trẻ tham dự. Cùng Arena Multimedia nhìn lại hành trình đã qua của lớp Master Class này nhé!
Ba buổi học bổ ích chính là chìa khóa giải mã cho “cơn đau đầu” của các nhà làm phim trẻ trong việc đưa đứa con tinh thần của mình đến với công chúng và làm thế nào để bán phim có lãi. Qua đó, các bạn tham dự đã được tìm hiểu kỹ hơn về chiến lược marketing – truyền thông cho tác phẩm điện ảnh, cũng như cách nghiên cứu thị trường, đối thủ cạnh tranh, tâm lý khán giả,… trước khi bắt tay vào sản xuất phim và đưa đến tay công chúng.
“Hãy làm ra một sản phẩm mà khán giả muốn mua”
Trong buổi đầu tiên của lớp học Master Class, Đạo diễn Võ Thanh Hòa đã điểm lại sơ lược về lịch sử điện ảnh Việt Nam từ sau năm 1975 đến nay, với những cột mốc đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của nền công nghiệp làm phim ở đất nước hình chữ S. Từ những bộ phim “mì ăn liền” ra mắt vào những năm 90 của thế kỷ trước, đến nay điện ảnh Việt Nam đã không ngừng phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng, từng bước khẳng định mình với những tác phẩm đình đám, có doanh thu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đạo diễn Võ Thanh Hòa thống kê: “Trong giai đoạn từ năm 2009 – 2019 (trước đại dịch Covid-19), số lượng phim Việt ra rạp đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ chỗ chỉ có 10 phim ra rạp/ năm như đầu thập niên 2000, đã lên đến 45 phim ra rạp/ năm. Số lượng rạp phim cũng theo đó mà nở rộ, từ 80 rạp tăng đến 200 rạp trên toàn quốc. Đó là một bước đại nhảy vọt của điện ảnh Việt Nam”.
Với những số liệu như vậy, Đạo diễn Võ Thanh Hòa khẳng định các bạn trẻ đang đứng trước cơ hội được tham gia vào một thị trường làm phim rộng lớn, đang khao khát nguồn nhân lực và có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn. Tuy nhiên đi kèm với đó là những thách thức không hề nhỏ về kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm của các bạn, để từng bước cho ra đời một sản phẩm điện ảnh chất lượng và đưa nó đến với công chúng. Trong đó, kiến thức về marketing – tức “bán phim” sao cho hiệu quả là một điều vô cùng quan trọng. Dẫn chứng về điều này, anh Hòa cho hay trong số hàng trăm phim điện ảnh ra rạp từ trước đến nay, chỉ có khoảng 20 phim Việt đạt cột mốc doanh thu trăm tỷ, dù khán giả Việt vẫn không ngừng ủng hộ phim ảnh nước nhà.
Nói vậy để thấy dù phim hay nhưng nếu marketing – truyền thông yếu thì không thể đảm bảo doanh thu tốt. Nam đạo diễn trăm tỷ khẳng định: “Phim ảnh cũng là một sản phẩm. Chúng ta không làm ra thứ mình thích mà phải làm ra thứ khán giả muốn mua. Bạn làm phim không chỉ để thỏa mãn đam mê hay cái tôi trong nghệ thuật của mình, mà phải có trách nhiệm với cả một ekip ở phía sau, cho gia đình và người thân của họ”.
Phân tích thị trường: Bước đầu tiên trong marketing phim
Sau khi giới thiệu tổng quan về nền điện ảnh nước nhà cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của marketing đối với doanh thu của một bộ phim, anh Võ Thanh Hòa đặt câu hỏi: vậy marketing – “bán phim” thế nào cho hiệu quả? Phân tích điều này, chị Mai Bảo Ngọc – Nhà sản xuất tại 89s Group giới thiệu qua về các công cụ phân tích thị trường – bước đầu tiên trong quy trình làm marketing cho một sản phẩm điện ảnh – đến các bạn tham dự. Theo đó, một vài công cụ có thể tham khảo như:
– Box Office: Trang tổng hợp dữ liệu doanh thu phòng vé từ các rạp chiếu phim trên toàn quốc, cập nhật theo ngày hoặc tuần, giúp các nhà sản xuất phim nắm rõ mức độ thành công của từng bộ phim, cả trong nước lẫn quốc tế.
– Social Listening Analytics: Cho phép theo dõi và phân tích xu hướng thảo luận trên các trang mạng xã hội tại Việt Nam. Công cụ này cho phép nhà làm phim theo dõi cảm xúc của khán giả về từng bộ phim, diễn viên hoặc sự kiện liên quan đến điện ảnh.
– Nền tảng đặt vé trực tuyến (MoMo, CGV, Lotte Cinema, Galaxy Cinema): Cung cấp dữ liệu giá trị về hành vi người tiêu dùng như lượng vé bán ra, thời gian mua vé, các phim được yêu thích và khung giờ xem phim cao điểm.
– Các website đánh giá phim: Cung cấp đánh giá và xếp hạng từ cộng đồng, có thể sử dụng để phân tích phản hồi của khán giả. Các nhà phát hành phim dựa vào đánh giá này để nắm bắt yếu tố khiến phim trở nên thu hút hoặc gây tranh cãi.
Chiến lược marketing trong điện ảnh: Đúng và trúng
Trong buổi thứ hai của chuỗi lớp học Master Class, Nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc đã tập trung hướng dẫn cho các bạn tham dự cách lên kế hoạch và triển khai chiến lược marketing chuẩn chỉnh cho một tác phẩm điện ảnh. Trước hết, chị Ngọc nhắc lại vai trò của marketing: “Đó là công việc mà mình giúp cho khán giả thấy bộ phim ấy có giá trị và xứng đáng để bỏ tiền ra rạp thưởng thức. Thay vì bỏ tiền uống một ly cà phê 80.000 VNĐ, khán giả sẽ muốn dùng số tiền ấy để mua vé ra rạp xem phim của bạn mà vẫn thấy hạnh phúc. Nói cách khác, marketing là bán hàng và bạn phải biết cách đưa sản phẩm của mình đến với người dùng theo một chiến lược bài bản”. Bên cạnh đó, việc tư duy marketing không chỉ tạo ra giá trị cho bộ phim, tăng nhận thức về thương hiệu và sự tin tưởng của khán giả mà còn tạo ra trải nghiệm tích cực cũng như thu hút khán giả hiệu quả hơn.
Để làm được những điều này, quá trình marketing cơ bản sẽ phải đi qua 6 giai đoạn song song với việc làm phim, bao gồm: phát triển dự án, tiền kỳ, quay phim, hậu kỳ, phát hành và sau phát hành. Trái với một số quan điểm cho rằng phải có sản phẩm mới marketing được, thực tế thì nhà làm phim đã bắt tay vào công đoạn quảng bá từ khi mới phát triển dự án và tiền kỳ, trong đó quan trọng nhất là phần nội dung phim, tức kịch bản. “Nếu kịch bản tốt và chắc chắn thì sẽ giúp phần tiền kỳ phim thuận lợi hơn và hạn chế những rủi ro, bất trắc trong quá trình quay phim sau này”, chị Ngọc phân tích. Bên cạnh đó, bộ phận marketing còn tham gia đóng góp ý kiến với biên kịch sao cho kịch bản đi theo hướng khác lạ và phù hợp với nhu cầu xem phim hiện tại của khán giả.
Trong khi quay phim, bộ phận marketing sẽ chịu trách nhiệm thu thập các chất liệu truyền thông như hình ảnh, video hậu trường (behind the scene – BTS), giúp khán giả thấy đoàn làm phim đã làm việc như thế nào để từ đó tạo câu chuyện bàn luận trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của khán giả khi ra mắt phim. Nói về điều này, chị Ngọc chia sẻ: “Thay vì ‘kể khổ’ về việc làm phim, hãy cho khán giả thấy cách mình làm phim như thế nào. Video BTS cũng sẽ là chất liệu tốt để truyền thông sau khi phim ra mắt”.
Đối với giai đoạn phát hành và sau phát hành, các công việc như tổ chức họp báo ra mắt phim, tổ chức showcase, cinetour hoặc đưa phim dự thi tại các liên hoan phim trong nước và quốc tế,… cũng nhằm mục đích marketing cho phim, tạo độ uy tín và thu hút lượng khán giả mới.
Các bước hình thành marketing plan
Sau khi đã giúp các bạn tham dự hiểu về quy trình, chị Mai Bảo Ngọc tiếp tục hướng dẫn mọi người các bước hình thành một marketing plan hoàn chỉnh. Cụ thể:
– Bước 1: Production Note (Ghi chú sản xuất). Trong bước này, bộ phận marketing sẽ phải truyền thông thông qua thông tin phim, thông tin đạo diễn, nhà sản xuất, công ty sản xuất, thông tin nhà phát hành, diễn viên và thời điểm phát hành.
– Bước 2: Movie Analysis (Phân tích phim). Đúng như tên gọi, trong bước này bạn sẽ phải xác định rõ khách hàng mục tiêu mà bộ phim muốn hướng đến là ai, unique selling point (ưu điểm bán hàng độc nhất) của mình là gì và phân tích điểm mạnh – điểm yếu của dàn diễn viên trong tay. Trong bước này, “bán phim” dựa trên thông tin của diễn viên là một trong những phương pháp phổ biến được nhiều nhà làm phim áp dụng. Theo đó, một bộ phim sở hữu một hoặc nhiều diễn viên tên tuổi, có thực lực sẽ thu hút được lượng người hâm mộ đông đảo ra rạp ủng hộ thần tượng, đồng thời là sự đảm bảo cho chất lượng của tác phẩm.
– Bước 3: Market Analysis (Phân tích thị trường). Để xác định chiến lược marketing “đúng và trúng”, chắc chắn không thể bỏ qua bước phân tích thị trường phát hành tại rạp, phân tích đối thủ và tính toán thời điểm phát hành sao cho hợp lý. Trong bước này, chị Ngọc nhấn mạnh: “Thời điểm phát hành phim vô cùng quan trọng, quyết định đến 90% sự thành công về doanh thu của bộ phim, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến số lượng suất chiếu. Do đó bạn phải tính toán khoảng thời gian ra mắt dựa trên tình hình thị trường, khán giả và các đối thủ cạnh tranh”.
– Bước 4: Marketing Strategy (Chiến lược Marketing). Trong bước này, nhà sản xuất sẽ tập trung truyền thông trên các phương tiện online và offline, truyền thông trên mạng xã hội, booking PR trên báo chí, KOLs,… đồng thời lập kế hoạch ứng phó với rủi ro khủng hoảng truyền thông nếu như có xảy ra.
– Bước 5: Event (Sự kiện). Những sự kiện offline như tổ chức casting diễn viên, showcase, premiere cinetour, school tour, concert, street tour,… đều là một phần quan trọng trong việc marketing cho phim. Tuy nhiên việc thực hiện các sự kiện này ra sao và quy mô như thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào ngân sách của nhà sản xuất và sẽ phải tính toán rất kỹ.
Bí quyết bán phim trăm tỷ: “Hãy sáng tạo không ngừng”
Trong quá trình hướng dẫn chi tiết về việc marketing cho phim, Đạo diễn Võ Thanh Hòa và Nhà sản xuất Mai Ngọc thường xuyên lấy dẫn chứng từ các bộ phim thành công để giúp các bạn tham dự dễ dàng hình dung kiến thức được học. Trong buổi học cuối cùng, để cụ thể hóa hơn nữa các ví dụ này, cả hai đã giới thiệu trực tiếp master plan (kế hoạch tổng thể) của dự án phim Linh Miêu: Quỷ Nhập Tràng do F35 Studio (công ty trực thuộc 89s Group) sản xuất – một bộ phim sẽ được ra mắt vào cuối tháng 11 năm nay. Thông qua đó, các bạn sẽ được lắng nghe những kinh nghiệm thực chiến trong quá trình làm phim Linh Miêu của anh Hòa và chị Ngọc, từ đó rút ra bài học cho riêng mình.
Đối với Linh Miêu, 89s Group xác định mục tiêu “vừa làm phim, vừa marketing”. Cụ thể khi chuẩn bị kế hoạch marketing, chị Mai Bảo Ngọc đã xác định những từ khóa chính để PR cho phim, trong đó big keyword (từ khóa chính) sẽ là “Bộ phim linh dị dân gian rùng rợn nhất”. Ở giai đoạn tung teaser, các từ khóa sẽ là phim “kinh dị tâm linh”, “cảm hứng lịch sử – văn hóa truyền thống” và “linh dị dân gian”. Đây là những từ vừa gợi sự tò mò, thu hút với khán giả, vừa thể hiện giá trị cốt lõi mà bộ phim mang đến. Sau khi tung trailer, các từ khóa sẽ khơi gợi thông tin cụ thể hơn như “tâm linh ám ảnh”, “quý tộc, sang trọng”, “các nghi lễ văn hóa”, “máu me rùng rợn” và “drama gia đấu”.
Về phần khách hàng mục tiêu (Target Audiences – TA), phim xác định đối tượng chính sẽ là các khán giả trong độ tuổi từ 18 – 28 tuổi, bởi đây là phim kinh dị nặng đô, không phù hợp với trẻ em. Bên cạnh đó, phim cũng hướng đến tệp khán giả là nữ trên 30 tuổi, người hâm mộ của dàn diễn viên trong phim và thể loại kinh dị, giật gân, người yêu văn hóa, lịch sử,…
Về selling points, phim xác định những điểm chính sẽ là: “Câu chuyện linh dị dân gian kinh dị”, nhằm gây tò mò về linh miêu, quỷ nhập tràng – quan niệm lưu truyền trong dân gian Việt Nam chưa được nhiều khán giả biết đến; “chất liệu văn hóa dân gian” nhằm khơi gợi tình yêu văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống với khán giả; “dàn diễn viên đa dạng, visual đẹp” để thu hút truyền thông, khơi gợi sự tò mò của khán giả,…
Trong những phần sau của buổi học, chị Mai Bảo Ngọc tập trung giới thiệu cho các bạn tham dự biết về social plan, booking plan hay PR plan sẽ cần những yêu cầu gì, mốc thời gian cần xác định ra sao,… khiến không khí lớp học sôi nổi, rộn ràng hơn vì những kiến thức này rất khó có thể được học ở các lớp học khác. Khi đã đi qua hết nội dung chi tiết của master plan, chị Ngọc không quên nhắc nhở mọi người: “Chiến lược marketing luôn thay đổi, thậm chí thay đổi qua từng năm. Bạn không thể “bê” nguyên xi một master plan của người khác về áp dụng cho phim mình và đòi hỏi thành công, điều ấy là không thể. Vì thế hãy luôn sáng tạo, chỉ bạn mới biết mình nên làm gì và phải làm gì cho khán giả”.
Tạm kết
Dù đã ít nhiều có kinh nghiệm làm phim trước đó song bạn Lê Công Bình – học viên Arena Hồ Văn Huê vẫn không giấu được sự ấn tượng trước những thông tin thú vị mà Đạo diễn Võ Thanh Hòa và chị Mai Bảo Ngọc chia sẻ. Bạn Bình bày tỏ: “Điều mình ấn tượng nhất là phần chia sẻ về quy trình làm việc của bộ phận Marketing trong một dự án điện ảnh. Qua ba buổi học, mình đã hiểu hơn về những tiêu chí mà khán giả cần ở một bộ phim và giá trị mà bộ phim mang đến”.
Kết thúc lớp học, Lê Công Bình cũng như các bạn tham dự khác không chỉ biết thêm về những kiến thức marketing phim bổ ích mà còn được học hỏi kinh nghiệm thực chiến, qua các ví dụ minh họa sống động của Đạo diễn Võ Thanh Hòa và Nhà sản xuất Mai Bảo Ngọc. Hy vọng qua lớp Master Class lần này, các bạn trẻ có đam mê làm phim đã thấy được tương lai của điện ảnh nước nhà, về cơ hội đầy rộng mở để có thể tự tin dấn thân và phát triển sự nghiệp của riêng mình.
Cảnh An
***
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Hồ Văn Huê
43R/12 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
* ARENA Lê Tuấn Mậu
136 Lê Tuấn Mậu (CV Phú Lâm), Q.6
Tel: 1800 2046
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
* ARENA Long Biên
564 Nguyễn Văn Cừ, Q. Long Biên
Tel: 1800 1542