Ngày 22.06 vừa qua, Workshop: Explore UI/UX đã được diễn ra với sự tham gia của khách mời là anh Đặng Ngọc Thanh – Creative Director @LG Vietnam cùng đông đảo các bạn trẻ đam mê ngành Sáng tạo.
Tại Workshop, thông qua phần chia sẻ của diễn giả cùng hoạt động trải nghiệm trực tiếp, các bạn trẻ đã phần nào hiểu thêm về nguyên lý nền tảng của UI/UX và cách để sử dụng phần mềm Figma. Bên cạnh đó, khách mời của chúng ta cũng bật mí những thú vị về công việc UI/UX Design đầy tiềm năng nhưng còn mới lạ với GenZ. Vậy UI/UX là gì mà khiến cho giới trẻ đổ xô kiếm tìm cơ hội trong thời gian gần đây? Làm thế nào để vượt qua gian khó trong chặng đường tiến đến tương lai? Cùng đọc bài viết dưới đây nhé.
“Có cứng mới đứng đầu gió” – Thành công nào cũng cần đối mặt với những khó khăn
Anh Thanh chia sẻ: “Trong khoảng thời gian anh đi du học, các thiết kế UI mới chỉ bắt đầu xuất hiện khi một số sản phẩm kỹ thuật số được ra đời. . Ngành nghề này lúc đó còn khá mới mẻ, chưa được phổ biến và nhiều người tiếp cận đến.” Đầu thập niên 2000, các khái niệm về “thiết kế giao diện” và “trải nghiệm người dùng” còn là những thuật ngữ lạ lẫm với cộng đồng do các yêu cầu của khách hàng về giao diện điện tử chưa khắt khe. Để vượt qua giai đoạn đầy khó khăn, anh Thanh đã phải động viên bản thân cố gắng tìm kiếm thêm tư liệu từ sách vở hay có sẵn từ Internet, hỏi han thầy cô và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Lấy những gian khó trở thành nguồn động lực, anh Thanh từng bước vượt qua những giới hạn của bản thân, kiên trì theo đuổi mục tiêu. Giờ đây, anh đã có những kiến thức dày dặn và kỹ năng vững chắc, truyền nhiều cảm hứng cho các bạn trẻ trong cương vị Creative Director @LG Vietnam và cũng là giảng viên Arena Multimedia học kỳ 2.
“Tắc” ý tưởng trong sáng tạo là điều thường xảy ra. Anh Thanh bày tỏ bản thân thường thư giãn, làm những điều đơn giản hàng ngày cho đầu óc được thoải mái. Điều đó giúp anh có tinh thần làm việc bền bỉ hơn và cải thiện tư duy sáng tạo. Bên cạnh đó, diễn giả cũng nêu lên quan điểm rằng; Đừng vội đánh giá ý tưởng này là tệ hay không hợp với tiêu chuẩn xã hội. Nếu không nghĩ ra những sáng kiến hoàn hảo, “được chấp nhận” thì cách làm là hãy cứ nghĩ, cứ viết những gì bạn muốn. Sau đó chắt lọc và phân tích để thấy rõ tiềm năng của những ý tưởng đó. Chỉ có vậy, bạn mới hình thành tư duy phản biện và logic, giúp bản thân dễ dàng thích nghi với sự thay đổi. Thực chất, không có công thức chung nào để tạo ra một ý tưởng hay bởi vì khả năng sáng tạo của mỗi người đều khác nhau. Tôn trọng màu sắc riêng mình, tin tưởng vào bản thân, và biết cách nhìn nhận toàn diện sẽ khiến bạn khai phá những điều thú vị chưa nghĩ tới.
Khi nhận được câu hỏi về điều gian nan nhất khi làm việc trong ngành, anh Thanh nhận định: “Một là cách nào để “đồng cảm với khách hàng”, hai là làm sao để khách hàng thành thật.” Với việc “đồng cảm với người tiêu dùng”, điều phức tạp nhất là không chỉ biết đến mà còn phải hiểu nhu cầu và tìm điểm chạm tới mong muốn sâu thẳm trong họ. Còn với việc khách hàng không “chia sẻ thành thật”, theo anh Thanh là điều khiến hầu hết chiến lược thiết kế Trải nghiệm người dùng thất bại bởi không xác định đúng nhu cầu. Khách hàng đôi khi không thoải mái chia sẻ những vấn đề, quan điểm, mong muốn hay cảm xúc mang tính cá nhân. Bởi vậy, việc nghiên cứu kỹ khách hàng và có nhiều ý tưởng nhằm khai thác những nhu cầu ẩn sâu bên trong là cần thiết và sẽ đầy thách thức cho thế hệ trẻ hiện nay trong ngành UI/UX.
Cũng tại buổi workshop, khi nhắc đến sự thay thế của AI trong ngành Sáng tạo, vị diễn giả của chúng ta khẳng định rằng: “Với ngành Sáng tạo như thiết kế, AI là một công cụ đắc lực giúp các Designer thực hiện các công việc lặp đi lặp lại, tối ưu chất lượng hình ảnh, cập nhật xu hướng thiết kế nhanh chóng, nâng cao hiệu quả công việc,… Tuy nhiên, không thể có chuyện AI hoàn toàn thay thế con người.” Cảm xúc và nhu cầu con người chỉ con người mới nằm bắt được; trí óc sáng tạo là thứ con người mới có. Việc thay thế bởi AI là điều không thể đoán trước nhưng nếu bản thân thường xuyên dựa dẫm vào trí tuệ nhân tạo, điều đầu tiên con người sẽ phải đón nhận đó là sự thui chột chất xám. Điều đó khiến bản thân trở nên lười biếng vận động về tư duy và làm mất đi khả năng sáng tạo.
Nắm bắt cơ hội, khai phá tiềm năng để thành công
Trong buổi workshop, anh Thanh nhận định về tiềm năng phát triển của ngành: “Công nghệ đang phát triển không ngừng đi kèm với điều đó là những nhu cầu mới và đánh giá khắt khe hơn của khách hàng là thời cơ cho UI/UX.” Tiến bộ công nghệ là nền tảng để thúc đẩy chất lượng cuộc sống đi lên, từ đó những nhu cầu mới xuất hiện dày đặc khiến các doanh nghiệp phải có chiến lược nghiên cứu để đáp ứng mong muốn khách hàng. Thực tế cũng chỉ ra rằng: Việc doanh nghiệp có một hệ thống trực tuyến vững chắc và đảm bảo tính ứng dụng cao, dễ hiểu, dễ dùng, hợp xu hướng là lợi thế lớn trong thời điểm cạnh tranh gay gắt hiện nay. Ngoài ra, cá nhân cũng có thể sử dụng kiến thức UI/UX để tạo cho mình giá trị riêng như website cá nhân, blog, app,… Với thời cơ đó, ngành UI/UX vươn lên như một ngôi sao sáng, mở ra con đường mới cho bạn trẻ sáng tạo với phong phú vị trí như UI/UX Designer, UX Writer, UX Researcher, Visual Designer,… Tuy nhiên, chất lượng nhân sự ngành còn hạn chế. Người trẻ cần phải xác định rõ định hướng, xem xét kỹ lưỡng sự tương thích với ngành để đưa ra kế hoạch học tập và rèn luyện kỹ năng hiệu quả.
Chia sẻ thêm với các bạn trẻ có định hướng nhưng còn đang mông lung với cách để bắt đầu trong chặng đường phát triển trong ngành UI/UX, anh Thanh cho rằng: “Để phát triển trong ngành Trải nghiệm người dùng, điều quan trọng và cơ bản đầu tiên là phải HỌC để hiểu. Sau đó, là phải thực hành nhiều, tìm tòi thêm. Đừng sợ sai và kiên trì rút ra kinh nghiệm từ những sai sót. Hãy tìm và học hỏi từ những người đã đi trước để rút ra kinh nghiệm. Tiếp theo đó, là phải học cách sử dụng thành thạo các công cụ hỗ trợ đắc lực như Figma, AI, Photoshop,… nhằm hỗ trợ cho công việc.”
Chương trình Graphic Design & Interactive Media (GDIM) – “Ngọn hải đăng” cho các bạn trẻ theo đuổi UI/UX Design
Với mục đích giúp các bạn trẻ GenZ xác định rõ được hướng đi cũng như tiếp thu các kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực Trải nghiệm người dùng, Arena Multimedia đã có những chia sẻ thêm về chương trình đào tạo mới mang tên Graphic Design & Interactive Media (GDIM). Trong đó, học kỳ 4 về phát triển sản phẩm kỹ thuật số sẽ trang bị đầy đủ các kiến thức về Thiết kế ý tưởng sản phẩm (Products Design Concepts), Nghiên cứu trải nghiệm người dùng (UX Research), Thiết kế trải nghiệm người dùng (UX Design), Thiết kế lưới (Wireframing), Thiết kế giao diện người dùng (UI Design), Mô phỏng thiết kế trải nghiệm (Prototyping), Thiết kế tương tác người dùng (Interactive Design). Với chương trình mới, Arena Multimedia tin rằng sẽ trang bị không chỉ những kiến thức lý thuyết mà còn là những trải nghiệm thực tế nhằm giúp các bạn tìm thấy hướng đi tốt nhất cho bản thân trong ngành nghề đầy tiềm năng này.
Lời kết
Khép lại Workshop, diễn giả bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới các bạn trẻ đã dành sự tập trung lắng nghe tới những chia sẻ bổ ích và thiết thực. Arena Multimedia tin rằng các bạn đã có cho mình những trải nghiệm mới mẻ giúp ích cho việc định hướng con đường tương lai. Đồng thời, Arena Multimedia xin gửi lời cảm ơn tới anh Đặng Ngọc Thanh đã mang tới kiến thức và kinh nghiệm quý giá tới các bạn trẻ đam mê Sáng tạo. Với tinh thần luôn sẵn sàng ươm mầm lên những nhân tố sáng giá trong ngành Mỹ thuật đa phương tiện, Arena Multimedia sẽ luôn đồng hành cùng các bạn trẻ trong chặng đường theo đuổi sự sáng tạo với những giá trị tốt đẹp.
Đình Minh