Trong phần cuối, Arena Multimedia sẽ bật mí 18 font chữ hiện đại và nổi bật còn lại trong danh sách 50 font chữ dành cho năm 2024. Đừng bỏ lỡ và hãy nhanh tay lưu lại những font chữ này ngay nhé!
33. GT Super của Grilli Type
Được thiết kế bởi nhà thiết kế font chữ Noël Leu (Grilli Type) với sự trợ giúp từ hai nhà thiết kế khác là Mirco Schiavone và Reto Moser, GT Super là thành quả của quá trình nghiên cứu chuyên sâu về các kiểu chữ serif hiển thị từ những năm 70, 80. Font chữ này giàu tính biểu cảm và mang phong cách độc đáo với đường nét mang đặc trưng của chuyển động thư pháp. Phông chữ này có sẵn 20 kiểu dáng, phù hợp với nhiều nhu cầu sử dụng.
Nguồn ảnh: Grilli Type
34. Argesta của Atipo Foundry
Argesta là một phông chữ serif tân cổ điển có độ tương phản cao, được lấy cảm hứng từ thế giới thời trang cao cấp. Đây là một lựa chọn lí tưởng cho những thiết kế dành cho các thương hiệu cao cấp, bố cục tạp chí hay bao bì sản phẩm sang trọng. Bộ chữ này bao gồm 9 kiểu dáng, từ Hairline đến Text, và bao gồm cả phong cách in nghiêng tương ứng.
Nguồn ảnh: Atipo Foundry
35. Migra của Pangram Pangram
Migra được lấy cảm hứng từ các đặc điểm của các loài chim di cư và được sáng tạo ra để tăng thêm sự lấp lánh và duyên dáng cho thiết kế của bạn. Nhà thiết kế Valerio Monopoli đã mang tới một font chữ với tỷ lệ thu gọn và kiểu dáng sắc nét. Phông chữ này có 16 kiểu, mỗi kiểu có 568 ký tự, bao gồm cả chữ in nghiêng.
Nguồn ảnh: Creativeboom
36. Blacker Pro của Zetafonts
Font chữ Blacker với cá tính độc đáo được sáng tạo ra với mục tiêu trở thành một kiểu chữ lí tưởng dành cho những ấn phẩm với thông điệp mạnh mẽ và các thương hiệu với “tính cách” tự tin, táo bạo. Phông chữ này là phiên bản chỉnh sửa và mở rộng của bộ font serif góc cạnh được thiết kế bởi Cosimo Lorenzo Pancini và Andrea Tartarelli năm 2017. Font chữ này sau đó được phát triển dựa trên thể loại “evil serif” với độ tương phản cao, tỷ lệ chân chữ vừa cổ điển, vừa hiện đại và kiểu dáng hình tam giác nhọn sắc nét giống như lưỡi dao. Trong phiên bản Pro, hai bộ font biến thể trên đã được thêm vào cùng với ba biến thể khác dành riêng cho tiêu đề bằng chữ in hoa.
Nguồn ảnh: Zetafonts
37. Mixta của Rodrigo Fuenzalida lấy cảm hứng từ Latinotype
Được thiết kế bởi Rodrigo Fuenzalida, Mixta được tạo ra dựa trên ý tưởng kết hợp các kiểu kết thúc nét chữ khác nhau để tạo ra một diện mạo độc đáo và duy nhất. Nó bao gồm nhiều phong cách đa dạng, chẳng hạn như Didone và các kiểu chữ đương đại, đồng thời bao gồm một bộ mở rộng gồm hơn 1.200 ký tự hỗ trợ hơn 200 ngôn ngữ sử dụng ký tự Latinh cũng như các ký tự Cyrillic.
Nguồn ảnh: YouWorkForThem
38. Span của Jamie Clarke Type
Span là một bộ font glyphic hiện đại với chân chữ uốn cong và kiểu dáng phong cách điêu khắc. Hoa lệ, phóng khoáng nhưng không kém phần trang nghiêm, nó được thiết kế chủ yếu cho các tiêu đề và tựa đề sang trọng. Sự nhấn nhá mạnh mẽ theo chiều dọc của phông chữ được làm dịu đi nhờ có những đường cong tinh tế, thanh lịch trong khi chiều cao nhỏ gọn của nó làm nổi bật lên kiểu dáng chân chữ sâu. Bộ font này cung cấp năm độ dày, mỗi độ dày đi kèm với ba độ rộng và kiểu chữ in nghiêng tương ứng.
Nguồn ảnh: Fontspring
39. Dashiell Fine của Signal Type Foundry
Dashiell Fine được thiết kế bởi nhà thiết kế font chữ Max Phillips. Với độ tương phản ấn tượng và những đường nét mảnh mai, Dashiell Fine hoạt động hiệu quả nhất ở kích thước lớn, tại đó, những nét serif sắc nét giống như lưỡi dao và kiểu dáng lấy cảm hứng từ phong cách Caslon mang lại cho thiết kế vẻ đẹp thanh lịch và sang trọng. Bộ chữ bao gồm 7 độ dày, bắt đầu từ kiểu Light mang đến cho thiết kế nét nhẹ nhàng, tinh tế, tới độ dày Black đem tới cảm giác cứng rắn, có phần ngạo mạn, “vênh váo”.
Nguồn ảnh: Adobe Fonts
40. SangBleu của Swiss Typefaces
SangBleu hiện nay là phiên bản thay thế cho kiểu chữ cùng tên đã ngừng sản xuất trước đó. Đây không phải là một bản cập nhật mà là một thiết kế hoàn toàn mới bao gồm năm bộ sưu tập đầy đủ tính năng (Empire, Kingdom, Republic, Versailles và Sunrise) được thống nhất bởi một tinh thần chung. Sự đa dạng kiểu dáng mang tới cho font chữ SangBleu mới sự linh hoạt, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Mỗi bộ chữ gồm có bốn hoặc năm độ dày khác nhau, tất cả đều đi kèm với chữ nghiêng phù hợp.
Nguồn ảnh: Pinterest
Font chữ hiển thị (Display)
41. Miniature của Off Type
Miniature kết hợp cấu trúc baroque chắc chắn với chiều cao cơ bản của một dòng chữ độc đáo. Tất cả các đặc điểm trên tạo nên một phông chữ hiển thị có phần nghiêm túc. Bộ font này là sự lựa chọn tuyệt vời cho các dự án xây dựng thương hiệu theo phong cách postmodern táo bạo, phi truyền thống, các dự án nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực biên tập và xuất bản hay các triển lãm văn hóa. Miniature đa dạng kiểu dáng từ Light đến Black, với năm độ dày mỏng khác nhau.
Nguồn ảnh: Off Type
42. Roast của Type Everything
Được thiết kế bởi Andrei Robu, Roast là một kiểu chữ thân thiện và gần gũi, mang đậm cảm giác vui tươi của mùa hè. Những nét “tính cách” như vậy khiến nó cuốn hút, bắt mắt hơn và trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho các dự án thiết kế bao bì, poster hay cả thiết kế nhận diện thương hiệu. Bộ chữ này gồm có chín kiểu dáng với độ dày khác nhau và có nhiều kiểu chữ biến thể.
Nguồn ảnh: Behance
43. Softie của OH no Type
Nếu bạn thấy ngay cả những kiểu chữ không chân hình học tròn trịa nhất cũng quá cứng nhắc, Ohno Softie chắc hẳn sẽ khiến bạn hài lòng. Font chữ này loại bỏ mọi dấu vết của những góc cạnh và nét thẳng. Các nét đầu cuối của Ohno Softie đều rất “soft” với đường nét tròn trịa từ trong ra ngoài, tạo nên một kiểu chữ mềm mại và đáng yêu. Bộ chữ này chắc chắn là sự lựa chọn tuyệt vời cho các dự án thiết kế hướng tới phong cách mơ mộng, ngây thơ và có phần trẻ con.
Nguồn ảnh: OH no Type
- Gnar của Future Fonts
Gnar là một kiểu chữ hiển thị dày và đậm. Kiểu dáng của font chữ này chịu ảnh hưởng nhiều từ các chữ cái in hoa trong các tác phẩm của những họa sĩ ký hiệu người Mỹ và các thiết kế đồ họa vô cùng ấn tượng cho lĩnh vực thể thao trong những năm 1990. Gnar sắp xếp chồng chéo các chữ cái một cách có chủ đích để tối đa hóa khả năng gây ấn tượng và tạo điểm nhấn thu hút sự chú ý trong các ấn phẩm.
Nguồn ảnh: Overlap Type
45. Kibitz bởi Colophon Foundry
Kibitz là một kiểu chữ hiển thị có chân với độ tương phản cao. Sự kết hợp giữa các chi tiết góc cạnh, cường điệu và các đường vát tinh tế tạo nên một thiết kế tinh xảo. Những chi tiết không cân đối không khiến kiểu chữ này trở nên “khó chịu” mà mang tới cảm giác thú vị, vui nhộn. Cùng lúc, việc kết hợp sử dụng những chân nét đậm bổ sung cảm giác hiện đại và máy móc cho font chữ này. Kibitz có sẵn trong năm độ dày chữ khác nhau, đáp ứng được nhiều nhu cầu sử dụng.
Nguồn ảnh: Creativeboom
46. Maelstrom bởi Klim Type Foundry
Maelstrom không phải là một font chữ bình thường và nó “hãnh diện” về điều đó. Kiểu chữ này sở hữu lối nhấn nét ngược với quy tắc thường, khoảng cách giữa các ký tự hẹp tạo thành các dải ánh sáng mỏng xuyên qua các khối màu đen. Sự kết hợp có phần “khó chịu” giữa chiều ngang dày, nặng nề và những đường chéo mảnh khảnh, tinh tế mang đến cho các ký tự cảm giác lung lay, mong manh như có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào. Đây là một font chữ độc đáo, hứa hẹn sẽ giúp các Designer tạo ra các ấn phẩm cuốn hút và phá cách trong năm 2024.
Nguồn: Best Awards
47. Blenny bởi Dalton Maag
Được thiết kế bởi Spike Spondike, Blenny là một phông chữ có hình dáng tròn trịa với những đường cong mềm mại, gợi cảm và mang đến cảm giác cổ điển. Font chữ này là một lựa chọn lí tưởng và hấp dẫn cho việc thiết kế nhận diện thương hiệu, thiết kế tiêu đề in đậm hay thiết kế bao bì sản phẩm. Blenny chỉ có một độ dày duy nhất, hỗ trợ hai hệ thống chữ viết: tiếng Latin và tiếng Thái.
Nguồn ảnh: Adobe Fonts
48. Offbit bởi Power Type
Xuất phát từ nỗi hoài niệm về những năm tháng đầu tiên sau khi Internet ra đời, OffBit là một font chữ được lấy cảm hứng từ các hình ảnh Bitmap với các biến thể khác nhau. Được thiết kế theo phong cách low-fi, font chữ này là một lựa chọn tuyệt vời cho bất kỳ dự án thiết kế nào liên quan đến công nghệ hay máy tính. Nó có thể ứng dụng trong thiết kế đồ họa, thiết kế poster hay các loại ấn phẩm truyền thông khác.
Nguồn ảnh: Pinterest
49. Brinca bởi In-House International
Brinca là một kiểu chữ hiển thị giàu khả năng biểu cảm và mang lại cảm giác vui tươi, đáng yêu. Bộ font Brinca mang tới nhiều phong cách chữ khác nhau – từ lò xo cuộn tròn đến phong cách “nhồi bông” hay kiểu chữ nhún nhảy. Sự đa dạng và dễ thương của kiểu chữ này khiến nó trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho việc thiết kế nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm, poster quảng cáo cũng như thiết kế bìa sách. Brinca bao gồm bảng chữ cái viết hoa và viết thường, số, dấu câu và dấu phụ Latin.
Nguồn ảnh: YouWorkForThem
50. Dala Prisma bởi Commercial Type
Dala Prisma là phiên bản “update” của kiểu chữ Dala Floda. Nó thay thế các hình dạng đặc của kiểu chữ trước đó bằng một loạt các sọc có độ rộng khác nhau. Điều này mang tới hiệu ứng quang học bắt mắt và cuốn hút cho font chữ. Sự khác biệt giữa độ dày và mảnh của font chữ này được thể hiện qua các đường sọc, số lượng đường sọc sẽ tăng lên khi các ký tự dày và đậm hơn. Sự mảnh mai của các đường sọc dẫn đến việc bộ chữ này chỉ hoạt động hiệu quả ở các kích thước hiển thị lớn.
Nguồn ảnh: Commercial Type
Kết lại
Trên đây là tổng hợp 50 font hiện đại và thời thượng Designer không nên bỏ lỡ năm 2024. Bài viết đã đem tới đa dạng các lựa chọn để các Designer thỏa sức sáng tạo và đem tới những sản phẩm đầy cá tính và ấn tượng. Đừng ngần ngại khám phá và áp dụng những font chữ này vào các thiết kế để bổ sung thêm nét mới mẻ và sáng tạo vào ấn phẩm. Arena Multimedia hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn tìm thấy những font chữ phù hợp và mang lại giá trị cho dự án của mình. Hãy tiếp tục đồng hành cùng chúng mình để tiếp tục cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích khác trong lĩnh vực thiết kế nhé!
Xem thêm:
Tổng hợp 50 font chữ hiện đại và thời thượng cho Designer năm 2024 (Phần 1)
Tổng hợp 50 font chữ hiện đại và thời thượng cho Designer năm 2024 (Phần 2)
Nguồn: Creativeboom
Anh Thư
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |