Xu hướng Typography không ngừng biến chuyển qua từng năm, buộc các Designer phải liên tục cập nhật để đáp ứng được thị hiếu. Và tất nhiên, 2024 cũng không phải ngoại lệ. Trong bài viết này, hãy cùng Arena Multimedia tìm hiểu các xu hướng thiết kế chữ nổi bật năm 2024 nhé!
Trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Typography là một trong những yếu tố quan trọng để tạo ấn tượng và thu hút người xem từ cái nhìn đầu tiên. Chỉ font chữ đẹp thôi là chưa đủ, một font chữ đẹp cần được sắp xếp phù hợp với hoàn cảnh, từ đó giúp nâng tầm thiết kế, mang đến sự chuyên nghiệp và bắt mắt. Trên hành trình chinh phục thị hiếu của khán giả – điều vốn thay đổi không ngừng, các Designer cần liên tục cập nhật thị trường và luôn trong tâm thế sẵn sàng đón đầu các xu hướng mới trong thiết kế, tất nhiên không thể bỏ qua yếu tố Typography.
Vậy, xu hướng thiết kế chữ năm 2024 là gì? Không để các bạn đợi lâu, 8 phong cách thiết kế chữ nổi bật nhất sẽ được bật mí ngay bây giờ!
1. Đa chiều (Multidimensional)
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của các phần mềm thiết kế 3D. Nhận ra xu hướng này, rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế đồ họa đã dự đoán rằng năm 2024 sẽ là thời điểm lý tưởng cho sự phát triển của kiểu chữ đa chiều.
Kiểu chữ 3D tạo ra chiều sâu và sự sống động cho các yếu tố văn bản, từ đó mang tới các thiết kế đẹp mắt, hiện đại và linh hoạt, phù hợp với nhiều phong cách khác nhau và khuyến khích sự sáng tạo trên diện rộng. “Dù được trải nghiệm qua các trang web tương tác hoặc các nền tảng thực tế tăng cường (AR), sự thú vị và hấp dẫn mà kiểu chữ đa chiều mang lại là không thể phủ nhận,” – Astrid Stavro, giám đốc sáng tạo, cố vấn thiết kế và chủ tịch của Hiệp hội các nhà thiết kế kiểu chữ quốc tế (ISTD) nhận xét.
Nguồn ảnh: Emojipedia
Một số dự án chữ viết 3D đáng chú ý hàng đầu bao gồm Fluent Emoji của Microsoft – một hệ thống biểu tượng cảm xúc 3D động, và bộ nhận diện của Brandpad dành cho bộ công cụ thiết kế thương hiệu Brand Activation Management (BAM). Những thiết kế này đã đem đến một cách tiếp cận mới lạ, làm tăng tính biểu cảm và cảm xúc trong việc giao tiếp qua các yếu tố văn bản.
Nguồn ảnh: Creativebloq
2. Sức hấp dẫn cổ điển (Antique appeal)
Trong những năm gần đây, những thiết kế chữ cổ điển đã từng chiếm ưu thế trong nhận diện thương hiệu hay quảng cáo của những năm 2010 đang lần nữa quay trở lại. Những kiểu chữ có phần máy móc, cứng nhắc đang dần được thay thế bằng chữ viết tay, chữ in độc đáo – những kiểu chữ được cho là mang lại cảm giác ấm áp, lung linh nhưng không kém phần sang trọng.
Stephen Coles, người đồng sáng lập trang đánh giá kiểu chữ Typographica và kho lưu trữ kiểu chữ Fonts In Use đã nhận xét: Thế giới thiết kế chữ đang trải qua một cuộc đổi mới. Các kiểu chữ hiện nay thường có những đường cong và trang trí tinh tế, tạo ra một cảm giác nghệ thuật và lôi cuốn.
Nguồn ảnh: Creativebloq
Các kiểu chữ này thường lấy cảm hứng từ quá khứ nhưng lại không phải là bản sao. Thay vào đó, chúng thể hiện sự tôn kính đối với các kiểu chữ cổ điển. Rất nhiều những kiểu chữ mới và thịnh hành hiện nay được lấy cảm hứng từ các thiết kế chữ từ cuối thế kỷ 19 đến thế kỷ 20.
Năm 2024 sẽ là thời điểm lí tưởng cho sự phát triển của xu hướng này khi các nhà thiết kế tiếp tục tìm kiếm cách kết hợp giữa cổ điển và hiện đại, tạo ra những kiểu chữ độc đáo mà vẫn giữ được vẻ trang trọng và tinh tế.
3. Ứng dụng kĩ thuật số trong chuyển động (The digital influence in motion)
Hiện nay, việc am hiểu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực đang ngày càng trở nên quan trọng. Thiết kế cũng không phải một ngoại lệ. Dina Benbrahim, người sáng lập của Hello Departures, nhấn mạnh về khả năng đáng kinh ngạc của trí tuệ nhân tạo trong việc tạo ra các tác phẩm thiết kế, từ logo đến chữ viết. Đồng thời, một câu hỏi lớn cũng được đặt ra: “Chúng ta cần làm gì để ứng dụng hiệu quả công nghệ này vào việc tối ưu quy trình sáng tạo?”
Mặc dù vẫn còn nhiều quan ngại vấn đề sử dụng trí tuệ nhân tạo trong thiết kế nhưng không có lý do gì để chúng ta quá lo lắng rằng AI sẽ thay thế hoàn toàn sự sáng tạo của con người. Mặt khác, vấn đề về đạo đức sẽ trở thành một thách thức lớn khi chúng ta tiếp tục phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực này.
Trên thực tế, trong lĩnh vực thiết kế chữ viết, ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù đã có một số thử nghiệm nhưng chưa có minh chứng rõ ràng nào cho thấy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong việc tạo ra chữ viết sẽ phổ biến trong năm 2024. Tuy nhiên, có một số dự đoán cho rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển của chữ viết động trong các định dạng như hoạt hình và video, đem tới những trải nghiệm độc đáo, bắt mắt cho khán giả.
Nguồn ảnh: Creativebloq
Các thiết kế chữ chuyển động đem đến cho chúng ta một cách tương tác mới với từ ngữ, chuyển động có khả năng truyền đạt cảm xúc một cách sinh động, biến một thông điệp cơ bản thành một câu chuyện hấp dẫn. Và, cho dù là qua các logo hoạt hình, các ký hiệu hay qua chữ viết động trong video, trên các trang web, với khả năng biến các yếu tố tĩnh thành màn trình diễn động, chữ động vẫn sẽ thu hút được sự chú ý từ đông đảo người xem.
4. Chữ viết tay
Trong thiết kế, chữ viết tay vẫn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng. Kiểu chữ giống như ghi chú sẽ tiếp tục tạo nên cơn sốt trong năm 2024. Những phông chữ nguệch ngoạc với những vòng lặp và đường nét hoa mỹ tương phản với sự hiện diện đã lâu của những phông chữ có chân không cầu kỳ.
Nguồn: Creativebloq
Ưu thế không thể phủ nhận của kiểu chữ viết tay chính là cảm xúc mà nó mang lại. Nó giống như những ghi chú viết tay, dễ dàng “đi vào lòng người” và mang đến cảm giác gần gũi. Nó gợi lên sự ấm áp, dễ thương nhưng cũng không kém phần quyến rũ, ngay cả khi nó được sử dụng trên các phương tiện truyền thông số.
Với vị thế nhất định trong lĩnh vực thiết kế chữ, năm 2024, kiểu chữ viết tay chắc chắn sẽ “on-trend” và tiếp tục nhận được sự ưu ái của khán giả.
5. Maximalist và những biến hóa đa dạng (Maximalist and variable)
“Càng nhiều càng tốt” là cụm từ miêu tả chính xác nhất về xu hướng này. Thay vì tập trung vào sự tối giản, gọn gàng, xu hướng mới này hướng tới những yếu tố phức tạp hơn, với phong cách trang trí táo bạo, mạnh mẽ, không đi theo “lẽ thường”. Các Designer đi theo phong cách này ưu tiên các chi tiết có sự tương phản rõ ràng, có nhiều biến đổi về đường nét và đôi khi bỏ qua yếu tố rõ ràng, dễ đọc.
Namrata Goyal, nhà thiết kế chữ và tư vấn kiểu chữ đến từ Ấn Độ, ủng hộ xu hướng này. Namrata chia sẻ: “Những người đam mê thiết kế chữ viết tìm kiếm cách tận dụng tối đa chữ viết mà họ mua. Họ muốn một bộ chữ có thể làm tất cả với nhiều phong cách – vượt ra khỏi những đặc điểm thông thường”.
Các nhà thiết kế kiểu chữ ngày càng ưa chuộng phong cách này, dù cho cũng có những ý kiến cho rằng kiểu chữ này hơi “thái quá” hay quá hào nhoáng. Song, với nguồn tài nguyên đa dạng cùng vô số sự hỗ trợ từ công nghệ, những người đam mê thiết kế chữ viết chẳng thể kiềm nổi mà tự mình khám phá.
Nguồn ảnh: Creativebloq
Ví dụ như kiểu chữ Purple Haze của Font Spectrum, kiểu chữ này cung cấp một loạt lựa chọn chữ viết táo bạo, độc đáo, nhưng đồng thời cũng bao gồm cả phiên bản “readable-regular” để đáp ứng nhu cầu của những người sử dụng một cách hiệu quả và linh hoạt.
6. Kiểu chữ Custom
Với sự gia tăng của quá trình tái định vị thương hiệu, vai trò của các kiểu chữ custom trong việc xác định và làm mới nhận diện thương hiệu ngày càng được coi trọng.
Sự độc đáo và tính cá nhân hóa của chữ viết custom trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh hoàn toàn có thể đem lại lợi thế nhất định cho các thương hiệu. Chữ viết custom không chỉ là một công cụ để truyền tải tính cách của thương hiệu mà còn đóng góp vào việc tăng độ nhận diện thương hiệu ngay lập tức thông qua các điểm chạm – trên các phương tiện truyền thông hay trên bao bì sản phẩm.
Nguồn ảnh: Creativebloq
Mặc dù chữ custom riêng cho thương hiệu không phải là một khái niệm mới nhưng chúng đang ngày càng phổ biến. Việc duy trì nhận diện thương hiệu và sự nhất quán trên các phương tiện truyền thông khác nhau trên quy mô toàn cầu là rất cần thiết.
Jonny Aldrich, đồng sáng lập, giám đốc điều hành của công ty thiết kế nhãn hiệu và bao bì Deuce Studio, cũng nhận thấy có sự gia tăng rõ rệt trong số lượng các khách hàng tìm kiếm một kiểu chữ độc đáo dành riêng cho họ: “Yêu cầu của các đơn vị lớn về kiểu chữ custom đã có sự gia tăng đáng kể.”
7. Kiểu chữ Pixel (Pixelated)
Chữ pixel hay chữ 8-bit ban đầu được tạo ra để phù hợp với màn hình có độ phân giải thấp, nó bóc tách hình dạng chữ xuống cơ bản để giúp người dùng dễ dàng đọc hiểu. Sau đó, nó trở thành kiểu chữ của các trò chơi arcade, điều này đã tạo ra một dấu ấn hoài niệm cho kiểu chữ này, đặc biệt là đối với thế hệ Millennial – thế hệ đã chứng kiến sự ra đời của Video Game.
Nguồn: Creativebloq
Hiện nay, những kiểu chữ này được nghiên cứu và thiết kế lại để phù hợp với các kích thước hiển thị mới. Với sự phát triển của màn hình độ phân giải cao, chữ pixel và chữ 8-bit bổ sung thêm sự tương phản và nét vui tươi vào các kiểu chữ.
8. Kiểu chữ phá cách (Unconventional)
Đây là một xu hướng mới đẩy mạnh tính tự do và sự sáng tạo bằng cách loại bỏ các yếu tố truyền thống và “thói quen cũ”. Những đặc điểm như không có quy tắc cụ thể, không đều nhau, khó đoán hay những đường nét đậm, mạnh mẽ,… đã làm nổi bật kiểu chữ trên các bối cảnh khác nhau, đặc biệt là trên các nền văn bản nhỏ và màn hình di động, nơi đòi hỏi sự dễ đọc và dễ nhận biết.
Ví dụ dưới đây có thể giúp bạn hình dung dễ dàng hơn về xu hướng này.
Nguồn ảnh: Creativebloq
Tổng thể, phong cách này thể hiện táo bạo trong nghệ thuật thiết kế chữ, đồng thời mở ra những cơ hội mới để thử nghiệm và khám phá trong ngành chữ viết.
Kết lại
Nắm bắt được những xu hướng thiết kế chữ viết trong năm 2024 không chỉ là cơ hội để tạo ra những trải nghiệm độc đáo và sáng tạo mà còn là thách thức để các Designer khám phá và phát triển. Với sự linh hoạt và sáng tạo, các Designer có thể tận dụng những xu hướng này để định hình và nâng cao chất lượng của các tác phẩm thiết kế chữ viết trong năm 2024 này.
Nguồn: Creativebloq
Anh Thư
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |